Logo

Bài văn mẫu Phân tích tác phẩm Uy-lít-xơ trở về lớp 10 chọn lọc nhất

Bài văn mẫu Phân tích tác phẩm Uy-lít-xơ trở về lớp 10 hay nhất là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em nâng cao khả năng viết văn để đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ Văn 10
5.0
1 lượt đánh giá

Top 4 bài văn mẫu Phân tích tác phẩm Uy-lít-xơ trở về Văn 10 tuyển chọn, hay nhất sẽ giúp các em học sinh đưa ra các lập luận, lý lẽ chính xác và ý nghĩa nhất để hoàn thành xuất sắc bài viết của mình.

Phân tích tác phẩm Uy-lít-xơ trở về Văn 10 hay nhất mẫu 1

Hô-me-rơ là một nghệ sĩ mù người Hi Lạp, ông được xem là người sáng tạo hai sử thi nổi tiếng của đất nước Hi Lạp là "Ô-đi-xê" và "I-li-át". "Ô-đi-xê" là tác phẩm sử thi dài 12110 câu với 24 khúc ca, là câu chuyện kể về chàng Uy-lít-xơ với hành trình trở về quê hương, đồng thời tác phẩm còn dựng lên bức tranh hào hùng của những người dân Hi Lạp trong công cuộc chinh phục tự nhiên, mở rộng đất đai. Đặc biệt, đoạn trích "Uy-lít-xơ trở về" - đoạn trích nằm ở khúc ca thứ 23 là một trong số những trích đoạn đặc sắc của tác phẩm. Đọc "Uy-lít-xơ trở về" giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn về khung cảnh đoàn tụ của hai vợ chồng Uy-lít-xơ sau hai mươi năm xa cách cũng như vẻ đẹp trí tuệ, tài năng của chàng.

Sau hai mươi năm trời đằng đẵng xa cách, trải qua biết bao nhiêu thử thách, Uy-lít-xơ cũng trở về với quê hương yêu dấu. Nhưng lúc trở về cũng chính là lúc chàng phải đối diện với hơn 108 kẻ quyền quý đến cầu hôn vợ của chàng - Pê-lê-nốt với mục đích chiếm đoạt tài sản, bằng trí thông minh, chàng cùng con trai đã đánh đuổi được chúng. Trong bộ dạng của một người hành khất, Uy-lít-xơ đã trở về ngôi nhà của mình, mọi người trong gia đình đều rất vui, song chỉ có Pê-lê-lốp vẫn còn những nghi ngờ.

Trước sự xuất hiện của Uy-lít-xơ, nhũ mẫu Ơ-ri-clê rất vui mừng và phấn khởi báo tin cho Pê-lê-lốp. Không dừng lại ở đó, nhũ mẫu còn đưa ra hàng loạt các bằng chứng để chứng minh, thuyết phục với Pê-lê-lốp rằng người hành khất ấy chính là Uy-lít-xơ. Nhũ mẫu Ơ-ri-clê đã thuyết phục Pê-lê-lốp bằng đặc điểm trên chính cơ thể của Uy-lít-xơ đó chính là vết sẹo do bị lợn lòi húc. Thậm chí, nhũ mẫu đã dùng cả tính mạng của mình để đánh cược với Pê-lê-lốp với hi vọng nàng chấp nhận đấy là Uy-lít-xơ: "Già đem tính mạng của mình để đánh cuộc với con: Nếu già lừa dối con thì con cứ đem giết già bằng cách nào tàn ác nhất".

Trước những lời nói của nhũ mẫu, Pê-lê-lốp nửa tin nửa ngờ, nhưng với bản tính của một người phụ nữ thông minh, nàng vẫn luôn cẩn trọng trong từng lời nói và suy nghĩ, nàng đã đáp lại nhũ mẫu một cách đầy cẩn trọng: "Dù có sáng suốt đến đâu cũng không hiểu được hết ý định của thần linh bất tử". Và để rồi, đến lúc xuống nhà gặp Uy-lít-xơ, trong lòng Pê-lê-lốp chất chứa bao nỗi niềm tâm trạng. Nếu như lúc chưa xuống gặp, nàng phân vân, do dự không biết nên làm như thế nào "Không biết nên đứng ra xa hỏi chuyện người chồng yêu quý của mình hay nên lại gần ôm lấy đầu, cầm lấy tay người mà hôn" thì lúc xuống nhà gặp Uy-lít-xơ, nàng "ngồi lặng thinh trên ghế hồi lâu, lòng sửng sốt, khi thì đăm đăm âu yếm nhìn chồng, khi lại không nhận ra chồng dưới bộ dạng rách mướp."

