Logo

Soạn văn 6 tập 2: Phương pháp tả cảnh chi tiết nhất

Soạn văn 6 tập 2 Phương pháp tả cảnh chi tiết nhất hướng dẫn trả lời các câu hỏi giúp các em hiểu và tiếp thu bài giảng hiệu quả nhất
4.8
2 lượt đánh giá

Hướng dẫn soạn bài: Phương pháp tả cảnh SGK lớp 6 tập 2 ngắn gọn, chi tiết, bám sát nội dung chương trình học giúp các em tiếp thu bài giảng một cách dể hiểu và nhanh nhất dành cho các em học sinh lớp 6 tham khảo.

Soạn Ngữ văn lớp 6: Phương pháp tả cảnh

Kiến thức cơ bản

1. Đọc các văn bản sau và trả lời câu hỏi:

(1) Những động tác thả sào, rút sào rập ràng nhanh như cắt. Thuyền cố lấn lên. Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ.

(Võ Quảng)

(2) Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn. Dòng xông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng. Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận. Cây đước mọc dài theo bãi, theo từng lứa trái rụng, ngọn bằng tăm tắp, lớp này chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông, đắp từng bậc màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ,... loà nhoà ẩn hiện trong sương mù và khói sóng ban mai.

(Đoàn Giỏi)

(3) 

LŨY LÀNG

Lũy làng là một vành đai phòng thủ kiên cố! Lũy làng có ba vòng bao quanh làng. Màu xanh là màu của luỹ:

Lũy ngoài cùng, trồng tre gai, thứ tre gốc to, thân to nhưng ngoằn ngoèo không thẳng, cành rậm, đan chéo nhau. Mỗi nhánh tre lại có những gai tre nhọn hoắt, rất cứng, mà những ai bén mảng vào ven lũy, vô ý giẫm phải, khêu nhổ cũng khá phiền.

Lũy tre ngoài cùng này không đốn, tre đời nọ truyền đời kia. Tre cụ, tre ông, tre bà, tre cha, tre mẹ, tre con, tre cháu, chút chít, chằng chéo bằng ngọn bằng tán, bằng cách ấy khiến con sẻ bay cũng không lọt ... Những gốc tre cứ to bự lên, chuyển thành màu mốc, khép kín vào nhau, thành bức tường thành bằng tre, mà với chiến tranh giáo mác, voi ngựa thủa xưa, muốn đột nhập vào làng chẳng dễ gì!

Lũy giữa làng cũng toàn tre nhưng là loại tre thẳng (tre hoá). Lũy trong cùng tre càng thẳng hơn. Tre óng chuốt vươn thẳng tắp, ngọn không dày và rậm như tre gai. Suốt năm tre xanh rờn đầy sức sống. Và đến mùa đổi lá thì toàn bộ tán xanh chuyển thành một màu vàng nhạt. Khi một trận gió mùa lay gốc, tầng tầng lá nối nhau bay xuống tạo thành một rải vàng... Tre lũy làng thay lá... Mùa lá mới oà nở, thứ màu xanh lục, nắng sớm chiếu vào trong như màu ngọc, đẹp như loài cây cảnh quần thể, báo hiệu một mùa hè sôi động. Thân tre cứng cỏi, tán tre mềm mại. Mưa rào ập xuống, rồi trời tạnh, mối cánh, chuồn chuồn đan cài trong bầu trời đầy mây xốp trắng. Nhìn lên, những ngọn tre thay lá, những búp tre non kín đáo, ngây thơ, hứa hẹn sự trưởng thành, lòng yêu quê của con người được bồi đắp lúc nào không rõ!...

Dưới gốc tre, tua tủa những mầm măng. Măng trồi lên nhọn hoắt như một mũi gai khổng lồ xuyên qua đất luỹ mà trỗi dậy, bẹ măng bọc kín thân cây non, ủ kĩ như áo mẹ trùm lần trong lần ngoài cho đứa con còn non nớt. Ai dám bảo thảo thảo mộc tự nhiên không có tình mẫu tử?...

