Logo

Đề thi vào lớp 10 môn Văn năm 2022 Hà Nội có đáp án chính thức

Đề thi vào lớp 10 môn Văn năm 2022 TP Hà Nội chính thức có đáp án và hướng dẫn giải chi tiết, chính xác từ sở giáo dục đào tạo Hà Nội dành cho các em học sinh lớp 9 tham khảo nhanh nhất, hỗ trợ file tải pdf, word miễn phí.
2.6
45 lượt đánh giá

Trọn bộ đề thi Văn vào 10 năm học 2022-2023 của các trường THPT thuộc TP Hà Nội cùng đáp án, lời giải chuẩn xác nhất có file tải miễn phí định dạng Word và PDF được chúng tôi cập nhật kịp thời nhằm giúp các em học sinh lớp 9, thầy cô và quý phụ huynh tham khảo, so kết quả nhanh nhất.

Đề tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2022 Hà Nội chính thức

Nội dung đề Văn thi vào 10 năm 2022 của Hà Nội đầy đủ các mã đề sẽ sớm được chúng tôi cung cấp chi tiết tại đây ngay khi có thông tin mới nhất từ sở.

Toàn bộ thông tin đề thi chuyển cấp lớp 10 môn Văn 2022 Hà Nội được cung cấp miễn phí để các bạn tham khảo và chia sẻ rộng rãi đến bạn bè và người thân kịp thời.

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2022 TP Hà Nội các trường THPT công lập

​​​​​​​

Phần 1 (6,5 điểm)

Trong những ngày tháng cuối đời, nhà thơ Thanh Hải vẫn thiết tha đón nhận vẻ đẹp của cuộc sống:

“Từng giọt long lanh rơi 

Tôi đưa tay tôi hứng.”

(Trích Mùa xuân nho nhỏ, Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2021) 

1. Mùa xuân nho nhỏ được sáng tác theo thể thơ nào? Ghi lại mạch cảm xúc của bài thơ. 

2. Nêu giá trị gợi hình, gợi cảm của hình ảnh “giọt long lanh rơi” trong hai dòng thơ trên. 

3. Kể tên một văn bản khác trong chương trình Ngữ văn cấp Trung học cơ sở cũng viết về mùa xuân, ghi rõ tên tác giả. 

4. Từ những ấn tượng về mùa xuân thiên nhiên, nhà thơ bộc lộ tiếng lòng náo nức:

“Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy trên lưng 

Mùa xuân người ra đồng 

Lộc trải dài nương mạ 

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao...”

 Em hãy viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp) làm rõ vẻ đẹp mùa xuân đất nước và cảm xúc của tác giả ở khổ thơ trên, trong đó có sử dụng câu bị động và phép thế để liên kết (gạch dưới, chú thích rõ một câu bị động và từ ngữ dùng làm phép thế).

Phần II (3,5 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

“Có một gương mặt đẹp soi vào gương quả là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc càng trọn vẹn hơn nếu có một tâm hồn đẹp để mỗi khi soi vào tấm gương lương tâm sâu thẳm mà lòng không hổ thẹn.”

(Theo Băng Sơn, Tấm gương, Ngữ văn 7, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2021) 

1. Gọi tên và chỉ rõ một phép liên kết ở đoạn trích trên. Trong cụm từ “tấm gương lương tâm”, người viết sử dụng biện pháp tu từ nào?

2. Theo tác giả, những điều gì giúp con người cảm thấy hạnh phúc?

3. Từ đoạn trích trên, kết hợp với những hiểu biết xã hội, em hãy trình bày suy nghĩ của mình (khoảng 2/3 trang giấy thi) về vấn đề: Sự cần thiết của việc nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn.

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn chuyên năm 2022 TP Hà Nội 

Hôm nay (20/6), các thí sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10 vào các trường chuyên tại Hà Nội đã làm bài thi môn Văn chuyên. Mời quý thầy cô và các em theo dõi đề thi dưới đây.

​​​​​​​​​​​​​​

Câu 1: (4,0 điểm)

Suy nghĩ của em về ý kiến sau:

"Đừng chạy theo xu hướng mà quên bản thân, đừng vội vàng chấp nhận những giải pháp do người khác đưa ra trong khi mình chưa nỗ lực hết sức."

