Logo

Mẫu Viết bài tập làm văn số 6 lớp 10 - Văn thuyết minh văn học hay nhất

Dàn ý và các bài văn mẫu Viết bài tập làm văn số 6 lớp 10 - Văn thuyết minh văn học hay nhất giúp các em học sinh tham khảo, mở rộng vốn từ, kiến thức, nâng cao khả năng viết các bài TLV
5.0
0 lượt đánh giá

Nội dung dàn ý và các bài văn mẫu Viết tập làm văn số 6 lớp 10 - Văn thuyết minh văn học được chọn lọc và sưu tầm dưới đây sẽ giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo để hoàn thành bài viết số 6 đạt kết quả cao.

Đề 1: Thuyết minh về một tác phẩm văn học.

Dưới đây là dàn ý và bài làm văn mẫu viết tập làm văn số 6 - Văn thuyết minh văn học lớp 10 đề 1 được trình bày chi tiết, dễ hiểu nhất mời các bạn học sinh tham khảo:

Dàn ý bài viết số 6 lớp 10 đề 1

Mở bài

Giới thiệu khái quát về tác phẩm đó (tác giả, thời gian, hoàn cảnh sáng tác, ý nghiã chính của nó).

Thân bài

- Giới thiệu về tác giả của tác phẩm:

+ Nên nói những điểm chính liên quan đến tác phẩm, như tiểu sử ...

+ Hoàn cảnh tác giả sáng tác nên tác phẩm đó.

- Giới thiệu về tác phẩm:

+ Nó nằm trong 1 tập truyện nào đó, thời gian ra đời của nó gắn liền với cuộc đời tác giả.

+ Kết cấu của tác phẩm và tóm tắt sơ lược về tác phẩm.

+ Nói về các nhân vật có trong tác phẩm (nếu có).

+ Về tính cách và điều mà tác giả muốn gửi gắm qua nhân vật.

+ Nội dung và ý nghĩa chính của tác phẩm đó.

+ Những chi tiết tiêu biểu và những hình ảnh làm nên giá trị của tác phẩm đó.

+ Nghệ thuật của tác phẩm đó.

+ Điều mà tác giả gửi gắm thông qua tác phẩm.

+ Điều mà em cảm nhận và nhận thấy khi được học / đọc được tác phẩm đó.

+ ...

Kết bài

- Nhận xét, đánh giá về tác phẩm.

- Vị trí của tác phẩm trong nền văn học.

Bài viết mẫu tập làm văn số 6 lớp 10 đề 1

Trong dòng văn học ca ngợi truyền thống yêu nước xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam, "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi được đánh giá là ánh "thiên cổ hùng văn", là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc, được các thế hệ người Việt luôn yêu thích, tự hào.

"Bình Ngô đại cáo" được Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết vào khoảng đầu năm 1428, khi cuộc kháng chiến chống Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn đã thắng lợi, quân Minh buộc phải kí hòa ước, rút quân về nước, nước ta bảo toàn được nền độc lập tự chủ, hòa bình. Nguyễn Trãi -62 là một anh hùng dân tộc, là người toàn tài hiếm có trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Ông có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh đồng thời cũng là nhà thơ trữ tình sâu sắc, nhà văn chính luận kiệt xuất, là cây đại thụ đầu tiên của văn học trung đại Việt Nam.

Tác phẩm "Bình Ngô đại cáo" được Nguyễn Trãi viết theo thể cáo, một thể văn có nguồn gốc từ Trung Hoa, viết bằng chữ Hán, thuộc thể văn hùng biện chính luận, có nội dung thông báo một chính sách, một sự kiện trọng đại liên quan đến quốc gia dân tộc, công báo trước toàn dân. Nhan đề tác phẩm có ‎ Ý nghĩa là bài cáo trọng đại tuyên bố về việc dẹp yên giặc Ngô-một tên gọi hàm ý khinh bỉ căm thù giặc Minh xâm lược. Bài cáo có bố cục chặt chẽ mạch lạc, viết theo lối biền ngẫu, vận dụng thể tứ lục, sử dụng hệ thống hình tượng sinh động, gợi cảm.

Bài cáo gồm bốn đoạn. Đoạn đầu nêu cao luận đề chính nghĩa của cuộc kháng chiến, đó là tư tưởng nhân nghĩa kết hợp với độc lập dân tộc: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân-Quân điếu phạt trước lo trừ bạo" và "Như nước Đại Việt ta từ trước-Vốn xưng nền văn hiến đã lâu".