Trước thái độ của Pê-lê-lốp với Uy-lít-xơ, Tê-lê-mác với lòng khao khát cháy bỏng gia đình sớm được đoàn tụ đã trách móc mẹ của mình. Tê-lê-mác trách mẹ "tàn nhẫn và lòng mẹ độc ác quá chừng" và "lòng dạ cũng rắn hơn cả đá". Trước những lời trách móc của con, Pê-lê-nốp vẫn rất mực thận trọng đáp lại với con rằng: "Lòng mẹ kinh ngạc quá chừng, mẹ không sao nói được một lời, mẹ không thể hỏi han cũng không thể nhìn thẳng mặt người. Nếu quả thật đây chính là Uy-lít-xơ, bây giờ đã trở về, thì con có thể tin chắc rằng thế nào cha con và mẹ cũng sẽ nhận được ra nhau một cách dễ dàng". Lời nói của Pê-lê-nốp đối với con cũng chính là những gì mà Pê-lê-lốp muốn nói với Uy-lít-xơ, đồng thời, lời nói ấy cũng chính là sự hé mở cho thử thách mà Pê-lê-lốp muốn Uy-lít-xơ thực hiện.

Trước những lời nói của Pê-lê-lốp, Uy-lít-xơ có phần mặc cảm về bản thân mình nhưng đồng thời, qua lời nói của chàng với con cũng cho thấy chàng đồng ý chấp nhận thử thách của Pê-lê-lốp nhưng cũng có lời trách móc nàng "các thần trên núi Ô-lem-pơ ban cho nàng một trái tim sắt đá hơn ai hết trong đám đàn bà yếu đuối". Nói rồi, chàng bảo nhũ mẫu chuẩn bị cho chàng một cái giường để chàng nghỉ ngơi nhưng thực chất là để nói về cái giường - bí mật của hai vợ chồng chàng. Lúc đấy, Pê-lê-lốp sai nhũ mẫu khiêng giường ra cho Uy-lit-xơ, điều đó làm cho chàng hết sức ngạc nhiên. Và rồi, chàng đã kể lại tường tận, tỉ mỉ từng chi tiết, từng đặc điểm một của chiếc giường. Và lúc này đây, Pê-lê-lốp không còn bất cứ điều gì để phải nghi ngờ, phân vân, do dự nữa, nàng "chạy ngay lại, nước mắt chan hòa, ôm lấy cổ chồng". Có lẽ, đó chính là giây phút hạnh phúc nhất của tất cả mọi người trong gia đình - niềm hạnh phúc của sự đợi chờ, của sự mong ngóng trong suốt hai mươi năm dài đằng đẵng. Đặc biệt, lời nói của Pê-lê-lốp sau khi nhận ra chồng mình đã giúp người đọc cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp tâm hồn, tài trí, thông minh sắc sảo của nàng.

Tóm lại, đoạn trích "Uy-lít-xơ trở về" với việc sử dụng các chi tiết nghệ thuật cụ thể, cách kể chuyện chi tiết đã tái hiện thành công khung cảnh đoàn tụ hạnh phúc viên mãn của Uy-lít-xơ và Pê-nê-lốp sau hai mươi năm xa cách, đồng thời, qua đó cho thấy vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ của hai nhân vật.

Văn mẫu Phân tích tác phẩm Uy-lít-xơ trở về siêu hay mẫu 2

I-lit-át và Ô-đi-xê là hai sử thi nổi tiếng của Hi Lạp, vẫn thường được cho là Hô-me-rơ sáng tác. Tác phẩm đề cao, ngợi ca vẻ đẹp trí tuệ của con người trong công cuộc chinh phục thiên nhiên và khám phá thế giới. Nổi bật trong sử thi Ô-đi-xê là người anh hùng trí tuệ Uy-lít-xơ. Vẻ đẹp phẩm chất trí tuệ của chàng được thể hiện một cách đầy đủ trong đoạn trích “Uy-lít-xơ trở về”.

Uy-lít-xơ sau khi dành chiến thắng thành Tơ-roa, trải qua nhiều biến cố, nhận được sự giúp đỡ của nhà vua An-ki-nô-ốt đã trở về quê hương. Nhưng khi trở về nhà chàng lại phải đối mặt với một nguy cơ mới: 108 kẻ quyền quý trong vùng đến cầu hôn vợ chàng là nàng Pê-lê-nốp, hòng đoạt tài sản của gia đình. Bằng sự mưu trí chàng đã đánh đuổi chúng ra khỏi nhà và trừng trị kẻ phản trắc. Nhưng Pê-lê-nốp vẫn không tin chồng mình đã trở về. Đoạn trích là thử thách để hai vợ chồng nhận ra nhau và gia đình đoạn tụ.

