Logo

Mẫu bài thuyết trình về sống thử trước hôn nhân hay nhất

Có nên sống thử trước hôn nhân không? Lợi ích và hậu quả của sống thử trước hôn nhân của sinh viên là gì? Mời bạn tham khảo ngay các bài tiểu luận, thuyết trình sâu sắc nhất về chủ đề này.
5.0
2 lượt đánh giá

Nên hay không nên sống thử trước hôn nhân?...vv đang là những câu hỏi được nhiều bạn trẻ quan tâm hiện nay. Cụm từ sống thử trước hôn nhân bằng tiếng Anh là Cohabitation, có ý nghĩa dùng để chỉ một hiện tượng xã hội, theo đó các cặp đôi có tình cảm về sống chung với nhau như vợ chồng, nhưng chưa tổ chức hôn lễ cũng như đăng ký kết hôn. Các nguồn hàn lâm hơn (như nghiên cứu khoa học, luật pháp...) thì sử dụng cụm từ có khái niệm tương tự là Chung sống như vợ chồng phi hôn nhân.

Thực trạng sống thử trước hôn nhân trên thế giới và ở Việt Nam ngày càng thịnh hành và được nhiều bạn trẻ ủng hộ, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều quan điểm phản đối trào lưu này. Cùng tham khảo ngay các bài nghị luận về hiện tượng này để hiểu rõ lợi ích và tác hại của lối sống này nhé.

Suy nghĩ của em về hiện tượng sống thử của giới trẻ hiện nay

Sống thử trước hôn nhân không chỉ là một quan điểm mà đã trở thành lối sống của không ít bạn trẻ trong xã hội ngày nay. Chưa nói đến những hệ lụy nghiêm trọng do nó gây ra, lối sống này hoàn toàn đi ngược lại với văn hóa ứng xử và thuần phong mĩ tục của dân tộc ta.

Sống thử hay sống thử trước hôn nhân là các cặp nam nữ về sống chung với nhau như vợ chồng, mà không tổ chức hôn lễ cũng như đăng ký kết hôn hay được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Như vậy, về mặt pháp lí, lối sóng thử cửa các bạn trẻ hiện nay là hành vi phi pháp, có thể bị truy tố trước pháp luật.

Sống thử không phải là quan điểm nảy sinh ở nước ta, nó bắt nguồn từ các nước phương Tây và lan tỏa vào nước ta trong những năm gần đây do du nhập văn hóa và sự phát triển của công nghệ truyền thông. Giới trẻ việt Việt Nam trong thời đại mở cửa, ngoài một bộ phận tiến bộ, vượt lên trên những cái tầm thường thì một bộ phận khác dễ bị cám dỗ bởi những luồng văn hóa thấp kém, thiếu chuẩn mực. một trong số ấy chính là lối sống tự do, buông thả, tự do cá nhân, tự do tình dục.

Nhiều bạn trẻ dễ dãi, cho rằng quan hệ tình dục trước hôn nhân là bình thường. Họ suy nghĩ đơn giản rằng chỉ là “thử” thì sẽ không gây hậu quả gì. Thực tế, sống thử không những làm tổn thất tiền bạc, thân thể mà còn khiến cho niềm tin bị hao mòn ghê gớm. Tuổi trẻ chưa có tiềm lực kinh tế để

Một bộ phận khác lại tự bao che cho hành động sai lầm của mìn rằng cuộc sống hôn nhân là một việc nghiêm túc, cần phải tìm hiểu kĩ hơn, rõ hơn nữa đối phương để có những quyết định đúng đắn. Bởi thế họ cho rằng, sống thử, sống gần, sống thực sự như vợ chồng sẽ giúp họ có được nhận thức và quyết định đúng đắn ấy. Thế nhưng, ngược lại, cuộc sống chung ấy không những không giúp họ gắn kết được tình cảm mà làm nảy sinh những mâu thuẫn lớn. Cuối cùng, họ kết thúc mối quan hệ trong thất vọng.

