Logo

Mẫu Viết bài tập làm văn số 7 lớp 8 - Văn nghị luận chi tiết nhất

Mẫu Viết bài tập làm văn số 7 lớp 8 - Văn nghị luận gồm hướng dẫn lập dàn ý và viết bài TLV từ đề 1 đến đề 3 SGK Ngữ văn 8 tập 2 giúp các em hiểu và tiếp thu bài giảng hiệu quả nhất
5.0
2 lượt đánh giá

Mời các bạn cùng tham khảo dàn ý và các bài văn mẫu viết bài tập làm văn số 7 Ngữ văn lớp 8 từ đề 1 đến đề 3 được chúng tôi chọn lọc và giới thiệu ngay dưới đây nhằm giúp các em học sinh mở rộng vốn từ và tham khảo thêm các ý tưởng cho bài viết TLV của mình.

Bài TLV số 7 lớp 8 đề 1: Tuổi trẻ và tương lai đất nước

Đề bài: Tuổi trẻ và tương lai đất nước

Dàn ý Tuổi trẻ và tương lai đất nước

I) Mở bài:

Đặt vấn đề, nêu vai trò của tuổi trẻ đối với tương lai của đất nước. Có thể trích dẫn câu nói nổi tiếng về tuổi trẻ.

II) Thân bài:

   - Khái niệm tuổi trẻ:

   + Tuổi trẻ là lứa tuổi thanh niên, thiếu niên. Lứa tuổi được học hành, đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

   + Tuổi trẻ là những năm tháng tươi đẹp nhất trong cuộc đời.

   - Nhấn mạnh tầm quan trọng của tuổi trẻ với đất nước:

   + Tuổi trẻ là lúc nhiều sức khỏe và thời gian nhất trong cuộc đời mỗi người.

   + Tuổi trẻ là tuổi có nhiều ước mơ, khát vọng và dám nghĩ dám làm.

   + Là tuổi có sức bật mạnh mẽ nhất.

   + Tuổi trẻ là tuổi cống hiến được nhiều nhất cho xã hội.

   → Với những lợi thế trên, tuổi trẻ trở thành nguồn nhân lực hàng đầu trong công cuộc xây dựng đất nước phát triển, cường thịnh.

   - Nhiệm vụ của tuổi trẻ

   + Tuổi trẻ cần tập trung trau dồi kiến thức, rèn luyện phẩm chất đạo đức để trở thành người có nhân cách, năng lực.

   + Xây dựng kế hoạch và mục tiêu sống kiên định.

   + Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải tập trung học tập.

   + Tích cực tham gia những hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

   + Tránh xa các tệ nạn xã hội.

   + Đặt ra những mục tiêu và phương pháp học tập đúng đắn.

   + Kết hợp giữa học và thực hành để lý thuyết được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn cuộc sống.

   → Phát triển bản thân chính là phát triển sức mạnh của đất nước.

III) Kết bài:

Khẳng định rằng tuổi trẻ chính là tương lai của đất nước. Xây dựng và bảo vệ đất nước là nhiệm vụ chung thiêng liêng của mỗi cá nhân trong quốc gia đó, vì vậy thế hệ trẻ cần tích cực trau dồi kiến thức, rèn luyện đạo đức xứng đáng là công dân có ích cho xã hội.

Bài văn mẫu Tuổi trẻ và tương lai đất nước

   Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ Vĩ đại của Đảng ta, dân tộc ta, đã viết trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc năm 1946 như sau: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Vậy hôm nay chúng ta hãy cùng nhau bàn bạc về tuổi trẻ và tương lai của đát nước nhé!

   Nói về đất nước ta trước năm 1945, thật là những cuộc sống tối tăm:

"Ôi nhớ những đêm nào thuở trước  
Xóm làng ta xơ xác héo hon  
Nửa đêm thuế thúc trống dồn 
Sân đình máu chảy, làng thôn lính đầy"....  

   Những mảnh đời như lão Hạc, chị Dậu và cái Tí thật chẳng có lối thoát, không còn hi vọng gì, còn con trai lão Hạc thì:

"Bán thân đổi mấy đổng xu 
Thịt xương vùi góc cao su mấy tầng ..." 

   Kiếp sống của nhân dân lao động thì tăm tối, bị chà đạp về nhân phẩm và quyền sống; kiếp sống của những người trí thức cũng chẳng có tương lai: những ông giáo của Nam Cao cũng hệt như con hổ nhớ rừng: "Nay sa cơ chịu nhục nhằn tù hãm"...

