Mời các bạn cùng tham khảo dàn ý và các bài văn mẫu viết bài tập làm văn số 5 lớp 8 từ đề 1 đến đề 6 được chúng tôi chọn lọc và giới thiệu ngay dưới đây nhằm giúp các em học sinh mở rộng vốn từ và tham khảo thêm các ý tưởng cho bài viết TLV của mình.
Đề bài: Giới thiệu về đồ dùng học tập hoặc trong sinh hoạt
Giới thiệu về cây bút bi
I) Mở bài:1
Giới thiệu đồ dùng học tập quan trọng của học sinh là bút bi
II) Thân bài:
- Nêu nguồn gốc
+ Từ xa xưa người ta dùng bút lông để viết, để vẽ. Bút này bất tiện vì thường xuyên phải chấm mực, mài mực, viết xong phải rửa bút.
+ Năm 1938, phóng viên người Hunggary là Laszlo Biro cùng người anh trai của mình sáng tạo ra chiếc bút bi đầu tiên trên thế giới.
- Nêu cấu tạo:
+ Vỏ bút: Được làm bằng nhiều chất liệu như nhựa, kim loại tùy theo hãng sản xuất. Bộ phận vỏ bao bên ngoài để chứa các bộ phận bên trong như ruột bút, lò xo.
+ Bộ phận điều chỉnh bút: Một đầu bấm đối diện với đầu ngòi bút. Bộ phận này liên kết với lò xo bên trong để điều chỉnh ngòi. Nếu dùng bút bi có nắp đậy thì không có bộ phận này.
+ Ruột bút: Được làm bằng nhựa cứng, bên trong chứa mực- ống mực. Đầu bút viết có viên bi sắt nhỏ mạ crom hoặc niken, với kích thước viên bi khoảng 0, 38 mm- 0,7 mm chuyển động xoay tròn đẩy mực từ ruột bút ra.
+ Bút bi thay đổi kiểu dáng, hình dạng, màu mực cũng ngày càng đa dạng: có nhiều loại mực như mực nước, nhũ, mực dạ quang. Kiểu dáng ngày càng bắt mắt hơn, an toàn với môi trường.
- Nêu công dụng:
+ Bút bi tiện dụng và quan trọng trong môi trường học tập của học trò. Ngoài ra bút bi còn là vật dụng tiện dụng trong đời sống, công việc của con người.
- Cách bảo quản:
Ngòi bút quan trọng, dễ bị méo bi nên khi sử dụng xong nên bấm tắt bút cho ngòi thụt vào, hoặc đậy nắp để tránh làm hỏng bi và dây mực.
Tránh việc để bút rơi xuống đất, tránh xa nơi có nhiệt độ cao vì những tác nhân này có thể làm méo mó hình dạng bút.
III) Kết bài:
Bút bi có vai trò quan trọng không thể thiếu được trong số đồ dùng học tập của học sinh
Đối với học sinh chúng ta ngoài vở viết, thước kẻ,… thì bút bi là người bạn đồng hành không thể thiếu trong quá trình học tập. Sử dụng bút bi hàng ngày nhưng không phải ai cũng nắm được nguồn gốc ra đời cũng như cấu tạo của cây bút bi. Để hiểu rõ hơn về người bạn thân thiết này chúng ta hãy cùng lần lượt đi tìm hiểu hành trình bút bi đến với mọi người.
Bút bi ra đời vào năm 1930 bởi nhà báo người Hunggari tên là Lazo Biro. Lazo Biro là một nhà báo tài năng, trong quá trình làm việc của mình ông nhận thấy sự bất tiện của bút mực, khi liên tục làm tay và giấy tờ bị vấy bẩn, không những vậy bút mực còn rất hay bị hỏng. Trong một lần tình cờ nhìn ấy viên bi chạy qua vũng nước để lại những vệt dài ông đã nảy ra ý tưởng làm ra một loại bút viết mực mau khô để thuận tiện hơn trong quá trình sử dụng. Được sự giúp đỡ của anh trai, ý tưởng của ông nhanh chóng thành hiện thực và khi đưa vào tiêu dùng tất thảy mọi người đều yêu thích vì những tiện lợi mà loại bút này mang lại.
Bút bi có cấu tạo ba phần cơ bản: vỏ, ruột và bộ phận điều chỉnh bút. Vỏ bút thường được làm bằng những nguyên liệu dẻo, bền như nhựa. Vỏ bút có hình trụ thường dài từ 14-15 cm, vỏ bút có công dụng bao bọc ruột bút, khiến cho việc cầm bút chắc chắn và sử dụng đơn giản hơn. Ruột bút là một ống mực nhỏ, trong làm từ nhựa dẻo. Phía trên ruột bút là đầu bút được làm bằng kim loại, có một viên bi nhỏ ở đầu, khi viết con bi sẽ chuyển động khiến cho mực trong bút ra đều. Bộ phận còn lại là lò xò và nút điều chỉnh. Nút điều chỉnh sẽ giúp ta khi sử dụng thì bấm vào ngòi bút sẽ trồi ra, khi sử dụng xong tiếp tục ấn vào đó ngòi bút sẽ thụt vào trong, bảo vệ ngòi bút không bị hư hại.
Nguyên lí hoạt động của bút bi rất đơn giản, với loại bút bi có nút bấm chúng ta chỉ cầm bấm vào nút, ngòi bút sẽ trồi ra, viên bi trên đầu bút sẽ chuyển động, tạo nên những nét chữ thanh thoát đẹp đẽ. Khi sử dụng xong chúng ta chỉ cần bấm nút lại. Bảo quan bút bi cũng không hề cầu kì, khi sử dụng xong chúng ta chỉ cần bấm nút hoặc đóng nắp bút lại để đảm bảo bút khi bị rơi không bị va chạm với mặt đất sẽ dẫn đến hỏng ngòi bút.