Một nguyên nhân khác xuất phát từ gia đình. Do cha mẹ sống không hạnh phúc, cãi vã thường xuyên, hoặc ngoại tình “ông ăn chả, bà ăn nem” khiến cho con cái họ không muốn nghĩ đến hôn nhân; ngược lại, coi hôn nhân như một sự ràng buộc, cùm kẹp, hoặc chỉ như cơ hội để người ta lợi dụng nhau. Con cái thất vọng, thiếu niềm tin vào gia đình, từ đó nảy sinh quan điểm cần tìm hiểu, cần sống thử trước khi đi đến ràng buộc lâu dài bằng hôn nhân.

Lối sống thử gây ra những hệ quả khôn lường đối với các bạn trẻ. Trước hết, về mặt sức khỏe, do quan hệ tình dục trước hôn nhân, thiếu an toàn khiến sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, thậm chí là dễ mắc các bệnh lây lan qua đường tình dục. Chính sau sự đổ vỡ và thất vọng trong cuộc sống giả ấy, nhiều người trở nên buông thả, mất hết niềm tin vì không còn trinh tiết để giữ gìn nữa nên họ sẵn sàng quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều người khác.

Chính lối sống thử khiến các bạn trẻ suy nghĩ thiếu nghiêm túc đối với vấn đề hôn nhân và gia đình. Sự thủy chung trong tình yêu và hôn nhân bị xem thường. Trong khi đó, tâm lí tự do các nhân khiến các bạn trẻ dễ ngoại tình hay dễ dãi trong tình dục. Đạo đức con người bởi thế mà suy thoái nghiêm trọng.

Quan hệ tình dục thiếu an toàn trong sống thử đã khiến nhiều bạn trẻ có thai. Vì thiếu hiểu biết, chưa sẵn sàng làm mẹ, hoảng sợ và xấu hổ, nhiều bạn nữ đã phá thai khiến cho cơ thể bị suy yếu nghiêm trọng. Nhiều bạn không phá bỏ thai được, phải chấp nhận làm mẹ trong lúc cuộc sống chưa có gì chắc chắn. Thậm chí, nhiều trường hợp bị bạn trai bỏ rơi, phải một mình nuôi con trong tủi hờn.

Phải khẳng định rằng, tuổi trẻ không nên sống thử. Phải xem hôn nhân là một việc làm nghiêm túc và cuộc sống gia đình là hết sức thiêng liêng, cần phải thận trọng, chân thực và bền bỉ.

Tuổi trẻ không nên sống thử vì sống thử là lối sống phi văn hóa, phạm pháp, vô đạo đức, dễ bị lợi dụng, lạm dụng, chiếm đoạt hay hãm hại, dẫn tới những hậu quả không thể nào bù đắp được. Lối sống thử là con đường dẫn đến các hành vi sai trái, có thể bị truy tố trước pháp luật.

Không có gì phải thử trước nếu bạn đã biết rõ tất cả các giá trị có ở xung quanh bạn chỉ là tạm thời, có thể bị thay đổi do hoàn cảnh và con người. Đã thật lòng gắn kết thì không cần phải thử. Nếu có một niềm tin vững chắc, một sức mạnh để vượt qua, một nghị lực để chiến thắng thì không cần phải sống thử.

Hôn nhân là sự liên kết đặc biệt giữa người nam và người nữ trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, được pháp luật thừa nhận. Hôn nhân là kết quả của tình yêu chân chính hướng đến cuộc sống lâu dài, hoà hợp, hạnh phúc. trên nguyên tắc sống thử có nghĩa là kiểm tra các giá trị ấy có bền chặt hay không nhưng thực tế là lợi dụng tình dục một cách phi pháp. Thực tế đã chứng mình mối quan hệ tốt đẹp phải dựa trách nhiệm với bạn đời, sự hiểu biết và trao đổi lẫn nhau về mặt xã hội, đạo đức, trí tuệ và nhiều thứ khác chứ không chỉ là tình dục. Rõ ràng, việc sống thử gia tăng là mối đe dọa tiềm ẩn đối với chất lượng và tính ổn định của đời sống con cái trong các gia đình ngày nay.

