Trọn bộ đề thi Văn vào 10 năm học 2022-2023 của các trường THPT thuộc TP.HCM cùng đáp án, lời giải chuẩn xác nhất có file tải miễn phí định dạng Word và PDF được chúng tôi cập nhật kịp thời nhằm giúp các em học sinh lớp 9, thầy cô và quý phụ huynh tham khảo, so kết quả nhanh nhất.
Nội dung đề Văn thi vào 10 năm 2022 của TP.HCM đầy đủ các mã đề sẽ sớm được chúng tôi cung cấp chi tiết tại đây ngay khi có thông tin mới nhất từ sở.
Toàn bộ thông tin đề thi chuyển cấp lớp 10 môn Văn 2022 TP.HCM được cung cấp miễn phí để các bạn tham khảo và chia sẻ rộng rãi đến bạn bè và người thân kịp thời.
Xin gửi đến quý thầy cô và các em học sinh đề thi tuyển sinh môn Văn lớp 10 TP HCM mới nhất do Sở GD&ĐT TP HCM công bố.
Đề chung:
BỨC THÔNG ĐIỆP CỦA THỜI GIAN
Câu 1: (3,0 điểm)
Em hãy đọc hai văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Văn bản 1:
Bất cứ thành phố lớn nào cũng có một lịch sử phát triển lâu dài. Trong dịp kỷ niệm 300 năm thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh, ông Henry Chabert, phó thị trường thành phố Lyon đã trân trọng viết lời tựa cho cuốn sách “Sài Gòn 1698 - 1998: Kiến trúc, quy hoạch”: "Thành phố này nói cho cùng là một ký ức nhắc nhở với ta về bao thế hệ con người khác nhau đã tạo dựng nên nó, bao biến cố thăng trầm lịch sử, nhưng đồng thời cũng nói lên bao niềm ước vọng.” Thật vậy, đô thị nơi đây in dấu ấn thời gian, mang theo nhiều giá trị không chỉ về kiến trúc, cảnh quan mà còn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật mà chúng ta có thể học hỏi. Vì vậy, trong quá trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình xưa cũ, chúng ta cần phải thật thận trọng, nghiêm cẩn. Đó cũng là cách thể hiện thái độ trân trọng quá khứ.
(Theo Nguyễn Minh Tồn, Đô thị luôn là sự tiếp nối, Báo Tuổi Trẻ online, ngày 04/6/2022)
Văn bản 2:
Thời gian là chất liệu làm nên cuộc đời của mỗi người. Cuộc đời của chúng ta đều hữu hạn, thời gian thuộc về mỗi người cũng có giới hạn. Thứ nhanh nhất mà lại chậm nhất, dài nhất mà lại ngắn nhất, bình thường nhất mà lại giá trị nhất, dễ dàng làm cho ta lãng quên nhưng cũng dễ dàng làm cho ta hối tiếc nhất chính là thời gian. Thời gian cứ trôi đi, không bao giờ dừng lại và mãi mãi không thể quay về. Vì vậy, ngay từ khi còn trẻ, hãy biết trân trọng thời gian, hãy biết sống trọn vẹn từng phút giây, hãy học thêm nhiều thứ, trải nghiệm thêm nhiều điều trong hiện tại để tạo dựng cuộc sống hạnh phúc.
(Theo Tiêu Vệ, Học cho ai? Học để làm gì?, NXB Kim Đồng)
a. Dựa vào văn bản 1, hãy cho biết ông Henry Chabert đã viết gì trong lời tựa cuốn sách Sài Gòn 1698 – 1998: Kiến trúc, quy hoạch (0,5 điểm)
b. Chỉ ra một phép liên kết được sử dụng trong hai câu đầu của văn bản 2 (0,5 điểm)
c. Xác định thông điệp của từng văn bản. (1,0 điểm)
d. Trong cuộc sống, giữa hai việc học hỏi từ quá khứ và trải nghiệm trong hiện tại, em quan tâm đến việc nào hơn? Vì sao? Trả lời trong khoảng 4 – 6 dòng (1,0 điểm)
Câu 2: (3,0 điểm)
Phải chăng chỉ cần thời gian trôi qua, bạn sẽ trưởng thành?
Ở góc nhìn tuổi trẻ, em hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) để trả lời câu hỏi trên.
Câu 3: (4,0 điểm) Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:
Đề 1
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
(Trích Sang thu, Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam)
Cảm nhận về hai khổ thơ trên. Từ đó, liên hệ với một tác phẩm khác để thấy được những biến chuyển của thiên nhiên hoặc con người theo bước đi của thời gian.