   Nhưng Bác Hồ đã tiên đoán được tiềm năng của dân tộc Việt chúng ta. Năm 1921, người đã viết: "Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến".

   Với ý nghĩa "tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội, thực sự thanh niên là lực lượng hùng hậu, có sức khỏe. Có học vấn và tiềm năng sáng tạo, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học hiện đại. Trong giai đoạn cách mạng mới, trước xu thế toàn cầu hóa về kinh tế và bối cảnh thế giới biến động phức tạp, Đảng ta đã khẳng định: "Thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, là nguồn nhân lực quyết định thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng đất nước ta trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thanh niên chiếm 1/3 dân số, là lực lượng xung kích, là người chủ hiện tại và tương lai của đất nước ta. Hiện nay, thanh niên ta đang đứng trước những thời cơ là:

   - Sự nghiệp đổi mới của Đảng, sự đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự quan tâm của nhà nước và các cấp chính quyền và các ngành mở ra cho thanh niên nhiều cơ hội để phát huy tài năng, cống hiến và trưởng thành.

   - Các chính sách của nhà nước như phát triển giáo dục, nâng cao trình độ học vấn và tay nghề, các chính sách khuyến khích đầu tư và phát triển kinh tế nhiều thành phần ...là cơ hội để thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng.

   Trong những năm 1920, Bác viết bài "Gửi thanh niên An Nam" như sau:

   "Thanh niên chúng ta đang làm gì? Nói ra thì buồn, buồn lắm: họ khồng làm gì cả. Những thanh niên không có phương tiện thì không dám rời quê nhà;; những người có phương tiện thì lại chìm ngập trong sự biếng nhác; còn những kẻ xuất dương thì chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn tính tò mò của tuổi trẻ mà thôi! Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên của người không sớm hồi sinh!". Cùng thời lúc ấy, nhà cách mạng Phan Bội Châu cũng mượn tiếng gà gáy để đánh thức tuổi trẻ.

"Dậy Dậy! Dậy! 
Bên án, một tiếng gà vừa gáy. 
Chim trên cây cũng tỏ ý chào mừng  
Xuân ơi xuân, em có biết cho chăng? 
​​​​​​​Ba mươi năm lẻ đã từng chua với xót...!!" 

   Rồi từ đó, nhà chí sĩ kêu gọi thanh niên:

Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn  
Đúc gan sắt để dời non lấp bể  
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ... 
​​​​​​​Mới thế này là mới! Hỡi chư quân!"... 

   Bao nhiêu năm trôi qua từ những năm 1920 ấy, bao anh hùng đã đỗ máu xương xuống mảnh đất này! Bây giờ, trong những thanh niên thế kỉ XXI, ai là người còn nhớ đến những người lãnh tụ chịu tù tội, ai đếm được những máu xương nhuộm thắm quê hương để giành độc lập tự do? Nếu bạn có một hoái bão cao đẹp dựng xây đất nước, xin hãy đi lên bằng nghị lực của mình và một trí tuệ được thụ hưởng có chọn lọc thời mờ cửa của thế kỉ XXI. Mong sao những thanh niên như thế có một tưorng lai tươi sáng khi bạn biết đi lên, sống xây dựng và cống hiến. bạn sẽ có một tương lai tươi sáng giữa một góc quê hương giàu đẹp!

   Nhưng nếu bạn là một trong những bạn trẻ đang rong chơi thay cho việc vùi đầu vào nghiên cứu và học tập? Nếu bạn ăn chơi và vô tình sa chân vào con đường nghiện ngập, khó thoát ra? Vậy thì tương lai của nhũng người như bạn đưa đất nước quê hương về đâu? Bạn đưa gia đình thân thích bạn đi đến nơi nào nếu nơi bạn đến là bệnh viện chữa AIDS? Nếu thanh niên chúng ta không là gánh nặng cho gia đình, xã hội, mà là chỗ dựa cho người thân yêu, thì đó là "con hơn cha là nhà có phước". Đất nước càng nhiều người như thế, càng giàu mạnh hùng cường.

Bài tập làm văn số 7 lớp 8 đề 2: Văn học và tình thương

Đề bài: Văn học và tình thương

Dàn ý Văn học và tình thương

I) Mở bài:

   Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: văn học và tình thương. Chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa phạm trù này.

   Bất kì tác phẩm văn học nào cũng xuất phát từ tình thương và làm lan tỏa tình thương tới cộng đồng.

II) Thân bài:

   - Khái niệm về văn học: Văn học là những sáng tác nghệ thuật mà người sáng tác dùng ngôn từ để truyền tải tư tưởng, tình cảm của mình tới người đọc.