(Bớt ảo tưởng và biết lắng nghe - Báo Thời nay - ấn phẩm của báo Nhân dân, 24/4/2019)

Câu 2 (6,0 điểm)

“Trong thực tế người đọc luôn có thái độ đối thoại với tác phẩm...Đối thoại làm cho tác phẩm có dịp mở tung mọi chiều sâu của mình.”

(Lí luận văn học - Tác phẩm và thể loại văn học, NXB Đại học Sư phạm, 2018)

Em hiểu nhận định trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ bằng việc “đối thoại” với một vài tác phẩm trong chương trình Ngữ văn cấp Trung học cơ sở.

Đề thi vào 10 môn Văn năm 2022 chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội

Đề chung:

Đề thi môn Văn chung vào 10 trường chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội gồm 2 phần: Đọc hiểu văn bản và Làm văn. Thí sinh làm bài thi trong vòng 90 phút.

Phần I: Đọc hiểu văn bản (3,0 điểm) 

Đọc đoạn trích:

Bây giờ buổi trưa. Im ắng lạ. Tôi ngồi dựa vào thành đá và khe khẽ hát. Tôi mê hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát. Lời tôi bịa lộn xộn mà ngớ ngẩn đến tôi cũng ngạc nhiên, đôi khi bỏ ra mà cười một mình.

Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”.

Xa đến đâu mặc kệ, nhưng tôi thích ngắm mắt tôi trong gương. Nó dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói nắng.

(Ngữ văn 9, NXB Giáo dục Việt Nam, 2021) 

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn trích trên nằm trong tác phẩm nào, của ai? 

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ trong câu văn: “Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”. 

Câu 3. “Tôi” là nhân vật nào trong tác phẩm? Đoạn văn giúp em hiểu gì về nhân vật đó? (trả lời trong khoảng 3 – 5 câu) 

Phần II: Làm văn (7,0 điểm)

Ta hát bài ca gọi cá vào,

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.

Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.
 

Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.

Vẩy bạc đuôi vàng loé rạng đông,

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

(Huy Cận, Đoàn thuyền đánh cá, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2021, trang 140) 

Trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ trên. Qua đó, nêu suy nghĩ của bản thân về vấn đề: tình yêu cuộc sống từ những điều giản dị.

Đề chuyên:

Đề thi môn Văn chuyên vào 10 trường chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội gồm 2 phần: Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học. Thí sinh làm bài thi trong vòng 150 phút.

Câu 1 – Nghị luận xã hội (4,0 điểm)

“Thành đạt không phải do người ngoài giúp mà chính nhờ ở sự tự tin”.

(A. Lincoln)

Em nghĩ thế nào về câu nói trên? 

Câu 2 – Nghị luận văn học (6,0 điểm)

“Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một loại người nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực. Nhân vật chính là người dẫn dắt người đọc vào một thế giới riêng của đời sống trong một thời kì lịch sử nhất định”. 

(Lý luận văn học, Hà Minh Đức (chủ biên), NXB Giáo dục, 1997, tr.126)

 Bằng trải nghiệm văn học của bản thân, em hãy bàn luận về ý kiến trên.

Đề thi vào 10 Văn năm 2022 chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội

Đề chung:

Đề thi môn Văn chung vào 10 trường chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội gồm 2 câu. Thí sinh làm bài thi trong vòng 90 phút.

​​​​​​​

 

Câu 1. (4,0 điểm)

 Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

“Sự hi sinh thời gian sống của thế hệ đi trước là để thể hệ mới, khi bước vào thế kỉ hai mốt, biết dùng thời gian của đời mình một cách có ích nhất, một cách phong phú nhất. Đó không đơn giản là dùng thời gian làm việc hay thời gian chơi, thời gian nghỉ ngơi, mà đó là dùng một thời-gian-tổng-hợp, một thời gian sống sáng tạo và hồn nhiên. Tri thức về thế giới đưa lại những kĩ năng để sáng tạo, còn tri thức về chính bản thân mình đưa lại sự hồn nhiên cho sáng tạo. Con người khi càng tự hiểu mình, thì càng sông hồn nhiên hơn, và sống với nhiều ý tưởng mới, ý tưởng sáng tạo hơn. Những cơ hội của thế kỉ hai mốt mở ra cho cuộc sống sáng tạo và hồn nhiên của con người là rất lớn và rất không đồng đều. Sự không đồng đều ấy có trong một cộng đồng người và có trên toàn thế giới. Làm sao để khắc phục nó là chuyện không đơn giản. Nhưng tất cả lại có một xuất phát giống nhau để tìm đến cơ hội phát triển: đó là sự ý thức, ở đây là tự ý thức về thời gian của riêng mình, thời gian sống của mình trên cõi đời.” 