Đề 2:
TIN NHẮN TỪ THỜI GIAN
Người gửi: Thời gian
Người nhận: Tuổi trẻ
Nội dung tin nhắn: Tuổi trẻ ơi, trong hành trang của tuổi thanh xuân không thể thiếu những quyển sách giúp bạn hiểu thêm về chính mình.
Tự tin nhắn của thời gian và từ những trải nghiệm trong quá trình đọc, hãy viết bài văn nghị luận về một quyển sách hoặc một tác phẩm văn học đã giúp em hiểu thêm về chính mình.
Đề chuyên:
Câu 1 (4,0 điểm)
Trong cuộc sống, chúng ta thường dán nhãn người khác hoặc bị người khác dán nhãn. Dán nhãn - nghĩa là mặc định trong đầu mình một suy nghĩ về ai đó và luôn nhìn họ theo hướng ấy, không hề thay đổi, bất kể trong thực tế họ có thật sự giống với điều mình nghĩ hay không.
Theo em, việc dán nhãn và bị dán nhãn sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nhận thức của chúng ta về người khác và về chính mình?
Bằng những trải nghiệm cuộc sống, em hãy viết bài văn trả lời câu hỏi trên.
Câu 2 (6,0 điểm)
Ở vùng xích đạo, có một giáo viên tiểu học cố gắng giải thích cho đám học trò nhỏ của mình về hình dáng của “tuyết”, nhưng dù anh ta miêu tả thế nào, lũ trẻ vẫn không hiểu.
Giáo viên nói: Tuyết có màu trắng thuần khiết.
Lũ trẻ bèn đoán: Vậy thì tuyết giống muối rồi.
- Những tuyết rất lạnh.
- Vậy tuyết giống như kem.
Cuộc đối thoại trên khiến chúng ta nhận ra có những thứ khó có thể diễn đạt bằng ngôn từ. Ta khó có thể biết tuyết là gì khi chưa từng nhìn thấy nó. Đến thứ hữu hình như tuyết còn chẳng thể mô tả một cách rõ ràng, huống chi những thứ vô sắc vô hình và khó nắm bắt như suy nghĩ. Muốn biết tuyết trông như thế nào, hãy đến một quốc gia có tuyết rơi. Muốn nghe tiếng hót của chim hoàng oanh, hãy ngồi dưới tán cây nơi nó đậu. Muốn thưởng thức hương thơm thanh mát của dạ lan hương, hãy đến vườn hoa vào ban đêm.
(Theo Lâm Thanh Huyền, Trước khi muốn từ bỏ hãy nghĩ tới ngày mai, NXB Hà Nội, 2020)
Nếu vẻ đẹp của cuộc sống chỉ được tìm thấy trong chính cuộc sống thì liệu văn chương có ý nghĩa gì trong việc thể hiện vẻ đẹp của cảnh sắc cuộc đời và nội tâm con người?
Bằng những trải nghiệm văn học, em hãy viết bài văn trả lời câu hỏi trên.
Đề chung:
Câu 1 (3.0 điểm)
Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:
“Làm vệ sinh thân thể thì ai nấy cũng sẵn sàng làm hàng ngày, thậm chí mỗi ngày còn làm đến vài ba lần. Ta có thể đánh răng một ngày ba lần, tắm rửa ba lần (nếu trời nóng nực). Làm vệ sinh thân thể thì rất dễ dàng bởi những loại kem đánh răng tốt, sữa tắm mới, các thứ xà-bông vệ sinh ngày nay không thiếu. Thế nhưng làm thế nào để giải quyết các ưu tư sầu khổ, làm thế nào để vượt qua cơn sốc, làm thế nào để gượng dậy và đứng lên đi tiếp trên đường đời thì quả là hơi khó. Mà ai sống ở trên đời cũng có thể gặp những tình trạng căng thẳng (stress) như vậy. Vì vậy, tôi đề xuất với các em một khái niệm hơi mới: vệ sinh tinh thần.
Đời sống tinh thần là một cái gì hết sức trừu tượng nhưng rõ ràng, đó là một thực tế cần được đặc biệt quan tâm, chăm sóc. Nếu khi nào em bị một trạng thái tương tự như các trạng thái mà tôi vừa nói, nếu khi nào em bị mất quân bình về mặt tâm lý thì xin hiểu rằng mình đang có nguy cơ “bệnh” về mặt tinh thần. Và hãy cảnh giác với những bệnh lý tinh thần này. Cũng như các nguy cơ bệnh về thể chất, các em phải có bổn phận chăm sóc, giải quyết các căn bệnh tinh thần ấy ngay, tránh để các em rơi vào tình trạng căng thẳng nặng nề, có thể dẫn đến những hậu quả khốc liệt không lường được.
