Nội dung hướng dẫn giải Bài 6C: Sông, suối, biển, hồ được chúng tôi biên soạn bám sát bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 chương trình mới (VNEN). Là tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em học tốt môn Tiếng Việt lớp 5.
Câu 1.
Nêu tên bộ phận được chỉ mũi tên của cái cào và chiếc thuyền dưới đây:
Lời giải chi tiết:
Quan sát tranh em thấy:
- Hình 1: Mũi tên chỉ vào bộ phận "răng cào".
- Hình 2: Mũi tên chỉ vào bộ phận "mũi thuyền".
Câu 2.
Tìm hiểu từ nhiều nghĩa
a. Quan sát các bức ảnh và đọc lời giải nghĩa bên dưới:
b. So sánh nghĩa của các từ răng, mũi trong câc trường hợp trên để hiểu thế nào là từ nhiều nghĩa.
(Các nghĩa của từ ở cột A và cột B có gì khác nhau? Có gì giống nhau?)
Lời giải chi tiết:
- Nghĩa của các từ ở cột A khác với các từ ở cột B:
+ Răng (người) dùng để cắn, giữ, nhai.
+ Răng (lược) không dùng để cắn, giữ, nhai.
+ Mũi (người) dùng để thở và ngửi.
+ Mũi (kéo) không dùng để thở và ngửi.
- Nghĩa của các từ ở cột A giống với các từ ở cột B:
+ Răng (người) và răng (lược) đều nhọn, sắc, xếp đều thành hàng.
+ Mũi (người) và mũi (kéo) có đầu nhọn, nhô ra phía trước.
Câu 1.
Hãy nói những điều em biết về biển cả
Lời giải chi tiết:
Học sinh tham khảo các thông tin sau:
- Biển là một vùng nước mặn rộng lớn nối liền với các đại dương.
- Biển có vai trò quan trọng trong việc điều hoà khí hậu cho vùng đất liền gần đó.
- Biển có đa dạng về sự sống bao gồm virus, vi khuẩn, động vật nguyên sinh, tảo, thực vật, nấm và động vật sống ở biển
- Biển cung cấp cho con người những thực phẩm đáng kể, chủ yếu là cá, động vật giáp xác, động vật có vú và rong biển thông qua đánh bắt trong tự nhiên hoặc nuôi nhân tạo.
- Biển cũng phục vụ các mục đích khác, bao gồm cả thương mại, du lịch, khai thác khoáng sản dưới biển, điện, chiến tranh, và các hoạt động giải trí như bơi, lướt sóng, đi thuyền và lặn biển
- Hiện nay, biển đang ngày càng ô nhiễm nặng nề do rác thải và các tai nạn tràn dầu... Vì vậy, mỗi chúng ta phải có ý thức bảo vệ môi trường.
Câu 2.
Đọc đoạn văn dưới đây và trả lời câu hỏi:
Biển luôn thay đổi màu tuỳ theo sắc mây trời. Trời xanh thẳm, biển cũng thẳm xanh, như dâng lên cao, chắc nịch. Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương. Trời âm u mây mưa, biển xám xịt, nặng nề. Trời ầm ầm dông gió, biển đục ngầu, giận dữ,.... Như một con người biết buồn vui, biển lúc tẻ nhạt, lạnh lùng, lúc sôi nổi, hả hê, lúc đăm chiêu, gắt gỏng.
a. Đoạn văn tả đặc điểm gì của biển ?
b. Để tả đặc điểm đó, tác giả đã quan sát những gì và vào thời gian nào?
c. Khi quan sát biển, tác giả đã có những liên tưởng thú vị như thế nào?
Lời giải chi tiết:
a. Đoạn văn miêu tả sự thay đổi màu sắc của biển theo màu sắc của trời và mây.
b. Để tả đặc điểm đó, tác giả đã quan sát bầu trời và mặt biển trong những thời điểm khác nhau như: khi bầu trời xanh thẳm - khi bầu trời rải mây trắng nhạt - khi bầu trời âm u mây mưa - khi bầu trời ầm ầm giông gió.
c. Khi quan sát biển, tác giả đã có liên tưởng thú vị đến tính cách của con người: như con người biết buồn vui, biển lúc tẻ nhạt, lạnh lùng, sôi nổi, hả hê, đăm chiêu, gắt gỏng.
Câu 3.
Trình bày kết quả thảo luận nhóm
Câu 4.
Đọc đoạn văn dưới đây và trả lời câu hỏi:
Con kênh này có tên là kênh Mặt Trời. Nơi đây, suốt ngày, ánh nắng rừng rực đổ lửa xuống mặt đất. Bốn phía chân trời trống huếch trống hoác. Từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn không kiếm đâu ra một bóng cây để tránh nắng. Buổi sáng, con kênh còn phơn phớt màu đào, giữa trưa bỗng hoá ra một dòng thuỷ ngân cuồn cuộn loá mắt, rồi dần dần biến thành một con suối lửa lúc trời chiều. Có lẽ bởi vậy mà nó được gọi là kênh Mặt Trời.
theo Đoàn Giỏi
a. Con kênh được quan sát vào những thời điểm nào trong ngày?
b. Tác giả nhận ra đặc điểm của con kênh chủ yếu bằng giác quan nào?
c. Nêu tác dụng của những liên tưởng khi quan sát và miêu tả con kênh?
