Logo

2 Bộ đề thi giữa kì 1 Văn 10 2021 - Phần 1 (Có đáp án)

Tổng hợp 2 bộ đề thi giữa kì 1 Văn 10 2021 - Phần 1 có đáp án và hướng dẫn giải chi tiết từ đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm biên soạn và chia sẻ. Hỗ trợ các em ôn luyện giải đề đạt hiệu quả.
3.5
2 lượt đánh giá

Kì thi giữa học kì 1 sắp tới, chúng tôi xin giới thiệu đến các em 2 bộ đề thi Văn giữa kì 1 lớp 10 năm 2021 - Phần 1 có lời giải chi tiết. Nội dung bám sát theo chương trình học trong nhà trường. Giúp các bạn học sinh ôn tập và luyện tập làm quen với nhiều dạng đề, đồng thời cũng chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới của mình. Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Đề thi giữa học kì 1 lớp 10 môn Văn 2021 - Đề số 1

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

      "Bản lĩnh là khi bạn dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt. Muốn có bản lĩnh bạn cũng phải kiên trì luyện tập. Chúng ta thường yêu thích những người có bản lĩnh sống. Bản lĩnh đúng nghĩa chỉ có được khi bạn biết đặt ra mục tiêu và phương pháp để đạt được mục tiêu đó. Nếu không có phương pháp thì cũng giống như bạn đang nhắm mắt chạy trên con đường có nhiều ổ gà.

      Cách thức ở đây cũng rất đơn giản. Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm... Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn. Đó là những kỹ năng đã được trau dồi cùng với vốn tri thức, trải nghiệm. Một người mạnh hay yếu quan trọng là tùy thuộc vào yếu tố này.

     Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh. Khi xây dựng được bản lĩnh, bạn không chỉ thể hiện được bản thân mình mà còn được nhiều người thừa nhận và yêu mến hơn."

(Tuoitre.vn - Xây dựng bản lĩnh cá nhân)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 2: Theo tác giả, thế nào là người bản lĩnh?

Câu 3: Tại sao tác giả cho rằng "Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh"?

Câu 4: Theo anh/chị, một người có bản lĩnh sống phải là người như thế nào?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) Viết đoạn văn ngắn khoảng ( 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói: Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách.

Câu 2 (5,0 điểm)

Phân tích bài thơ sau:

 Phiên âm

                                       Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,

                                      Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.

                                      Nam nhi vị liễu công danh trái,

                                      Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Dịch thơ:

                                      Múa giáo non sông trải mấy thu,

                                      Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu

                                      Công danh nam tử còn vương nợ.

                                      Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

(Tỏ lòng - Phạm Ngũ Lão)

Đáp án đề thi Văn 10 giữa kì 1 năm 2021 (Đề số 1)

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

Câu 2:

Theo tác giả, người có bản lĩnh là người dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt.

Câu 3:

- Tại sao tác giả cho rằng "Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh"?

- Bởi vì: khi một cá nhân có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm nhưng chỉ nhằm mục đích phục vụ cá nhân mình, không quan tâm đến những người xung quanh, thậm chí làm phương hại đến xã hội thì không ai thừa nhận anh ta là người có bản lĩnh...

Câu 4:

- Phải trau dồi tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng

- Phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

- Phải có ý chí, quyết tâm, nghị lực

- Phải có chính kiến riêng trong mọi vấn đề. Người bản lĩnh dám đương đầu với mọi thử thách để đạt điều mong muốn.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp:

Giới thiệu vấn đề nghị luận.

Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách.

Phân tích vấn đề:

- Giải thích:

Bản lĩnh là sự tự khẳng định mình, bày tỏ những quan điểm cá nhân và có chính kiến riêng trong mọi vấn đề. Người bản lĩnh dám đương đầu với mọi thử thách để đạt điều mong muốn.

- Bàn luận ý nghĩa của việc sống bản lĩnh

   + Sống bản lĩnh giúp cho bản thân có được sự tự tin trong cuộc sống, từ đó đề ra những mục tiêu và dám thực hiện chúng.

   + Bên cạnh đó, người bản lĩnh cũng dễ dàng thừa nhận những sai sót, khuyết điểm của mình và tiếp thu những cái hay, cái mới, cái hay.

