Thẻ BHYT là gì? Có ý nghĩa như thế nào trong việc khám chữa bệnh cho người tham gia? Mời các bạn cùng chúng tôi tìm hiểu về loại hình sản phẩm chăm sóc sức khỏe này chi tiết hơn ở nội dung bài viết dưới đây.
Thẻ bảo hiểm y tế là một loại hình bảo hiểm được nhà nước cấp cho mỗi một cá nhân trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam. Thẻ bảo hiểm y tế sẽ không hướng tới lợi nhuận và được nhà nước tổ chức để phục vụ bảo vệ nhu cầu về sức khỏe của người có trách nhiệm tham gia.
Thẻ bảo hiểm điện tử là dạng thẻ chip, kích cỡ giống hệt với một chiếc thẻ ATM hay Master card, trong đó tích hợp dữ liệu cả thẻ BHYT và sổ BHXH, lưu giữ các thông tin cơ bản, quá trình đóng, hưởng của người tham gia BHXH, BHYT, người sử dụng thẻ được xác thực thông qua đầu đọc và nhận diện vân tay.
Theo lộ trình, từ ngày 1-1-2020, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử cho người tham gia.
Khi tham gia bảo hiểm y tế, người tham gia được hưởng những chế độ và quyền lợi sau:
Được tùy chọn một cơ sở y tế khám chữa bệnh: Người tham gia bảo hiểm y tế được lựa chọn một cơ sở y tế thuận lợi gần nơi công tác hoặc nơi cư trú theo hướng dẫn của Cơ quan bảo hiểm xã hội để đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, được đổi nơi đăng ký ban đầu vào đầu mỗi quý
Được giảm chi phí khám chữa bệnh: Tùy vào từng đối tượng và tình hình bệnh tật, tai nạn…mà người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được miễn phí hoàn toàn hoặc một phần chi phí điều trị, chi phí khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công cộng.
Mức giảm chi phí khám chữa bệnh đối với các đối tượng như sau:
1. Trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến Người bệnh sẽ được hỗ trợ chi trả chi phí khám bệnh theo các mức 80%, 95%, 100% tùy vào từng đối tượng khác nhau nếu khám chữa bệnh đúng tuyến.
Người được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh là:
+ Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan CMKT đang công tác trong lực lượng CAND.
+ Người có công cách mạng, bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, lão thành cách mạng, thương bệnh binh>81%.
+ Trẻ em dưới 6 tuổi.
+ Trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương tối thiểu và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã.
+ Khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế cấp xã.
Người được hưởng 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh là:
+ Người đang được hưởng lương hưu hoặc các trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
+ Người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng.
+ Người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Người được hưởng 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh thuộc các đối tượng khác.
2. Trường hợp khám, chữa bệnh trái tuyến: Người tham gia BHYT sẽ được miễn giảm:
40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương.
60% chi phí điều trị nội trú đến ngày 31/12/2020;
100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 tại bệnh viện tuyến tỉnh;
100% chi phí tại bệnh viện tuyến huyện.
Đối với các trường hợp người tham gia BHYT sống tại xã đảo, huyện đảo, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo ở vùng kinh tế khó khăn sẽ được hưởng mức hưởng đúng tuyến kể cả khi khám chữa bệnh trái tuyến.
Thẻ bảo hiểm y tế 5 năm liên tục là thẻ có dòng chữ nêu rõ thời điểm đủ 05 năm liên tục và được in phía cuối thẻ bảo hiểm y tế dành cho đối tượng đã đóng bảo hiểm y tế 5 năm liên tục.Trên thẻ bảo hiểm y tế 5 năm liên tục sẽ có ghi giá trị sử dụng của thẻ và thời điểm đủ 5 năm liên tục giúp người tham gia bảo hiểm y tế và cơ sở y tế xác định được thời gian đóng bảo hiểm y tế.
Người bệnh được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng nếu có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến
Tức là, khi tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến), người dân sẽ được cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” và được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các lần khám chữa bệnh tiếp theo.
Khi được cấp giấy chứng nhận này, người dân sẽ không phải thanh toán phần cùng chi trả 5% hoặc 20% chi phí khám, chữa bệnh (hiện nay, khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến, hầu hết người bệnh chỉ được thanh toán 95% hoặc 80% chi phí trong phạm vi được hưởng).
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết từ ngày 01/4/2021, thẻ BHYT mẫu mới sẽ được sử dụng trên toàn quốc theo Quyết định số 1666/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam.
Thẻ BHYT mẫu mới có kích thước nhỏ gọn như thẻ căn cước công dân và một số loại thẻ ATM của các ngân hàng, được ép plastic sau khi in, tiện lợi khi bảo quản, sử dụng.
Mã số thẻ chỉ còn 10 chữ số, thay vì 15 ký tự như thẻ BHYT hiện hành. Điều này giúp giảm bớt số lượng ký tự người tham gia cần khai báo khi tra cứu trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam (tại địa chỉ truy cập http://baohiemxahoi.gov.vn) hoặc khai báo khi làm thủ tục đề nghị tiếp tục tham gia BHYT; cấp lại, đổi thẻ; kiểm tra chi phí KCB BHYT được hưởng trên Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam (tại địa chỉ truy cập https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn).
