Logo

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn trường Chuyên Thái Nguyên 2020 (Có đáp án)

Đề thi thử vào 10 môn Văn trường Chuyên Thái Nguyên năm 2020 có lời giải chi tiết, được chúng tôi cập nhật mới nhất từ hệ thống kho đề thi, đề kiểm tra tuyển sinh lớp 10. Hỗ trợ học sinh ôn luyện hiệu quả
5.0
1 lượt đánh giá

Để chuẩn bị cho kì thi vào vào lớp 10 sắp tới, chúng tôi sưu tầm và giới thiệu các em tài liệu Đề thi thử môn Văn vào lớp 10 trường Chuyên Thái Nguyên năm 2020 có lời giải đi kèm, từ hệ thống kho đề thi tuyển sinh vào lớp 10 trên cả nước. Nhằm giúp các em ôn tập, rèn luyện giải các dạng đề thi khác nhau để chuẩn bị tốt cho kì thi chuyển cấp quan trọng của các em học sinh lớp 9.

Tham khảo thêm một số đề thi thử vào lớp 10 môn học khác:

Đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn văn Chuyên Thái Nguyên 2020

Phần I: Đọc- hiểu (2,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi:

Với đôi cánh đẫm nắng trời 

Bầy ong bay đến trọn đời tìm hoa. 

Không gian là nẻo đường xa 

Thời gian vô tận mở ra sắc màu. 

Tìm nơi thăm thẳm rừng sâu 

Bập bùng hoa chuối, trắng màu hoa ban. 

Tìm nơi bờ biển sóng tràn 

Hàng cây chắn bão dịu dàng mùa hoa. 

Tìm nơi quần đảo khơi xa 

Có loài hoa nở như là không tên... 

Bầy ong rong ruổi trăm miền 

Rù rì đôi cánh nối liền mùa hoa. 

Nổi rừng hoang với biển xa 

Đất nơi đâu cũng tìm ra ngọt ngào,

(Hành trình của bầy ong- Nguyễn Đức Mậu)

Câu 1: Những chi tiết nào nói lên hành trình vô tận của bầy ong?

Câu 2: Bầy ong đến tìm mật ở những nơi nào? Những nơi đó có vẻ đẹp gì đặc biệt?

Câu 3: Em hiểu như thế nào về câu thơ “Đất nơi đâu cũng tìm ra ngọt ngào”?

Câu 4: Viết đoạn văn ngắn (3-5 câu) nêu cảm nhận của em về đoạn thơ trên.

Phần II: Làm văn (8,0 điểm)

Câu 1: (3,0 điểm) Nhà thơ Vũ Quần Phương từng viết:

Có bao giờ sông chảy thẳng đâu em

Sông lượn khúc, lượn dòng mà tới bể. 

Hai câu thơ trên gợi cho em suy nghĩ gì về dòng sông và những bài học cuộc đời rút ra từ đó?

Câu 2: (5,0 điểm)

Viết về sự im lặng có những dòng cảm động như sau:

Gian khổ nhất là lần ghi và bảo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung... Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ lại được.

(Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9, tập một)

Và:

Cuộc sống ở đây đã dạy cho chúng tôi thế nào là sự im lặng. Sự im lặng từ sáng đến giờ không bình thường. Cái không bình thường đó đang đến. Tiếng máy bay trinh sát rè rè. Phản lực gầm gào lao theo sau. Hai thứ tiếng đó trộn lẫn vào nhau, rót vào tai con người một cảm giác khó chịu và căng thẳng.[...]

Những cái xảy ra hằng ngày: máy bay rít, bom nổ. Nổ trên cao điểm, cách cải hang này khoảng 300 mét. Đất dưới chân chúng tôi rung. Mấy cái khăn mặt mắc ở đây cũng rung. Tất cả, cứ như lên cơn sốt. Khói lên, và cửa hàng bị che lấp. Không thấy mây và bầu trời đâu nữa.