Giản dị nhất trong đời là các em phải biết tự thư giãn bằng cách tìm đến những cách giải trí lành mạnh, thanh nhã. Đọc một quyển sách hay của một tác giả mà em yêu thích, đến gần một ngôi chùa hay nhà thờ lắng nghe tiếng chuông chiều, xem một bộ phim hài hước,... đều có thể làm cho tinh thần của em tốt đẹp hơn. Đó là những chỗ thoát hơi nho nhỏ giúp cho em tự giải quyết, đẩy căng thẳng ra khỏi lòng em.”
(Theo Vũ Đức Sao Biển, Đối thoại với tuổi đôi mươi, NXB Trẻ, TP.HCM, 2017, tr.189-192)
Phần trắc nghiệm (2.0 điểm)
Thí sinh chọn phương án đúng và ghi vào giấy làm bài (Ví dụ: 1. A; 2. A; 3. A)
1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là (0.25 điểm)
A. Tự sự.
B. Nghị luận.
C. Thuyết minh.
D. Miêu tả.
2. Các phép liên kết về hình thức được sử dụng trong đoạn văn thứ ba là (0.25 điểm)
A. Phép thế và phép trái nghĩa.
B. Phép nối và phép lặp.
C. Phép nối và phép thế.
D. Phép thế và phép lặp.
3. Phương án nào giải thích đúng và đầy đủ nhất cụm từ “mất quân bình về mặt tâm lý”? (0.25 điểm)
A. Đánh mất khả năng giữ sự bình tĩnh của tâm hồn.
B. Đánh mất khả năng giữ sự hào hứng của tâm hồn.
C. Đánh mất khả năng giữ sự cân bằng của tâm hồn.
D. Đánh mất khả năng giữ sự bình thản của tâm hồn.
4. Câu “Mà ai sống ở trên đời cũng có thể gặp những tình trạng căng thẳng (stress) như vậy.” chứa thành phần biệt lập nào? (0.25 điểm)
A. Thành phần tình thái.
B. Thành phần gọi đáp.
C. Thành phần phụ chú.
D. Thành phần cảm thán.
5. Phương án nào không chứa từ được dùng theo nghĩa chuyển trong văn bản trên? (0.5 điểm)
A. “vệ sinh tinh thần”.
B. “những chỗ thoát hơi”.
C. “đẩy căng thẳng”.
D. “vệ sinh thân thể”.
6. Ý nghĩa khái quát nhất của văn bản trên là (0.5 điểm)
A. Chúng ta chú trọng đến vệ sinh thân thể hơn vệ sinh tinh thần nên đời sống tinh thần của chúng ta chưa được chăm sóc đúng mức.
B. Chúng ta cần quan tâm, chăm sóc đời sống tinh thần và có những giải pháp để vượt khỏi nguy cơ bị mắc phải căn bệnh tinh thần.
C. Chúng ta cần cảnh giác căn bệnh về tinh thần vì căn bệnh này có thể gây ra những hậu quả nặng nề, gây nguy hiểm đến tính mạng.
D. Chúng ta cần biết cách tự thư giãn, tự làm cho đời sống tinh thần của mình được thanh thản bằng những hoạt động giải trí lành mạnh.
Phần tự luận (1.0 điểm)
Viết đoạn văn (khoảng 08 đến 10 dòng) để chia sẻ cách thức em vượt qua một nỗi buồn hoặc một trạng thái căng thẳng, bất ổn tâm lý.
Câu 2 (3.0 điểm)
Người lớn thường hay nghĩ: “Trẻ con, biết gì mà nói” dù rằng đứa trẻ ấy đã 15 tuổi. 15 tuổi, trẻ con biết nhiều lắm chứ và trẻ con cũng rất muốn được bày tỏ ý kiến về mọi thứ xung quanh mình. Ví dụ như nạn ô nhiễm môi trường, những vấn đề đổi mới giáo dục hay cách ứng xử phù hợp với mọi người,...
Vậy còn em, ở lứa tuổi 15, vấn đề xã hội em quan tâm nhất là gì?
Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 01 trang giấy thi) với nhan đề “Điều em muốn nói” để trả lời câu hỏi trên.