Lời giải chi tiết:
a. Con kênh được quan sát vào nhiều thời điểm trong ngày: suốt ngày, từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, buổi sáng, giữa trưa, lúc trời chiều.
b. Tác giả nhận ra đặc điểm của con kênh chủ yếu bằng thị giác, miêu tả sự thay đổi màu sắc của nắng nơi đây đổ lửa xuống mặt đất bốn bề trống huếch trống hoác, thấy màu sắc của con kênh biến đổi như thế nào trong ngày: buổi sáng – phơn phớt màu đào; giữa trưa – hóa thành dòng thủy ngân cuồn cuộn lóa mắt; về chiều đã biến thành một con suối lửa.
c. Tác dụng của những liên tưởng trên: giúp người đọc hình dung được cái nắng nóng dữ dội ở nơi có con kênh Mặt Trời này, đồng thời sự liên tưởng khiến cho câu văn sinh động và hấp dẫn người đọc hơn.
Câu 5.
Dựa vào kết quả quan sát của mình, em hãy lập dàn ý bài văn miêu tả một cảnh sông nước (một vùng biển, một dòng sông, một con suối hay một hồ nước.
Lời giải chi tiết:
Học sinh tham khảo dàn ý sau:
a. Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu về dòng sông mà em muốn miêu tả.
Gợi ý: Quê hương em là một vùng đất tươi đẹp. Nơi đây có cánh đồng lúa rộng mênh mông bát ngát, có bờ đê thoai thoải mà mỗi chiều về lại nô nức lũ trẻ thả diều, có con đường làng gập ghềnh đất đỏ… Nhưng đi xa, em nhớ nhất vẫn là con sông êm đềm chảy phía cuối làng, nơi níu giữ những kỉ niệm đẹp nhất của tuổi thơ em.
b. Thân bài
- Miêu tả chung về dòng sông:
+ Dòng sông đó nằm ở vị trí nào?
+ Đó là một dòng sông tự nhiên mà có hay là do người dân đào nên?
+ Con sông có tên gọi là gì? Tên gọi đó do ai đặt? Cách đặt tên đó gắn liền với quan niệm hay một câu chuyện nào không?
+ Dòng sông đó bắt nguồn từ đâu? Chảy qua những nơi nào và đổ về đâu?
+ Chiều dài, bề rộng, chiều sâu của dòng sông khoảng bao nhiêu? (nếu không thể nói số đo chính xác, thì có thể so sánh với những sự vật khác để xác định kích thước)
- Miêu tả chi tiết dòng sông:
+ Nước sông ở đây có màu gì? (thay đổi như thế nào theo mùa)
+ Nước sông luôn đầy ắp quanh năm hay có sự nâng lên, giảm xuống tùy vào mùa mưa, mùa khô?
+ Dưới đáy sông là gì? (lớp bùn non, lớp cát sỏi…)
+ Thế giới sinh vật dưới sông có gì đặc biệt? (tôm, cua, cá, các loại rong, bèo…)
+ Hai bên bờ sông có được xây dựng bờ kè, cầu thang, cầu gỗ để tiện lên xuống dòng sông không?
- Hoạt động của con người với dòng sông:
+ Những người kiếm sống nhờ dòng sông (đánh bắt tôm cá, thả bè nuôi cá trên sông, tàu thuyền chờ đồ trên mặt sông…)
+ Mọi người giặt giũ, lấy nước… ở hai bên bờ sông
+ Lũ trẻ con xuống tắm, bơi lội ở khúc sông cạn vào mùa hè nóng bức
+ Những quán nước, chòi nghỉ chân dựng cạnh bờ sông cho mát mẻ
+ Các bến tàu thuyền ở các khúc sông tập nập người qua sông…
c. Kết bài
- Tình cảm của em dành cho con sông quê hương.
- Ý nghĩa của con sông ấy đối với em và đối với quê hương em.
Gợi ý: Dòng sông quê hương ấy đã bồi đắp lên tuổi thơ tuyệt vời của em, và của biết bao đứa trẻ khác ở vùng nông thôn ấy. Nay, dù đã lên thành phố cùng bố mẹ suốt gần năm năm rồi, mà em vẫn còn nhớ mãi hình ảnh con sông đầy ăm ắp ấy; còn nhớ mãi cảm giác ngụp lặn dưới dòng nước mát ấy. Em mong rằng, dù thời gian trôi qua, quê hương em đang từng ngày thay đổi, thì dòng sông quê hương ấy vẫn sẽ mãi hiền hòa và bao dung với người dân nơi đây như thuở nào.
►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Giải Bài 6C: Sông, suối, biển, hồ Tiếng Việt lớp 5 VNEN file PDF hoàn toàn miễn phí.