Bút bi là vật dụng phổ biến đối với tất cả mọi người, luôn được ưa chuộng và tin dùng bởi những ưu điểm của mình. Bút bi nhỏ gọn, bền lại vô cùng dễ sử dụng và vận chuyển. Giá thành mỗi chiếc bút bi lại rất rẻ, phù hợp với nhu cầu của học sinh, sinh viên. Nhưng bên cạnh những ưu điểm, bút bi cũng còn một vài hạn chế: vì viết nhanh nên chữ thường không được đẹp, ngòi bút điều tiết mực không kịp có thể bị ra quá nhiều, khiến sách vở bị bẩn.
Bút bi có vai trò ý nghĩa to lớn với mỗi chúng ta. Bút là người bạn thân thiết đồng hành với mỗi học sinh trong quá trình học tập, cùng ta tiếp thu tri thức, nâng cánh những ước mơ. Người ta vẫn thường nói “nét chữ nết người”, chữ nghĩa cũng phần nào thể hiện tính cách con người. Bạn là người cẩn thận hay cẩu thả chỉ cần nhìn chữ bạn viết là tôi có thể biết điều đó. Không chỉ vậy, chỉ với cây bút nhỏ xinh ta có thể giãi bày biết bao nỗi niềm, tâm sự, làm vơi bớt nỗi buồn trong lòng,… Quả thật nếu thiếu bút, đời sống tư tưởng, tình cảm của chúng ta chẳng biết gửi gắm ở đâu.
Bút bi là người bạn thân thiết, đồng hành trong suốt cuộc đời ta. Bởi vậy, trong quá trình sử dụng chúng ta phải có ý thức giữ gìn những người bạn yêu quý này, tránh quăng quật, vứt linh tinh làm hỏng bút.
Đề bài: Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở quê em
Chọn thuyết minh về khu du lịch Tràng An
I) Mở bài:
Giới thiệu danh lam thắng cảnh Tràng An- Ninh Bình là điểm du lịch nổi tiếng thu hút đông đảo du khách.
II) Thân bài:
1. Lịch sử hình thành
- Là khu quần thể di sản thế giới
- Hệ thống núi đá vôi có tuổi địa chất 250 triệu năm
- Núi đá, hang động, hang động được vua Đinh Tiên Hoàng làm thành Nam bảo vệ kinh đô Hoa Lư
2. Vị trí địa lý
- Nằm cách trung tâm thành phố Ninh Bình 7km và cách cố đô Hoa Lư 3km đi về phía nam.
- Vùng lõi di sản Tràng An- Tam Cốc có diện tích 6172 ha, trở thành vùng bảo vệ đặc biệt nằm trong di sản thế giới Tràng An với diện tích 12252 ha.
- Tham quan khu quần thể danh thắng Tràng An chủ yếu bằng thuyền, để đi vào các hang động.
3. Cảnh quan thiên nhiên.
- Hang động
+ Có tới 31 hồ, 48 hang động đã được phát hiện trong đó có những hang xuyên thủy dài hơn 2 km như hang Địa Linh, Sinh Dược.
+ Hang động hình thành do nhũ đá bị phôi hóa tạo thành nhiều hang động đẹp như: hang Nấu Rượu, hang Cơm
+ Nhiều hang động được công nhận là di tích khảo cổ học như di tích hang Trống( có dấu vết của người tiền sử từ 3000- 30000 năm trước, di tích hang Bói (dấu ấn của cư dân cổ sống cách đấy từ 5000 đến 30000 năm), di tích mái đá Thung Bình, di tích mái đá Hang Chợ.
- Non nước:
+ Tràng An tạo thành nhiều hành trình xuyên thủy khép kín mà không phải đi thuyền quay ngược lại, quần thể được ví như trận đồ bát quái.
+ Điều kì diệu ở Tràng An là các hồ được nối liền với nhau bởi các hang động xuyên thủy có độ dài ngắn khác nhau.
4. Giá trị về mặt lịch sử, văn hóa
Tràng An gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất cố đô Hoa Lư, nơi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn lập ra nước Đại Cồ Việt.
Tràng An còn được gọi là Thành Nam rộng lớn, là vùng núi cao để che chở, phòng thủ cho kinh đô Hoa Lư bấy giờ.
- Các di tích văn hóa nổi bật: đền Trình, đền Tứ Trụ, đền Trần, Phủ Khống, hang Giọt, hang Bói….
III) Kết bài:
Nêu cảm nghĩ ( niềm vui, niềm tự hào) về danh thắng nổi tiếng thu hút khách du lịch và những người khảo cứu lịch sử.
Nằm ở cực nam của Đồng bằng Châu thổ sông Hồng, Ninh Bình cách Hà Nội khoảng 90 km về phía đông nam, Khu di sản có diện tích 6.226 ha, vùng đệm có diện tích 6.026 ha, chiếm gần như toàn bộ khối đá vôi Tràng An với tuổi địa chất hơn 250 triệu năm, một khu vực hòa lẫn giữa thiên nhiên và văn hóa, với ba khu là khu di tích lịch sử văn hóa tâm linh Cố đô Hoa Lư, núi chùa Bái Ðính, khu Danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Ðộng và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư.