   - Tình thương: là sự thương yêu, quan tâm, đồng cảm, chia sẻ giữa người với người

   - Văn học gắn liền với tình thương

   + Tình yêu quê hương đất nước, lòng tự tôn dân tộc.

   + Có nhiều tác phẩm gắn liền với tình yêu đất nước, sự tự hào dân tộc như: Nam Quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt), Bình Ngô đại cáo ( Nguyễn Trãi), Làng (Kim Lân ). Quê hương (Tế Hanh).

   - Văn học gắn liền với tình cảm gia đình, sự thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

   + Tình cha con, tình mẫu tử, tình anh em, tình cảm vợ chồng, tình bà cháu… đều được phản ánh trong các tác phẩm văn học.

   + Dẫn ra các tác phẩm tiêu biểu về chủ đề tình thương yêu gia đình: Nói với con (Y Phương), Hai đứa trẻ ( Thạch Lam), Bếp lửa ( Bằng Việt), Con cò ( Chế Lan Viên)…

   - Văn học phản ánh tình yêu thương giữa con người với con người với nhau.

   + Con người sống chung trong một xã hội có các mối quan hệ xã hội phức tạp. Ngoài những tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước, còn có tình cảm của con người dành cho con người, những số phận đáng được thương cảm, thấu hiểu.

   + Dẫn ra những tác phẩm như Chí Phèo ( Nam Cao), Truyện Kiều ( Nguyễn Du), Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Thương vợ (Tú Xương)….

   → Như vậy văn học xuất phát từ tình thương, và mang tình thương truyền tải tới người đọc. Khơi dậy trong mỗi cá nhân những nguồn tình cảm thiêng liêng, tốt đẹp.

III) Kết bài:

Khẳng định vai trò của văn học và tình thương đối với cuộc sống. Nhờ có tình thương con người sống với con người chan hòa, hạnh phúc hơn. Nhờ văn học đời sống tinh thần của con người phong phú, tình thương được nhen nhóm và lan tỏa.

Bài văn mẫu Văn học và tình thương chi tiết nhất

   Nhà phê bình Hoài Thanh trong văn bản “Ý nghĩa văn chương” từng viết: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có”. Nhận định ấy đã nêu lên những tác động cơ bản của văn học đối với tình cảm con người. Không dừng lại ở đó, giữa văn học và tình thương còn có những mối quan hệ sâu sắc.

    M.Gooc-ki đã nói “Văn học là nhân học”. Đối tượng mà văn học hướng đến là con người với “chữ người được viết hoa”. Có nghĩa là, văn học hướng về, đề cao, ca ngợi và bồi đắp “chữ người viết hoa” ấy mọi thời đại để nó ngày một đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Và trong rất nhiều nét đẹp của chữ viết hoa ấy phải kể đến tình thương, lòng nhân ái. Bởi thế ta thấy có sự đồng nhất giữa văn học và tình thương. Tình thương vốn là một trong những đức tính của con người. Nó xuất phát từ tấm lòng, trái tim mỗi con người. Nó mang tính hướng thiện, nhân đạo và nhìn sự việc bằng sự gắn bó với những tư tưởng hay giá trị đạo đức được xã hội công nhận. Là cơ sở gắn kết những mối quan hệ xung quanh, làm cho khoảng cách giữa con người gần hơn. Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam ta luôn đề cao tư tưởng nhân ái, một đạo lí cao đẹp, truyền thống “lá lành đùm lá rách” cũng được phát huy qua nhiều thế hệ. Những tình cảm cao quý ấy được kết tinh, hội tụ và phản ánh qua những tác phẩm văn học dân tộc.

    Nói văn học luôn ca ngợi lòng nhân ái và tình yêu thương giữa người và người quả không sai. Từ xưa trong văn học dân gian các cụ đã đề cao tình yêu thương con người. Ai trong chúng ta cũng thuộc lòng những câu ca dao như:

   “Bầu ơi thương lấy bí cùng

   Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

   Hoặc câu:

   “Nhiễu điều phủ lấy giá gương

   Người trong một nước phải thương nhau cùng”