Nghe tin chồng trở về Pê-nê-lốp vô cùng hạnh phúc, nhưng là một người phụ nữ thông minh và kiên định, Pê-nê-lốp vẫn nghi ngờ. Nhũ mẫu là người thân cận với Pê-nê-lốp là người trung thực, có uy tín trong gia đình nên mọi lời nói của bà đều rất có trong lực trong nhà. Bà là người đã thông báo tin dẹp tan những kẻ cầu hôn và chồng nàng đã trở về, nàng vô cùng vui mừng. Đây là cảm xúc tất yếu của người vợ đang nhớ thương và xa chồng lâu ngày, nó còn biểu thị cho lòng chung thủy, nỗi nhớ mong khắc khoải đợi chồng của nàng. Nhưng vốn là người thận trọng nên nàng không tin ngay những lời nhũ mẫu nói. Khi gặp lại Uy-lít-xơ nàng “rất đỗi phân vân” và nàng lúng túng “không biết nên đứng ra xa hỏi chuyện người chồng yêu quý của mình hay nên lại gần ôm lấy đầu, cầm lấy tay người mà hôn”. Nàng vẫn thận trọng dò xét, tính toán nhưng cũng dâng lên niềm xúc động. Không chỉ chịu sự tác động của nhũ mẫu, nàng còn chịu sự tác động của con trai. Tê-lê-mác trách cứ mẹ gay gắt, trước những lời ấy nàng vẫn phân vân, chưa biết sẽ phải làm thế nào.

Và trong lúc ấy nàng đã nảy ra ý định sẽ đưa ra thử thách với chồng mình. Nàng không nói trực tiếp mà rất nhã nhặn thông qua con để nói với Uy-lít-xơ về những “dấu hiệu riêng, chỉ hai người biết với nhau, còn người ngoài không ai biết”. Là một người thông minh Uy-lít-xơ ngay lập tức nhận ra ý định thử thách của vợ. Uy-lít-xơ mỉm cười, đó là cái mỉm cười của sự bình tĩnh, bản lĩnh, tự tin vào trí tuệ của mình.

Uy-lít-xơ lên tiếng trách cứ Pê-nê-lốp được “các thần trên núi Ô-lem-pơ ban cho nàng một trái tim sắt đá hơn ai hết trong đám đàn bà yếu đuối”. Chàng nói với nhũ mẫu tìm cho mình chiếc giường để ngủ, hàm ý để nói về chiếc giường của hai vợ chồng. Ngay lập tực, Pê-nê-lốp sai nhũ mẫu khiêng chiếc giường ra cho Uy-lít-xơ. Nghe những lời Pê-nê-lốp nói, Uy-lít-xơ tinh ý nhận ra thử thách của mình, chàng “giật mình” vì đó là chiếc giường không thể xê dịch. Chàng kể chi tiết, tỉ mỉ về đặc điểm chiếc giường: đó là chiếc giường mà bốn chân được làm từ bốn gốc cây ô liu, chiếc giường do chính chàng thiết kế và thi công.

Chiếc giường ngập tràn kỉ niệm và chứa đựng tình yêu vô bờ Uy-lít-xơ dành cho vợ. Tất cả những điều ấy làm sao Uy-lít-xơ có thể quên. Nhắc lại những điều đó Uy-lít-xơ vừa nhắc lại kỉ niệm, tình cảm thắm thiết của hai vợ chồng, vừa là để chứng minh cái dấu hiệu riêng mà Pê-nê-lốp vừa nhắc đến trước đó. Hai con người tài trí, thông minh đã tìm được cách để xác nhận sự thật, và giải quyết thử thách. Đây là sự gặp gỡ, hòa hợp của hai trí tuệ sắc sảo.

Sau khi nhận ra nhau, Pê-nê-lốp mới bày tỏ nỗi lòng mình, nàng nói rõ vì sao bao lâu nay nàng khép lòng mình. Bởi nàng luôn lo sợ những kẻ gian xảo đánh lừa. Đó là một lí do chính đáng thể hiện tấm lòng thủy chung, son sắt của nàng với chồng. Tấm lòng ấy giúp nàng xứng đáng được hưởng sự đoàn viên và hạnh phúc gia đình trọn vẹn.