Tràng An là một khu du lịch sinh thái nằm trong Quần thể di sản thế giới Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình. Nơi đây đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và UNESCO công nhận là di sản thế giới kép từ năm 2014. Tràng An với hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, qua thời gian. Hiện nay nơi đây còn nhiều dài phong hóa bởi sự biến đổi của trái đất, khí hậu, biển tiến, biển thoái đã mang trong mình hàng trăm thung lũng, hang động, hồ đầm. Danh thắng này là nơi bảo tồn và chứa đựng nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi, các di chỉ khảo cổ học và di tích lịch sử văn hóa.[1] Hệ thống núi đá, sông suối, rừng và hang động ở Tràng An rất hiểm trở nên được Vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm thành Nam bảo vệ kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X và sau đó Nhà Trần sử dụng làm hành cung Vũ Lâm trong kháng chiến Nguyên Mông di tích lịch sử thời Đinh và thời Trần.
Tràng An là một vùng thiên nhiên kỳ bí, không bị ảnh hưởng nhiều bởi các hoạt động của con người. Rừng rậm còn hoang sơ, hồ nước, sông suối trong vắt, không khí trong lành, làng quê yên tĩnh, chỉ có âm thanh và sắc màu của thiên nhiên. Cảnh quan địa chất núi đá dạng tháp các-xtơ (karst) Tràng An là một trong những khu vực đẹp và ngoạn mục bởi vẻ đẹp siêu nhiên bậc nhất trên thế giới với muôn hình vạn trạng. Cảnh quan gồm chủ yếu một loạt các tháp các-xtơ dạng nón, với vách dốc đứng, cao 200 m so với nền đất chung quanh. Những rặng núi hẹp nối liền hai đỉnh, được ví như những thanh kiếm khổng lồ, bao quanh các thung, trũng, hố sụt tròn và dài. Các nhà địa chất quốc tế đánh giá đây là một thí dụ điển hình cho tháp đá vôi nhiệt đới ẩm ở giai đoạn cuối của quá trình phát triển địa mạo và là một mô hình để nhận biết, so sánh với các khu vực khác trên thế giới. Cảnh quan chứa đựng một dãy hoàn chỉnh các dạng địa hình đá vôi điển hình, bao gồm tháp, lũng (hố các-xtơ), thung lũng (hố sụt), các cấu trúc sụt lở và các lớp trầm tích, hang ngầm và sông ngầm, hang động và trầm tích hang động. Ðặc biệt, cảnh quan dạng các-xtơ chuyển tiếp giữa cụm đỉnh các-xtơ (bao gồm các tháp liên kết với nhau bằng những dải núi sắc và quèn các-xtơ) với rừng đỉnh các-xtơ (bao gồm các tháp đơn lẻ nằm độc lập trên đồng bằng bồi tích). Mạng lưới các đứt gãy song song giao nhau chia cắt khu vực thành ô mạng, tạo nên các trũng các-xtơ tròn, kín. Các bồn trũng và thung lũng ngập nước này liên thông với nhau bởi các dòng chảy, chảy qua các hang động và hang ngầm, có nhiều hang xuyên núi, tạo cho trần hang có dạng "xâm thực rãnh" do dòng chảy và nhiều loại trầm tích hang động, bao gồm các nhũ đá, măng đá, cột đá và rèm đá.
Đề bài: Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học đơn giản ( như văn bản đề nghị, báo cáo, thể thơ lục bát…)
Chọn: thuyết minh về thể thơ thất ngôn tứ tuyệt
I) Mở bài:
Giới thiệu về thể thơ Thất ngôn tứ tuyệt
II) Thân bài:
- Nguồn gốc:
+ Thơ thất ngôn tứ tuyệt là thể thơ mỗi bài có 4 câu, mỗi câu có 7 chữ, trong đó các câu 1, 2, 4 hiệp vần với nhau ở chữ cuối.
+ Thơ thất ngôn tứ tuyệt ra đời vào thời nhà Đường, có nguồn gốc từ Trung Quốc.
- Đặc điểm của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt
+ Mỗi bài thơ gồm 4 câu, 7 chữ (số dòng số chữ không được thêm bớt)
+ Luật thơ: có bài thơ gieo vần bằng, có bài gieo vần trắc nhưng chủ yếu là gieo vần bằng.
+ Cách đối: đối hai câu thơ đầu hoặc đối hai câu thơ cuối, hoặc không có đối.
+ Cách hiệp vần: chữ cuối của câu 1 bắt vần với chữ cuối của câu 2 và 4.
- Bố cục thơ:
+ 4 câu tương ứng với 4 phần khai, thừa, chuyển, chuyển hợp
+ Nội dung 2 câu đầu tả cảnh, hai câu cuối tả tình
- Nhận xét ưu điểm: Có sự kết hợp hài hòa cân đối nhạc điệu. Thích hợp để viết về chủ đề thiên nhiên, tình yêu đất nước.
+ Khuyết điểm: Niêm luật và thi pháp chặt chẽ, nghiêm ngặt, đa dạng nhưng không dễ làm, số câu chữ không được thêm bớt tùy tiện.
III) Kết bài:
Nêu giá trị của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đối với nền thơ ca nói chung.
Lục bát là một trong hai thể loại thơ chính của Việt Nam (lục bát và song thất lục bát). Thơ lục bát ở Việt Nam được truyền bá và phát triển hàng trăm năm nay. Thơ lục bát đã thấm đẫm tâm hồn người Việt chúng ta vì đó là thể thơ trong ca dao, đồng dao và các bài ru con. Ngày nay thơ lục bát vẫn được các nhà thơ hiện đại tiếp thu, hoàn chỉnh và giữ một vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Thơ lục bát rất giản dị về quy luật, thường dùng để diễn tả những cung bậc cảm xúc khác nhau trong tâm hồn con người.
