Logo

Hướng dẫn soạn Văn 8 Nói quá ngắn gọn nhất

Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn đọc tham khảo bài soạn Nói quá môn Ngữ Văn lớp 8. Tài liệu này, giúp các bạn học sinh hiểu rõ về khái niệm, tác dụng và mục đích bài Nói quá trong văn bản thường gặp.
3.5
3 lượt đánh giá

Việc soạn Văn bài Nói quá sẽ giúp các bạn học sinh lớp 8 vận dụng những kiến thức về biện pháp tu từ nói quá trong việc đọc hiểu văn bản, nói và viết. Nội dung chi tiết các bạn xem và tải tại đây.

Soạn văn 8 bài Nói quá

Kiến thức cơ bản soạn văn nói quá

Nói quá là gì?

Nói quá là phép tu từ phóng đại quá mức, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.

Nói quá còn được gọi là ngoa dụ, phóng đại, thậm xưng, khoa trương.

Ví dụ:

Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm đón chàng sang chơi

(Ca dao)

Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung
Gió lay như sóng biển tung trắng bờ

(Tố Hữu)

Tác dụng của nói quá

Nói quá là một biện pháp tu từ, nó có chức năng nhận thức, khắc sâu hơn bản chất đối tượng. Nói quá không phải là nói sai sự thật, nói dối.

Ví dụ:

Chọc trời khuấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai

(Nguyễn Du)

Trong câu thơ trên, biện pháp tu từ nói quá góp phần làm tăng tính chất anh hùng ca trong hành động của nhân vật Từ Hải.

Nói quá còn có tác dụng tăng sức biểu cảm, nhấn mạnh, gây ấn tượng mạnh.

Ví dụ:

Ngực lép bốn nghìn năm
Trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hoà mặt trời

(Tố Hữu)

Ở ví dụ trên, biện pháp tu từ nói quá được sử dụng rất táo bạo, hồn nhiên mà vẫn bảo đảm tính chân thực. Tác giả đã sử dụng trí tưởng tượng độc đáo, sáng tạo để diễn tả niềm vui sướng, hân hoan của nhân dân ta trong ngày Huế giải phóng.

Nói quá thường được sử dụng trong khẩu ngữ. Ví dụ: buồn nẫu ruột, giận sôi gan, bầm gan tím ruột, mệt đứt hơi, đói rã họng, vỡ mặt, lo sốt vó, người đen như cột nhà cháy, nói như rồng leo...

Trong văn chương, nói quá thường thích hợp với những loại văn bản: châm biếm, trữ tình, anh hùng ca, ... những văn bản có chức năng kêu gọi, lời hiệu triệu.

Ví dụ:

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng.

(Trần Quốc Tuấn)

Một số biện pháp nói quá

a. Nói quá kết hợp với so sánh tu từ

Hai biện pháp tu từ này đều nhằm mục đích làm rõ hơn, cụ thể hơn, sinh động hơn bản chất của đối tượng. Nếu kết hợp cả hai phép tu từ sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Ví dụ:

Trên trời mây trắng như bông
Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây
Mấy cô má đỏ hây hây
Đội bông như thể đội mây về làng

(Ca dao)

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nép một, như đường mía lau

(Ca dao)

b. Dùng những từ ngữ phóng đại khác

  • Các từ phóng đại có thể là những từ ngữ mang sẵn ý nghĩa phóng đại: cực kỳ, vô kể, vô hạn độ, tuyệt diệu, mất hồn, ...

  • Các từ ngữ phóng đại có thể là: nhớ đến cháy lòng, cưỡi vỡ bụng,...

  • Từ ngữ phóng đại có thể thể hiện thông qua những thành ngữ, tục ngữ: ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, khoẻ như voi, đẹp như tiên, ...

Rèn luyện kĩ năng ngữ văn 8 nói quá

Xác định biện pháp nói quá trong các trường hợp sau:

a.

Đồn rằng bác mẹ anh hiền
Cắn hạt cơm không vỡ, cắn đồng tiền vỡ đôi

(Ca dao)

b.

Xin nguyện cùng người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn

(Tố Hữu)

c.

Trên quê hương quan họ
Một làn nắng cũng mang điệu dân ca

(Phó Đức Phương)

d.

Đau lòng kẻ ở người đi
Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm

(Nguyễn Du)

Gợi ý:

Các trường hợp trong bài tập này có sử dụng hai biện pháp phóng đại sau:

  • Nói quá kết hợp với so sánh tu từ.

  • Dùng những từ ngữ phóng đại

Ví dụ:

Xin nguyện cùng người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn

(Tố Hữu)

Dùng cách kết hợp nhuần nhuyễn hai biện pháp tu từ: nói quá và so sánh.

Phân tích hiệu quả của các trường hợp sau đây do sử dụng biện pháp tu từ nói quá

a. Đi xe máy mà suy rượu thì tính mạng ngàn cân treo sợi tóc.

b. Bài toán này khó quá, nghĩ nát óc mấy tiếng đồng hồ rồi mà vẫn chưa tìm ra cách giải.

c. Do dậy muộn, nên dù đã vắt chân lên cổ chạy mà vẫn muộn học.

Gợi ý:

a. Sử dụng "ngàn cân treo sợi tóc" giúp người đọc nhận thức được mức độ nguy hiểm một cách cụ thể sinh động.

b. "Nghĩ nát óc" là cách nói hình ảnh để diễn đạt khả năng tập trung, suy nghĩ cao độ.

c. "Vắt chân lên cổ " là cách nói quá diễn đạt sự cố gắng hết mức trong khi chạy, nhằm đạt tốc độ nhanh nhất.

Tìm một số trường hợp nói quá trong sinh hoạt hàng ngày

Gợi ý:

Bài tập này giúp các em vận dụng cách nói quá vào lời nói sinh hoạt hàng ngày để tăng tính biểu cảm.

Mẫu: Da cậu ấy đen như của tam thất.

Tìm một số ví dụ về nói quá trong các bài thơ em đã học hoặc đã thuộc.

Gợi ý:

Mẫu:

Gươm mài đá, đá núi cũng mòn
Voi uống nước, nước sông phải cạn
Đánh một trận sạch không kình ngạc
Đánh hai trận, tan tác chim muông

(Nguyễn Trãi)

Tìm 10 thành ngữ so sánh bằng biện pháp nói quá

Gợi ý:

Mẫu:

Kêu như trời đánh
Dữ như cọp.

File tải miễn phí soạn văn lớp 8 bài nói quá:

CLICK NGAY vào đường dẫn dưới đây để tải bài soạn ngữ văn lớp 8 bài nói quá chi tiết, ngắn gọn bản file word, file pdf hoàn toàn miễn phí từ chúng tôi.

Chúc các bạn học tập tốt!

Đánh giá bài viết
3.5
3 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status