   Rồi truyền thuyết “con Rồng cháu Tiên” giúp ta hiểu rõ hơn về từ “đồng bào”. Mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân đã sinh ra một trăm trứng và nở ra trăm con, năm mươi người con xuống biển sau này trở thành người miền xuôi, còn năm mươi người con khác lên núi sau này trở thành các dân tộc miền núi. Trước khi đi, Lạc Long Quân có dặn Âu Cơ rằng: sau này có gì khó khăn thì giúp đỡ nhau. Điều đó, cho thấy người xưa còn nhắc nhở con cháu phải biết thương yêu, đoàn kết, tương trợ nhau. Ta còn bắt gặp rất nhiều những câu chuyện về lòng yêu thương, tư tưởng nhân đạo của dân tộc trong văn học dân gian qua hình ảnh chàng Thạch Sanh đại diện cho chính nghĩa, hiền hậu, vị tha, dũng cảm, sẵn sàng tha thứ cho mẹ con Lý Thông, người đã bao lần tìm cách hãm hại mình. Rồi khi mười tám nước chư hầu kéo quân sang đánh Thạch Sanh nhằm cướp lại công chúa, chàng đã sử dụng cây đàn thần của mình để thức tỉnh binh lính, làm cho binh lính lần lượt xếp giáp quy hàng mà không cần động đến đao binh. Chàng lại mang cơm thiết đãi họ trước khi rút về nước. Ta còn biết đến một cô út dũng cảm làm vợ chàng Sọ Dừa kì dị. Câu chuyện về bông cúc trắng, bông hoa của tình yêu thương mãnh liệt đã làm nên điều kì diệu trong cuộc sống. Còn biết bao câu ca, câu chuyện thấm đẫm tình thương trong văn học dân gian ta không thể nào kể hết.

    Đọc văn học trung đại ta lại thấy sự tiếp nối làm đẹp truyền thống đó. Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi với tư tưởng nhân đạo cao cả:

   “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn

   Lấy chí nhân để thay cường bạo”

   Chính là tư tưởng xuyên suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Chúng ta cũng từng đọc Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du và hẳn vẫn giữ Truyện Kiều trong đáy sâu thẳm tâm linh, để luôn tự mình được trăn trở, chiêm nghiệm. Truyện Kiều, không chỉ là bản cáo trạng tội ác của bọn quan lại phong kiến, còn là một quyển kinh về tình thương. Tình thương cha, tình thương mẹ, thương chị em ruột thịt, thương người... như thể thương thân của nàng Kiều, đã in dấu ấn rất rõ tình thương mênh mông... của thi hào Nguyễn Du với thân phận những người phụ nữ.

    Đến văn học hiện đại ta lại bắt gặp tình yêu thương rất con người đó. Hình ảnh cậu bé Hồng trong tác phẩm “Những ngày thơ ấu”, đã cho chúng ta thấy rằng: “tình mẫu tử là nguồn thiêng liêng và kì diệu, là mối dây bền chặt không gì chia cắt được”. Cậu bé Hồng phải sống trong cảnh mồ côi, chịu sự hành hạ của bà cô, cha mất, mẹ phải đi tha hương, ấy vậy mà cậu không hề oán giận mẹ mình, ngược lại vô cùng kính yêu, nhớ thương mẹ. Câu chuyện đã làm rung động biết bao trái tim của độc giả. Không chỉ phản ánh tình mẫu tử, văn học còn cho ta thấy một tình cảm vô cùng đẹp đẽ, sâu sắc không kém, đó là tình cảm vợ chồng. Tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố là minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Nhân vật chị Dậu được tác giả khắc họa thành một người phụ nữ điển hình nhất trong văn học hiện thực Việt Nam. Chị là một người vợ thương chồng, yêu con, luôn ân cần, nhẹ nhàng chăm sóc cho chồng dù trong hoàn cảnh khó khăn, nguy khốn. Chị Dậu đã liều mình: đánh trả tên người nhà lí trưởng để bảo vệ cho chồng, một việc mà ngay cả đàn ông trong làng cũng chưa dám làm. Đọc truyện “Cuộc chia tay của những con búp bê” ta rưng rưng cảm động khi chứng kiến cảnh anh em Thành và Thủy chia tay nhau đầy nước mắt. Tác giả muốn gửi đến chúng ta thông điệp về tình cảm và sự gắn bó giữa anh em với nhau trong gia đình mà các cụ xưa đã từng đúc kết:

   “Anh em như thể tay chân

   Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”