Câu 3 (4.0 điểm)
Chọn một trong hai đề sau:
Đề 1: Cụ Hứa Văn Cường, thân sinh của nhà thơ Y Phương, từng dặn con mình:
“Không bao giờ quỳ gối và nói lời cong
Con phải sống thẳng băng như đường mực”
(Lê Thị Bích Hồng, Vĩnh biệt nhà thơ Y Phương: “Tiếng hát tháng Giêng” đã cất vào “ruột đá”, Báo Thể thao Văn hoá online, 11/02/2022)
Đến lượt Y Phương, ông cũng dặn con:
Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
(Y Phương, Nói với con, Ngữ văn 9 tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.72)
Cảm nhận về những lời dặn dò trên và cho biết ý nghĩa của những lời dặn dò ấy đối với em.
Đề 2:
“Bằng việc đọc sách, con người có thể làm sâu sắc tri thức, làm sâu sắc tư duy và làm sâu sắc cả nhân cách”.
(Takashi Saito, Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm tới, NXB Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, 2021)
Từ ý kiến trên và từ những trải nghiệm trong quá trình đọc, hãy viết về một tác phẩm văn học đã khiến em tiến xa hơn trên hành trình trở thành người sâu sắc.
Đề chung:
Câu 1 (4,0 điểm):
- “Đừng dối trá! Đâu phải tất cả là đắng cay, thất vọng, mất niềm tin. Có lúc anh cũng đã hạnh phúc. Dù không nhiều, thì cũng trong một khoảnh khắc. Hãy nói ra khoảnh khắc ấy!”
- “Vâng, tôi cũng đã từng hạnh phúc. Chắc chắn tôi đã từng hạnh phúc. Tôi còn nhớ đến niềm hạnh phúc, dư vị của nó còn trong miệng tôi đây, mùi hương của nó còn trong khứu giác tôi, nó còn lan tỏa trong hệ thần kinh tôi. Nhưng khi nào ư? Trong thời niên thiếu ư? Không, thời niên thiếu của tôi bất hạnh, tôi bị đối xử tồi. Thời thanh niên, tuổi trưởng thành?... Những kỷ niệm buồn mạnh mẽ hơn, chúng bao trùm lên tất cả. Tuy nhiên, khi nào tôi đã từng hạnh phúc?... Giờ tôi đã biết: trong một giây phút hững hờ đến nỗi tôi không còn nhớ nữa.”
(Theo Márai Sándor, bốn mùa, trời và đất, Nxb Hà Nội, 2019, tr.366)
Đoạn văn trên gợi cho bạn suy nghĩ gì về “khoảnh khắc hạnh phúc” của đời người? Hãy viết một bài nghị luận trình bày ý kiến của mình.
Câu 2 (6,0 điểm):
“Văn học là nghệ thuật của ngôn ngữ. Ngôn ngữ là hình thức văn hóa của dân tộc. Vấn đề chữ và tiếng nói – ngôn ngữ văn tự, đối với chúng ta, cần đặt lên hàng quan trọng có tính chất quyết định khi học tập và lúc viết.”
(Tô Hoài, Sổ tay viết văn, Nxb Văn học, 2016, tr.116)
Từ ý kiến của Tô Hoài, hãy viết một bài nghị luận bàn về ngôn ngữ như một “hình thức văn hóa của dân tộc”, dẫn chứng bằng các tác phẩm văn học Việt Nam hoặc nước ngoài mà bạn đã học và đã đọc.
Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn TP.HCM năm 2022 được chúng tôi cập nhật chính thức từ sở GD&ĐT TP.HCM ngay khi có thông tin mới nhất.
Chúng tôi xin gửi đến quý thầy cô và các em đáp án chính thức môn Văn thi vào 10 TP HCM được Sở GD&ĐT TP HCM công bố.
Chúng tôi xin gửi đến quý thầy cô và các em đáp án chính thức môn Văn chuyên thi vào 10 TP HCM được Sở GD&ĐT TP HCM công bố.
Ngoài tuyển tập đề thi vào lớp 10 môn Văn năm 2022 của TP.HCM, các bạn còn có thể tham khảo thêm hướng dẫn giải các đề thi vào 10 môn tiếng Anh, Văn, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa… cùng các môn học khác đã được cập nhật tại chuyên trang của chúng tôi.
Mời các bạn đón xem đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2022 của TP Hồ Chí Minh các môn khác:
►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Bộ đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2022 TP.HCM (Có đáp án) file Word, pdf hoàn toàn miễn phí!