Thơ lục bát có nguồn gốc lâu đời, là một thể thơ dân tộc ta, thơ lục bát bao gồm có thể từ hai câu trở lên. Trong đó cứ hai câu ghép lại thành một cặp câu. Các cặp câu gồm có một câu 6 tiếng (câu lục) và một câu 8 tiếng (câu bát), và xen kẽ cứ câu lục là câu bát rồi đến cặp câu khác, số câu trong bài không giới hạn. Thông thường thì bắt đầu bằng câu sáu chữ và chấm dứt ở câu tám chữ. Nhưng cũng có khi kết thúc bằng câu sáu để đạt tính lơ lửng, thanh và vần, vì vậy tìm hiểu thơ lục bát là tìm hiểu về luật và vần của nó. Luật về thanh giúp cho câu thơ trở nên hài hoà. Các vần chính là hình thức kết dính các câu thơ lại với nhau.
Luật thanh trong thơ lục bát: Thơ lục bát có 2 câu chuẩn là câu lục và câu bát, cũng như thơ Đường luật, nó tuân thủ quy tắc nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục phân minh. Nghĩa là các tiếng thứ 1, 3, 5 trong câu có thể tự do về thanh, nhưng các tiếng thứ 2, 4, 6 thì phải theo luật chặt chẽ. Luật như sau:
Câu lục: Theo thứ tự tiếng thứ 2 - 4 - 6 là Bằng (B) - Trắc (T) - Bằng (B)
Câu bát: Theo thứ tự tiếng thứ 2 - 4 - 6 - 8 là B - T - B - B
Ví dụ:
Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân (B - T - B)
Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều (B - T - B - B)
Về phối thanh, chỉ bắt buộc các tiếng thứ tư phải là trắc, các tiếng thứ hai, thứ sáu, thứ tám phải là bằng, nhưng trong câu tám các tiếng thứ sáu thứ tám phải khác dấu, nếu trước là dấu huyền thì sau phải là không dấu hoặc ngược lại:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
Thế nhưng đôi khi có thể tự do về tiếng thứ hai của câu lục hay câu bát, có thể biến nó thành thanh trắc. Hoặc là câu lục giữ nguyên mà câu bát thì lại theo thứ tự T - B - T - B những câu thơ thế này ta gọi là lục bát biến thể.
Ví dụ:
Có xáo thì xáo nước trong T - T - B
Đừng xảo nước đục đau lòng cò con T - T - B - B
Hay:
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non T - B - T - B
Cách gieo vần trong thơ lục bát: Thơ lục bát có cách gieo vần khác với các thơ khác. Có nhiều vần được gieo trong thơ nhiều câu chứ không phải là một vần, điều này tạo cho thơ lục bát tính linh hoạt về vần. Thể thơ lục bát thường được gieo vần bằng; tiếng cuối của câu lục hợp với tiếng thứ sáu của câu bát, tiếng thứ sáu của câu bát hợp với tiếng của câu lục tiếp; cứ như thế đến hết bài lục bát:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thay mà đau đớn lòng.
Như thế ngoài vần chân có ở hai câu 6 8, lại có cả vần lưng trong câu tám. Tiểu đối trong thơ lục bát: Đó là đối thanh trong hai tiếng thứ 6 (hoặc thứ 4) của câu bát với tiếng thứ 8 câu đó. Nếu tiếng này mang thanh huyền thì tiếng kia bắt buộc là thanh ngang và ngược lại.
Ví dụ:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
Ngoài đối thanh còn có đối ý:
Dù mặt lạ, đã lòng quen
(Bích câu kì ngộ)
Cách ngắt nhịp trong thơ lục bát: Thơ lục bát thông thường ngắt nhịp chẵn, là nhịp 2/2/2, hoặc 4/4 để diễn tả những tình cảm thương yêu, buồn đau...
Người thương/ơi hỡi/người thương
Đi đâu/mà để/buồng hương/lạnh lùng
Đôi khi để nhấn mạnh nên người ta đổi thành nhịp lẻ đó là nhịp 3/3: Chồng gì anh/ vợ gì tôi chẳng qua là cái nợ đòi chi đây. Khi cần diễn đạt những điều trắc trở, khúc mắc, mạnh mẽ, đột ngột hay tâm trạng bất thường, bất định thì có thể chuyển sang nhịp lẻ 3/3, 1/5, 3/5... Thể thơ lục bát với cách gieo vần, phối thanh và ngắt nhịp giản dị mà biến hóa vô cùng linh hoạt, phong phú và đa dạng, nó rất dồi dào khả năng diễn tả. Đa số ca dao được sáng tác theo thể lục bát. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu có hơn 90% lời thơ trong ca dao được sáng tác bằng thể thơ này.
Từ những đặc trưng cấu trúc ngữ nghĩa trên có thể thấy về cơ bản thể thơ lục bát vẫn là thể thơ nền nã, chỉnh chu với những quy định rõ ràng về vần nhịp, về số tiếng mỗi dòng thơ, về chức năng đảm trách của mỗi câu trong thể. Tuy vậy cũng có lúc câu lục tràn sang câu bát, câu lục và câu bát dài quá khổ, có khi xê dịch phối thanh, hiệp vần... đó là dạng lục bát biến thể. Sự biến đổi đó là do nhu cầu biểu đạt tình cảm ngày càng phong phú, đa dạng phá vỡ khuôn hình 6/8 thông thường. Tuy nhiên dù phá khuôn hình, âm luật, cách gieo vần của thể thơ lục bát cơ bản vẫn giữ nguyên. Đó là dấu hiệu đặc trưng cho ta nhận biết nó vẫn là thể lục bát.