Đoạn thứ hai của bài cáo đã vạch trần, tố cáo tội ác dã man của giặc Minh xâm lược. Đoạn văn là bản cáo trạng đanh thép, tố cáo giặc Minh ở các điểm: âm mưu cướp nước, chủ trương cai trị phản nhân đạo, hành động tàn sát tàn bạo. Đồng thời, đoạn văn cũng nêu bật nỗi thống khổ, khốn cùng của nhân dân, dân tộc ta dưới ách thống trị của kẻ thù: "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn-Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ"; "Dối trời, lừa dân, đủ muôn nghìn kế-Gây binh kết oán, trải hai mươi năm". Đoạn văn ngùn ngụt Ý chí căm thù giặc và thống thiết nỗi thương dân lầm than. Đoạn văn thứ ba là đoạn dài nhất của bài cáo, có Ý nghĩa như bản anh hùng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đoạn văn đã tổng kết lại quá trình khởi nghĩa. Ban đầu cuộc khởi nghĩa gặp nhiều khó khăn, lương thảo, quân sĩ, người tài đều thiếu, nghĩa quân ở vào thế yếu "Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần-Khi Khôi Huyện quân không một đội", "Tuấn kiệt như sao buổi sớm-Nhân tài như lá mùa thu", "lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều"…Nhưng nghĩa quân có người lãnh tụ Lê Lợi sáng suốt, bền chí, yêu nước "Ngẫm thù lớn há đội trời chung-Căm giặc nước thề không cùng sống", biết đoàn kết lòng dân "Sĩ tốt một lòng phụ tử-Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào", dùng chiến thuật phù hợp nên nghĩa quân Lam Sơn ngày một trưởng thành "Sĩ khí đã hăng, quân thanh càng mạnh"và ngày càng chiến thắng giòn giã, vang dội "Đánh một trận sạch không kình ngạc-Đánh hai trận tan tác chim muông", giặc Minh thì liên tiếp thất bại, thất bại sau lại càng thảm hại hơn thất bại trước, mỗi tên tướng giặc bại trận lại có vết nhục nhã riêng: kẻ treo cổ tự vẫn, kẻ quỳ gối dâng tờ tạ tội, kẻ bị bêu đầu…Đoạn văn thứ ba của bài cáo cũng ca ngợi lòng nhân đạo, chuộng hòa bình của nhân dân, dân tộc ta, tha sống cho quân giặc đã đầu hàng, lại cấp cho chúng phương tiện, lương thảo về nước. Đoạn cuối của bài cáo đã tuyên bố trịnh trọng về việc kết thúc chiến tranh, khẳng định nền độc lập, hòa bình vững bền của đất nước, thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Bài cáo có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa yếu tố chính luận sắc bén với yếu tố văn chương truyền cảm, kết hợp giữa lí luận chặt chẽ và hình tượng nghệ thuật sinh động. Cảm hứng nổi bật xuyên suốt tác phẩm là cảm hứng anh hùng ca hào hùng sôi nổi, mãnh liệt. Giọng điệu của bài cáo rất đa dạng, khi tự hào về truyền thống vănhóa, anh hùng lâu đời của dân tộc, khi thì căm phẫn sục sôi trước tội ác của kẻ thù, khi thống thiết xót thương trước nỗi đau lầm than của nhân dân, khi lo lắng trước những khó khăn của cuộc kháng chiến, khi hào hùng ngợi ca chiến thắng, khi trịnh trọng tuyên bố độc lập của dân tộc, đất nước.

"Đại cáo bình Ngô" của Nguyễn Trãi là bản anh hùng ca ca ngợi chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta thế kỉ XV. Tác phẩm vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn học, không chỉ lưu giữ những sự kiện lịch sử mà còn lưu truyền lòng yêu nước tự hào dân tộc đến các thế hệ người Việt Nam. Mỗi người dân Việt Nam ngày nay đều hào sảng trước những câu văn hùng hồn:

"Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,

Song hào kiệt đời nào cũng có…"

Đề 2: Thuyết minh về một tác giả văn học.

Hướng dẫn dàn ý và bài văn mẫu viết tập làm văn số 6 lớp 10 đề 2 tại đây:

Bài viết mẫu tập làm văn số 6 lớp 10 đề 2

Nguyễn Du là nhà thơ sống hết mình, tư tưởng, tình cảm, tài năng nghệ thuật của ông xuyên suốt các tác phẩm của ông, xuyên suốt cuộc đời ông và thể hiện rõ nhất qua áng văn chương tuyệt vời là "Truyện Kiều".

Nguyễn Du sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu, tức ngày 3/1/1765 ở kinh thành Thăng Long trong một gia đình quý tộc lớn. Thân sinh ông là Hoàng Giáp Nguyễn Nghiễm (1708 – 1775), làm quan đến tham tụng (tể tướng) tước Xuân quận công triều Lê. Mẹ ông là bà Trần Thị Tần, quê Kinh Bắc, đẹp nổi tiếng. 13 tuổi lại mồ côi mẹ, ông phải ở với người anh là Nguyễn Khản. Đời sống của người anh tài hoa phong nhã, lớn hơn ông 31 tuổi này rất có ảnh hưởng tới nhà thơ.

Sự thăng tiến trên đường làm quan của Nguyễn Du khá thành đạt. Nhưng ông không màng để tâm đến công danh. Trái tim ông đau xót, buồn thương, phẫn nộ trước "những điều trông thấy" khi sống lưu lạc, gần gũi với tầng lớp dân đen và ngay cả khi sống giữa quan trường. Ông dốc cả máu xương mình vào văn chương, thi ca.

Thơ ông là tiếng nói trong trái tim mình. Đấy là tình cảm sâu sắc của ông đối với một kiếp người lầm lũi cơ hàn, là thái độ bất bình rõ ràng của ông đối với các số phận con người. Xuất thân trong gia đình quý tộc, sống trong không khí văn chương bác học, nhưng ông có cách nói riêng, bình dân, giản dị, dễ hiểu, thấm đượm chất dân ca xứ Nghệ.

Về văn thơ nôm, các sáng tác của ông có thể chia thành 3 giai đoạn. Thời gian sống ở Tiên Điền – Nghi Xuân đến 1802, ông viết "Thác lời trai phường nón Văn tế sống 2 cô gái Trường Lưu". Đây là 2 bản tình ca thể hiện rất rõ tâm tính của ông, sự hoà biểu tâm hồn tác giả với thiên nhiên, với con người.

Ba tập thơ chữ Hán thì "Thanh hiên thi tập" gồm 78 bài, viết lúc ở Quỳnh Côi và những năm mới về Tiên Điền, là lời trăn trở chốn long đong, là tâm sự, là thái độ của nhà thơ trước cảnh đời loạn lạc. Sau 1809, những sáng tác thơ của ông tập hợp trong tập "Nam Trung Tạp Ngâm" gồm 40 bài đầy cảm hứng, của tâm sự, nỗi niềm u uất.

Truyện Kiều được Nguyễn Du chuyển dịch, sáng tạo từ cuốn tiểu thuyết "Truyện Kim Vân Kiều" của Thanh Tâm Tài Nhân, tên thật là Tử Văn Trường, quê ở huyện Sơn Am, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Truyện Kiều đã được nhân dân ta đón nhận một cách say sưa, có nhiều lúc đã trở thành vấn đề xã hội, tiêu biểu là cuộc tranh luận xung quanh luận đề "Chánh học và tà thuyết" giữa cụ Nghè Ngô Đức Kế và ông Phạm Quỳnh thu hút rất nhiều người của 2 phía cùng luận chiến.