(Những ngôi sao xa xôi- Lê Minh Khuê, Ngữ văn 9, tập hai) 

Anh/chị hãy cảm nhận về sự im lặng trong cuộc sống của những con người lặng lẽ qua những dòng văn của Nguyễn Thành Long và Lê Minh Khuê.

Đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn năm 2020 THPT Chuyên Thái Nguyên

Đáp án đề thi thử vào 10 môn Ngữ văn trường Chuyên Thái Nguyên

Phần I: Đọc- hiểu (2,0 điểm)

Câu 1:

- Những chi tiết nói lên hành trình vô tận của bầy ong:

  • Bay trọn đời tìm hoa

  • Không gian: nẻo đường xa

  • Thời gian: vô tận

Câu 2:

- Bầy ong tìm đến mật ở nơi rừng sâu, biển xa, đảo xa, trăm miền đất nước.

- Những nơi bầy ong đến tìm mật đều có những vẻ đẹp đặc biệt: hoa chuối, hoa ban của rừng, hàng cây chắn bảo của biển, hoa lạ của đảo, các mùa hoa lạ...

Câu 3:

Ý nghĩa của câu thơ “Đất nơi đâu cũng tìm ra ngọt ngào”: mọi nơi trên mọi miền đất nước đều là những mùa hoa ngọt ngào, những trái thơm dịu ngọt chỉ cần cần mẫn và chăm chỉ.

Câu 4: Hướng dẫn

- Cảm nhận về vẻ đẹp nội dung

- Đặc sắc về nghệ thuật

Phần II: Làm văn (8,0 điểm)

Câu 1: Hướng dẫn làm bài

a. Mở bài 

- Giới thiệu ý thơ của Vũ Quần Phương.

- Giới thiệu vấn đề cần bàn luận: từ hình ảnh dòng sông, ý thơ gợi ra vấn đề lối sống của con người.

b. Thân bài

* Ý nghĩa hai câu thơ của Vũ Quần Phương 

- Hai câu thơ là những suy nghiệm của chủ thể trữ tình về hình ảnh dòng sông tự nhiên trong hành trình đến biển. Do đặc điểm địa hình khác nhau ở từng nơi mà dòng sông chảy qua; nên để đến biển thì dòng sông nào cũng phải lượn khúc, lượn dòng. Đó là lí do sống không bao giờ chảy thăng.

- Phép nhân hóa Sông lượn khúc, lượn dòng mà tới bể gợi liên tưởng dòng sông như một con người, dù phải đối mặt với nhiều ngang trở trên hành trình nhưng vẫn kiên trì mục tiêu, vượt mọi khó khăn để tới đích.

- Hai câu thơ xuất phát từ hình ảnh dòng sông tự nhiên mà gợi liên tưởng đến lối sống chủ động, tích cực, linh hoạt của con người trong xã hội.

* Bàn luận về bài học nhân sinh rút ra từ ý thơ của Vũ Quần Phương

- Ý thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương gợi ra một bài học nhân sinh sâu sắc; vì để có được thành công trong cuộc sống, con người cần linh hoạt, chủ động, kiên trì mục tiêu của mình.

  • Nếu sông chảy thẳng thì khi va phải núi cao, vực sâu... dòng chảy sẽ bị chặn lại, không bao giờ sống có thể tới biển; việc lượn khúc, lượn dòng

  • dòng chảy giúp cho dòng sông có thể vượt qua trở ngại, tiếp tục hành trình tìm đến biển.

  • Cuộc sống của con người cũng vậy. Khát vọng càng lớn thì khó khăn càng nhiều. Để đến đích, mỗi cá nhân không chỉ cần nỗ lực hết mình mà còn cần sự linh hoạt, tỉnh táo, có cách ứng xử phù hợp trong mọi hoàn cảnh. Trước những khó khăn, con người cần biết lượng sức mình, tránh đối đầu một cách

  • liều lĩnh theo kiểu lấy trứng chọi đá để rồi chuốc lấy thất bại.

- Mở rộng, nâng cao vấn đề:

  • Phê phán những người cứng nhắc, bảo thủ, liều lĩnh hoặc những người dễ nản lòng, thiếu kiên định mục tiêu.