Bên cạnh lục bát truyền thống còn có lục bát biến thể là những câu có hình thức lục bát nhưng không phải trên sáu dưới tám mà có sự co giãn nhất định về âm tiết về vị trí hiệp vần... Hiện tượng lục bát biến thể là vấn đề đáng chú ý trong ca dao, chúng ta có thể xem xét một số trường hợp: Lục bát biến thể tăng, tiếng lục bát biến thể giảm số tiếng.
Xét về mặt nội dung thơ lục bát diễn đạt tâm trạng nhiều chiều của nhàn vật trữ tình. Thông thường người bình dân hay mượn thể loại văn vần này để bày tỏ nỗi lòng, tâm trạng của mình trong cuộc sống, sinh hoạt, tình yêu... do vậy thể thơ chủ yếu của ca dao vần là thể lục bát vì nó có khả năng diễn đạt tất thảy những cung bậc cảm xúc như: Tình yêu trai gái, tình yêu gia đình, xóm làng, yêu đồng ruộng, đất nước, yêu lao động, yêu thiên nhiên.... Dân tộc nào cũng có một thể thơ, một điệu nhạc phù hợp với cuộc sống của dân tộc đó. Lục bát là thể thơ hài hoà với nhịp đập của con tim, nếp nghĩ, cách sinh hoạt của người dân Việt Nam. Ca dao, tiếng nói mang đầy âm sắc dân tộc cũng được chuyển tải bằng lục bát. Việc sáng tạo thể thơ độc đáo này thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người bình dân, rất nhiều nhà thơ thành công nhờ thể thơ này. Những truyện thơ vĩ đại nhất của Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên đều được thể hiện bằng hình thức thơ lục bát. Sau này các nhà thơ hiện đại cũng đã rất thành công khi vận dụng thể lục bát trong các sáng tác của mình. Nguyễn Bính, Đồng Đức Bốn tiêu biểu cho dòng lục bát dân gian. Dòng lục bát trí tuệ có thể xem Lửa thiêng của Huy Cận trong phong trào Thơ Mới là thành tựu mở đầu. Dòng lục bát hiện đại có Bùi Giáng, Nguyễn Duy, Tố Hữu ...
Bởi cái chất duyên dáng, kín đáo, không ồn ào của lối nghĩ phương Đông, lục bát đã giữ cho mình luôn có cái vẻ nền nã. Ngày nay thể lục bát vẫn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Đề bài: Thuyết minh về hoa mai.
I) Mở bài:
Giới thiệu về hoa mai là biểu tượng cho dân tộc Việt Nam, hoa mai là loại hoa đặc trưng của mùa xuân, được mang trang trí cho ngôi nhà của các gia đình Việt đặc biệt là gia đình người miền Nam.
II) Thân bài:
1. Nguồn gốc và các loại mai
Cây hoa mai có nguồn gốc từ trong rừng, vì nó có hoa nở lâu tàn, và màu sắc nổi bật nên được đưa về làm cảnh.
Mai có nhiều loại chủ yếu là các loại như mai vàng, mai tứ quý, mai trắng, mai chiếu thủy.
2. Cấu tạo cây hoa mai
+ Cây hoa mai là cây thân gỗ có chiều cao trung bình tầm 2m
+ Từ thân phân chia thành nhiều nhánh nhỏ, có màu xanh lục và tán luôn xòe rộng.
+ Loại hoa này phân bố nhiều ở những khu rừng thuộc dãy Trường Sơn và các tỉnh từ Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh ở vùng đồng bằng Cửu Long.
3. Cách chăm sóc
+ Hoa mai thường được trồng trong các chậu lớn để làm cảnh.
+ Hoa mai ưa nơi sáng, không bị úng nước, người ta thường tuốt lá mai và bón phân để hoa mai ra đúng vào dịp Tết
4. Giá trị và ý nghĩa của hoa mai trong đời sống
+ Hoa mai làm đẹp thêm cho không gian sống.
+ Hoa mai tượng trưng cho sự sung túc, phú quý, may mắn
+ Hoa mai còn tượng trưng cho phẩm cách thanh cao, tốt đẹp của con người Việt Nam.
III) Kết bài:
Khẳng định vị trí của giá trị mai trong cuộc sống. Cảm xúc khi được thưởng thức vẻ đẹp thanh cao của mai- một trong số “tứ quý” của bộ tranh “tứ bình”
Cây mai đã có từ rất lâu đời từ một loại mai rừng ở đồi núi với dáng vẻ giản dị độc đáo. Và người xưa đã đem về trồng để bây giờ nó có thể mang đậm sắc màu Tết của miền Nam nước ta. Dần dần mai đã trở nên quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Với những kĩ thuật trong nông nghiệp như chiết cành, ghép cành... mai đã được chia làm nhiều loại khác nhau. Dựa vào màu sắc gồm: Hoàng mai (mai vàng), Bạch mai (mai trắng), Thanh mai (mai xanh), Hồng mai (mai hồng, mai đỏ ). Còn dựa vào đặc điểm thì mai gồm có: mai Chiếu Thuỷ, mai Tứ Quý,... Nhung ca vào những dịp Tết đến thì người miền Nam vẫn yêu chuộng Hoàng mai nhất.