Không chỉ ảnh hưởng sâu sắc trong tầng lớp thị dân, Truyện Kiều còn được tầng lớp trên say mê đọc, luận. Vua Minh Mạng là người đầu tiên đứng ra chủ trì mở văn đàn ngâm vịnh truyện Kiều và sai các quan ở Hàn Lâm Viện chép lại cho đời sau. Đến đời Tự Đức, nhà vua thường triệu tập các vị khoa bảng trong triều đến viết và vịnh Truyện Kiều ở văn đàn, ở Khu Văn Lâu.

Ngày nay, Truyện Kiều vẫn đang được các nhà xuất bản in với số lượng lớn, được dịch ra rất nhiều thứ tiếng. Các nhà nghiên cứu trên thế giới đánh giá cao Truyện Kiều. Dịch giả người Pháp Rơ-Ne-Crir-Sắc khi dịch Truyện Kiều đã viết bài nghiên cứu dài 96 trang, có đoạn viết: "Kiệt tác của Nguyễn Du có thể so sánh một cách xứng đáng với kiệt tác của bất kỳ quốc gia nào, thời đại nào". Ông so sánh với văn học Pháp: "Trong tất cả các nền văn chương Pháp không một tác phẩm nào được phổ thông, được toàn dân sùng kính và yêu chuộng bằng quyển truyện này ở Việt Nam". Và ông kết luận: "Sung sướng thay bậc thi sĩ với một tác phẩm độc nhất vô nhị đã làm rung động và ca vang tất cả tâm hồn của một dân tộc". Năm 1965 được Hội đồng Hoà bình thế giới chọn làm năm kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du.

Nguyễn Du là nhà thơ sống hết mình, tư tưởng, tình cảm, tài năng nghệ thuật của ông xuyên suốt các tác phẩm của ông, xuyên suốt cuộc đời ông và thể hiện rõ nhất qua áng văn chương tuyệt vời là Truyện Kiều. Đọc Truyện Kiều ta thấy xã hội, thấy đồng tiền và thấy một Nguyễn Du hàm ẩn trong từng chữ, từng ý. Một Nguyễn Du thâm thuý, trải đời, một Nguyễn Du chan chứa nhân ái, hiểu mình, hiểu đời, một Nguyễn Du nóng bỏng khát khao cuộc sống bình yên cho dân tộc, cho nhân dân.

Đề 3: Thuyết minh về tác giả Trương Hán Siêu và tác phẩm Phú sông Bạch Đằng.

Tham khảo ngay dàn ý và bài làm văn mẫu đề 3 bài tập làm văn số 6 lớp 10 - Văn thuyết minh văn học được trình bày chi tiết nhất dưới đây:

Dàn ý bài văn mẫu lớp 10 số 6 Đề 3

Mở bài

Nhắc đến Trương Hán Siêu, người ta nghĩ đến Phú sông Bạch Đằng. Và trở lại, Phú sông Bạch Đằng cũng đủ làm nên tên tuổi Trương Hán Siêu.

Thân bài

- Vài nét về Trương Hán Siêu.

- Thuyết minh về Phú sông Bạch Đằng:

    + Được viết vào khoảng năm mươi năm sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, đời Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, khi nhà Trần có dấu hiệu bắt đầu suy thoái.

    + Bạch Đằng là con sông ghi dấu nhiều chiến công hiển hách trong sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta, từ thời Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán đến nhà Trần chiến thắng quân Nguyên Mông.

    + Bài phú được viết theo lối phú cổ thể.

    + Cảm hứng: Niềm tự hào, vừa đọng nỗi đau, vừa thể hiện triết lí về sự thay đổi, biến thiên và xoay vần của tạo hóa.

    + Nội dung: Cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật khách và các bô lão trên sông Bạch Đằng. khách và các bô lão bình luận về chiến thắng, công đức của các vua Trần.

Phú sông Bạch Đằng bộc lộ lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống anh hùng, truyền thống nhân nghĩa của đất nước ta.

    + Nghệ thuật: Tác phẩm có cấu tứ đơn giản, lời văn linh hoạt, hình tượng nghệ thuật sinh động, từ ngữ gợi hình sắc, giọng điệu hào hùng trang trọng, có lúc lắng đọng gợi cảm, lúc lại triết lí sâu xa.

Kết bài

Phú sông Bạch Đằng là đỉnh cao nghệ thuật phú trong văn học trung đại.

Bài văn mẫu viết TLV số 6 lớp 10 đề 3

"Bạch Đằng Giang phú" là một kiệt tác trong văn chương cổ Việt Nam. Về mặt nghệ thuật, đây là tác phẩm thể hiện đỉnh cao của tài hoa viết phú. Về nội dung tư tưởng, Bạch Đằng Giang phú là áng văn tràn đầy lòng yêu nước, tráng chí chất ngất, cùng tinh thần tự hào dân tộc và hàm chứa một triết lý lịch sử sâu sắc khi nhìn nhận nguyên nhân thành công của dân tộc trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước.

Trương Hán Siêu là một nhân vật lớn đời Trần. Ông tên chữ Lăng Phủ, quê ở làng Phúc Am, huyện An Khánh, Ninh Bình. Trương Hán Siêu lúc trẻ làm môn khách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, tham gia cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai và thứ ba. Ông làm quan trải qua bốn triều vua Trần (Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông). Trương Hán Siêu là một người học vấn uyên bác, thông hiểu sâu sắc đạo Nho, đạo Phật, lại giàu lòng yêu nước và có nhiều công lao đối với triều Trần, vì vậy ông được các vua Trần tôn kính, xem như bậc thầy.

Năm 1308, vua Trần Anh Tông phong ông làm Hàn Lâm học sĩ. Đời Minh Tông ông giữ chức Hành khiển. Đời Trần Dụ Tông, năm 1339, ông làm Hữu ti Lang trung ở Môn hạ. Đời Trần Dụ Tông đổi sang Tả Tư Lang kiêm chức Kinh Lược sứ ở Lạng Giang, năm 1345 ông được thăng chức Gián nghị Đại phu tham chính sự. Ông được vua Dụ Tông sai cùng với Nguyễn Trung Ngạn hợp soạn bộ "Hoàng Triều Đại Điển" và bộ "Hình Luật Thư". Năm 1351, ông được phong Tham tri Chính sự.