   + Trước những cám dỗ của cuộc sống, người bản lĩnh hoàn toàn có thể tự vệ và tự ý thức được điều cần phải làm.

- Bình luận, mở rộng

+ Là học sinh, bản lĩnh được biểu hiện qua nhiều hành vi khác nhau. Đó là khi bạn cương quyết không để cho bản thân mình quay cóp, chép bài trong giờ kiểm tra. Đó là khi bạn sẵn sàng đứng lên nói những sai sót của bạn bè và khuyên nhủ họ. Khi mắc sai lầm, bạn tự giác thừa nhận và sửa sai.

- Bài học nhận thức và hành động

- Không phải ai sinh ra cũng có được bản lĩnh. Bản lĩnh của mỗi người được tôi luyện qua nhiều gian lao, thử thách. Bằng sự can đảm, học từ những thất bại, đứng dậy từ những vấp ngã, ... mỗi chúng ta đang dần tạo nên một bản lĩnh kiên cường.

Kết luận:

Cuộc đời sẽ đẹp và giàu ý nghĩa khi tuổi trẻ biết sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách.

Câu 2:

Mở bài:

- Giới thiệu tác giả Phạm Ngũ Lão: Phạm Ngũ Lão là người văn võ song toàn, ông có nhiều sáng tác nói về chí làm trai và lòng yêu nước

- Giới thiệu tác phẩm “Tỏ lòng”: “Tỏ lòng” là bài thơ Đường luật ngắn gọn, súc tích, khắc họa vẻ đẹp con người có sức mạnh, có lí tưởng, nhân cách cao cả cùng khí thế hào hùng của thời đại

Thân bài:

1. Hình tượng con người và sức mạnh quân đội nhà Trần

a) Hình tượng con người thời Trần

- Hành động: hoành sóc – cầm ngang ngọn giáo

=>Tư thế hùng dũng, oai nghiêm, hiên ngang sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

- Không gian kì vĩ: giang sơn – non sông

=> Không gian rộng lớn, mênh mông, nó không đơn thuần là sông, là núi mà là giang sơn, đất nước, Tổ quốc

- Thời gian kì vĩ: kháp kỉ thu – đã mấy thu

=> Thời gian dài đằng đẵng, không biết đã bao nhiêu mùa thu, bao nhiêu năm đi qua, thể hiện quá trình đấu tranh bền bỉ, lâu dài.

Như vậy:

+ Hình ảnh người tráng sĩ cho thấy một tư thế hiên ngang, mạnh mẽ, hào hùng, sẵn sàng lập nên những chiến công vang dội

+ Hình ảnh, tầm vó những người tráng sĩ ấy sánh với núi sông, đất nước, với tầm vóc hùng vĩ của vũ trụ.

+ Người tráng sĩ ấy ra đi bảo vệ Tổ quốc ròng rã mấy năm trời àm chưa từng một giây phút nào cảm thấy mệt mỏi mà trái lại vẫn bừng bừng khí thế hiên ngang, bất khuất, hùng dũng

b) Hình tượng quân đội thời Trần

- “Tam quân” (ba quân): tiền quân, trung quân, hậu quân – quân đội của cả đất nước, cả dân tộc cùng nhau đứng lên để chiến đấu.

- Sức mạnh của quân đội nhà Trần:

+ Hình ảnh quân đội nhà Trần được so sánh với “tì hổ” (hổ báo) qua đó thể hiện sức mạnh hùng dũng, dũng mãnh của đội quân.

+ “Khí thôn ngưu”: khí thế hào hùng, mạnh mẽ lấn át cả trời cao, cả không gian vũ trụ bao la, rộng lớn.

 => Với các hình ảnh so sánh, phóng đại độc đáo, sự kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn, giữa hình ảnh khách quan với cảm nhận chủ quan đã cho thấy sưc mạnh và tầm vóc của quân đội nhà Trần.

 => Như vậy, hai câu thơ đầu đã cho thấy hình ảnh người tráng sĩ hùng dũng, oai phong cùng tầm vóc mạnh mẽ và sức mạnh của quân đội nhà Trần. Nghệ thuật so sánh phong đại cùng giọng điệu hào hùng mang lại hiệu quả cao.