  • Cần phân biệt cách ứng xử linh hoạt, mềm dẻo và sự hèn nhát, thiếu quyết đoán, né tránh khó khăn ở một số người.

 c. Kết bài

- Khẳng định: linh hoạt, chủ động trong mọi hoàn cảnh là lối sống tích cực.

- Liên hệ bản thân

Câu 2: Hướng dẫn làm bài

a. Mở bài

- Dẫn dắt, giới thiệu 2 đoạn trích.

- Nêu vấn đề.

b. Thân bài: Phân tích, cảm nhận

* Về sự im lặng được miêu tả trong đoạn trích tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long ): 

- Khái quát: Đoạn trích kể về công việc gian khổ nhất là báo ốp về nhà lúc 01 giờ sáng của anh thanh niên, công việc “dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”.

- Cảm nhận về sự im lặng được miêu tả trong đoạn trích

  • Cái lặng im của đêm Sa Pa bị nuốt chửng bởi bóng tối, gió rét, mưa tuyết... Đó là những gian khổ của hoàn cảnh khắc nghiệt mà con người phải đối mặt (ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới, im lặng lạnh cóng mà hừng hực như cháy...).

  • Anh thanh niên đối diện với sự im lặng ấy trong cô đơn với cảm xúc đan xen nhưng thể hiện một ý chí, tinh thần trách nhiệm cao (nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi, chui ra khỏi chăn, trở vào không thể ngủ lại được...).

- Nghệ thuật :

  • Kể bằng điểm nhìn của nhân vật anh thanh niên..

  • Kết hợp ngòi bút kể, tả, biểu cảm; tả thiên nhiên đặc sắc bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh thông qua những so sánh, nhân hóa.

 * Về sự im lặng được miêu tả trong đoạn trích "Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê : 

- Khái quát: Đoạn trích kể về một buổi sáng trên cao điểm của các nữ thanh niên xung phong trong tổ trinh sát mặt đường khi họ phải đối diện với tiếng máy bay rít và bom nổ.

- Cảm nhận về sự im lặng được miêu tả trong đoạn trích:

  • Cái im lặng không bình thường của một buổi sáng trên cao điểm bị phá tan bởi âm thanh của tiếng máy bay rít, bom nổ. Đó là những mối nguy hiểm, cái chết cận kề mà các nữ thanh niên xung phong phải đối mặt (tiếng máy bay trinh sát rè rè; phản lực gầm gào lao theo sau; nổ trên cao điểm tất cả cứ như lên cơn sốt...).

  • Cuộc sống ấy đối với ba cô gái ít nhiều để lại những cảm giác khó chịu và căng thẳng nhưng đó là cái diễn ra hàng ngày đã quá quen thuộc (Cuộc sống ở đây đã dạy cho chúng tôi thế nào là sự im lặng).

- Nghệ thuật:

  • Ngôi kể thứ nhất.

  • Kể kết hợp với miêu tả, ngôn ngữ giàu hình ảnh, câu văn ngắn.

* Đánh giá :

- Điểm tương đồng trong cái lặng im của một Sa Pa lặng lẽ hay một cao điểm trên tuyến đường Trường Sơn là sự thực cuộc sống không lặng lẽ của những con người ngày đêm hi sinh, cống hiến âm thầm cho đất nước.

- Điểm khác biệt:

  • Nguyễn Thành Long đặt nhân vật trong cuộc sống lao động.

  • Lê Minh Khuê đặt nhân vật trong cuốc sống chiến đấu

c. Kết vấn đề:

- Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận.

Tham khảo đề thi thử vào lớp 10 khác:

Ngoài ra các em học sinh và thầy cô có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu hữu ích hỗ trợ ôn luyện thi môn ngữ văn khác được cập nhật liên tục tại chuyên trang của chúng tôi.

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về đề thi thử môn văn vào 10 năm 2020 trường Chuyên Thái Nguyên, hỗ trợ tải file word, pdf hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
5.0
1 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com