Kì thi giữa kì 2 sắp tới, chúng tôi xin giới thiệu đến các em 2 bộ đề thi Văn giữa kì 2 lớp 10 - Phần 2 năm 2022 có lời giải chi tiết. Nội dung bám sát theo chương trình học trong nhà trường. Giúp các bạn học sinh ôn tập và luyện tập làm quen với nhiều dạng đề, đồng thời cũng chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới của mình. Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.
PHẦN I – ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa
Đã mười lần giặc đến tự biển Đông
Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng
…
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi
(Nguyễn Việt Chiến, Tổ quốc nhìn từ biển, NXB Phụ nữ, 2015, trang 7 – 8)
Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản?
Câu 2 (1,0 điểm): Câu thơ Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử được tác giả sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tên hai tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn 10 có sử dụng địa danh Bạch Đằng.
Câu 3 (1,5 điểm): Trong văn bản, tác giả suy ngẫm về Tổ quốc qua điểm nhìn nào? Điểm nhìn ấy cho anh chị nghĩ gì về Tổ quốc chúng ta?
PHẦN II – LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Lấy chủ đề Tổ quốc nhìn từ biển, anh chị hãy viết một đoạn văn nghị luận (10 – 15 dòng).
Câu 2 (7,0 điểm): Bàn về nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, PGS.TS Lã Nhâm Thìn viết: Đây là hình tượng tiêu biểu của kẻ sĩ cương trực, khảng khái, kiên quyết chống gian tà. (Lã Nhâm Thìn, Phân tích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam từ góc nhìn thể loại, NXB Giáo dục, 2009, trang 7).
Anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
PHẦN I – ĐỌC HIỂU
Câu 1: Phương thức biểu đạt biểu cảm.
Câu 2:
- Biện pháp tu từ nhân hóa: Bạch Đằng cảm tử.
- Tác phẩm nhắc đến địa danh Bạch Đằng: Phú sông Bạch Đằng, Đại cáo Bình Ngô.
Câu 3:
- Trong văn bản, tác giả suy ngẫm về Tổ quốc qua điểm nhìn từ biển, đề cập đến những hiểm họa và mất mát của Tổ quốc.
-Từ điểm nhìn ấy, có thể nhận thấy:
+ Trong lịch sử, đất nước Việt Nam luôn bị đe dọa bởi giặc ngoại xâm, chịu rất nhiều mất mát đau thương.
+ Dù phải đổ máu xương suốt ngàn đời, dân tộc ta vẫn luôn bất khuất, kiên cường bảo vệ từng tấc đất, mặt biển quê hương.
- Thí sinh có thể trình bày bài làm theo những cách khác, nhưng phải nhưng phải hợp lí, thuyết phục; giáo viên linh hoạt trong đánh giá.
PHẦN II – LÀM VĂN
Câu 1: Lấy chủ đề Tổ quốc nhìn từ biển, anh chị hãy viết một đoạn văn nghị luận (10 – 15 dòng).
- Yêu cầu về kĩ năng: biết cách viết đoạn văn; đoạn văn hoàn chỉnh, chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả; đảm bảo dung lượng như yêu cầu đề.
- Yêu cầu về kiến thức: Trình bày đúng chủ đề Tổ quốc nhìn từ biển, có thể triển khai:
+ Niềm tự hào về biển Việt Nam: lịch sử, địa lí, tài nguyên, vẻ đẹp;
+ Biển là một phần không thể thiếu của Tổ quốc.
+ Cần thấu hiểu, tự hào, bảo vệ biển.
- Thí sinh có thể trình bày bài làm theo những cách khác, nhưng phải nhưng phải hợp lí, thuyết phục; giáo viên linh hoạt trong đánh giá.
Câu 2:
+ Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật, nhận định.
+ Làm sáng tỏ nhận định qua nhân vật Ngô Tử Văn: Tính cương trực, khảng khái, kiên quyết chống gian tà của Ngô Tử Văn thể hiện qua:
• Lời kể xuất hiện ở đầu câu chuyện của nhà văn
• Hành động đốt đền trừ hại cho dân.
• Tinh thần dũng cảm đấu tranh bảo vệ chính nghĩa khi ở Minh ti.
• Việc nhận chức phán sự đền Tản Viên.