    Bên cạnh việc ca ngợi những con người “thương người như thể thương thân”, văn học cũng phê phán những kẻ ích kỉ, vô lương tâm. Trong truyện cổ tích “Tấm Cám”, chúng ta sẽ thấy được thái độ căm ghét của mọi người đối với mẹ con Cám. Cái chết ở cuối câu chuyện đã lên án gay gắt: những kẻ ác phải bị trừng phạt. Đáng ghê sợ hơn nữa là những người cạn tình máu mủ. Điển hình là nhân vật bà cô trong truyện “Những ngày thơ ấu”, một người độc ác, nham hiểm “giết người không dao”. Bà ta nói xấu, sỉ nhục mẹ bé Hồng trước mặt bé, đứa cháu ruột của mình, đứa cháu mồ côi tội nghiệp lẽ ra bà phải yêu thương để bù đắp lại những mất mát mà bé phải hứng chịu. Hay trong tiểu thuyết “Tắt đèn”, nhà văn Ngô Tất Tố đã cho chúng ta thấy sự tàn ác, bất nhân của tên cai lệ và người nhà lí trưởng. Chúng thẳng tay đánh đập những người thiếu sưu, đến những người phụ nữ chân yếu tay mềm như chị Dậu mà chúng cũng không tha. Rồi ông quan trong “Sống chết mặc bay” tiêu biểu cho tầng lớp thống trị, quan lại ngày xưa. Trong cảnh nguy cấp, nhân dân đội gió, tắm mưa cứu đê thì quan lại ngồi ung dung đánh tổ tôm. Ngay cả khi có người vào báo đê vỡ hắn vẫn thét lính đuổi ra và khi quan lớn ù ván bài to thì cũng là lúc cả làng ngập nước, nhà cửa lúa má bị cuốn trôi hết, tình cảnh thật thảm sầu. Chính sự việc cao trào đó đã lên án gay gắt tên quan hộ đê, hay chính là đại diện cho tầng lớp thống trị, dửng dưng trước sinh mạng của biết bao người. Văn học không chỉ viết về tình thương, ca ngợi tình thương. Văn học còn khơi dậy tình thương trong lòng chúng ta, muốn chúng ta sẻ chia, cảm thông với những con người bất hạnh. Không ai dửng dưng, cầm lòng khi đọc truyện “Cô bé bán diêm” tội nghiệp và cảnh cô bé chết trong đêm giao thừa lòng thầm hỏi trong cuộc sống này còn bao người sẽ chết như thế trước sự thờ ơ đến vô cảm của người đời? Cũng bao lần ta nhỏ lệ khi đọc đoạn trích “Một cảnh mua bán” trong Tắt đèn khi Ngô Tất Tố kể về cái Tí với bát cơm thừa của chó nhà Nghị Quế. Ta cũng chẳng thể dửng dưng trước nỗi truân chuyên của người con gái tài sắc Thuý Kiều mà Nguyễn Du đã bao lần nhỏ lệ khóc thương trong tác phẩm của mình. Rồi cảnh anh em Thành Thuỷ chia tay cùng những con búp bê làm lòng ta nhói đau khi chứng kiến những bất hạnh của tuổi thơ và nỗi bất hạnh mà các em phải gánh chịu quá sớm. Từ việc khơi dậy tình yêu thương ấy, văn học gửi đến chúng ta thông điệp: Hãy dâng tặng tình yêu thương cho mọi người, ta lại cũng được đón nhận nó.

    Văn nghị luận: Văn học và tình thương luôn đồng hành tạo nên giá trị đích thực cho mỗi tác phẩm đồng thời giúp con người vươn tới chân - thiện - mĩ, hoàn thiện nhân phẩm và nhân cách con người. Và ở bất kì thời đại nào, giá trị lớn lao nhất của văn chương vẫn là “gây cho ta những tình cảm ta chưa có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có”.

Bài viết tập làm văn số 7 lớp 8 đề 3: Hãy nói "không" với các tệ nạn xã hội

Đề bài: Hãy nói "không" với các tệ nạn xã hội.

Dàn ý Hãy nói "không" với các tệ nạn xã hội

I) Mở bài:

   - Đặt vấn đề cần nghị luận.

   - Trong cuộc sống bên cạnh những điều tốt đẹp còn có nhiều tệ nạn có hại, hủy hoại con người và xã hội.

   - Nhiều thói quen có sức cám dỗ con người như cờ bạc, thuốc lá, ma túy, "truyền thông đen"…

   - Nếu con người không có bản lĩnh sẽ dần đi đến sa ngã vào những tệ nạn nguy hiểm trên. Vì vậy hãy nói "không" với tệ nạn xã hội.

II) Thân bài:

   - Giải thích tệ nạn xã hội là gì:

   + Là những hành vi sai trái không đúng với chuẩn mực xã hội, phạm trù đạo đức, pháp luật. Tệ nạn xã hội là mối nguy hại , phá vỡ sự văn minh của xã hội.