Tạo nên thành công cho tác phẩm ta còn phải kể đến nghệ thuật dựng truyện đặc sắc, cách xây dựng tình huống truyện bất ngờ, giàu kịch tính. Tính cách nhân vật được xây dựng sinh động, hấp dẫn, có những diễn biến tâm lí phức tạp qua cử chỉ, hành động của nhân vật. Ngôn ngữ cũng là một điểm nhấn của tác phẩm. Tác giả sử dụng hệ thống ngôn ngữ trang trọng, thể hiện được vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật.

Qua cảnh vợ chồng đoàn tụ sau hai mươi năm xa cách, với nghệ thuật kể chuyện và lựa chọn chi tiết đặc sắc, tác giả đã khắc họa thành công vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của Uy-lít-xơ và Pê-nê-lốp. Tình yêu và trí tuệ chính là hai vẻ đẹp tiêu biểu mà con người thời đại Hô-me-rơ luôn hướng tới.

Phân tích tác phẩm Uy-lít-xơ trở về Văn 10 hay nhất mẫu 3

Sử thi Ô-đi-xê - một tác phẩm nổi tiếng trong nền văn học của Hy Lạp, một tác phẩm được chắp bút bởi tác giả Hô-me-rơ, nội dung kể về một cuộc hành trình trở về quê hương và đoàn tụ với gia đình của chàng Uy-lít-xơ sau khi hạ thành Tơ-roa. Đoạn trích "Uy-lít-xơ trở về" đã tái hiện lại cảnh đoàn tụ của gia đình Uy-lít-xơ và đặc biệt tác giả đã vô cùng thành công trong việc miêu tả diễn biến tâm trạng của Uy-lít-xơ, tạo ấn tượng cho người đọc.

Để trở về quê hương, Uy-lít-xơ đã đóng giả làm người hành khất, chàng còn nhận ra được âm mưu của bọn người xấu, bọn cầu hôn muốn chiếm đoạt tài sản của gia đình chàng. Chàng bày mưu tính kế, tiêu diệt được kẻ thù, chiến thắng tất cả và trở về ngôi nhà của mình vẫn trong hình hài người hành khất. Uy-lít-xơ kiên nhẫn chờ đợi sự đón tiếp của người vợ, chàng cũng mặc cảm với chính mình, bởi lúc này người chàng mặc bộ quần áo "bẩn thỉu, rách rưới", nhưng không nguôi nỗi mong ngóng người vợ thân yêu nhận ra mình.

Trước sự lạnh nhạt của người vợ, chàng đã vô cùng đau xót, nhưng vẫn bình tâm, chờ đợi, bởi chàng hiểu người vợ của mình. Chàng có một chút tủi hờn khi mà người vợ đứng xa mình, còn không có ý định nói chuyện với mình. Khi Tê-lê-mác - người con trai yêu dấu đã lên tiếng trách móc mẹ vì "tàn nhẫn, độc ác", không chịu nhận cha, nhưng Uy-lít-xơ đã ngăn con làm điều đó, chàng đã nhẫn nại, mỉm cười với con. Sau khi tắm rửa xong, ai ai cũng phải công nhận chàng "đẹp như một vị thần", ấy vậy mà người vợ của chàng vẫn thờ ơ, Uy-lít-xơ đã không khỏi tủi hờn trước trái tim "sắt đá" của vợ mình. Chàng giận dỗi, rồi sau đó gợi ý cách chứng minh mình là chồng của nàng.

Chàng nhờ nhũ mẫu kê riêng một chiếc giường để ngủ riêng. Chàng đã không khỏi bất ngờ và giật mình khi nghe chính người vợ của mình bảo nhũ mẫu khiêng chiếc giường của họ cho chàng. Bởi chàng biết bí mật về chiếc giường, chàng đã giải thích cho vợ nghe về bí mật, rằng một trong bốn chiếc chân giường làm bằng gốc cây ô liu nên không di chuyển được. Sau lời đó, chàng đã nhận được cái ôm chầm của người vợ thân yêu.

Cảm xúc hạnh phúc của chàng được nâng tới đỉnh điểm khi người vợ đã chấp nhận chàng, họ ôm chầm lấy nhau trong sự hạnh phúc vô bờ bến, chàng cẩn thận nghe từng câu chuyện giãi bày của vợ. Sau bao năm xa cách, Uy-lít-xơ vẫn chứng minh được tấm lòng của mình với vợ, chàng là không chỉ là một con người thông minh mà còn là một người chồng yêu thương vợ sâu sắc.