2. Nỗi lòng muốn bày tỏ của tác giả

- Giọng điệu: trầm lắng, suy tư, qua đó bộc lộ tâm trạng băn khoăn, trăn trở

- Nợ công danh: Theo quan niệm nhà Nho, đây là món nợ lớn mà một trang nam nhi khi sinh ra đã phải mang trong mình. Nó gồm 2 phương diện: Lập công (để lại chiến công, sự nghiệp), lập danh (để lại danh thơm cho hậu thế). Kẻ làm trai phải làm xong hai nhiệm vụ này mới được coi là hoàn trả món nợ.

- Theo quan niệm của Phạm Ngũ Lão, làm trai mà chưa trả được nợ công danh “thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”:

+ Thẹn: cảm thấy xấu hổ, thua kém với người khác

+ Chuyện Vũ Hầu: tác giả sử dụng tích về Khổng Minh - tấm gương về tinh thần tận tâm tận lực báo đáp chủ tướng. Hết lòng trả món nợ công danh đến hơi thở cuối cùng, để lại sự nghiệp vẻ vang và tiếng thơm cho hậu thế.

 => Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão hết sức cao cả của một nhân cách lớn. Thể hiện khát khao, hoài bão hướng về phía trước để thực hiện lí tưởng, nó đánh thức ý chí làm trai, chí hướng lập công cho các trang nam tử.

 => Với âm hưởng trầm lắng, suy tư và việc sử dụng điển cố điển tích, hai câu thơ cuối đã thể hiện tâm tư và khát vọng lập công của Phạm Ngũ Lão cùng quan điểm về chí làm trai rất tiến bộ của ông.

Kết bài:

- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật.

- Bài học đối với thế hệ thanh niên ngày nay: Sống phải có ước mơ, hoài bão, biết vượt qua khó khăn, thử thách để biến ước mơ thành hiện thực, có ý thức trách nhiệm với cá nhân và cộng đồng.

Đề kiểm tra Văn 10 giữa học kì 1 năm 2021 - Đề số 2

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

(1) Ứng xử là thái độ, hành vi, lời nói thích hợp trong quan hệ giao tiếp giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Thuật ngữ văn hóa đặt trước ứng xử có nghĩa là tô đậm chiều cao phẩm chất, chiều rộng quan hệ của người ứng xử. Có con người là có cách ứng xử giữa họ với nhau, giữa họ với môi trường sống. Nhưng văn hóa ứng xử được hình thành từ khi văn minh phát triển ở một cấp độ nào đó nhằm diễn đạt cách ứng xử con người đối với thiên nhiên, đối với xã hội và đối với chính mình...

(2) Ở các nền văn hóa khác nhau có hệ chuẩn không giống nhau, nhưng vẫn có giá trị chung. Đó là sống có lý tưởng, trung với nước, hiếu với cha mẹ, tình thương đối với đồng bào, trung thực với bạn bè, giữ chữ tín trong mọi quan hệ. Trong văn hóa phương Đông, Khổng tử khuyên mọi người tu tâm dưỡng tín với sáu chữ: nhất nhật tam tĩnh ngô thân. Đối với người Nhật, nhân cách văn hóa được công thức hóa: thiện, ích, đẹp. Nước ta coi trọng mục tiêu giá trị: chân, thiện, mỹ. Ở châu Âu, người ta nói tính cách, khi bàn giá trị nhân cách tiêu biểu dân tộc. Tính cách Nga được thể hiện ở lòng đôn hậu, tình thủy chung, nghĩa cử quốc tế cao cả. Khẩu hiệu tri thức là sức mạnh được nhiều nước tư bản châu Âu viện dẫn và ảnh hưởng tới hành động đã mấy trăm năm. Bí quyết hàng đầu của người Do Thái là sự trọng học, đề cao vai trò của trí tuệ, tôn sùng học vấn và tài năng. Để con gái lấy được học giả, hoặc lấy được con người là học giả làm vợ thì không tiếc tài sản. Tuy nhiên, họ cũng coi tri thức mà thiếu thực tiễn chẳng khác nào chú lừa chỉ biết thồ trên lưng sách vở.