(Trích Một cảm xúc thời gian, in trong Mãi mãi là bí mật, Thanh Thảo, NXB Lao động, 2004, tr.388 - 389)

a. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. 

b. Theo tác giả, lợi ích của việc con người tự hiểu mình là gì?

c. Chỉ ra và nêu tác dụng của cách diễn đạt trong câu: “Đó không đơn giản là dùng thời gian làm việc hay thời gian chơi, thời gian nghỉ ngơi, mà đó là dùng một thời-gian-tổng-hợp, một thời gian sống sáng tạo và hồn nhiên.”

d. Viết một đoạn văn (khoảng 10 câu) trình bày suy nghĩ của em về lời nhắn nhủ: “Sự hi sinh thời gian sống của thế hệ đi trước là để thế hệ mới, khi bước vào thế kỷ hai mốt, biết dùng thời gian của đời mình một cách có ích nhất, một cách phong phú nhất.”

Câu 2. (6.0 điểm)

Viết bài văn trình bày cảm nhận về những đức tính cao đẹp của “người đồng mình” và mong ước của người cha qua lời tâm tình với con trong đoạn thơ sau:

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con.

(Trích Nói với con, Y Phương, Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr.72 - 73)

Đề chuyên:

Đề thi môn Văn chuyên vào 10 trường chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội gồm 2 câu. Thí sinh làm bài thi trong vòng 120 phút.

Câu 1. (4,0 điểm)

“Những con người đã không yêu quê mình thì khi đến nơi khác, họ dám phá sạch.” 

(Khương Nhung, Tô tem sói, NXB Công an Nhân dân, 2007, tr.312, Trần Đình Hiến dịch)

Trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.

Câu 2. (6.0 điểm)

Lão Hạc (truyện ngắn Lão Hạc - Nam Cao), khi bán con chó vàng, “cười như mếu và đôi mắt ầng ậc nước” và nói rằng: “tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó”. Hình như cũng biết vợ ông giáo không ưng giúp mình, lão “từ chối tất cả những cái gì tôi cho lão. Lão từ chối một cách gần như là hách dịch. Và lão cứ xa tôi dần dần,”.

Ông Hai (truyện ngắn Làng - Kim Lân) khi đi tản cư, nghe tin đồn cả làng Chợ Dầu của mình “thành Việt gian theo Tây” thi tâm trạng thật nặng nề, thấy “tủi thân”, “trằn trọc không sao ngủ được”, “không bước chân ra đến ngoài”, lảng tránh mọi người,... Khi cái tin đồn ấy được “cải chính”, “cái mặt buồn thiu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hắn lên”, ông “lật đật” đi từ nhà này sang nhà khác, “cứ múa tay lên mà khoe cái tên ấy với mọi người”, “Tối hôm ấy, ông Hai lại sang bên gian bác Thứ, lại ngồi trên chiếc chõng tre, vén quần lên tận bẹn mà nói chuyện về cái làng của ông”.

Trình bày cảm nhận về nhân vật lão Hạc và nhân vật ông Hai qua các chi tiết trên. Hãy lí giải điểm chung và điểm riêng của các nhân vật.

Đề thi vào 10 Văn năm 2022 trường THPT Chuyên Khoa học Tự Nhiên - ĐHQG Hà Nội

A. PHẦN BẮT BUỘC ĐỐI VỚI MỌI THÍ SINH 

Câu I (3 điểm) 

1. Trắc nghiệm (1 điểm)

Chọn một trong bốn phương án A, B, C, D để trả lời các câu hỏi sau: 

a) Lê Minh Khuê là tác giả của truyện ngắn nào sau đây?

A. Làng 

B. Những ngôi sao xa xôi 

C. Lão Hạc 

D. Chiếc lược ngà 

b) Bài thơ nào sau đây kết thúc bằng hình ảnh “Đầu súng trăng treo”?

A. Đồng chí 

B. Nhớ rừng 

C. Sang thu 

D. Bếp lửa 

c) Tác phẩm nào sau đây không thuộc văn học thời kì trung đại?

A. Chiếu dời đô

B. Tắt đèn 

C. Hịch tướng sĩ 

D. Truyện Kiều 

d) Chọn một từ mà nghĩa của nó không cùng nhóm với các từ còn lại?