+ Đánh giá:
• Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Khắc họa tính cách nhân vật qua thái độ, lời nói, hành động của nhân vật; sử dụng kết hợp thành công hai yếu tố “kì” và “thực”.
+ Ý nghĩa của việc xây dựng nhân vật Tử Văn: Khẳng định niềm tin vào công lý: chính nghĩa thắng gian tà; tự hào về kẻ sĩ đất Việt, cũng là cách thể hiện lòng yêu nước.
PHẦN I – ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
CHÂN QUÊ
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng chũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
(Dẫn theo Nguyễn Bính – Thơ và đời, NXB Văn học)
Câu 1 (0,5 điểm): Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là gì?
Câu 2 (0,75 điểm): Xác định và nêu hiệu quả biểu đạt của hai biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong các câu thơ sau:
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng chũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Câu 3 (0,75 điểm): Anh/chị có đồng tình với quan điểm của nhân vật trữ tình trong những câu thơ sau không? Vì sao? (Trả lời trong khoảng 5 - 7 dòng)
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.
Câu 4 (1,0 điểm): Từ bài thơ, nêu suy nghĩ của anh/chị về việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
PHẦN II – LÀM VĂN(7,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (trích Truyền kỳ mạn lục) của Nguyễn Dữ.
PHẦN I – ĐỌC HIỂU
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm
Câu 2:
- Học sinh nêu hai biện pháp trong những biện pháp sau: Câu hỏi tu từ; điệp ngữ Nào đâu; liệt kê (các loại trang phục).
- Tác dụng: góp phần thể hiện tâm trạng nhân vật trữ tình: bất ngờ, ngỡ ngàng; xót xa, đau khổ và tiếc nuối trước sự thay đổi trong cách ăn mặc của người con gái mình yêu.
Câu 3: Học sinh bày tỏ sự đồng tình hoặc phản đối quan điểm của nhân vật trữ tình và có lí giải hợp lí. Nội dung câu trả lời phải thể hiện sự trân trọng với cách nói ý tứ, tế nhị và tình yêu tha thiết, chân thành, mộc mạc của chàng trai dành cho người mình yêu và sự trân trọng, giữ gìn truyền thống cha ông.
Câu 4: Học sinh đưa ra quan điểm cá nhân. Câu trả lời phải hợp lí, có sức thuyết phục.
- Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hoá riêng. Đó là sự kết tinh những giá trị văn hoá cơ bản, cốt lõi của dân tộc đã được thử thách qua năm tháng.
- Tuy nhiên giữ gìn bản sắc văn hoá không đồng nghĩa với từ chối tiếp nhận văn hoá của dân tộc khác.
- Muốn giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, cần phải có bản lĩnh văn hoá, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nước ngoài và phát huy những giá trị văn hoá của dân tộc.
PHẦN II – LÀM VĂN
a. Giới thiệu chung:
- Tác giả Nguyễn Dữ là “cây đại thụ của văn học Việt Nam thế kỉ XVI”.
- Giới thiệu về Truyền kì mạn lục: Được xem là “áng thiên cổ kì bút” trong nền văn học nước nhà, ghi chép những câu chuyện kì lạ trong dân gian.
- Giới thiệu về Chuyện chức phán sự đền Tản Viên và hình tượng nhân vật Ngô Tử Văn.
b. Hình tượng Ngô Tử Văn
- Trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, tính cách nhân vật Ngô Tử Văn được khắc họa thông qua lời giới thiệu của tác giả và việc kể lại các hành động của nhân vật. Người đọc nhận ra phẩm chất khảng khái, cứng cỏi, giàu tinh thần dân tộc ở chàng.
* Phẩm chất cương trực, khảng khái, giàu tinh thần dân tộc:
- Nhân vật Ngô Tử Văn xuất hiện qua lời giới thiệu trực tiếp và ngắn gọn của người kể chuyện về tên tuổi, quê quán, tính tình và phẩm chất.
- Ngô Tử Văn được miêu tả là người “nóng nảy, khẳng khái, thấy sự gian tà thì không chịu được” đến mức “cả vùng Bắc vẫn khen anh là người cương trực”.
=> Lời giới thiệu ngắn gọn, có giọng điệu ngợi khen tạo cảm giác chân thực cho tác phẩm và có vai trò định hướng cho người đọc về tính cách nhân vật.
