Logo

Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa cúm A tại nhà hiệu quả

Điều kiện thời tiết phức tạp là cơ hội cho nhiều loại virus tấn công trong đó có cúm A. Những chia sẻ của chúng tôi dưới đây sẽ giúp bạn nắm được nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị từ đó hạn chế những chuyển biến nguy hiểm của căn bệnh.
5.0
1 lượt đánh giá

Theo như thông tin mới nhất hiện nay đại dịch cúm A đang bùng phát và có những chuyển biến xấu đến sức khỏe của người dân, đặc biệt sau ảnh hưởng Covid dẫn đến sức đề kháng của chúng ta bị suy giảm nghiêm trọng, là cơ hội tấn công của những loại virus nguy hiểm như cúm A.

Tuy là căn bệnh có thể điều trị tại nhà nhưng nếu chủ quan với những trường hợp lâu ngày không khỏi, căn bệnh có thể chuyển biến nặng dẫn đến tử vong. Đọc ngay bài viết dưới đây để nắm được biểu hiện, những triệu chứng và cách phòng tránh bệnh cúm A hiệu quả làm giảm nguy cơ chuyển nặng của căn bệnh.

Cúm A

Cúm A là cúm gì?

Cúm là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính đường hô hấp. Vi-rút cúm lây nhiễm ở người có thể được phân thành ba nhóm chính: A, B và C. Nhiễm cúm loại A có thể nghiêm trọng và gây ra đại dịch bệnh trên diện rộng, một số trường hợp nhẹ hơn, cúm có thể tự khỏi mà không có triệu chứng đáng kể, các trường hợp nghiêm trọng của cúm loại A có thể đe dọa đến tính mạng.

Cúm A thường xuất hiện nhiều hơn trong các dịch bệnh cúm mùa và gây ra các đại dịch vì vi rút cúm A có khả năng thay đổi và phân nhóm nhanh tạo ra các chủng mới từ mùa cúm này sang mùa cúm khác. Việc tiêm phòng cúm trong quá khứ sẽ không ngăn ngừa nhiễm trùng từ một chủng mới. Các loại chim hoang dã là vật chủ tự nhiên của vi rút loại A, nên nó còn được gọi là cúm gia cầm. Vi rút cúm A có thể lây lan trên động vật và con người.

Các chủng loại virus cúm A

Virus cúm A liên tục thay đổi và có khả năng gây ra những trận đại dịch lớn. Hiện có rất nhiều chủng virus cúm A đang lưu hành trên toàn cầu, trong đó phổ biến nhất là các chủng A/H1N1, A/H5N1, A/H3N2, A/H7N9.

Cúm A/H1N1

Cúm A/H1N1 là chủng virus cúm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận vào năm 2009. Ban đầu, cúm A/H1N1 có cái tên là “cúm lợn” vì các nhà khoa học cho rằng chủng cúm này có nguồn gốc từ lợn. Cúm A/H1N1 có tốc độ lây lan nhanh, dễ bùng phát thành các đợt dịch và đại dịch.

Tuy không nguy hiểm như những cúm A khác như A/H5N1 hay A/H7N9, nhưng cúm A/H1N1 có khả năng gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, suy đa tạng hoặc thậm chí là tử vong ở một số người có bệnh mãn tính. Mỗi năm, trên thế giới ghi nhận 250.000 – 500.000 trường hợp tử vong do cúm.

Cúm A/H5N1

Năm 1997, sự bùng phát của virus cúm A/H5N1 đã giết chết hàng chục triệu gia cầm. Từ tháng 12/2003 – 6/2008 đã có 243 người tử vong do cúm gia cầm trong tổng số 385 ca nhiễm ở 15 quốc gia, trong đó chủ yếu là các nước Châu Á. Indonesia được ghi nhận là quốc gia có nhiều ca tử vong do cúm A H5N1 nhất, với 110 người chết, trong 135 ca nhiễm.