Hạnh phúc gia đình được xây dựng đâu chỉ là sự gắn kết của hai các thể về mặt thể chất mà là sự gắn kết của hai tâm hồn biết yêu thương, đồng cảm, chia sẻ mọi khó khăn trong cuộc sống. Cuộc sống luôn đặt ra những khó khăn thách hức để con người vươn lên và chiến thắng. bởi thế, không việc gì phải thử, không việc gì phải đánh đổi bản thân để tìm kiếm những giá trị không trung thực, không đáng tin cậy trong lối sống thử hiện nay.

Nghị luận xã hội về sống thử

Cuộc sống ngày càng phát triển. Quan niệm sống của các bạn trẻ cũng ngày một tân tiến hơn, phóng khoáng và thoải mái hơn. Gần đây, có một vấn đề nóng đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều trong lối sống của các bạn trẻ. Đó là việc sống thử. Sống thử là khi hai người yêu nhau ở chung với nhau mà chưa cưới xin hoặc chưa được sự cho phép của gia đình. Trên thực tế, việc sống thử đang diễn ra rất nhiều. Vậy sống thử có tốt không? Mang lại lợi ích hay tác hại gì không? Và tại sao sống thử lại được nhiều bạn trẻ áp dụng đến vậy?

Được biết các bạn trẻ đặc biệt rất ưa chuộng lối sống thử. Có những bạn qua một thời gian ngắn tìm hiểu, hẹn hò đã dọn về ở chung. Các bạn quan niệm rằng trước khi đi đến hôn nhân cần có một khoảng thời gian chung sống để thời gian bên nhau nhiều hơn, như vậy mới có thể hiểu hết được về nhau. Hiểu nhau một cách cặn kẽ xem hợp nhau điểm gì, tương khắc nhau điểm gì, có thể cùng nhau đi đến hôn nhân hay không. Gọi là sống thử nhưng mọi sinh hoạt diễn ra đều là thật. Chung đũa chung bát, chung phòng, chung giường. Thực chất, “thử” ở đây chính là “thử” với pháp luật, với chính cuộc sống của mình. Sống với nhau nếu cảm thấy hợp nhau thì đi đến hôn nhân, ngược lại sẽ chia tay rồi tách nhau ra, cuộc sống thử kết thúc. Vì chưa kết hôn chính thức nên sự chia ly rất dễ dàng, chỉ cần không còn tình cảm hoặc cảm thấy không sống được với nhau nữa, đôi bạn trẻ chia tay nhau, mỗi người một nơi chứ hoàn toàn không bị ràng buộc gì, không phải làm thủ tục giấy tờ li hôn này nọ phức tạp.

Theo cách lý luận trên, có vẻ như việc sống thử rất hợp tình hợp lý và thuận tiện. Vì trên thực tế đã có không ít những cặp vợ chồng sau một khoảng thời gian chung sống đã xảy ra những mâu thuẫn khiến họ không thể chung sống được nữa, buộc phải ly hôn giải thoát cho nhau. Lúc đó phải nhờ đến pháp luật giải quyết rất phức tạp, một mặt khác phải báo cáo,, giải trình và gia đình hai họ nội, ngoại. Mọi thứ diễn ra không hề đơn giản như những cặp đôi yêu nhau sống thử không hợp thì chia tay là xong.

Thế nhưng đây chỉ là một khía cạnh rất nhỏ trong việc sống thử. Còn hệ lụy của nó hẳn là những người trong cuộc sẽ hiểu rõ hơn ai hết. Đặc biệt là con gái. Điều đầu tiên phải nhìn nhận một cách trực tiếp và thẳng thắn. Đó là trinh tiết. Một khi đã sống thử, chung phòng, chung giường chung chăn, chắc chắc chuyện trinh tiết của người con gái sẽ không còn. Điều này cũng không mấy quan trọng nữa trong xã hội hiện nay. Nhưng có một sự thật chắc chắn không ai có thể chối cãi được là người chồng sẽ vô cùng hạnh phúc và trân trọng vợ hơn hết khi đêm tân hôn thấy vợ mình vẫn còn trinh tiết và mình là người đầu tiên của cô ấy. Tất nhiên không thể dựa vào trinh tiết để làm căn cứ tôn trọng vợ mình, nhưng đây là sự thật mà ai cũng hiểu.