- Tính cách khảng khái, cương trực của Tử Văn được thể hiện rõ nét nhất qua hành động đốt đền tên Bách hộ họ Thôi (Lý do đốt đền; trước khi đốt đền Tử Văn “rất tức giận, một hôm tắm gội sạch sẽ, khấn trời rồi châm lửa đốt đền”; sau khi đốt đền Tử Văn “vung tay không sợ gì cả”; ý nghĩa của hành động đốt đền…).
=> Hành động đốt đền của Tử Văn đã khẳng định tính cách khẳng khái, chính trực, căm ghét sự gian tà và thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ qua việc diệt trừ hồn ma tướng giặc, bảo vệ thổ thần nước Việt, người từng có công giúp Lý Nam Đế chống giặc ngoại xâm.
- Cuộc đấu tranh với hồn ma tên tướng giặc.
- Bản lĩnh của Tử Văn còn được thể hiện rõ nét qua cuộc trò chuyện với thổ công.
=> Tử Văn đã dám làm những việc mà đến cả thánh thần cũng không làm được, hành động vượt qua sự tưởng tượng của người thường, thể hiện tính cách cương trực, thẳng thắn, trọng nghĩa khí, bất bình và dám đấu tranh trước mọi phi lí ở đời.
* Sự dũng cảm, tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với cái ác:
- Một lần nữa, thủ pháp tương phản đối lập lại được nhà văn sử dụng để miêu tả cuộc đấu tranh của Tử Văn dưới âm ty với hồn ma tướng giặc, qua đó mài sắc thêm bản lĩnh cương trực, thẳng thắn của nhân vật.
=> Qua cuộc chiến chốn công đường, Tử Văn một lần nữa khẳng định tính cách bộc trực, khảng khái, quyết tâm đấu tranh đến cùng vì chính nghĩa, không nao núng trước khó khăn. Từng bước Ngô Tử Văn đánh lui tất cả sự phản công, kháng cự của kẻ thù, đánh gục hoàn toàn tên tướng giặc. Kết quả, Tử Văn giành chiến thắng, nhận chức phán sự đền Tản Viên. Chiến thắng của Tử Văn đã trừng trị thích đáng hồn ma tướng giặc, làm sáng tỏ nỗi oan khuất, bảo vệ thổ thần nước Việt, giải trừ tai họa cho nhân dân.
* Chi tiết kì ảo ở cuối tác phẩm: Tử Văn nhận chức phán sự đền Tản Viên.
- Phần thưởng xứng đáng cho những đấu tranh không khoan nhượng của Tử Văn với cái ác.
- Tạo ra một kết thúc có hậu rất quen thuộc trong văn học dân gian. Đây là lời khẳng định niềm tin của Nguyễn Dữ về sự chiến thắng của chính nghĩa trước cái phi nghĩa. Tử Văn đại diện cho chính nghĩa, thể hiện quan niệm của dân gian cái thiện tất thắng cái ác, những con người dũng cảm luôn chiến thắng mọi gian tà trong xã hội.
- Bộc lộ niềm tin và ước mơ của nhân dân và tác giả về xã hội công bằng, về sự chiến thắng của chính nghĩa trong xã hội. Đó là giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.
c. Nghệ thuật miêu tả nhân vật :
- Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố thực và ảo tạo nên câu chuyện đầy li kì với sự xuất hiện của hồn ma, thế giới âm cung, những sự việc khác thường (nhân vật chết đi sống lại). Nguyễn Dữ đã lấy cái kì để nói cái thực, dùng chuyện xưa nói chuyện nay, tạo nên giá trị muôn đời cho tác phẩm.
- Nhân vật có tính cách riêng và được khắc họa qua nhiều mối quan hệ tạo tính chân thật sâu sắc cho hình tượng nhân vật.
- Cốt truyện được xây dựng đầy kịch tính: có thắt nút (Tử Văn đốt đền), có phát triển, có cao trào và giai đoạn cởi nút.
=> Sự hòa quyện của những đặc sắc nghệ thuật trên khiến cho Chuyện chức phán sự ở đền Tản Viên trở thành tác phẩm tiêu biểu cho thể loại truyền kì trong văn học Việt Nam.
Tham khảo thêm:
►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về 2 bộ đề thi Văn lớp 10 giữa học kì 2 - Phần 2 năm 2022 có lời giải chi tiết, đây đủ nhất file tải PDF hoàn toàn miễn phí!