   - Những biểu hiện cụ thể của tệ nạn xã hội.

   + Tệ nạn xã hội diễn ra ở nhiều nơi, ngay cả làng quê (nơi vốn được coi là yên bình.

   + Tệ nạn xã hội có thể xảy ra ở mọi đối tượng không riêng gì một cá nhân nào.

   + Tệ nạn xã hội xảy ra ở nhiều thời điểm, lứa tuổi, đối tượng khác nhau.

   - Tác hại của tệ nạn xã hội gây ra đối với đời sống của con người.

   + Dẫn ra tác hại về vật chất: làm tổn hại tới tài chính, kinh tế.

   + Tác hại về sức khỏe, tinh thần.

   + Tác hại về đạo đức, nhân cách sống.

   + Tác hại tệ nạn gây ra đối với xã hội, cộng đồng là rất lớn.

   - Cách phòng chống tệ nạn xã hội

   + Với cá nhân: cần trang bị đầy đủ các kiến thức về tệ nạn xã hội, phải hình thành lối sống lành mạnh, suy nghĩ tích cực...

   + Với gia đình: Cần giáo dục con cái sống tích cực, quản lí tốt thời gian, tiền bạc, nêu gương của người lớn...

   + Với xã hội: cần tuyên truyền, đưa ra khung pháp lý nghiêm.

   + Phòng chống tệ nạn xã hội phải được chú trọng bởi nó có ý nghĩa quan trọng với mỗi quốc gia, dân tộc, mang lại cuộc sống yên bình cho cộng đồng.

   + Tránh xa những tệ nạn xã hội con người có điều kiện và môi trường tích cực để phát triển bản thân.

   → Cần nói "không" với các tệ nạn xã hội, phải tìm hiểu kiến thức chung về tệ nạn xã hội và các biện pháp tránh xa tệ nạn xã hội.

III) Kết bài:

Mọi người đặc biệt là người trẻ cần tránh xa và kiên quyết nói "không" với tệ nạn xã hội. Nếu lỡ mắc phải thì cần quyết tâm từ bỏ, làm lại cuộc đời. Cần xây dựng lối sống và môi trường sống lành mạnh để phát triển cá nhân.

Bài văn mẫu Hãy nói "không" với các tệ nạn xã hội

  Học sinh là lứa tuổi của sự tò mò hiếu động và mong muốn khám phá những điều mới lạ nhưng học sinh rất dễ bị sa ngã. Dựa vào đó các tai họa của nhân loại như cờ bạc, ma túy, văn hóa phẩm đồi trụy đã nhanh chóng xâm nhập và lan rộng trong môi trường thanh niên. Sau đây chúng ta đi vào tìm hiểu tác hại của cờ bạc, ma túy và các văn hóa phẩm không lành mạnh có tác hại thế nào với lứa tuổi thanh niên học sinh.

   Tuổi thanh thiếu niên chúng em là lứa tuổi đẹp nhất của đời người. Có nhiều thành ngữ, tục ngữ ca ngợi tuổi này như "Tuổi trăng tròn", "Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu". Đó là lứa tuổi mà thể lực phát triển đến mức tối đa, đầu óc chứa đầy những ước mơ cao đẹp, khao khát cống hiến, hi sinh.

   Tuổi chúng em cũng là lứa tuổi có sức tiếp thu nhạy bén, ham tìm hiểu khoa học kĩ thuật nước ngoài, thích cái mới. Nhưng ngược lại, tuổi thanh niên cũng có những khuyết điểm như ham vui, dễ sa ngã, thân thiết với bạn bè, nhưng không biết phân biệt kẻ tốt người xấu.

   Chính vì thế mà có những nguy cơ đang rình rập, nhiều cạm bẫy đang chờ đợi chúng em. Đó là hiểm họa cờ bạc, ma tuý, và văn hóa phẩm không lành mạnh. Vậy, chúng ta hãy thử đi vào tìm hiểu vấn đề này!