Chỉ trong một đoạn trích ngắn, tác giả đã rất thành công trong việc miêu tả tâm lí nhân vật; ông miêu tả tỉ mỉ, một cách chi tiết về cuộc sống của các nhân vật. Tình huống được ông dẫn dắt giàu kịch tính cùng với giọng văn chậm rãi đã mang đến cho người đọc hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Qua đoạn trích "Uy-lít-xơ trở về" , diễn biến tâm trạng của Uy-lít-xơ vô cùng phức tạp, nhưng đến cuối cùng chàng vẫn được hạnh phúc đoàn tụ bên gia đình. Uy-lít-xơ là một nhân vật điển hình cho người đàn ông có khát vọng tìm hiểu chinh phục thế giới, là một người có ý chí, nghị lực, quyết tâm xây dựng và bảo vệ gia đình.

Bài văn mẫu lớp 10 Phân tích tác phẩm Uy-lít-xơ trở về mẫu 4

Uy-lít-xơ trở về thuộc khúc ca XVIII của Ô-đi-xê, một tác phẩm sử thi Hi Lạp nổi tiếng thế giới. Đoạn trích kể lại cuộc tái ngộ của vợ chồng Pê-nê-lốp và Uy-lít- xơ sau hai mươi năm cách biệt. Cuộc tái ngộ ấy đầy hạnh phúc nhưng trước khi được hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc đoàn tụ họ đã trải qua nhiều thử thách gay go. Ta hãy thử cùng tìm hiểu đoạn trích của tác phẩm qua hai nhân vật chính của đoạn trích Pê-nê-lốp và Uy-lít-xơ.

Khi Uy-lít-xơ với nhưng với tư cách là một người hành khất giả danh, đây là lúc vị trí của Uy-lít-xơ đã thay đổi dưới cách nhìn của Pê-nê-lốp. Từ vai trò là người bạn của Uy-lít-xơ, người chia sẻ buồn vui với Pê-nê-lốp, Uy-lít-xơ đã xuất hiện như một đại diện cho sức mạnh. Việc diệt trừ một lúc 108 tên cầu hôn quấy đảo đã nàng vị trí một kẻ bình thường lên vị trí một người khác thường. Sự nâng cấp này làm cho Uy-lít-xơ gần với Uy-lít-xơ hơn. Nghĩa là khả năng trở thành Uy-lít-xơ thật của người hành khất mở ra một triển vọng lạc quan đối với người vợ chung thủy đợi chồng. Nhưng dù thế, khi người nhũ mẫu báo tin vui là Uy-lít-xơ đã trở về câu nói của Pê-nê-lốp không phải là thái độ "đồng thanh tương ứng". Trước sự phấn khích của người nhũ mẫu trung thành, tận tụy, lời nói của nàng như gáo nước lạnh dội vào.

Câu đối thoại của Pê-nê-lốp với người nhũ mẫu làm hiện lên một tâm trạng. Với Pê-nê-lốp, việc Uy-lít-xơ trở về là một mơ ước, nhưng mơ ước đó quá xa xôi, xa xôi như hai mươi năm cách biệt. Ngọn lửa ấy không phải không có lúc bùng lên. Chỉ cần nhắc đến nó là người nói đã xao xuyến bồi hồi: "Già cũng biết, nếu chàng trở về thì mọi người trong nhà, nhất là tôi và con trai chúng tôi sinh ra kia sẽ sung sướng xiết bao!". Nhưng giờ đây, do đã kìm nén nhiều năm, mơ ước ấy bị gạt sang một bên chỉ còn âm ỉ cháy. Thậm chí dấu vết còn lại của nó chỉ như một nhúm tro than bị thời gian sóng gió dập vùi. (Còn về phần Uy-lít-xơ thì ở nơi đất khách quê người, chàng cũng đã hết hi vọng trở lại đất A-cai, chính chàng cũng đã chết rồi). Mặc cảm ấy dẫn đến sự không dễ dàng thừa nhận là hết sức tự nhiên. Trả lời câu hỏi: Ai là người giết bọn cầu hôn, theo Pê-nê-lốp, chiến tích phi thường ấy thuộc về thần linh: "Đây là một vị thần đã giết bọn cầu hôn danh tiếng". Đoạn văn này mới diễn tả một tình cảm thật của nàng.