Thứ hai, khi ở chung như vậy, không có sự ràng buộc, cũng không có sự quản lý, giáo dục của bố mẹ, đôi bạn trẻ dễ sa vào cuộc sống buông thả, dễ sa ngã và có những tư tưởng lệch lạc về tình yêu, về hôn nhân gia đình và hạnh phúc bền lâu. Không ít bạn sinh viên đã phải bỏ dở việc học hành khi lỡ có thai. Nhưng phần lớn là các bạn sẽ chọn nạo phá thai, nhiều bạn đã phải nhận lấy trái đắng khi không còn khả năng làm mẹ nữa vì đã nạo phá thai quá nhiều lần. Về phía bạn nam sau khi chia tay là xong, không vướng bận gì. Nhưng cái kết không may cho một số bạn bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, dẫn đến vô sinh, thậm chí là mắc phải căn bệnh thế kỷ HIV AIDS.

Thứ ba, khi các bạn sinh viên sống thử, việc học hành ít nhiều sẽ bị sao nhãng, không mang lại kết quả tốt đẹp.

Như vậy, mặc dù việc sống thử mang nhiều hệ lụy hơn là lợi ích nhưng vẫn được rất nhiều các bạn trẻ áp dụng. Phần vì yêu nhau thực sự, phần vì muốn sống tự do yêu đương. Khi đó, lý luận của các bác bạn thường là ở cùng nhau để quan tâm nhau nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn và có cơ hội hiểu nhau hơn. Nhưng một khi tình tan vỡ, các bạn sẽ biện lý do nào cho những cuộc chia tay?

Cuộc sống sau hôn nhân khác xa với sống thử. Vì khi đã chính thức kết hôn, bạn gái không những chính thức trở thành một người vợ, mà còn là một người con dâu lo liệu gánh vác công việc nhà chồng, rồi khi có con, sẽ là một người mẹ ngày đêm chăm bẵm cho con. Lúc đó hai người sẽ phải tự làm việc kiếm tiền nuôi nhau. Cuộc sống sẽ bấp bênh, khó khăn hơn rất nhiều. Chi tiêu cái gì cũng phải so đo, tính toán chứ không thoải mái như thời còn yêu nhau nữa. Vì vậy, dù có sống thử với nhau cũng chưa thể thấu hiểu được hết cuộc sống hôn nhân gia đình.

Các bạn trẻ hãy suy nghĩ thật kỹ khi quyết định sống thử. Theo những phân tích ở trên thì các bạn hãy dừng những ý định sống thử lại. Lợi ích chưa thấy đâu nhưng tác hại ai cũng hiểu. Trong đó, phần lớn là các bạn nữ chịu thiệt thòi nhiều hơn. Các bạn đừng tự làm hại mình nhé. Hãy minh mẫn, thẳng thắn và cương quyết với chính bản thân mình. Tình yêu đích thực ắt sẽ đơm hoa kết trái. Có rất nhiều cách để tìm hiểu đối phương có tốt không, có tử tế không. Hãy nhìn nhận cả cách ứng xử của anh ta hoặc cô ta qua những mối quan hệ xung quanh họ chứ đừng chỉ nhìn một phía khi họ đối xử với mình. Vì khi yêu cái gì cũng ngọt ngào, cũng màu hồng. Chỉ khi xảy ra mâu thuẫn, hoặc gặp khó khăn mới hiểu được lòng nhau.

Trước khi xảy ra những điều đáng tiếc, các bạn trẻ hãy suy nghĩ và cân nhắc cho thật kỹ lưỡng. Hãy lựa chọn sao cho tương lai mình tốt đẹp nhất, đừng vì một giây phút nông nổi của tuổi trẻ mà nhận lại một kết quả không như mong muốn làm gia đình phiền lòng. Mà trên hết là bản thân mình sau này sẽ khổ khi vướng vào vòng xoáy của tội lỗi, của bệnh tật, của cơm áo gạo tiền gây ra.

Có nên sống thử trước hôn nhân không vì sao?