Câu 1. Nêu nội dung chính của từng đoạn trong văn bản trên (0,5 điểm)

Câu 2. Xác định thao tác lập luận chủ yếu được sử dụng ở đoạn (1) và (2) (0,75 điểm).

Câu 3. Hãy nên ít nhất 2 tiêu chí giao tiếp thể hiện văn hóa ứng xử trong cuộc sống hàng ngày. Trả lời trong khoảng 3-5 câu (0,75 điểm).

Câu 4. Điều gì khiến anh chị tâm đắc nhất qua đoạn trích. (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về cách ứng xử của con người với chính mình.

Câu 2 (7,0 điểm)

Từ những hiểu biết của bản thân về truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, anh/chị cảm nhận như thế nào về việc Mị Châu bị thần Rùa Vàng kết tội là giặc, lại bị vua cha chém đầu nhưng sau đó, máu nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch?

Đáp án đề kiểm tra Văn giữa kì 1 lớp 10 2021 (Đề số 1)

Phần I. ĐỌC HIỂU

Câu 1.

Chủ đề của hai đoạn văn:

Đoạn (1): Giải thích ý nghĩa khái niệm "văn hóa ứng xử"

Đoạn (2): Các nền văn hóa khác nhau có hệ chuẩn không không giống nhau, nhưng vẫn có giá trị chung

Câu 2.

Thao tác lập luận chủ yếu:

Đoạn (1): Thao tác lập luận giải thích/lập luận giải thích/ thao tác giải thích/ giải thích/

Đoạn (2): Thao tác lập luận so sánh/ lập luận so sánh/ thao tác so sánh/ so sánh

Câu 3.

- Khi giao tiếp với người trên tuổi phải có lời thưa gửi

- Khi đối thoại với một người nào đó phải chú ý nhường lượt lời cho họ.

Câu 4.

- Tuy mỗi nền văn hóa có những quy định cụ thể về cách giao tiếp, ứng xử nhưng vẫn có những giá trị chung mà chúng ta cần hiểu và tôn trọng

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1.

* Giải thích:

+ Cách ứng xử với chính mình: Là thái độ, suy nghĩ, đánh giá về chính bản thân mình.

* Bình luận:

- Tại sao con người cần có thái độ ứng xử văn hóa với chính bản thân mình?

+ Bởi vì bất kì một người nào cũng cần hiểu rõ bản thân mình

+ Từ chỗ hiểu rõ bản thân, con người phải có thái độ, suy nghĩ , đúng đắn, tích cực về chính mình thì từ đó mới có thái độ, suy nghĩ tích cực về người khác.

- Thái độ ứng cử văn hóa với chính bản thân được biểu hiện như thế nào?

+ Hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân

+ Biết phát huy điểm mạnh, hạn chế, khắc phục điểm yếu

+ Không tự đánh giá quá cao về bản thân mình đồng thời cũng không tự hạ thấp mình

+ Trân trọng, giữ gìn cả vẻ đẹp hình thức và vẻ đẹp tâm hồn.

- Ý nghĩa của việc hình thành văn hóa ứng xử với chính bản thân

+ Nâng cao giá trị bản thân

+ Là cơ sở, nền tảng trong quan hệ ứng xử với những người xung quanh

* Bài học nhận thức, hành động

- Trước khi nhận thức, đánh giá về người khác, cần nhận thức, đánh giá về chính mình.

Câu 2:

* Giới thiệu tác phẩm

- Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là một trong những truyền thuyết tiêu biểu trong chuỗi truyền thuyết về Âu Lạc và An Dương Vương của kho tàng văn học dân gian phong phú của dân tộc ta.

- Đây là câu chuyện dân gian có nhiều yếu tố tưởng tượng, hoang đường, kì ảo tái hiện một giai đoạn đầy biến động của nhà nước Âu Lạc buổi sơ khai, thuật lại khá trọn vẹn cuộc đời An Dương Vương từ khi lên ngôi cho đến lúc để mất nước.

Cảm nhận về việc Mị Châu bị thần Rùa Vàng kết tội là giặc, lại bị vua cha chém đầu nhưng sau đó, máu nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch

* Giới thiệu nhân vật Mị Châu: Mị Châu là con gái An Dương Vương, sau này lấy Trọng Thủy – con trai Triệu Đà.