Tại Việt nam, kể từ khi xuất hiện vào cuối năm 2003 đến tháng 9/2008, đã có 106 trường hợp được ghi nhận nhiễm cúm A H5N1, 52 ca tử vong.

Cúm A/H3N2

Virus cúm A/H3N2 được ghi nhận lần đầu tiên ở Hoa Kỳ vào năm 1968, là nguyên nhân của trận đại dịch kinh hoàng giết chết 1 triệu người dân trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 100 ngàn người dân Hoa Kỳ (3).

Virus cúm A/H3N2 gồm 2 gen từ virus cúm A là: hemagglutinin H3 và N2 neuraminidase; có thể lây nhiễm cho chim, người và động vật có vú. Virus cúm A/H3N2 lưu hành trên toàn thế giới dưới dạng virus cúm A theo mùa.

Trong những năm virus cúm A/H3N2 chiếm ưu thế, nhiều trường hợp phải nhập viện và thậm chí là tử vong. Những ca bệnh nặng xảy ra chủ yếu ở người lớn tuổi, từ 65 tuổi trở lên.

Cúm A/H7N9

Tháng 3/2013, lần đầu tiên các trường hợp nhiễm virus cúm A/H7N9 được phát hiện tại Trung Quốc và nhanh chóng bùng phát mạnh thành những trận đại dịch (4). Đây là loại virus có độc tính rất cao, có khả năng lây truyền sang người. Ở người, cúm A/H7N9 có khả năng nhân lên trong các cơ quan hô hấp, tiêu hóa, sinh sản, tiết niệu, tồn tại trong dịch tiết của cơ thể như nước mũi, nước bọt, nước mắt và phân,…

Đến nay, những người nhiễm virus cúm A/H7N9 hầu hết đều được ghi nhận mắc viêm phổi. Đối với những trường hợp nặng, không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Có ít trường hợp nhiễm virus cúm A/H7N9 có triệu chứng giống cúm tự hồi phục mà không cần sự can thiệp của các biện pháp y tế.

Nguyên nhân gây cúm A

Virus cúm A có thể lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác thông qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi, thậm chí là nói chuyện… dịch mũi, họng, các giọt nước bọt mang theo virus thoát ra môi trường bên ngoài, người lành hít phải sẽ có thể nhiễm bệnh.

Những triệu chứng của cúm A

Không giống như cảm lạnh thông thường, các triệu chứng của cúm thường xuất hiện đột ngột. Các dấu hiệu phổ biến của nhiễm cúm bao gồm: ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt xì, đau họng, sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể.

Đôi khi, các triệu chứng cúm A có thể tự khỏi mà không cần các can thiệp điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện, bệnh nhân nên tới khám với bác sĩ để tránh những biến chứng nghiêm trọng xảy ra. Đặc biệt là những người có hệ miễn dịch yếu dễ dẫn tới nguy cơ bị các biến chứng liên quan đến cúm như trẻ em, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai. Những đối tượng này cần theo dõi triệu chứng và có hướng điều trị kịp thời khi bị nhiễm cúm A, vì trong một vài trường hợp cúm có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh nhân cúm nếu không được điều trị có thể gây ra nhiễm trùng tai, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau bụng, đau ngực, hen suyễn, viêm phổi, viêm phế quản và gây ra các vấn đề về tim mạch.

Triệu chứng mắc cúm A

Cách điều trị cúm A

Trong một số trường hợp, các triệu chứng cúm A có thể tự khỏi khi được nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Tuy nhiên, tùy vào mức độ, tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng vi-rút để chống lại nhiễm trùng như: Zanamivir (Relenza), Oseltamivir (Tamiflu), Peramivir (Rapivab).