A. Lan man 

B. Lan truyền 

C. Lan tỏa 

D. Lan tràn 

2. Tiếng Việt (2 điểm)

Cho đoạn thơ sau:

Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm

Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng 

Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm 

Của những cọng rơm xơ xác gầy gò

(Nguyễn Duy, Hơi ấm ổ rơm) 

a) Xác định thể thơ của đoạn trích. 

b) Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ trong những câu thơ trên.

Câu II (2 điểm)

Đại văn hào Vich-to Huy-gô đã từng nói: “Trên đời này chỉ có một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục đó là tài năng và chỉ có một thứ mà ta phải quỳ gối tôn trọng đó là lòng tốt”.

Em hãy viết một đoạn văn khoảng 12 đến 15 câu trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên. Trong đó, có sử dụng một phép nối để liên kết câu (gạch chân dưới phương tiện liên kết mà em đã sử dụng).

B. PHẦN TỰ CHỌN (Thí sinh chọn một trong hai câu IIIa hoặc IIIb để làm bài) 

Câu IIIa (5 điểm)

Phân tích đoạn thơ sau trong bài “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,

Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,

Cá thu biển Đông như đoàn thoi

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.

Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!

Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng,

Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Cá nhụ cá chim cùng cá đé,

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe,

Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.

(Theo Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2021, trang 139-140)

Câu IIIb (5 điểm)

Phân tích nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh núi cao trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.

Đáp án đề thi Văn vào 10 năm 2022 TP Hà Nội​​​​​​​ chính xác nhất

Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn TP Hà Nội năm 2022 được chúng tôi cập nhật chính thức từ sở GD&ĐT Hà Nội ngay khi có thông tin mới nhất.

Đáp án chính thức đề thi vào 10 môn Văn năm 2022 TP Hà Nội THPT công lập

Chúng tôi xin gửi đến quý thầy cô và các em đáp án chính thức môn Văn chung thi vào 10 Hà Nội được Sở GD&ĐT Hà Nội công bố.

​​​​​​​​​​​​​​

Đáp án đề thi vào 10 Văn năm 2022 chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội 

Đề chung:

So đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn chung của Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn 2022 được cập nhật từ đội ngũ chuyên gia giải đề để các bạn theo dõi. 

Lưu ý: Đáp án chỉ mang tính chất tham khảo

ĐỌC HIỂU: 

Câu 1: Phương pháp: Căn cứ bài Những ngôi sao xa xôi. 

Cách giải: 

- Tác phẩm: Những ngôi sao xa xôi. 

-Tác giả: Lê Minh Khuê. 

Câu 2: Phương pháp: Căn cứ các biện pháp tu từ đã học. 

Cách giải: Học sinh lựa chọn biện pháp tu từ phù hợp. 

- Liệt kê: Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao.

-> Tác dụng: Nhấn mạnh vẻ đẹp của Phương Định, một vẻ đẹp vừa mộc mạc, giản dị, vừa kiêu hãnh, thanh lịch. 

- So sánh: Ví cái cổ như “đài hoa loa kèn”

> Tác dụng: Nhấn mạnh vẻ đẹp kiêu hãnh, thanh lịch của Phương Định. Đồng thời giúp người đọc hình dụng rõ được chân dung nhân vật. 

Câu 3: Phương pháp: Phân tích, tổng hợp. 

Cách giải:

 - Tôi là nhân vật Phương Định của tác phẩm. 

- Gợi ý nếu hiểu biết về nhân vật: 

+ Phương Định là một cô gái xinh đẹp: bím tóc dày, dài, cái cổ cao kiêu hãnh, đôi mắt luôn nhìn xa xăm. 

+ Phương Định ý thức được vẻ đẹp của bản thân. 

+Cô yêu ca hát.

-> Phương Định là cô gái trẻ trung, yêu đời, đồng thời cũng là người con gái có nội tâm nhạy cảm, tinh tế. 

II. LÀM VĂN: 

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.

Cách giải: 

1. Mở bài 

- Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm và đoạn thơ cần phân tích. 

- Giới thiệu về vấn đề tình yêu cuộc sống từ những điều giản dị. 2. Thân bài 

2. Thân bài

2.1 Phân tích, cảm nhận đoạn thơ 

* Lòng biết ơn biển cả

- Câu hát lại một lần nữa xuất hiện. Cho thấy tinh thần lao động hăng say, tràn đầy nhiệt huyết của những người ngư dân. 