   Cờ bạc là những trò chơi dựa vào sự may rủi, người chơi cờ bạc ban đẩu xuất phát từ giải trí nhưng sau đỏ bị "máu tham" nổi lên,không thể nào dừng lại được nữa! Hình thức của cờ bạc là sử dụng những lá bài tây, hoặc dựa vào xổ số để ghi đề, có người lại dựa vào những trận bóng đá hay những trận đua ngựa để "cá cược". Tất cả đều là những hình thức khác nhau của cờ bạc mà thôi! Cờ bạc ngày xưa có hình thức đơn giản hơn, nhưng cũng làm cho bao người khánh kiệt, nhà tan cửa nát. Con mất cha, vợ mất chòng, cổ tích Việt Nam còn kể về những người đàn ông mê cờ bạc, mất hết tiền của, nhà đất rồi còn đem vợ đẹp ra mà đánh bạc!! Xem thế mới thấy cờ bạc có một "ma lực" thật đáng sợ! Người xưa có câu:

"Cờ bạc là bác thằng bần 
​​​​​​​Áo quần bán hết, tra chân vào cùm"

   Các học sinh, thanh niên chúng em nên lánh xa trò cờ bạc, vì trong giới này còn những tay chơi chuyên nghiệp, luôn lừa gạt những người mới vào để lấy tiền kẻ ngây thơ. Đó là loại người "cờ gian bạc lận" mà không thể nào chúng ta thắng nổi họ!

   Gần đây, thanh niên lại phải đối đầu với nguy cơ mới trên toàn thế giới: Ma túy!

   "Ma" là cây gai, nghĩa bóng còn chỉ thói quen không thể chừa được. "Tuý" là say. Ma tuý là chất gây say, gây nghiện, không thể chừa bỏ được khi đã vướng vào. Nó là một danh từ chỉ chung các chất: cần sa, cocain, á phiện, hêrôin vàcác chất kích thích khác như xì cọt, bồ đà, thuốc lắc… Theo lời những nạn nhân đã mắc vào ma túy thì nó có sức hấp dẫn một cách đáng sợ vì khi hút vào, nó làm người hút có một cảm giác lâng lâng kì lạ. Nhưng cạm bẫy tai hại của ma túy là khi đã hút vài lần thì không thể nào bỏ được nữa. Con nghiện bị cồn cào, cơn ghiện hành hạ thể xác đến độ mất hết lương tri, bằng mọi cách, người nghiện phải có thuốc, dù cho phải ăn cắp, cướp giựt hay là giết người, lừa gạt thân nhân để kiếm tiền hút chích! Họ có thể hành hung nhưng người xung quanh, người thân của chính mình mà không có ý thức. Căn bệnh ghiền ma túy ấy đã làm mất đi lí trí của người con ngoan, người anh tốt trong cộng đồng để trờ thành con nghiện nguy hiểm.

   Trong lúc chính quyền các nước và bao tổ chức an ninh chống buôn bán ma túy thì các con buôn thế giới sẵn sàng bỏ bao nhiêu tỉ đô la và súng đạn, giết bao nhiêu người để buôn ma túy, vì số tiền lời là khổng lồ!

   Con nghiện thường dùng nó dưới hình thức hút, chích để thỏa mãn cơn nghiện. Những kẻ khi đã nghiện thì đê mê, mất tỉnh táo về tinh thần, làm mất những kháng thể trong cơ thể, từ đó cơ thể suy nhược chỉ vì những chứng bệnhrất thông thường. Sự thiếu thuốc làm cho con nghiện mất hết lí trí, bị vật vã dữ dội và phải tìm mọi cách có tiền để thỏa mãn cơn nghiện bằng cách xin, mượn, lừa đảo, ăn cắp. Các thanh niên, học sinh khi đã đi vào con đường nghiện ngập sẽ đi cướp giật của người khác, thậm chí không ngần ngại hành hung người thân quen quanh mình để có được tiền đi hút. Việt Nam ta là một nước đang phát triển nên ma túy vẫn còn hoành hành khắp Bắc Nam... Mới đây ở Thị Nghè một thanh niên đang trong cơn nghiện đòi tiền của mẹ để đi hút, người mẹ không cho, con nghiện đã đốt nhà và trong lúc sơ sảy hắn đã bị điện giật chết trên nóc nhà mình. Đó là một trường hợp đau lòng đã xảy ra.

   Trong thời gian tiêm chích người bệnh sẽ bị suy nhược cơ thể, đánh mất nhân cách đạo đức và nguy hiểm nhất là có khả năng lây nhiễm cho người khác, làm lây lan dịch AIDS. Đối tượng học sinh là mục tiêu hàng đầu của những kẻ dụ dỗ buôn bán ma túy. Và cũng vì tính tò mò hiếu kì mà các em rất dễ sa ngã.

   Các lí do khác khiến thanh niên dễ sa vào ma tuý là họ có một lối sống thiếu lí tưởng, thừa tiền bạc, cha mẹ nuông chiều, thả lỏng, giải trí không lành mạnh và cặp kè với bạn xấu. Vì vậy Nhà nước ta cũng đã tuyên truyền, giáo dục học sinh và thực hiện các biện pháp nghiêm khắc với những học sính có hành vi tuyên truyền buồn bán ma tuý.