Những loại thuốc này được dùng để làm giảm khả năng vi-rút cúm lây lan từ tế bào này sang tế bào khác và làm chậm quá trình lây nhiễm của nó. Mặc dù hiệu quả, nhưng chúng có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn và nôn. Nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng này hoặc tình trạng sức khỏe trở nên xấu đi thì nên ngừng sử dụng thuốc.

Điều trị bằng thuốc không kê đơn cũng có thể làm giảm các triệu chứng cúm. Tuy nhiên bệnh nhân cần chú ý cung cấp đủ nước và dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

Trẻ bị cúm A uống thuốc gì?

Paracetamol (Acetaminophen)

Paracetamol là hoạt chất thường được sử dụng trong các thuốc giảm đau nhanh và hạ sốt ở trẻ em. Hoạt chất này giúp làm giảm thân nhiệt ở trẻ bị sốt và giảm các triệu chứng như đau đầu, cảm lạnh…

Liều dùng:

Liều dùng thông thường cho trẻ là 10-15 mg/kg/liều mỗi 4-6 giờ nếu cần. Đối với trẻ trên 1 tháng – 12 tuổi sử dụng tối đa 5 liều trong 24 giờ.

Trẻ từ 12 tuổi trở lên: bạn cho trẻ dùng 325-650mg mỗi 4-6 giờ hoặc 1000mg trong 6-8 giờ.

Lưu ý:

Paracetamol có thể được sử dụng cho trẻ nhỏ, tuy nhiên nên dùng ở mức hạn chế do trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi do dễ bị nhiễm độc paracetamol, có thể dẫn đến suy gan và tử vong.

Paracetamol là thuốc không kê đơn, bạn có thể dễ dàng mua tại nhà thuốc. Tuy nhiên, hoạt chất này có thể có trong thành phần của một số thuốc cảm lạnh khác, do đó trẻ có thể dùng quá liều nếu bố mẹ không kiểm tra kỹ thành phần thuốc. Vì vậy, trước khi cho trẻ dùng paracetamol để hạ sốt hoặc giảm đau, bạn hãy chắc chắn các thuốc khác trẻ đang dùng không có chứa paracetamol nhé.

Decongestant

Decongestant là nhóm thuốc chống sung huyết (thuốc thông mũi) có thể giúp giảm triệu chứng sổ mũi hoặc nghẹt mũi, bao gồm các thành phần như phenylephrine và pseudoephedrine.

Liều dùng:

Đối với phenylephrine 1,25 mg/0,8 mL, dung dịch uống:

  • Trẻ từ 2-5 tuổi: có thể uống 1,6 mL mỗi 4 giờ không quá 6 liều hàng ngày.

Đối với phenylephrine 1,25 mg/0,8 mL, viên nhai hoặc dung dịch uống:

  • Trẻ từ 6-11 tuổi: có thể 10mg uống mỗi 4 giờ khi cần thiết.
  • Trẻ từ 12 tuổi trở lên: có thể uống 10-20 mg uống mỗi 4 giờ khi cần thiết.

Lưu ý:

Liều dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn chưa được nghiên cứu và xác định. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn định dùng thuốc này cho trẻ. Nếu dùng decongestant ở dạng nhỏ mũi hoặc xịt mũi bạn chỉ cho trẻ sử dụng từ 3-5 ngày. Nếu sử dụng thời gian dài có thể bị tác dụng ngược và làm triệu chứng bệnh nặng hơn.

Thuốc ức chế ho

Codeine và dextromethorphan là hai loại thuốc ho thường được sử dụng. 

Bạn chỉ nên cho trẻ dùng thuốc ho khi trẻ bị ho dai dẳng gây mệt hay mất ngủ. Nếu trẻ không khó thở khi bị ho, bạn có thể cho trẻ dùng thuốc ức chế ho. Nếu ho do tình trạng chảy dịch mũi sau thì bạn có thể sử dụng thuốc chống sung huyết kèm với siro ho.