Năm 1353, ông lãnh chiếu chỉ ra trấn nhậm Hoá Châu (Huế), sai người xây thành đắp luỹ, lập kế chống quân Chiêm. Năm 1354, ông cáo bệnh xin nghỉ nhưng trên đường về Bắc chưa kịp đến nhà thì mất, sau được truy tặng Thái phó và cho phối thờ ở Văn Miếu, Thăng Long.Sau khi mất, Trương Hán Siêu được truy tặng chức Thái phó và được đưa vào thờ tại Văn Miếu ngang với các bậc hiền triết xưa.

Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam vào giai đoạn nửa sau thế kỷ XIV nảy sinh cuộc tranh giành vị trí, ảnh hưởng giữa Nho giáo và Phật giáo mà Trương Hán Siêu được coi là người đầu tiên lên tiếng phê phán đạo Phật, mở đường cho Nho giáo tiến lên. Ông còn để lại bốn bài thơ và ba bài văn "Dục Thuý sơn khắc thạch","Linh TẾ Tháp ký","Khai Nghiêm tự bi","Bạch Đằng giang phú",…Trong thơ văn cổ Việt Nam có một số tác phẩm lấy đề tài sông Bạch Đằng nhưng"Bạch Đằng giang phú" được xếp vào hạng kiệt tác. Chưa rõ Trương Hán Siêu viết "Bạch Đằng giang phú"vào năm nào, nhưng qua giọng văn cảm hoài "Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá-Tiếc thay dấu vết luống còn lưu", ta có thể đoán định được, bài phú này chỉ có thể ra đời sau khi Trần Quốc Tuấn đã mất, tức là vào khoảng 1301-1354.

"Bạch Đằng Giang phú" là một kiệt tác trong văn chương cổ Việt Nam. Về mặt nghệ thuật, đây là tác phẩm thể hiện đỉnh cao của tài hoa viết phú. Về nội dung tư tưởng, Bạch Đằng Giang phú là áng văn tràn đầy lòng yêu nước, tráng chí chất ngất, cùng tinh thần tự hào dân tộc và hàm chứa một triết lý lịch sử sâu sắc khi nhìn nhận nguyên nhân thành công của dân tộc trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước.

"Bạch Đằng giang phú" được viết bằng chữ Hán. Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đổng Chi, Bùi Văn Nguyên… đã dịch khá thành công áng văn này.

Ở Trương Hán Siêu, hành vi ứng xử nổi bật nhất, in đậm vào sử sách, là thái độ gần gũi thiên nhiên, cách ông nhìn ngắm thiên nhiên tạo vật. Về điều này, nếu nói Trương Hán Siêu gắn bó với cảnh trí của đất nước thì không có gì sai nhưng hình như vẫn chưa đủ. Nhà thơ nhà văn Việt Nam xưa nay rất ít người thờ ơ trước vẻ đẹp của giang sơn gấm vóc: "Nước biếc non xanh thuyền gối bãi/Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu" (Nguyễn Trãi). Trương Hán Siêu cũng thế thôi. Nhưng với ông, trong tình yêu thiên nhiên hình như còn có một điều gì khác hơn, một khao khát thường trực muốn chiếm lĩnh thế giới tự nhiên, nhận biết cho hết mọi tri thức lịch sử – xã hội ẩn ngầm trong ngoại giới. Như chính ông phô bày trong vai một "người khách " ở bài Bạch Đằng giang phú, hầu như cả một đời, ông đã coi lẽ sống của mình là ngược xuôi tìm đến mọi danh lam thắng cảnh:

 "Khách có kẻ,

Giương buồm giong gió khơi vơi;

Lướt bể chơi trăng mải miết.

Sớm gõ thuyền chừ Nguyên, Tương,

Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt;

Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt

Nơi có người qua đâu mà chẳng biết.

Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ đã nhiều

Mà tráng chí tứ phương vẫn còn tha thiết…"

Cũng có thể nghĩ đấy mới chỉ là những lời tâm niệm của Trương Hán Siêu bởi các địa danh nói trên đều là điển cố trong văn liệu, ông được đọc qua sách vở, hay là thông qua sách vở mà tìm đến chúng chứ chưa chắc đã một lần ghé thăm. Song cũng vì vậy, thiên nhiên như cái đích tìm kiếm của ông dường như có mang một hàm nghĩa thâm thúy: đây là nơi tập kết mọi trải nghiệm văn hóa của con người, và cũng là chứng tích để con người nhìn xa vào lịch sử. Vẫn trong bài phú về sông Bạch Đằng, tiếp theo mấy câu vừa dẫn, ông liền bày tỏ ý nguyện bắt chước "thú tiêu dao" của Tử Trường tức Tư Mã Thiên – nhà viết sử nổi tiếng của Trung Quốc, trước khi bắt tay cầm bút đã đi khắp mọi nơi đầu sông cuối bể nhằm nuôi dưỡng tình cảm và thu nhận kiến thức.

Ta để ý nếu ở phần trên, các địa danh thực ra đều là ảo – địa danh trong điển tích, không phải trong thực tế – thì đến đây mới là địa danh thực. Nhà thơ đưa ra một cái tên Bạch Đằng chưa hề có trong các pho sách kinh điển nhưng lại hiển hiện trước mắt với tất cả sức thuyết phục của những chiến công vang dội của nó.