Cây mai cũng có những đặc sắc riêng nhất là về hình dạng. Thân mai nhỏ, cành gầy, mỏng manh tạo nên vẻ duyên dáng của người con gái trong tà áo dài trang nhã và đài các. Lá mai màu xanh, nhỏ như lá chanh. Nụ mai thì nhỏ, có màu xanh, thuôn dài mọc thành chùm từ bảy đến mười cái. Khi nở, hoa mai có năm cánh khoác trên mình một bộ đồ màu vàng rực rỡ mà ai công thích. Cánh mai mịn màng, mỏng manh làm cho người ta cảm thấy ấm áp lạ thường. Có thể nói cả cây mai đều có màu vàng chỉ riêng lá màu xanh và phấn hoa thì có màu nâu đỏ. Đặc biệt có những cành mai ghép, hoa nở ra thường có sáu đến mười hai cánh.
Cây mai rất dễ trồng nhưng cũng rất khó đổi với người không chuyên chơi mai. Mai nở vào Tết nên người ta sẽ ngắt sạch lá trước Tết khoảng nửa tháng, thường là vào mười lăm âm lịch. Nếu muốn mai ra hoa đẹp, cây chắc khỏe thì phải biết cách chăm sóc nó. Mai có thể chết nếu bị úng hoặc quá rợp. Vì vậy khi tưới cây chỉ cần tưới một lượng nước vừa đủ và để mai ngoài nắng. Nêu chăm sóc kĩ thì chắc chắn mai sẽ cho ra hoa đẹp, cánh dày. Hiện nay, trên thị trường đã hình thành nhiều chỗ bán mai nhưng nổi tiếng nhất vẫn là làng mai Bình Chánh, Bình Triệu. Tuy đường xa nhưng người thành phố vẫn ồ ạt đi mua. Có những cây mai lên đến cả trăm triệu nhưng cũng có người mua về nhà, vì họ không chỉ yêu thích vẻ đẹp giản dị thanh cao của nó mà còn vì ý nghĩa của cây mai trong ngày Tết.
Quả thật là vậy, cây mai lúc nào cũng hiện diện trong nhà của mỗi người cũng giống như mâm ngũ quà không thể thiếu trong ngày Tết. Ý nghĩa của cây mai là luôn mang lại may mắn cho mọi nhà. Không những thế, mai còn biểu thị cho đức tính trung thực, cho sự lịch lãm, thanh khiết của con người. Người xưa nói quả không sai, chỉ khi gặp hoạn nạn, khó khăn thì mới biết đâu là bạn thật, đâu là bạn giả. Cây mai cũng vậy, dù nắng mưa bão bùng, thì mai vẫn ngời ngời một sức sống dai dẳng. Điều đó cũng cho thấy được cây mai cũng rất kiên cường, rất chịu khó dù trong hoàn cảnh nào. Bên cạnh đó cây mai còn là nguồn khai thác vô tận là một đề tài đặc sắc cho các nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Cây mai đã đi vào lòng người dân Việt Nam bằng nét đẹp giản dị, thanh tao và dịu dàng. Cũng vì ý nghĩa của nó nên cây mai trong ngày Tết đã trở thành một truyền thống đặc sắc của miền Nam nước ta để nó luôn mang lại sự an lành, hạnh phúc và niềm may mắn cho mọi nhà.
Cây mai đã trở thành biểu tượng cho cái Tết miền Nam với vẻ đẹp giản dị và màu vàng rực rỡ của nó. Vì vậy ta phải biết nâng niu và trân trọng cây mai để nó luôn điểm tô mùa xuân cho ngày nay, cho ngày mai và cho muôn đời sau.
Đề bài: Thuyết minh về một giống vật nuôi
I) Mở bài:
Giới thiệu khái quát về giống vật nuôi (chó)
II) Thân bài:
Luận điểm 1: Nguồn gốc
- Chó là loài động vật có vú, có tổ tiên là loài cáo và chó sói; sau đó tiến hóa thành loài chó nhỏ, màu xám, sống trong rừng, dần dần được con người thuần hóa và trở thành vật nuôi phổ biến nhất trên thế giới.
Luận điểm 2: Phân loại
- Chó ở Việt Nam được chia thành 2 loại chính: chó thuần chủng có nguồn gốc tại Việt Nam (chó cỏ) và chó có nguồn gốc từ nước ngoài (chó Alaska, chó Bulldog,…)
Luận điểm 3: Đặc điểm
- Chó là loài động vật có vú, các bộ phận cơ thể phát triển khá hoàn thiện, gồm: phần đầu, phần thân, và phần đuôi.
- Chó đặc biệt phát triển ở các giác quan: thính giác, khứu giác, giúp nó có thể thích nghi với hoạt động săn mồi.
+ Chó có đôi tai to, rất thính, có thể nhận biết được 35.000 âm rung chỉ trong 1 giây
+ Mũi chó rất thính, có thể nhận biết tới tối đa 220 triệu mùi khác nhau.
- Mắt chó có 3 mí: một mí trên, một mí dưới và mí thứ 3 nằm ở giữa, hơi sâu vào phía trong, giúp bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn.
- Não chó rất phát triển. Vì vậy, loài chó là một trong những loài vật được nuôi nhiều nhất trên thế giới vì sự thông minh, nhạy bén, dễ bảo, và đặc biệt trung thành với chủ.