Thuốc kháng histamine

Histamine là một chất do cơ thể tiết ra khi chúng ta tiếp xúc với dị nguyên. Thuốc kháng histamine hoạt động bằng cách ức chế quá trình giải phóng histamine. Ngoài ra, thuốc còn giúp giảm các triệu chứng liên quan đến việc giải phóng histamine, chẳng hạn như:

  • Hắt xì
  • Ngứa tai và mắt
  • Chảy nước mắt
  • Ho
  • Chảy nước mũi

Một số hoạt chất phổ biến trong các thuốc kháng histamine như brompheniramine, chlorpheniramine, diphenhydramine, doxylamine. 

Các hoạt chất này thuộc thế hệ thuốc kháng histamine đời đầu, do đó có thể gây buồn ngủ. Vì tính chất này, bác sĩ hoặc dược sĩ chỉ kê thuốc này để người bệnh dùng vào buổi tối.

Các thuốc kháng histamine không kê đơn thế hệ thứ hai không gây buồn ngủ, bao gồm cetirizine, fexofenadine, loratadine.

Liều dùng thuốc brompheniramine:

  • Đối với trẻ từ 2- 6 tuổi: có thể dùng 6,25 mg uống mỗi 4-6 giờ, tối đa 37,5 mg/ngày.
  • Đối với trẻ từ 6- 12 tuổi: có thể dùng 12,5-25 mg uống mỗi 4-6 giờ, tối đa 150 mg/ngày.
  • Đối với trẻ từ 12 tuổi trở lên: có thể dùng 25-50 mg uống mỗi 4-6 giờ, tối đa 300 mg/ngày.

Lưu ý:

Thuốc có thể gây ngộ độc cho trẻ nếu dùng quá liều, trẻ có thể bị khó ngủ, bồn chồn, chán ăn. Do đó, bạn không nên tự ý dùng thuốc kháng histamine cho trẻ dưới 2 tuổi.

Cúm A ở trẻ nhỏ

Những biến chứng cúm A có thể gặp

Hầu hết những người bị cúm mùa sẽ hồi phục sau vài ngày đến dưới hai tuần, nhưng một số người sẽ bị biến chứng (như viêm phổi) do cúm. Những biến chứng này có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tử vong.

Nhiễm trùng xoang và tai là những ví dụ về biến chứng vừa phải do cúm gây ra, trong khi viêm phổi là biến chứng cúm nghiêm trọng có thể do nhiễm virus cúm đơn thuần hoặc do đồng nhiễm virus cúm và vi khuẩn.

Các biến chứng nghiêm trọng khác có thể do cúm gây ra có thể bao gồm viêm tim (viêm cơ tim), não (viêm não) hoặc các mô cơ (viêm cơ, tiêu cơ vân) và suy đa cơ quan (ví dụ như suy hô hấp và suy thận). Nhiễm virus cúm đường hô hấp có thể kích hoạt phản ứng viêm cực đoan trong cơ thể và có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, phản ứng đe dọa tính mạng của cơ thể đối với nhiễm trùng.

Cúm cũng có thể làm cho các vấn đề bệnh mãn tính trở nên tồi tệ hơn. Ví dụ, những người mắc bệnh hen suyễn có thể trải qua các cơn hen trong khi họ bị cúm và những người mắc bệnh tim mãn tính có thể gặp phải tình trạng tồi tệ hơn do cúm gây ra.

Cách phòng tránh cúm A hiệu quả

Để phòng ngừa cúm A, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp đối với cúm mùa thông thường bao gồm:

  • Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra đường, trong mùa dịch cần tránh nơi đông người. Nhóm đối tượng nguy cơ như người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em... cần tránh tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc nghi ngờ mắc cúm.
  • Khi có các triệu chứng cúm như: Sốt, ho, sổ mũi, đau đầu... nên đến các cơ sở y tế khám để xác định bệnh và có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh.
  • Vệ sinh nơi ở, lớp học, nơi làm việc, lau chùi vật dụng, đồ chơi bằng hóa hóa sát khuẩn.
  • Không tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng virus Tamiflu chỉ có tác dụng khi được sử dụng trong vòng 48h kể từ khi có triệu chứng cúm.
  • Tăng cường sức đề kháng bằng cách nghỉ ngơi, ăn uống, sinh hoạt hợp lý, tập thể dục hàng ngày.
  • Tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn. Nhóm đối tượng nguy cơ cao cần được tiêm phòng trước mùa dịch, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai....

Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh cúm A

Cúm A có lây từ người sang người không?

Vi rút cúm A có thể dễ dàng lây lan từ người sang người giống như cách lây lan của cúm thường qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện.

Cúm A ở trẻ sốt bao lâu?

Bệnh thường kéo dài 7-10 ngày, sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng như sổ mũi, đau đầu... thường biến mất nhưng ho và mệt mỏi có thể kéo dài. Tất cả các triệu chứng cúm A sẽ biến mất sau 1 - 2 tuần mà không cần dùng thuốc điều trị.

Cúm A hết sốt đã khỏi chưa?

Nếu được phát hiện và kịp thời điều trị, người mắc bệnh cúm A có thể khỏi bệnh trong vòng 7 – 10 ngày. Sau 5 ngày, bệnh nhân thường hết sốt, sổ mũi và đau đầu; nhưng ho và mệt mỏi có thể còn tiếp tục kéo dài.

Bệnh cúm A có nguy hiểm không?

Bệnh cúm A có nguy hiểm không? CÓ. Bệnh cúm A là căn bệnh phổ biến, nguy hiểm đối với người lớn và trẻ em, đặc biệt dễ lây lan. Các chủng virus cúm A có khả năng tồn tại lâu trong môi trường bên ngoài, có thể sống lên đến 48h trên các bề mặt như tay nắm cửa, bản, ghế, tủ,…

Thuốc cúm A Tamiflu giá bao nhiêu?

Giá thuốc Tamiflu hỗ trợ điều trị cúm đã tăng rất cao trong vòng 3 tuần nay và đã có những gia đình phải mua thuốc này với giá 200.000 đồng/viên hoặc cao hơn do không có thuốc. Giá này cao hơn 4-5 lần so với giá Tamiflu kê khai tại Cục Quản lý dược (giá kê khai là 45.000 đồng/viên).

Bà bầu bị cúm A phải làm sao?

- Dùng thuốc hạ sốt (acetaminophen - Tylenol là cách an toàn nhất)

- Tắm nước ấm.

- Uống nhiều đồ uống mát.

- Giữ quần áo và giường ngủ sạch sẽ

Bà bầu bị cúm a có ảnh hưởng gì không?

Bệnh cúm ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào? Virus cúm không chỉ khiến thai nhi  nguy cơ bị dị tật (nhất là khi mẹ bị cúm trong vòng 13 tuần đầu của thai kỳ), mà khi sốt cao kết hợp với độc tính của virus cũng  thể kích thích co bóp tử cung gây sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.

Cúm A có được truyền nước không?

Truyền dịch có thể gây nhiễm trùng, lây nhiễm các bệnh nhiễm khuẩn, viêm gan... Do vậy, nếu bị sốt do virut cúm mà vẫn ăn uống tốt thì không nên truyền dịch, mà hãy bồi bổ qua đường ăn uống.

Test cúm A bao nhiêu tiền?

Tham khảo thông tin về giá khi thực hiện test cúm A như sau: Thu Cúc thực hiện Xét nghiệm Cúm A/B trọn gói, bao gồm test nhanh để xác định loại Virus tồn tại; kiểm tra các chỉ số máu, Creatinine, Ure,... để xác định lượng Virus và diễn biến bệnh. Chi phí xét nghiệm trọn gói chẩn đoán Cúm khoảng 726.000đ

Đánh giá bài viết
5.0
1 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status