Đó là sự sung sướng hả hê của người trút được gánh nặng, của một nạn nhân khi mắt thấy tai nghe sự trừng phạt thích đáng những kẻ tội đồ. Bao nhiêu hào hứng của nàng thuộc về phía ấy: "... một vị thần bất bình vì sự láo xược bất kham và những hành động nhuốc nhơ của chúng. Vì chúng chẳng kiêng nể một ai trên cõi đời này, dù là dân đen hay người quyền quý, hễ gặp chúng là bất cứ ai cũng bị chúng khinh miệt.Vì sự bất công điên rồ của chúng, nên chúng phải đền tội đấy thôi". Còn Uy-lít-xơ thật có phải là người ấy hay không, trong cách nghĩ của Pê-nê-lốp như có sự lảng tránh. Ngay cả lúc người nhũ mẫu già đưa ra một chứng cớ (vết sẹo trên bắp chân của Uy-lít-xơ do lợn lòi húc ngày xưa) cũng bị nàng gạt đi. Bởi trong ý nghĩa của Pê-nê-lốp người ta không thể tin vào bất cứ điều gì bởi tất cả là do thần linh sắp đặt: "Già ơi! Dù già sáng suốt đến đâu, già cũng không sao hiểu thấu những ý định huyền bí của thần linh bất tử".

Song, tiếng nói ấy dù sao cũng là tiếng nói của lí trí. Khi đối diện với người đàn ông mà nhũ mẫu ơ-ri-clê cho là Uy-lít-xơ, trái tim nhạy cảm của Pê-nê-lốp không còn có thể lặng yên được nữa. Mong muốn gặp chồng và nay gần như đã gặp chồng dù mới chỉ là linh cảm, trái tim tưởng như đã trở thành băng giá đã tan ra. Lần đầu tiên, nàng run rẩy, thiếu tự tin không làm chủ được bản thân mình. Trạng thái bất ổn ấy không chỉ diễn ra trong cái bối rối rất con người là "nàng không biết nên đứng xa xa hỏi chuyện người chồng yêu quý của mình hay nên lại gần, ôm lấy đầu, cầm lấy tay người mà hôn?", mà ngay từ lúc Pê-nê-lốp quyết định bước xuống cầu thang để giáp mặt với "người ấy"."Bây giờ ta hãy xuống nhà với Tê-lê-mác để xem xác chết của bọn cầu hôn và người giết chúng".

Kết hợp với độc thoại nội tâm và đối thoại lấp lửng với người nhũ mẫu, trái tim cứng rắn của Pê-nê-lốp đã gần bước qua các ranh giới vô hình mà chính nàng đã phân chia rạch ròi từ trước. Nhưng đến lúc có thể bước qua, nàng lại ngập ngừng dừng lại. Lí trí giúp nàng tỉnh táo. Tỉnh táo để không rơi vào ngộ nhận ở phút cuối cùng. Pê-nê-lốp nói với con hay nói với lòng mình và cả Uy-lít-xơ nữa về sự nấn ná dường như khó hiểu lúc này: "Nếu quả thật đây chính là Uy-lít-xơ, bây giờ đã trở về, thì con có thể tin chắc rằng thế nào cha con và mẹ cũng sẽ nhận được ra nhau một cách dễ dàng". Nàng cầu cứu vào sự thật, vào lí trí một lần cuối cùng trước khi hành động, trước khi quyết định, một quyết định quan trọng biết dường nào. Trước khi có quyết định ấy, mâu thuẫn giữa tình cảm và lí trí làm cho Pê-nê-lốp ở vào một tình trạng tiến thoái lưỡng nan vừa khó có thể rời xa vừa không thể đến gần con người ấy. Cảm giác thân thiết một cách xa lạ này được phản chiếu vào đôi mắt, vào cái cửa sổ của tâm tư khi nàng ngồi yên mà trong lòng đang nổi sóng "khi thì đăm đăm âu yếm nhìn chồng, khi lại không nhận ra chồng dưới bộ áo quần rách mướp".

Khi Uy-lít-xơ ở phòng tắm bước ra, từ một người hành khất, Uy-lít-xơ "đẹp như một vị thần". Điều đó với Uy-lít-xơ không phải là không chú ý. Nhưng dù chàng có cố tình thay đổi, cái nhìn của Pê-nê-lốp vẫn không thay đổi. Bởi ý thức tự thay đổi của Uy-lít-xơ không nằm trong vùng cảm nghĩ của nàng. Chỉ tới khi lòng kiên nhẫn của Uy-lít-xơ cạn dần đến mức phải thốt ra những lời tuyệt vọng "Thôi, già ơi! Già hãy kể cho tôi một chiếc giường để tôi ngủ một mình, như bấy lâu nay, vì trái tim trong ngực nàng kia là sắt", trong tâm trí khôn ngoan của Pê-nê-lốp mới bật ra một phép thử. Phép thử ấy không phải bất ngờ vì trước đó, nàng đã đinh ninh sẽ đánh thức trí nhớ của Uy-lít-xơ nếu Uy-lít-xơ thật về những bí mật đời tư của họ, "những dấu hiệu riêng, chỉ hai người biết với nhau".