Trong những năm gần đây, ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, đã xuất hiện một lối sống mới của giới trẻ: Những đôi nam nữ sống chung như vợ chồng không có đăng ký kết hôn. Sau một thời gian, nếu thấy phù hợp thì họ tiến tới hôn nhân chính thức, sẽ đăng ký kết hôn theo pháp luật. Còn nếu thấy không phù hợp, họ sẽ chia tay nhau, không cần đến pháp luật. Người ta gọi đó là “sống thử”. Hiện tượng “sống thử” hay còn gọi là “góp gạo thổi cơm chung” đã và đang trở thành một thứ “mốt” trong lối sống của giới trẻ hiện nay, không chỉ trong giới công nhân sống xa nhà mà còn cả ở những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Theo thống kê của khoa xã hội học Đại học Mở TPHCM, năm 2010, có khoảng 1/3 các bạn trẻ sống thử trước hôn nhân: Lan, sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Nông Lâm TPHCM, cho biết: “Ở xóm trọ của em, gần một nửa các bạn sống thử trước hôn nhân”. Tôi được một bạn công nhân chia sẻ, dãy phòng trọ của em có 10 phòng thì có đến sáu phòng “góp gạo thổi cơm chung”.

Mặt khác, “sống thử” đa phần là học đòi theo mốt chứ chưa có định hướng tương lai là có lấy nhau hay không. Xét theo truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam thì “sống thử” là một lối sống không phù hợp, không nên khuyến khích, nó có tác động xấu đến đời sống và mang lại nhiều hậu quả đáng tiếc cho bản thân và xã hội. Đồng thời, “sống thử” khó được toàn xã hội chấp nhận, đó là lối sống sai lầm, buông thả, phóng túng, làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống, là một biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức trong lối sống thực dụng ngày nay.

Hơn nữa, “sống thử” còn là một trong những thực trạng của xã hội, nó đang có nguy cơ lan rộng như một “dịch bệnh”. Đối tượng được nói đến cách phổ biến, lại rơi vào các học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức, hay người trẻ vốn phải sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, khó khăn trong cuộc sống nhưng lại chưa đủ bản lĩnh để bươn trải vào đời. Chuyện “sống thử” trước khi quyết định tiến tới hôn nhân có thực sự là một giải pháp tốt để tiến tới một cuộc hôn nhân hoàn hảo hay nó chỉ là "cái bẫy của một quan niệm suy đồi trong lãnh vực hôn nhân"?

Đoạn văn 200 chữ bàn về hiện tượng sống thử của giới trẻ

Một trào lưu mới xuất hiện trong giới trẻ khiến dư luận rất quan tâm chính là việc “sống thử”. Nhiều ý kiến phản đối gay gắt nhưng cũng có không ít bạn tán đồng . Vậy sống thử có phải là cái nhìn “thoáng”về tình yêu của một bộ phận giới trẻ thời nay hay không? Có 1001 lý do các bạn đưa ra để biện minh cho việc sống thử, nhưng hậu quả thì chẳng mấy ai quan tâm cho đến khi nó xuất hiện. Hậu quả dễ thấy nhất là việc xuất hiện của những cái thai không mong muốn do thiếu hiểu biết về tình dục an toàn. Và nhiều “bà mẹ trẻ” đã chọn giải pháp đau lòng: phá thai. Những mầm sống bất hạnh ấy sẽ không có cơ hội phát triển thành người. Điều đó không chỉ là nỗi đau về thể xác mà sẽ là nỗi ám ảnh dai dẳng về tinh thần. Phải từ bỏ cái thai cứ lớn dần lên trong bụng là sự lựa chọn cuối cùng và là tất yếu của nhiều bạn gái trẻ đã vội “sống thử”, vội “cho” để minh chứng tình yêu. Hệ luỵ có thể chưa chấm dứt ở đó, nhiều bạn trẻ do nạo hút thai nhiều lần có thể mất đi khả năng được làm mẹ. Đó là cái giá quá đắt. Hơn nữa, kết cục của những mối tình “không biên giới” thường là những mâu thuẫn , rạn nứt không thể hàn gắn tạo điều kiện cho những nghi ngờ, sự khinh miệt lớn dần lên phá nát mối quan hệ tình cảm. Sau khi chia tay, các bạn thường rơi vào tâm trạng chán chường, tuyệt vọng, rất dễ có những suy nghĩ tiêu cực. Việc học hành của các bạn giờ đây như một chiếc xe không phanh đang xuống dốc. Ai cũng chỉ có một cuộc sống duy nhất, vậy thì tại sao chúng ta phải “thử” để rồi gánh chịu hậu quả. Hãy sống đẹp, sống bản lĩnh để cảm nhận được những vẻ đẹp của cuộc sống này dành cho chúng ta. Tình yêu đẹp phải được cả hai phía chung tay vun đắp từng ngày bằng những đồng cảm, những sẻ chia về quan niệm sống, cùng nhau vượt qua những khó khăn và thử thách của cuộc sống để tìm đến bến bờ hạnh phúc. Tình yêu đẹp không phải do tình dục đem lại mà nó xuất phát từ sự đồng cảm, sự hoà hợp của hai tâm hồn.