- Về thời gian sinh sản: Thời gian mang thai trung bình của chó từ 60-62 ngày. Chó khi mới sinh ra được bú mẹ và chăm sóc đến khi trưởng thành. Trong thời gian mang thai và chăm sóc con, chó mẹ rất hung dữ và nhạy cảm.
- Về sức khỏe: chó có tuổi thọ khá cao so với các con vật nuôi khác, trong điều kiện thuận lợi, chó có thể sống tới 12 đến 15 năm.
Luận điểm 4: Lợi ích và ý nghĩa của loài chó
Luận điểm 5: Một số lưu ý khi nuôi chó
- Chó là loài vật dễ nuôi, dễ bảo. Tuy nhiên khi nuôi cần chú ý một số điều:
+ Tránh bạo hành chó
+ Chú ý nguồn thức ăn: Một số thức ăn gây ngộ độc cho chó: Socola, hành, tỏi, nho,…
+ Đối với những loài chó dữ, người nuôi chó cần có lồng nhốt hoặc xích để giữ chó
+ Tiêm phòng cho chó ngay từ khi còn nhỏ, đặc biệt là tiêm phòng dại.
III) Kết bài:
Khái quát lợi ích của vật nuôi.
Trong cuộc sống, mỗi chúng ta ai cũng cần có những người bạn thân thiết. Sẽ thật cô đơn và buồn tủi nếu không có ai bên ta để chia sẻ mọi thứ. Xã hội ngày càng phát triển, đôi lúc những người bạn của ta không ai có đủ thời gian để gặp gỡ. Chính vì vậy, càng ngày lại càng có nhiều người xem việc nuôi thú cưng là cách để có người bầu bạn. Bản thân em cũng thế, trong gia đình em có nuôi một chú chó và em luôn coi nó như người thân trong gia đình.
Chú chó nhà em có tên là Đốp. Nó thuộc dòng chó Corgi được nhập từ nước ngoài về. Loài chó này có giá thành khá cao từ 12 - 20 triệu tùy con. Chúng là giống chó chăn gia súc có nguồn gốc từ Pembrokeshire, xứ Wales. Tổ tiên là giống chó đuôi cuộn kiểu Bắc Cực. Ở nước ta, những năm gần đây, giống chó này ngày càng trở nên phổ biến và quen thuộc được nhiều người nuôi để bầu bạn. Tuy nhiên, việc chăm sóc chúng khá khó khăn đòi hỏi người nuôi phải có những hiểu biết nhận định và sự quan tâm đặc biệt dành cho chúng.
Chú chó nhà em đã trưởng thành và không còn phát triển quá nhiều như những chú chó nhỏ khác. Thân người dài khoảng 60cm, bốn chân rất ngắn (chưa bằng một gang tay người lớn). Bộ lông màu vàng óng, bốn chân lại màu trắng càng làm cho chúng thêm xinh đẹp hơn. Một đặc trưng nổi bật của chú là đôi tai to, dỏng cao lên, thỉnh thoảng vẫy vẫy cùng với đôi mắt to tròn đen láy như hòn bi ve nhìn rất thông minh khiến chú được mọi người yêu quý vì quá đỗi dễ thương. Chiếc mõm khá dài và màu đen huyền, bên trong là cái lưỡi hồng hào cùng hàm răng thưa không đều nhau rất ngộ nghĩnh. Cái đuôi ngắn ngủn lấp ló sau đám lông dày nhìn mãi chẳng thấy đâu. Chính những nét đẹp rất riêng biệt đó mà không chỉ gia đình em mà những người xung quanh cũng vô cùng yêu quý Đốp.
Khác với giống chó ta, loại chó này khá kén ăn và cần được chăm sóc kĩ lưỡng. Mỗi khi mùa hè đến, em đều mang chú ra tiệm chăm sóc thú cưng để người ta cắt tỉa bớt lông nhằm ngăn không cho thân nhiệt của nó không quá cao, tránh trường hợp bị sốc nhiệt. Hàng tuần cứ đều đặn cuối tuần em đưa chú đi tắm, cắt tỉa bộ móng cho thật cẩn thận, đẹp đẽ, sạch sẽ. Chú ăn thức ăn riêng dành cho thú cưng. Ngoài ra, chú còn rất khoái khẩu với sữa chua và xúc xích. Để chăm sóc tốt loại chó này, chúng ta cần hiểu và nắm được tính cách, thói quen và sở thích để có thể chơi với chúng và nuôi chúng tốt nhất có thể. Chỗ ngủ của Đốp cũng được gia đình em chăm sóc kĩ càng. Chú được ở trong một chiếc cũi sắt màu xanh đẹp đẽ, kèm theo đó là một chiếc đệm, gối và chăn cùng màu. Đều đặn hai tuần một lần, mẹ em thay chăn gối cho chú và mang đi giặt giũ sạch sẽ và diệt khuẩn để tránh bệnh tật.
Corgi là loài chó thông minh và gần gũi với con người. Chú chó nhà em là một minh chứng cho sự thông minh của loài chó này. Không chỉ có chó mà những loài động vật khác đã, đang và sẽ trở thành những người bạn thân thiết của con người. Mỗi chúng ta cần phải có ý thức bảo vệ động vật nói chung để tạo ra một xã hội văn minh hơn.
Đề bài: Giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam ( nón lá, áo dài, trò chơi thả diều...)
I) Mở bài:
Giới thiệu vè chiếc áo dài Việt Nam-biểu tượng của văn hóa Việt
II) Thân bài:
- Nguồn gốc : đầu thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 – 1765). Áo dài thay đổi theo từng thời gian và giai đoạn lịch sử khác nhau.