Chỉ có điều Pê-nê-lốp còn chưa tìm ra thì may sao chính lời than thở vô tình của Uy-lít-xơ lại sáng lên cho nàng một gợi ý. Và hiệu quả tức thời của nó nhanh đến mức Uy-lít-xơ vừa nhắc đến chiếc giường bí mật thì với nàng, con đê cuối cùng, con để tự bảo vệ mà Pê-nê-lốp đã dựng lên trong suốt hai chục năm qua đã không còn cần thiết nữa. Đây là lời kể của Hô-me-rơ: "Người nói vậy và Pê-nê-lốp bủn rủn cả chân tay... Nàng bèn chạy ngay lại, nước mắt chan hòa, ôm lấy cổ chồng, hôn lên trán chồng..." ở vào giờ phút thiêng liêng này, vai trò của hai người đã được đổi chỗ cho nhau. Người cầu xin không còn là Uy-lít-xơ nữa. Người ấy là vợ chàng. Đó là sự cầu xin vì hạnh phúc, hạnh phúc quá lớn lao một khi định mệnh "Thần linh đã dành cho hai ta một số phận biết bao cay đắng" đã buông tha, cầu xin sự tha thứ nữa, tha thứ cho một người vợ đã cố tình sắt đá với chàng, vì "thiếp luôn luôn lo sợ có người đến dây, dùng lời đường mật đánh lừa, vì đời chẳng thiếu gì người xảo quyệt, chỉ làm điều tai ác..."

Hạnh phúc mà Pê-nê-lốp tìm lại cho mình là cả hai mươi năm li biệt, là lòng thủy chung sắt son, là cả sự mẫn tiệp của trí tuệ thiên bẩm. Dường như chỉ có nàng mới thấm thía cái ngọt ngào sau bao nỗi đắng cay, chỉ có nàng mới đo được cái tầm vóc vô hình của nó và chỉ có thiên nhiên mới nói được niềm vui sướng vô biên của "rất ít người thoát khỏi biển khơi trắng xóa mà vào được đến bờ". Biểu hiện tột cùng của hạnh phúc ở nàng như trạng thái của một giấc chiêm bao: "nàng nhìn chồng không chán mát và hai cánh tay trắng muốt của nàng cứ ôm lấy cổ chồng không nỡ buông rời".

So với Pê-nê-lốp, Uy-lít-xơ không phải là nhân vật chính, không giữ vai trò quyết định cho cuộc đoàn viên. Mặc dù như Tê-lê-mác thừa nhận một cách tự hào: "xưa nay cha vẫn là người nổi tiếng khôn ngoan, không một kẻ phàm trần nào sánh kịp", nhưng trí tuệ ấy của Uy-lít-xơ thể hiện chủ yếu ở một không gian khác: không gian trận mạc và cuộc vượt biển mười năm trở lại quê hương. Còn trước những vấn đề phức tạp như bí mật của lòng người, Uy-lít-xơ còn khá ngây thơ. Chẳng thế mà việc diệt trừ 108 kẻ cầu hôn với chàng không khó, nhưng làm thế nào để mở được cánh cửa im ỉm đóng cửa tâm hồn Pê-nê-lốp, Uy-lít-xơ đã phải bó tay. Chỉ còn biết kiên nhẫn, đợi chờ, trách móc. Vai trò của Uy-lít-xơ rơi vào tình trạng bị động và phụ thuộc hoàn toàn. Trí tuệ của Uy-lít-xơ trong phạm vi giao tiếp, ứng xử với phụ nữ (dù người đó là vợ chàng) chẳng hơn gì Tê-lê-mác con chàng là mấy. Có đến hai câu trách móc giống nhau:

- Tê-lê-mác: "Mẹ ơi, mẹ thật tàn nhẫn và lòng mẹ độc ác quá chừng! Sao mẹ lại ngồi xa cha con như thế, sao mẹ không đến bên cha, vồn vã hỏi han cha? Không, không một người đàn bà nào sắt đá đến mức chồng đi biền biệt hai mươi năm nay, trải qua bao nỗi gian lao, bây giờ mới trở về xứ sở, mà lại có thể ngồi cách xa chồng như vậy. Nhưng mẹ thì bao giờ lòng dạ cứng rắn hơn cả đá".