Bạch Đằng giang phú ú là một bài phú lưu thủy, người viết cốt biểu đạt ý tưởng một cách phóng khoáng, tuôn chảy, không quá chú trọng gò gẫm bằng trắc đối xứng và hiệp vần. Nhưng cấu trúc bài phú cũng là cả một dụng công. Bằng sự phân vai khéo léo giữa "khách" và "bô lão" trong nghệ thuật biểu hiện để tạo nên sự đồng hiện về thời gian, bằng cách chuyển đoạn thần tình trong tâm trạng người trần thuật từ bâng khuâng hoài cổ sang cảm xúc bồng bột của người đang chứng kiến sự việc tiếp diễn, bằng nghệ thuật sắp xếp ngôn từ gây âm hưởng đa dạng, vừa khoan thai thoắt đã trở nên gấp gáp, rồi lại trở lại khoan thai, và cả bằng sự sinh động của nhịp điệu… mấy trăm năm qua bài phú đã chiếm lĩnh trọn vẹn tâm hồn người đọc. Đặc biệt, không ít những bậc tự xem là tri âm tri kỷ có thiên hướng muốn đón nhận toàn bộ hình tượng nghệ thuật của bài phú như những đường nét khắc họa chân thực quang cảnh chiến trận Bạch Đằng.

Nếu để ý ta sẽ thấy bức tranh đằng đằng sát khí của trận Bạch Đằng còn là một đối cực nữa của một bức tranh thủy mạc lặng tĩnh mà tác giả vẽ lên, như đã dẫn ở một phần trước:

Qua cửa Đại Than / ngược bến Đông Triều,

Đến sông Bạch Đằng / nổi trôi mặc chèo.

Bát ngát sóng kình muôn dặm/

Xanh xanh đuôi trĩ một màu.

Nước trời một sắc / phong cảnh ba thu

Sông chìm giáo gãy / gò đầy xương khô

Buồn vì cảnh thảm / đứng lặng giờ lâu

Đây lại là đối cực động-tĩnh giữa hiện tại và quá khứ. Đối cực này đã khiến người đọc như rơi vào trạng thái mơ màng, bâng khuâng, trong khi đuổi theo cái cố gắng "đi tìm thời gian đã mất" của tác giả. Ta chợt tự hỏi: Không hiểu giữa hiện hữu thứ nhất (thực tại tĩnh lặng trước mắt mà cũng là một hụt hẫng trong tâm trạng) và hiện hữu thứ hai (thực tại sống động trong tiềm thức mà cũng là một miên viễn của tưởng tượng) thì hiện hữu nào mới là có thật? Sự vấn vương ở đây có chút gì đó làm lòng ta nặng trĩu khi nghĩ đến dòng chảy của thời gian và thói vô tình dễ quên của người đời. Nói cách khác, những âm hưởng trữ tình đối lập ở trong tác phẩm đã tạo nên một ngân vang sâu thẳm và ngân vang này chính là triết lý: sự sống là một tiếp biến không ngừng không nghỉ, cái đang diễn ra và cái đã đi vào vĩnh cửu cứ đan quyện lấy nhau, mà cái nhân tố có khả năng kết nối làm nên sự đan quyện ấy, khiến cho sợi dây chuyền vô hình nghiệt ngã của thời gian có lúc tưởng như bị đảo ngược: hiện tại không hẳn đã trôi về quá khứ tất cả, mà có phần nào đó còn trôi theo chiều ngược lại, còn có "dấu vết lưu lại" với hậu thế – cái nhân tố ấy là con người, được quyết định bởi con người:

Trời đất đặt ra nơi hiểm trở,

Bậc anh tài tính cuộc tồn an

Giặc tan muôn thuở thăng bình,

Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao

Nhìn trở lại toàn bộ bài phú, nghệ thuật phối trí thời gian và không gian của Trương Hán Siêu đã đạt đến chỗ thần tình. Nhà thơ đưa không gian Bạch Đằng từ một viễn cảnh trải rộng và hết sức bao la đến với cận cảnh của một trận thủy chiến dữ dội, và cuối cùng dồn vào một tiêu điểm là chỗ đứng nội tâm của nhà chỉ huy quân sự quyết định sự thắng bại của chiến cuộc, đồng thời cũng chính là đang từ một không gian hiện thực ông quay trở về với không gian hồi cố, không gian tâm tưởng, cùng theo đó, thời gian nghệ thuật cũng đi lùi từ hiện tại về quá vãng. Vậy mà cảm hứng của người đọc lại không bị đẩy lùi bởi dòng hoài niệm, trái lại tiếp nhận nó như chính cái đang diễn ra trước mắt mình. Thủ pháp mờ chồng giữa hai thời đoạn cách quãng trên quang cảnh một con sông, thủ pháp hoán đổi điểm nhìn linh hoạt của tác giả… đã góp phần hóa giải tâm trạng hoài cổ của bài phú, tạo nên một tâm lý cân bằng và gây hứng thú sâu sắc trong cảm xúc thẩm mỹ.

Tóm lại, bằng lượng thông tin đa nghĩa, những ẩn ngữ phong phú đọng lại phía sau ngôn từ, Bạch Đằng giang phú đã gợi lên được nhiều tiếng nói cùng một lúc trong cảm nhận nhiều chiều của người đọc. Sự dồn nén nghệ thuật của bút pháp Trương Hán Siêu quả đã đến một trình độ bậc thầy.

Trương Hán Siêu là một danh nhân nổi tiếng của mảnh đất Trường Yên – Ninh Bình, một chứng nhân rõ rệt cho truyền thống văn hóa lâu đời của vùng đất văn vật này. Nhưng ông lại cũng là một nhân vật có tầm thước cả nước, một người con ưu tú của văn hóa Thăng Long dưới triều đại Trần. Ông xứng đáng được xếp vào hàng danh nhân tôn vinh ở Văn miếu Quốc tử giám như nhà Trần đã từng "liệt hạng" xưa kia, mặc dù ông không hề có mảnh bằng nào thông qua thi cử. Điều đó cũng nói lên rằng triều đại Trần có sức năng động lớn vì nó biết chuộng thực học, biết lựa chọn tài năng theo những tiêu chí thực tiễn. Bỏ qua mọi thứ phù danh, với những người như Trương Hán Siêu, nhà Trần đã biết cách làm cho mình trở thành bất tử.

Đề 4: Thuyết minh về Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều.

Hướng dẫn chi tiết nhất phần dàn ý và bài làm văn mẫu số 6 đề 4 lớp 10 hay nhất dưới đây:

Dàn ý bài viết tập làm văn số 6 lớp 10 đề 4

Mở bài

Giới thiệu tác gia Nguyễn Du: là đại thi hào dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới.