- Cấu tạo :
+ Cổ áo cao 4 – 5cm, khoét hình chữ V trước cổ, ngày nay được biến tấu đa dạng.
+ Thân áo từ cổ xuống phần eo, được may vừa vặn, ôm sát, phần eo được chít ben (hai ben ở thân sau và hai ben ở thân trước). Cúc áo thường là cúc bấm từ cổ áo qua vai xuống đến eo.
+ Từ eo xẻ làm hai tà : tà trước và tà sau đều dài quá gối.
- Vai trò:
+ Áo dài Việt Nam vừa truyền thống vừa hiện đại. Trang phục dành cho nữ này có thể mặc mọi nơi, dùng làm trang phục công sở, đồng phục đi học, mặc đi chơi hay mặc để tiếp khách một cách trang trọng ở nhà...
+ Chiếc áo dài hiện đại vì vậy mang tính cá nhân hóa rất cao: mỗi chiếc chỉ may riêng cho một người, dành cho riêng người đó. Người đi may được lấy số đo thật kỹ. Khi may xong phải qua một lần mặc thử để sửa nhỏ nữa mới hoàn thiện.
+ Áo dài xuất hiện nhiều trong thơ văn, hội họa: Tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ; mang tính biểu tượng cao.
- Bảo quản : Mặc xong nên giặt phơi nhẹ nhàng, tránh bạc màu, không vứt bừa tránh nhàu xấu. Nên treo trên mắc áo để giữ dáng áo.
III) Kết bài:
Khái quát vai trò của áo dài.
Nhắc đến trang phục truyền thống của đất nước Việt Nam chúng ta người ta nghĩ ngay đến tà áo dài, áo dài thường được sử dụng ở các ngày lễ lớn, tà áo dài thướt tha, kín đáo nhiều màu sắc làm tôn thêm vẻ đẹp yêu kiều dịu dàng của người con gái Việt Nam, đã từ lâu áo dài được coi là trang phục truyền thống của đất nước Việt Nam.
Từ xa xưa, dân ta đã thiết kế nhiều loại áo dài đa dạng và phong phú như áo dài truyền thống, áo dài tứ thân và áo dài giao lãnh, áo dài ngũ thân, áo dài truyền thống có cổ hình chữ V dài từ bốn đến năm xentimet, làm nổi bật nên vẻ đẹp của chiếc cổ trắng ngần của người phụ nữ Việt Nam và cũng rất là duyên dáng, kín đáo, ngày này chiếc áo dài truyền thống được thiết kế thêm nhiều kiểu hơn, cổ chữ U, cổ trái tim, và cổ tròn làm đa dạng thêm tà áo dài truyền thống.
Có năm phần chính trên một chiếc áo dài, phần cổ áo, phần thân áo, phần tà áo, phần tay áo, và phần quần, thân áo được tính từ cổ đến eo, thân áo gồm 2 mảnh bó sát eo làm tôn thêm vẻ đẹp thon gọn của người phụ nữ, tà áo được chia làm hai phần tà áo tước và tà áo sau, được chia làm hai phần ngăn cách bởi hai bên hồng, tà áo thì phải dài hơn đầu gối, phần tay áo là phần từ vai đến qua cổ tay, có thể may chung với phần thân áo hoặc may bằng một loại vải riêng biệt, phần quần áo được may theo kiểu quần ống rộng, có thể là vải đồng màu với chiếc áo dài hay khác màu, thường thì quần có màu trắng làm tôn lên sự mềm mại, thướt tha cho bộ trang phục và thêm duyên dáng, đằm thắm đáng yêu của tà áo dài Việt Nam.
Trong các ngày lễ hội truyền thống không thể thiếu trang phục áo dài, áo dài vừa thể hiện nét đẹp, nét duyên dáng của người phụ nữ mà còn thể hiện được nét đẹp truyền thống của dân tộc ta, trang phục áo dài còn xuất hiện trong trường hợp, trong các trường Trung học phổ thông thứ hai hàng tuần nhìn các em nữ sinh trong trang phục áo dài trắng đứng lên chào cờ đẹp và thiêng liêng làm sao, những giáo viên trong trang phục áo dài đứng trên bục giảng toát lên vẻ đẹp duyên dáng, thanh lịch nhưng không kém phần thanh tao, trang nghiêm của giáo viên. Trong các buổi văn nghệ, hay các cuộc thi lớn không thể thiếu những hình ảnh chiếc áo dài, khi các hoa hậu của đất nước ta đi thi đấu ở đấu trường quốc tế, trong hành trang không thể thiếu tà áo dài thướt tha, mang nét đẹp, truyền thống của dân tộc ta giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Khi giặt áo dài phải giặt thật nhẹ tay và không được phơi ở thời tiết nắng quá lâu, ủi ở nhiệt độ vừa phải, có như thế mới giữ được áo dài luôn mới.
Áo dài là nét đẹp là biểu tượng của nước Việt Nam, chúng ta hãy giữ gìn để áo dài mãi là trang phục truyền thống của mỗi người Việt Nam, khi nhắc đến tà áo dài chúng ta nghĩ ngay đến nền văn hóa đậm đà bản sức dân tộc, chúng ta hãy phát huy để bản sắc ấy ngày càng tươi đẹp hơn.
►► CLICK NGAY vào TẢI VỀ dưới đây để download hướng dẫn cách lập dàn ý và viết các bài tập làm văn số 5 ngữ văn 8 hay nhất file word, pdf hoàn toàn miễn phí.