- So sánh “như lòng mẹ”: 

+ Là “nguồn sữa”, nguồn tài nguyên khổng lồ nuôi sống con người. 

+ Ấm áp, bao dung, gần gũi, yêu thương con người như lòng mẹ.
-> Ấn sau những câu thơ này là niềm hạnh phúc và lòng biết ơn của con người đối với ân tình của thiên nhiên, đất nước. 

* Khung cảnh lao động hăng say trên biển: 

- Hệ thống từ ngữ: “kéo lưới”, “lưới xếp”, “buồm lên” ->làm hiện lên cụ thể, sinh động cảnh đánh cá. 

- Được tái hiện: 

+ Từ khúc hát lao động mê say: nhịp điệu của một cuộc sống lao động đầy niềm vui, gợi tâm hồn phóng khoáng và yêu lao động. 

+ Từ hình ảnh “chùm cá nặng” gợi vẻ đẹp khỏe khoắn, mạnh mẽ của người lao động và một mẻ lưới bội thu. 

+ Từ những khoang thuyền đầy ắp cá (vẩy bạc, đuôi vàng) ta thấy được sự quý giá.

- Qua đó gợi lên:
+Vẻ đẹp của một buổi bình minh tươi sáng.
+ Sự chạy đua với thời gian của người dân chài. 

+ Thành quả quý giá của lao động.

->Qua đó ta thấy: 

- Bức tranh thiên nhiên lộng lẫy, kì vĩ. 

- Thiên nhiên đất nước giàu có, hào phóng. - Hình tượng người lao động bình dị mà lớn lao, phi thường. 

2.2 Tình yêu cuộc sống từ những điều giản dị 

* Bàn luận 

- Cuộc sống này có biết bao điều thú vị, đáng yêu. Sự đáng yêu ấy không phải bắt nguồn từ những điều cao sang, xa xỉ mà đôi khi bắt nguồn từ những điều dung dị, nhỏ bé, giản dị. 

- Tình yêu cuộc sống từ những điều giản dị tức là tình yêu những đồ vật, con người, sự việc nhỏ bé, bình thường xung quanh mình như: yêu mái nhà mình sống, yêu bác hàng xóm gia nhiệt tình, yêu con đường mỗi ngày đến trường.

- Tình yêu từ những điều giản dị ấy làm nên tình yêu quê hương, đất nước. 

* Mở rộng 

- Lối sống giản dị hoàn toàn khác với lối sống cẩu thả, lạc hậu, gò bó, khuôn mẫu, giản dị cũng không đồng nghĩa với tiết kiệm, hà tiện... giản dị phù hợp với điều kiện, với hoàn cảnh vẫn thể hiện được sự tao nhã, thanh lịch, văn hóa. 

- Phê phán lối sống xa hoa, đua đòi hay giản dị một cách giả tạo. 

- Để sống giản dị, con người phải trải qua sự rèn luyện, cần một năng lực sống, quyết tâm cao, cũng cần hoà mình vào cuộc sống để sống và cảm nhận, cần loại bỏ lòng tham và bù đắp tình yêu cuộc sống. Đó là cách để tránh mọi cám dỗ, giảm áp lực tinh thần và nâng cao bản lĩnh văn hoá. 

3. Kết bài: Tổng kết vấn đề.

Đáp án đề thi vào 10 Văn năm 2022 THPT Chuyên Khoa học Tự Nhiên 

So đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn THPT Chuyên Khoa học Tự Nhiên 2022 được cập nhật từ đội ngũ chuyên gia giải đề để các bạn theo dõi. 
Lưu ý: Đáp án chỉ mang tính chất tham khảo

Ngoài tuyển tập đề thi vào lớp 10 môn Văn năm 2022 của Hà Nội, các bạn còn có thể tham khảo thêm hướng dẫn giải các đề thi vào 10 môn tiếng Anh, Văn, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa… cùng các môn học khác đã được cập nhật tại chuyên trang của chúng tôi.

Mời các bạn đón xem đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2022 của TP Hà Nội các môn khác:

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Bộ đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2022 Hà Nội (Có đáp án) file Word, pdf hoàn toàn miễn phí!

Đánh giá bài viết
2.6
45 lượt đánh giá
Tham khảo thêm:
    CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
    Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
    Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
    Copyright © 2020 Tailieu.com