* Nguyên nhân dẫn đến việc Mị Châu bị kết tội:

- Triệu Đà, vua phương Bắc có âm mưu đánh chiếm Âu Lạc nên sau nhiều phen thua dưới nỏ thần của An Dương Vương, hắn đã cho con trai Triệu Đà sang cầu thân. Đây chẳng qua là kế hoãn binh nhằm thực hiện tiếp âm mưu tái chiếm.

- An Dương Vương lại cho Trọng Thủy ở rể. Đó là sự mất cảnh giác trầm trọng hơn, tạo cơ hội thuận lợi cho gián điệp đội lốt chú rể xâm nhập sâu hơn để khám phá bí mật quốc gia, bí mật bố phòng quân sự và bí mật về vũ khí Âu Lạc.

- Mị Châu nhẹ dạ, cả tin, nể tình vợ chồng, cho Trọng Thủy xem nỏ thần, vô tình tiếp tay cho âm mưu của cha con Triệu Đà có điều kiện thực hiện sớm.

- Triệu Đà chiếm được nỏ thần, chuyện gì đến đã đến.

=> Sự chủ quan, mất cảnh giác và ỷ lại vào vũ khí, coi thường giặc của An Dương Vương đã trực tiếp làm tiêu vong sự nghiệp của mình và đưa Âu Lạc đến diệt vong => nước mất nhà tan.

* Phân tích lời kết tội của Rùa Vàng, vua cha chém đầu nhưng sau đó, máu nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch?

- Lời kết tội của Rùa Vàng chính là lời kết tội của công lí, của nhân dân trước hành động vô tình phản quốc của Mị Châu. Đó là bài học xương máu về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, mối quan hệ giữa gia đình và Tổ quốc.

- Thanh gươm đáng ra phải dùng để chém kẻ thù thì nay An Dương Vương phải dùng để chém chính khúc ruột của mình.

- Hành động “tuốt kiếm chém Mị Châu” là hành động quyết liệt và dứt khoát của An Dương Vương đứng về phía công lí và quyền lợi của dân tộc để trừng trị kẻ đắc tội với non sông, dù sự đắc tội đó là vô tình hay hữu ý.

=> Sự thức tỉnh muộn màng của nhà vua cũng chính là bài học cho muôn đời.

- Tuy nhiên, Mị Châu cũng chỉ là nạn nhân của bi kịch tình yêu:

+ Mị Châu là nàng công chúa ngây thơ, trong trắng sống trong sự thương yêu, cưng chiều của đức vua giữa không khí hào hùng và thanh bình của đất nước.

+ Nàng là người vợ thực sự yêu thương chồng nhưng không hề biết âm mưu của Trọng Thủy

+ Những ngày sống bên Mị Châu, Trọng Thủy vừa muốn đạt được âm mưu của mình và vừa muốn có được tình yêu của Mị Châu nhưng tận cùng của con đường rắc trắng lông ngỗng là cái chết của tình yêu

->Tác giả dân gian muốn phê phán chiến tranh phi nghĩa

- Tác giả dân gian xây dựng chi tiết Mị Châu nhảy xuống biển thành ngọc minh châu trong lòng trai sò, lấy nước giếng nơi Trọng Thủy tự tử mà rửa ngọc càng sáng thêm là sự minh chứng cho lòng dạ Mị Châu trong trắng, vô tình mắc tội => thái độ cảm thông, thương xót của nhân dân với nàng.

- Hình ảnh ngọc trai – giếng nước mang ý nghĩa biểu tượng:

+ Mối tình mang đầy bi kịch

+ Sự nhẹ dạ, cả tin, sự thờ ơ với vận mệnh quốc gia dân tộc phải trả bằng sinh mạng

+ Phải lấy cái chết của kẻ thù mới rửa nổi “nhục thù”

=> Bài học đắt giá cho thế hệ sau

* Tổng kết

Tham khảo thêm:

►►► CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ bên dưới để tải về 2 bộ đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 10 - phần 1 năm 2021, file word, pdf hoàn toàn miễn phí, hỗ trợ các em ôn luyện giải đề đạt hiệu quả nhất.

Đánh giá bài viết
3.5
2 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status