Câu hỏi về sống thử trước hôn nhân

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp của các bạn trẻ trước hiện tượng sống thử, mời các bạn cùng tham khảo những giải đáp chi tiết nhất.

Sống thử trước hôn nhân có tội không? 

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cấm hai người đã trưởng thành mà chưa có vợ, có chồng, chung sống cùng nhau và cư trú ở một nơi ở hợp pháp.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng có quy định về trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Sống thử trước hôn nhân không phải là hành vi bị cấm nếu cả hai bên nam nữ còn đang độc thân, không tồn tại quan hệ hôn nhân. Nếu hai người chỉ chung sống với nhau như vợ chồng mà không thực hiện đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

Lợi ích của việc sống thử trước hôn nhân

- Mối quan hệ của bạn có thể sẽ được gắn kết và bền chặt hơn

- Xoa dịu được những căng thẳng trước khi kết hôn

- Tiết kiệm được chi phí

Hậu quả của việc sống thử trước hôn nhân

- Không còn hào hứng sau kết hôn

- Rắc rối về mặt pháp lý

- Mọi người dèm pha

- Không được pháp luật bảo vệ quyền lợi như khi đã kết hôn

Nên và không nên sống thử trước hôn nhân khi nào?

Bạn chỉ nên sống thử khi:

  • Sống thử là sự mong muốn và tự nguyện của cả hai.
  • Cả hai đã có ý định kết hôn và muốn trải nghiệm cuộc sống cùng nhau để thấu hiểu, dung hòa tốt hơn.
  • Cả hai đã có điều kiện kinh tế ổn định.
  • Cả hai đã chuẩn bị về mặt tâm lý cho những sự “bất ngờ” sau khi về sống chung nhà.
  • Cả hai nên có những chia sẻ, tâm sự hoặc cần thiết hãy đưa ra những nguyên tắc cụ thể trước khi sống thử.
  • Trang bị đầy đủ các kiến thức về phòng chống việc mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Tuy nhiên, nếu bạn đang trong các trường hợp sau thì đừng vội đưa ra quyết định sống thử để không phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.

  • Chưa thực sự sẵn sàng để xây dựng một mối hệ lâu dài.
  • Sống thử chỉ vì nhu cầu tình dục.
  • Một trong hai hoặc cả hai đều đang là sinh viên và chưa có nguồn thu nhập ổn định.
  • Chưa thực sự hiểu rõ về các biện pháp phòng tránh mang thai và các bệnh lý tình dục.
  • Chưa chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tâm lý, không chị được những định kiến của xã hội.
  • Có sự cấm đoán và ngăn cản dữ dội từ phía gia đình.

Trên đây là nội dung các quan điểm về hiện tượng sống thử của sinh viên hay giới trẻ mà bạn có thể tham khảo là tư liệu sử dụng cho các bài nghị luận, thuyết trình của mình.

CLICK NGAY vào TẢI VỀ để download Mẫu bài thuyết trình, nghị luận về sống thử trước hôn nhân file word, pdf hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
5.0
2 lượt đánh giá
Có thể bạn quan tâm
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com