Giới thiệu về "Truyện Kiều": là kiệt tác của Nguyễn Du, là tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Thân bài

a) Giới thiệu về Nguyễn Du:

- Cuộc đời:

+ Tên, hiệu, năm sinh năm mất: tên chữ là Tố Như, tên hiệu là Thanh Hiên, sinh năm Ất Dậu (1765), mất năm Canh Thìn (1820).

+ Quê hương: quê cha ở Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà TĨnh; quê mẹ ở Bắc Ninh, nhưng ông lại được sinh ra ở Thăng Long. Nhờ đó, Nguyễn Du dễ dàng tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa.

+ Gia đình: đại quý tộc, nhiều đời làm quan to, có truyền thống làm thơ văn và say mê ca kĩ.

+ Thời đại: sinh ra và lớn lên trong thời kì lịch sử đầy biến động dữ dội của xã hội phong kiến.

+ Cuộc đời: đầy bi kịch, Nguyễn Du sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải ở với anh trai là Nguyễn Khản. Gia đình tan tác, bản thân ông cũng đã từng lưu lạc "mười năm gió bụi "ở quê vợ Thái Bình. Nhưng chính những cơ cực, vất vả đó đã hun đúc cho ông vốn sống quý giá, và sự am hiểu sâu sắc vốn văn hóa dân gian.

+ Nguyễn Du làm quan dưới hai triều Lê và Nguyễn. Ông là vị quan thanh liêm, được nhân dân tin yêu, quý trọng.

- Sự nghiệp văn học đồ sộ với những kiệt tác ở nhiều thể loại:

+ Các tác phẩm văn học của Nguyễn Du: thơ chữ Hán, Nguyễn Du có 3 tập thơ (Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục). Thơ chữ Nôm, Nguyễn Du có hai kiệt tác "Truyện Kiều "và "Văn tế thập loại chúng sinh ".

+ Nội dung:

  • Thơ văn Nguyễn Du có giá trị hiện thực sâu sắc, phản ánh chân thực cuộc đời cơ cực của ông nói riêng, và xã hội đen tối, bất công nói chung.

  • Tác phẩm của Nguyễn Du chứa chan tinh thần nhân đạo - một chủ nghĩa nhân đạo thống thiết, luôn hướng tới đồng cảm, bênh vực, ngợi ca và đòi quyền sống cho con người, đặc biệt là người phụ nữ tài hoa mà bạc mệnh.

    + Nghệ thuật:

  • Về thể loại: Nguyễn Du đã đưa hai thể thơ của truyền thống dân tộc đạt đến trình độ điêu luyện và mẫu mực cổ điển. Nguyễn Du đã tiểu thuyết hóa thể loại truyện Nôm, với điểm nhìn trần thuật từ bên trong nhân vật, và nghệ thuật miêu tả tâm lí tinh tế, sâu sắc.

  • Về ngôn ngữ: Nguyễn Du đã có đóng góp to lớn, làm cho ngôn ngữ Tiếng Việt trở nên trong sáng, tinh tế và giàu có.

Nguyễn Du đã có những đóng góp to lớn, thúc đẩy tiến trình phát triển của văn học Việt Nam.

b) Giới thiệu về "Truyện Kiều"

Tên gọi: Đoạn trường tân thanh (Tiếng kêu mới đứt ruột).

Dung lượng: 3254 câu thơ lục bát.

Nguồn gốc: "Truyện Kiều" được sáng tác dựa theo cốt truyện "Kim Vân Kiều truyện" - tiểu thuyết chương hồi của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Nguyễn Du đã "hoán cốt đoạt thai" tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân, và đem lại cho "Truyện Kiều" những sáng tạo mới mẻ cả về nội dung và nghệ thuật.

Thể loại: truyện Nôm bác học.

Tóm tắt sơ qua về tác phẩm.

- Giá trị tư tưởng:

    + Thể hiện khát vọng về tình yêu tự do và mơ ước công lí.

    + Là tiếng kêu thương đến đứt ruột cho thân phận con người, đặc biệt là nữ tài trong xã hội phong kiến.

    + Là bản cáo trạng đanh thép tội ác của các thế lực đen tối trong xã hôi xưa. Nguyễn Du phê phán mạnh mẽ sự "lên ngôi" của thế lực đồng tiền.

    + Là bức chân dung tinh thần tự họa của Nguyễn Du với "con tim thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời", trái tim chan chứa tình yêu thương con người.

- Giá trị nghệ thuật:

    + Nghệ thuật xây dựng nhân vật.

    + Nghệ thuật tự sự mới mẻ.

    + Thể loại.

    + Ngôn ngữ trong sáng, điêu luyện, giàu sức gợi cảm, ẩn dụ, điển cố, ...

    + Giọng điệu cảm thương rất phù hợp với chủ nghĩa nhân đạo của Nguyên Du.

Kết bài

Khẳng định tấm lòng nhân đạo, tài năng của Nguyễn Du và sức sống bất diệt của Truyện Kiều.

Bài văn mẫu TLV số 6 lớp 10 đề 4

Kể đến những tác giả, tác phẩm xuất sắc của văn học trung đại Việt Nam, ta nghĩ ngay đến Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều của ông. Với tấm lòng nhân đạo tha thiết và tài năng văn học kiệt xuất, Nguyễn Du để lại ấn tượng sâu sắc qua những sáng tác của ông, đặc biệt là Truyện Kiều.

Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên (1765 - 1820), quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân trong gia đình quý tộc, nhiều đời làm quan, có truyền thống văn chương. Cha là Nguyễn Nghiễm làm tới tể tướng dưới triều Lê, cũng là người giỏi văn chương. Mẹ là bà Trân Thị Tân người con gái xứ Kinh Bắc. Anh khác mẹ (con bà chính) Nguyễn Khản làm tới Tham Tụng, Thái Bảo trong triều. Nguyễn Du sống ở thời đại đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam, đó là sự kì khủng hoảng trầm trọng, giai cấp thông trị thối nát, tham lam, tàn bạo, các tập đoàn phong kiến (Lê - Trịnh- Nguyễn) chém giết lẫn nhau. Nông dân nổi dậy khởi nghĩa ở khắp nơi, đời sống nhân dân khổ cực, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, tiêu biểu là phong trào Tây Sơn mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Huệ. Những yếu tố này tác động nhiều tới tình cảm, nhận thức của Nguyễn Du. Ông sớm lâm vào cảnh mồ côi (9 tuổi cha mất, 12 tuổi mẹ mất), phải sống phiêu bạt nhiều năm, nhiều nơi, lúc ở Thăng Long, lúc lại vào quê nội Hà Tĩnh, có giai đoạn về quê vợ ở Thái Bình. Những biến động lịch sử và cuộc đời đó đã tác động nhiều đến tâm hồn và tư tưởng của Nguyễn Du. Bởi thế ông cũng có nhiều tâm trạng: trung thành với nhà Lê, chống quân Tây sơn, sau này làm quan triều Nguyễn nhưng lại rụt rè, u uất. Có thể nói cuộc đời ông chìm nổi, gian truân, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều hạng người, đời từng trải, vôn sông phong phú, có nhận thức sâu rộng, được coi là một trong năm người giỏi nhất nước Nam lúc bấy giờ. Ông còn là người có trái tim giàu lòng yêu thương, cảm thông sâu sắc với những người nghèo khổ, với nhũng đau khổ của nhân dânệ Nguyễn Du nổi tiếng trước hết bởi cái tâm của một người luôn nghĩ đến nhân dân, luôn bênh vực cho những cuộc đời. nhữne số phận éo le, oan trái, đặc biệt là thân phận người phụ nữ.

Nguyễn Du cũng là người có năng khiếu văn học bẩm sinh, bậc thầy trong việc sử dụng tiếng Việt, ngôi sao chói lọi trong nền văn học trung đại Việt Nam. Về sự nghiệp, văn học Nguyễn Du có nhiều sáng tạo lớn cả về chữ Hán và chữ Nôm. Các sáng tác chữ Hán có Thanh Hiên thi tập (78 bài), Bắc hành tạp lục (125 bài), Nam trung tạp ngâm (40 bài)... sáng tác chữ Nôm có Vân chiêu hồn, Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu, tiêu biểu là tác phẩm Truyện Kiều hay còn gọi là Đoạn trường tân thanh.

Truyện Kiều ra đời đầu thế kỉ XIX (khoảng từ 1805 - 1809), lúc đầu có tên là "Đoạn trường tân thanh" (Tiếng kêu mới đứt ruột), sau này đổi thành "Truyện Kiều". Tác phẩm viết dựa trên cuốn tiểu thuyết "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) nhưng đã có sự sáng tạo tài tình và thay đổi, bổ sung nhiều yếu tố trong cốt truyện cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Là truyện thơ Nôm được viết bằng thơ lục bát, dài 3254 câu, chia làm 3 phần (Gặp gỡ và đính ước; Gia biến và lưu lạc; Đoàn tụ). Đề tài của truyện là viết về cuộc đời Kiều nhưng thông qua đó tố cáo xã hội phong kiến lúc bấy giờ đã chà đạp, xô đẩy người phụ nữ vào bước đường cùng; đồng thời ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của Thuý Kiều và của người phụ nữ nói chung. Tác phẩm còn thể hiện rất rõ hiện thực cuộc sống đương thời với "con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ tới muôn đời" của nhà thơ.

Truyện Kiều kể về cuộc đời truân chuyên của người con gái tài sắc Thuý Kiều. Thuý Kiều là một cô gái sinh trưởng trong gia đình họ Vương có ba chị em: Thuý Kiều, Thuý Vân và Vương Quan. Kiều là người con gái tài năng và nhan sắc thuộc bậc trên người. Nàng còn là người con hiếu nghĩa. Trong hội đạp thanh, Kiều gặp Kim Trọng, họ đã yêu nhau sau đó đính ước. Khi Kim Trọng về Liêu Dương hộ tang chú, gia đình Kiều gặp tai biến, Kiều phải bán mình chuộc cha. Mã Giám sinh mua Kiều về Lâm Tri. Tú Bà lập mưu biến nàng thành gái lầu xanh. Thúc Sinh chuộc Kiều và cưới nàng làm vợ lẽ. Nàng lại bị Hoạn Thư - vợ Thúc Sinh sai lính đến bắt về làm hoa nô và bày trò đánh ghen. Nàng trốn khỏi nhà Thúc Sinh. Nhưng lại rơi vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh phải vào lầu xanh lần thứ hai. Tại đây, Kiều gặp Từ Hải - một anh hùng "đội trời, đạp đất", chàng chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, giúp Kiều báo ân, báo oán. Kiều lại mắc mưu Hồ Tôn Hiến, Từ Hải bị chết đứng. Kiều bị ép lấv viên thổ quanể Nhục nhã, đau đớn, nàng nhảy xuống sông Tiền Đường tự tư. được sư Giác Duyên cứu và đi tu. Kim Trọng trở lại sau nửa năm, chàng kết duyên với Thuý Vân theo lời trao duyên của Kiều.

Sau này, Kim Trọng và Vương Quan đã bỏ nhiều công sức tìm Thúy Kiều. Rất may họ đã gặp lại Thuý Kiều, Kiều được đoàn tụ với gia đình và Kim Trọng sau mười lăm năm lưu lạc.

Giá trị của Truyện Kiều được thể hiện trên hai phương diện chủ yếu là nội dung và nghệ thuật.

Giá trị nội dung thể hiện qua giá trị hiện thực và nhân đạo.