- Uy-lít-xơ: "Khốn khổ ! Hẳn là các thần trên núi Ô-lem-pơ đã ban cho nàng một trái tim sắt đá hơn ai hết trong đám đàn bà yếu đuối, vì một người khác chắc không bao giờ có gan ngồi cách xa chồng như thế, khi chồng đi biền biệt hai mươi năm trời, trải qua bao nỗi gian truân, nay mới trở về xứ sở. Thôi, già ơi! Già hãy kể cho tôi một chiếc giường để tôi ngủ một mình, như bấy lâu nay, vì trái tim trong ngực nàng kia là sắt". Ấy là chưa nói đến có tới hai lần ý nghĩ của Uy-lít-xơ hoặc không nằm trong vùng tâm tư, cảm nghĩ của đối tượng (vợ chàng) hoặc nằm ngoài mạch truyện.

Chứng cớ thứ nhất là khi phát hiện một nửa cái nhìn của Pê-nê-lốp (vừa âu yếm vừa xa lạ) của mình "dưới bộ áo quần rách mướp", chàng nghĩ ra ngay một giải pháp. Điều mà vợ chàng nói là "sẽ nhận ra nhau", Uy-lít-xơ cũng đinh ninh là thế với cái ý nghĩ giản đơn: "Hiện giờ cha còn bẩn thỉu, áo quần rách rưới nên mẹ con khinh cha, chưa nói: "Đích thị là chàng rồi". Để rồi sau đó, từ nhà tắm bước ra, yên trí cho rằng tuy ngồi lại vào chỗ cũ, nhưng Pê-nê-lốp sẽ nhìn nhận chàng bằng một con mắt khác, bởi lúc đó: không còn là người hành khất rách rưới mà "đẹp như một vị thần". Kết quả là Pê-nê-lốp không có một thái độ đổi thay (như chờ đợi của chàng). Chứng cớ thứ hai khi đang là đối tượng thử thách của Pê-nê-lốp, vấn đề vợ chàng nhận ra hay không nhận ra chàng mới là điều hệ trọng thì Uy-lít-xơ lại quay ra nói chuyện với con về một vấn đề chẳng liên quan gì đến mạch truyện: "Nhưng về phần cha con ta, ta hãy bàn xem nên xử trí thế nào cho ổn thỏa nhất". Nhất là cách bàn chuyện lại dài dòng: "Nếu có ai giết chết một người trong xứ sở [...] cha khuyên con nên suy nghĩ".

Nhưng cũng may là do quá thật thà (không biết dụng ý của Pê-nê-lốp) mà khi Pê-nê-lốp vừa nói đến việc di chuyển chiếc giường bí mật, Uy-lít-xơ đã quá đỗi ngạc nhiên. Đó chính là cái "giật mình"mà vợ chàng nóng lòng chờ đợi. Và kế sau đó, đoán chắc như đinh đóng cột ("nếu không có thần linh giúp đỡ thì dù là người tài giỏi nhất cũng khó lòng làm được việc này") nhất là cách tả như đếm của chàng (làm bằng cây gì, thiết kế tí mỉ ra sao,...) thì Pê-nê-lốp lại như người bắt được vàng. Gạt bỏ đi tất cả những yếu tố "ngoại đề" (thậm chí còn là lạc đề) của Uy-lít- xơ ngây thơ, Pê-nê-lốp đã thực sự nhận ra người chồng vô cùng yêu quý.

Việc miêu tả Uy-lít-xơ như trên vừa nói là một đồ ý nghệ thuật của Hô-me-rơ. Nó chẳng những không hạ thấp trí tuệ của chàng (trí tuệ ấy thể hiện ở một vùng không gian khác) mà còn tạo ra một thứ mặt bằng để từ đó sự thông minh sắc sảo của Pê-nê-lốp nổi bật hẳn lên. Trong một lát cắt ngang của tác phẩm, sứ mệnh nghệ thuật của Uy-lít-xơ đã hoàn thành một cách ngoài dự kiến.

Kết hợp với các yếu tố nghệ thuật khác như cách dàn dựng cốt truyện, ngôn ngữ sử thi (ngôn ngữ trực tiếp và lời kể của người dẫn truyện), việc xây dựng nhân vật theo lối đa dạng hóa có tính khắc họa khá cao dù tác phẩm ra đời từ cái thời rất đỗi xa xôi của lịch sử.

CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải các bài văn mẫu Phân tích tác phẩm Uy-lít-xơ trở về Ngữ Văn lớp 10 file word, pdf hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
5.0
1 lượt đánh giá
Có thể bạn quan tâm
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com