   Cai nghiện hêrôin không phải là dễ dàng vì ý chí con người dễ bị tàn lụi, không thể chống lại những cơn vật vã khổ cực của cơn đói thuốc (vã mồ hôi, co giật, cảm thấy như ngàn mũi kim đâm vào thịt, như triệu con giòi bò lúc nhúc trong thịt). Những người cai nghiện được sáu tháng, một năm, biết sự nguy hiểm của hẻroin đã làm khổ mình, gia đình mình hết sức, nhưng về nhà lại tái nghiện vì ý chí bị suy sụp.

   Tác hại lớn nhất của hêrôin là dẫn đến HIV/AIDS: bao nhiêu người dùng một ống tiêm (chích) chỉ cần một người nhiễm HIV chích chung sẽ làm lây nhiễm quađường máu cho kẻ khác một cách dễ dàng. Tuổi thọ của người nghiện hêrôin chỉ đếm được trên mấy đầu ngón tay, có người chích xong lăn đùng ra chết. Làm sao mà không chết khi đưa chất độc với những tạp chất (pha chế thêm) vào mình. Nểu người nghiện hêrôin nhiễm HIV thì sẽ nhanh chóng chuyển sang giai đoạn AIDS vì cơ thể suy sụp. HIV nhân bản mỗi ngày 10 tỉ siêu vi khuẩn, chỉ cần vài tuần con người đã trở thành "con vật HIV". Nếu có thời gian theo dõi báo chí, chúng ta sẽ lo sợ biết bao trước hiểm họa của ma túy. Những số liệu thanh niên nghiện hút ngày càng tăng. Nhiều tội phạm buôn bán ma tuý đã bị bắt. Nhiều tổ chức tốt hươngs dẫn; giúp đỡ thanh thiếu niên đã được lập ra như: trung tâm cai nghiện Bình Triệu, trung tâm tư vấn sức khỏe cộng đồng, những tổ chức y tế dự phòng.

   Điều nguy hiểm hơn nữa là các văn hóa phẩm không lành mạnh như những phim ảnh thiếu đạo đức, nhiều án mạng hoặc nhiều kích thích về bản năng thấp hèn đang được lưu truyền rộng rãi. Trước nó lan truyền vào việt Nam bằng những cuộn băng đĩa xách tay từ nước ngoài, bây glờ lan truyền bằng con đường Internet!

   Thực sự nếu là một học sinh biết lựa chọn tư liệu, thì Internet là một phương tiện học tập hiện đại và phong phú. Nhưng đi vào internet khi chưa đủ kiến thức về môn vi tính, chúng ta sẽ bị những người xấu len lỏi vào máy tính của ta bằng những lá thư hấp dẫn, những phần thưởng và quà tặng bất ngờ thật lớn lao! Sau một cái click chuột của ta, là những trang web độc hại hiện ra, kèm vào đó là những virus được cài sẵn mà ta không biết hậu quả đến thế nào!

   Ngay cả nhưng trò chơi có vẻ hết sức "lành mạnh" là game online, nếu các học sinh biết sử dụng đúng mức là một sự thư giãn vui vẻ, tập cho trí tuệ sắc sảo. Nhưng nếu các học sinh nhịn tiền quà bánh, trốn thầy cô, cha mẹ vào một tiệm "game online" thường xuyên, mỗi ngày hai đến bốn giờ đồng hồ, thì kết quả học tập sẽ thế nào? Sức khỏe các em ấy sẽ ra sao nếu không phải là những gương mặt tiều tụy thiếu trí nhớ lúc kiểm tra bàỉ và thiếu, ngủ thường xuyên?

   Mong sao em và các bạn của mình tránh xa được các tệ nạn cờ bạc, ma túy AIDS và những văn hóa phẩm tồi tệ! Ước gì các học sinh chúng ta luôn yêu thích giải trí lành mạnh như là thể thao ca nhạc, du lịch, xem phim hoặc đọc sách. Những thứ giải trí ấy vừa hấp dẫn, vừa bổ ích, vừa nâng cao kiến thức và đưa em đến những chân trời tuyệt diệu.

►► CLICK NGAY vào TẢI VỀ dưới đây để download hướng dẫn cách lập dàn ý và viết các bài tập làm văn số 7 ngữ văn 8 hay nhất file word, pdf hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
5.0
2 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status