Giá trị hiện thực của tác phẩm là phản ánh hiện thực xã hội đương thời với bộ mặt tàn bạo của giai cấp thống trị. Sức mạnh của đồng tiền và số phận những con người bị áp bức, nạn nhân của đồng tiền, đặc biệt là người phụ nữ. Gia đình nhà Vương ông đang sống bình yên, chỉ vì một lời không đâu vào đâu của thằng bán tơ "vu oan giá hoạ", thế là cuộc sống yên lành bị phá vỡ, tai hoạ ở đâu ập xuống nhà Kiều. Sau cái cớ ấy bọn sai nha tiến vào nhà Kiều cướp phá đánh đập, chúng đã được một lũ quan lại dung túng, bảo hộ, giật dây. Kẻ cầm đầu lũ vô lại đấy đã thảng thắn đòi: "Có ba trăm lạng, việc này mới xong". Tên quan xử kiện vụ án của Kiều được Nguyễn Du đặc tả: "Trông lên mặt sắt đen sì". Hồ Tôn Hiến, tên quan lớn nhất trong Truyện Kiều, đại diện cho triều đình phong kiến với tư cách là một Tổng đốc trọng thần nhưng lại "Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình". Sức mạnh của đồng tiền khi nó nằm trong tay kẻ xấu thật kinh khủng, đồng tiền đã thành một thế lực vạn năng chi phối mọi hoạt động, làm băng hoại lương tâm, nhân phẩm của con người. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã viết về đồng tiền trong Truyện Kiều: "Quan lại vì tiền mà bất chấp công lí, sai nha vì tiền mà tra tấn cha con Vương ông, Tú bà, Mã Giám sinh vì tiền mà làm nghề buôn thịt bán người, Sở Khanh vì tiền mà táng tận lương tâm, Khuyển Ưng vì tiền mà lao vào tội ác, cả một xã hội chạy theo đồng tiền". Cuộc đời đầy nước mắt của người con gái tài sắc Thuý Kiều cũng bắt đầu từ chính sức mạnh và sự bất nhân của đồng tiền.

Giá trị nhân đạo được thể hiện trước hết là sự trân trọng đề cao con người từ ngoại hình, phẩm chất, tài năng khát vọng đến ước mơ và tình yêu chân chính. Về ngoại hình, ta thấy Thuý Vân là một thiếu nữ đoan trang phúc hậu, Thuý Kiều đẹp thuộc diện "sắc trung chi thánh"- quá ư là hơn người, hơn đời, Kim Trọng mang vẻ đẹp của một văn nhân thư sinh, Từ Hải đẹp kiểu người anh hùng: vai năm tấc rộng thân mười thước cao. về phẩm chất Thuý Vân là một cô gái ngoan. Kim Trọng - một chàng trai chung tình. Thuý Kiểu tài năng (Cầm, kì, thi, hoạ) - một người con hiếu thảo, giàu đức hy sinh, người yêu chung thuỷ. Tình yêu Kim Kiều - Tinh yêu hồn nhiên trong trắng, nó vượt sự ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến trong thời điểm chế độ phong kiến suy tàn.

Bên cạnh đó, Truyện Kiều còn lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo đã chà đạp lên quyền sống của con người, đề cao tự do và công lí. Thuý Kiều điển hình cho người phụ nữ trong xã hội xưa, mười lăm năấiì lưu lạc của nàng là một chuỗi bi kịch. Dường như bao nhiêu nỗi cực khổ của người đàn bà thời trước đều ập xuống vai nàng. Từ một cô tiểu thư khuổ các, Kiều trở thành hàng hoá để cho người ta mua bán, rồi Kiều bị lừa gạt bị rơi vào lầu xanh tới hai lần, đem thân đi làm lẽ, làm đứa ở, rồi bị đánh đòn, lãng nhục trở thành tội phạm ở công đường, bị sỉ nhục, bị rơi vào cảnh giết chồng, kết thúc là phải tự vẫn. Cuộc đời Thuý Kiều là một bản cáo trạng đanh thép tố cáo xã hội phong kiến bất nhân, xã hội ấy làm cho người lương ìhiện phải tìm đến cái chết. Còn khát vọng tự do và công lý được ông gửi gắm qua nhân vật Từ Hải và màn báo ân báo oán.

Mặt khác Truyện Kiều còn thể hiện niềm thương cảm sâu sắc trước những đau khổ của con người đặc biệt là người phụ nữ. Nguyễn Du như khóc cùng tiếng đàn và cuộc đời của Thuý Kiều, ông cũng bày tỏ thái độ trân trọng Kiều cho dù có lúc nàng đã là hạng người dưới đáy của xã hội.

Mặt khác, Truyện Kiều của Nguyễn Du có thể khắc sâu trong lòng nhân dân như vậy còn ở giá trị nghệ thuật. Trong tác phẩm của mình ông đã bộc lộ sự tài hoa, sắc sảo trong nghệ thuật tự sự, miêu tả nhân vật, tả cảnh, sử dụng ngôn từ... hay nói đúng hơn là giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Vê ngôn ngữ: Truyện Kiều là một kiệt tác nghệ thuật, với bút pháp của một nghệ sĩ thiên tài, tiếng Việt trong Truyện Kiều đã đạt đến độ giàu và đẹp. Vê nghệ thuật tự sự, thành công của Truyện Kiều trên tất cả các phương diện: ngôn ngữ kể chuyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật miêu tả - tả cảnh ngụ tình.

Nhận xét về Nguyễn Du và Truyện Kiều, tác giả Mộng Liên Đường trong lời tựa Truyện Kiều đã viết: "Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thìa, ngậm ngùi, đau đớn đến đứt ruột. Tố Như sử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh cũng hệt, đàm tình đã thiết, nếu không có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy" chính là đã khái quát rất tuyệt vòi về giá trị của Truyện Kiều trên mọi phương diện.

Từ quê hương, xã hội, gia đình, cuộc đời, năng khiếu bẩm sinh, đã tạo cho Nguyễn Du có trái tim yêu thương vĩ đại, một thiên tài văn chương với sự nghiệp văn học có giá trị lớn. Ông là đại thi hào của dân tộc Việt Nam, là danh nhân văn hoá thế giới, đóng góp to lớn đối với sự phát triển của văn học Việt Nam. Nguyễn Du và Truyện Kiều sẽ sống mãi với dân tộc và trở thành linh hồn của dân tộc.

CLICK NGAY vào TẢI VỀ dưới đây để download Mẫu viết bài tập làm văn số 6 lớp 10 file word, pdf hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
5.0
0 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status