(Ngô Văn Phú)

2. Mỗi văn bản trên miêu tả những gì?

Gợi ý:

  • (1): miêu tả hình ảnh dượng Hương Như lái thuyền vượt thác;
  • (2): miêu tả dòng sông và rừng đước Năm Căn;
  • (3): miêu tả luỹ tre bao quanh làng.

3. Các sự vật, quang cảnh ở văn bản (2) và (3) có được miêu tả theo một trật tự nào không?

Gợi ý:

  • (2): miêu tả cảnh từ dưới sông lên hai bên bờ, từ gần đến xa; cũng trình tự của sự quan sát;
  • (3): miêu tả từ ngoài vào trong, từ khái quát đến cụ thể.

4. Văn bản (3) được bố cục thành mấy phần? Các ý chính của mỗi đoạn là gì?

Gợi ý:

Đoạn văn được bố cục thành 3 phần: Mở đầu (từ đầu đến "màu của luỹ" ) giới thiệu khái quát về phẩm chất (vành đai phòng thủ kiên cố) và màu sắc (màu xanh) của luỹ tre; Phần tiếp (cho đến "không rõ!...") miêu tả cụ thể ba vòng tre tạo thành luỹ làng; Phần cuối miêu tả măng tre, thể hiện cảm nghĩ về loài tre.

Rèn luyện kĩ năng

1. Nếu phải tả cảnh lớp học trong một giờ đọc văn thì em sẽ miêu tả như thế nào?

Gợi ý: Lưu ý lựa chọn các hình ảnh tiêu biểu cho một giờ học đọc văn (không khí chung, thầy - cô giáo, các bạn, bảng, các hoạt động của thầy - cô giáo và các bạn,...) rồi sắp xếp miêu tả theo một trình tự nào đó (có thể là trình tự thời gian: từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc giờ học; có thể là trình tự quan sát: từ gần đến xa hoặc ngược lại; hoặc là kết hợp cả trình tự thời gian và trình tự quan sát,...), dàn dựng các ý miêu tả theo bố cục ba phần.

2. Nếu phải tả cảnh sân trường trong giờ chào cờ đầu tuần, em dự định miêu tả như thế nào?

Gợi ý: Quan sát và lựa chọn các sự vật, hình ảnh tiêu biểu để tập trung miêu tả: quang cảnh chung, lá cờ, hát quốc ca, các thầy cô giáo, các lớp xếp hàng,... Chú ý đến thứ tự miêu tả: từ khái quát đến cụ thể, từ xa đến gần hoặc ngược lại (quang cảnh chung, bầu trời, nắng, gió, lá cờ, các bạn học sinh xếp hàng,...); trước - sau (từ khi chuẩn bị, diễn biến cho đến khi kết thúc buổi chào cờ); tốt nhất là kết hợp giữa trình tự quan sát và trình tự diễn biến trong khi miêu tả.

3. Nếu phải tả quan cảnh sân trường trong giờ ra chơi thì trong phần thân bài em sẽ miêu tả theo thứ tự nào (theo thứ tự không gian: từ xa tới gần hay theo thứ tự thời gian: trước, trong và sau khi ra chơi)? 

Hãy lựa chọn một cảnh của sân trường trong giờ ra chơi ấy để viết thành một đoạn văn miêu tả.

Gợi ý: Hãy quan sát và chú ý lựa chọn các hình ảnh tiêu biểu để miêu tả theo cả thứ tự không gian và thời gian. Chú ý miêu tả các chi tiết như: bầu trời, mở đầu giờ ra chơi như thế nào, ở mỗi khoảng sân các hoạt động vui chơi diễn ra thế nào?...

Tham khảo đoạn văn sau:

Ngay trước cửa lớp tôi là chỗ dành cho các bạn ít sôi nổi hơn. Hùng, Minh và Dương đang đều đều nhịp chân với quả cầu được làm từ những chiếc lông của chú trống choai. Ngay bên cạnh, dưới gốc cây hoa sữa là chỗ Nam và Duy đang ngồi chơi cờ tướng trên ghế đá. Trông các bạn vò trán suy nghĩ mỗi khi cờ vào thế bí chẳng khác gì những người đánh cờ chuyên nghiệp.

4. Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

BIỂN ĐẸP

Buổi sớm nắng sáng. Những cánh buồm nâu trên biển được nắng chiếu vào hồng rực lên như đàn bướm múa lượn giữa trời xanh.

Lại đến một buổi chiều, gió mùa đông bắc vừa dừng. Biển lặng, đỏ đục, đầy như mâm bánh đúc, loáng thoáng những con thuyền như những hạt lạc ai đem rắc lên trên.

Rồi một ngày mưa rào. Mưa dăng dăng bốn phía. Có quãng nắng xuyên xuống biển óng ánh đủ màu: xanh lá mạ, tím phớt, hồng, xanh biếc,... Có quãng thâm sì, nặng trịch. Những cánh buồm ra khỏi cơn mưa, ướt đẫm, thẫm lại, khoẻ nhẹ bồi hồi, như ngực áo bác nông dân cày xong thửa ruộng về bị ướt.

Có buổi nắng sớm mờ, biển bốc hơi nước, không nom thấy đảo xa, chỉ một màu trắng đục. Không có thuyền, không có sóng, không có mây, không có sắc biếc của da trời.

Một buổi chiều lạnh, nắng tắt sớm. Những đảo xa lam nhạt pha màu trắng sữa. Không có gió mà sóng vẫn vỗ đều đều, rì rầm. Nước biển dâng đầy, quánh đặc một màu bạc trắng, lấm tấm như bột phấn trên da quả nhót.

Chiều nắng tàn, mát dịu. Biển xanh veo màu mảnh trai. Đảo xa tím pha hồng. Những con sóng nhè nhẹ liếm trên bãi cát, bọt sóng màu bưởi đào.

Mặt trời xế trưa bị mây che lỗ đỗ. Những tia nắng dát vàng một vùng biển tròn, làm nổi bật những cánh buồm duyên dáng, như ánh sáng chiếc đèn sân khấu khổng lồ đang chiếu cho các nàng tiên trên biển múa vui.

Thế đấy, biển luôn thay đổi màu tuỳ theo sắc mây trời. Trời xanh thắm, biển cũng thắm xanh, như dâng cao lên, chắc nịch.Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương. Trời âm u mây mưa, biển xám xịt, nặng nề. Trời ầm ầm, biển đục ngầu, giận dữ... Như một con người biết buồn vui, biển lúc tẻ nhạt, lạnh lùng, lúc sôi nổi, hả hê, lúc đăm chiêu, gắt gỏng.

Biển nhiều khi rất đẹp, ai cũng thấy như thế. Nhưng có một điều ít ai chú ý là: vẻ đẹp của biển, vẻ đẹp kì diệu muôn màu, muôn sắc ấy phần lớn là do mây, trời và ánh sáng tạo nên...

(Vũ Tú Nam)

a) Tóm tắt những ý chính của bài văn

Gợi ý:

Bài văn được bố cục thành 3 phần.

  • Em có suy nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng chính nhan đề Biển đẹp là Mở bài của bài văn?
  • Thân bài: biển buổi sáng à biển buổi chiều à biển buổi trưa à biển ngày mưa rào à biển ngày nắng;
  • Kết bài: Em có nhận xét gì khi tác giả Mở bài bằng khái quát Biển đẹp đến Kết bài lại là nhận xét khái quát về vẻ đẹp của biển?

b) Nhận xét về nghệ thuật miêu tả của bài văn.

Gợi ý: Dựa vào ý của nhà văn Phạm Hổ dưới đây để nhận xét về nghệ thuật miêu tả của bài văn Biển đẹp:

"Đừng tả dài dòng mà tìm hiểu và quan sát thật kĩ, nắm cho được cái thần, cái hồn, cái dáng vẻ đặc biệt của con người, vật, hoa trái... mà ta tả, rồi bằng ngôn ngữ vẽ nó hiện lên trước mắt người đọc, gợi cho người đọc cùng cảm nhận, cùng suy nghĩ với mình."

►► CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ bài soạn ngữ văn lớp 6 bài: Phương pháp tả cảnh chi tiết, ngắn gọn bản file word, file pdf hoàn toàn miễn phí từ chúng tôi.

Đánh giá bài viết
4.8
2 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status