Mặt sau của thẻ BHYT mẫu mới có hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng thẻ BHYT, giúp người tham gia nẵm rõ được phương thức tra cứu thông tin về thẻ và quyền lợi được hưởng; cách liên hệ với cơ quan BHXH để được hướng dẫn và giải đáp khó khăn, vướng mắc…
Trong thời gian chờ đổi thẻ theo mẫu mới, thẻ đã cấp cho người tham gia BHYT còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được dùng.
BHXH các tỉnh thực hiện cấp thẻ BHYT mẫu mới khi đã sử dụng hết phôi thẻ mẫu cũ.
Mẫu TK1-TS là mẫu tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT được sử dụng trong trường hợp người tham gia BHXH, BHYT chưa được cấp mã số BHXH và trong trường hợp thay đổi thông tin BHXH, BHYT.
Mục đích của mẫu TK1-TS:
Dùng kê khai các thông tin người tham gia BHXH, BHYT, BHTN và thành viên Hộ gia đình khi không có mã số BHXH.
Dùng kê khai khi có yêu cầu điều chỉnh thông tin tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN như: nhân thân, chức danh nghề, phương thức đóng, nơi đăng ký KCB ban đầu...
Năm 2021, khi thực hiện kê khai thông tin BHXH, BHYT người tham gia thực hiện kê khai theo Mẫu TK1-TS được ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2020. Cụ thể Mẫu TK1-TS như sau:
Thẻ BHYT mẫu mới sẽ được cho cấp mới hoặc cấp lại (mất, rách, hỏng, thay đổi thông tin) cho người tham gia. Tùy thuộc vào đối tượng tham gia BHYT mà nơi cấp mới, đổi thẻ BHYT sẽ là khác nhau. Cụ thể:
- Người được tổ chức BHXH đóng BHYT: Đến Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã hoặc cho cơ quan BHXH tỉnh/huyện.
+ Riêng trường hợp người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đổi thẻ BHYT phải đến cơ quan BHXH tỉnh/huyện.
- Người được ngân sách nhà nước đóng BHYT: Đến UBND xã.
- Người đã hiến bộ phận cơ thể: Đến cơ quan BHXH tỉnh/huyện.
- Người được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT: Đến Đại lý thu hoặc cho cơ quan BHXH tỉnh/huyện.
Trong đó, người tham gia BHYT thuộc đối tượng này có thể đến Đại lý thu BHXH gần nhất hoặc cơ quan BHXH huyện/tỉnh nơi mình cư trú để được đổi thẻ. Để tra cứu thông địa chỉ Đại lý thu gần nhất, người dân có thể tra cứu tại đây.
+ Riêng học sinh, sinh viên đóng BHYT theo nhà trường: Nộp hồ sơ cho nhà trường để được đổi thẻ.
- Người tham gia BHYT theo hộ gia đình: Đến Đại lý thu hoặc cho cơ quan BHXH tỉnh/huyện.
- Người tham gia BHYT đóng tại doanh nghiệp: Nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động để được đổi thẻ.
Hiện bảo hiểm y tế có 2 hình thức tham gia là bảo hiểm y tế bắt buộc và bảo hiểm y tế tự nguyện. Dưới đây là các đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế.
- Đối với bảo hiểm y tế bắt buộc có 6 nhóm đối tượng tham gia BHYT được quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP, đó là:
+ Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng.
+ Nhóm do cơ quan BHXH đóng. Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng.
+ Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng.
+ Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình;
+ Nhóm do người sử dụng lao động đóng.
- Theo quy định mới nhất tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP, đối tượng tham gia của bảo hiểm y tế tự nguyện là những người không thuộc 6 nhóm tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.
Với học sinh, sinh viên Học sinh, sinh viên sẽ tham gia BHYT ngay tại trường mà mình đang theo học. Khi tham gia BHYT, sinh viên, học sinh cần có thẻ học sinh/sinh viên, chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ tùy thân khác có ảnh để hoàn thiện các thủ tục tham gia BHYT.
Với hộ gia đình Hộ gia đình có thể đăng ký tham gia đóng bảo hiểm y tế tự nguyện tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc Đại lý thu trên địa bàn.
Với các cá nhân khác Những đối tượng việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và người được Nhà nước hỗ trợ sẽ đóng BHYT tại chính đơn vị nơi đang làm việc hoặc tại cơ quan BHXH trên địa bàn.
Khi tham gia BHYT lần đầu thì sau 10 ngày làm việc sẽ nhận được thẻ BHYT nhưng thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày nộp tiền và hồ sơ hợp lệ cho hệ thống đại lý thu.
Giá thẻ bảo hiểm y tế 2021 là bao nhiêu? Đây cũng là vấn đề quan tâm của đông đảo người dân thi muốn đăng ký mua thẻ bảo hiểm y tế.
Theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người lao động phải đóng 4,5% mức lương cơ sở, tiền lương hàng tháng hoặc tiền trợ cấp tháng.
Đối với đối tượng tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, mức đóng bảo hiểm được tính như sau:
+ Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở.
+ Người thứ hai đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất.
+ Người thứ ba đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất.
+ Người thứ tư đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất.
+ Người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Để tra hạn bảo hiểm y tế mời bạn tham khảo các cách dưới đây:
Cách 1: Tra giá trị sử dụng thẻ BHYT trên Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội
Để tra cứu nhanh và chính xác nhất, bạn có thể sử dụng tính năng tra cứu trên Trang thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội.
Bước 1: Truy cập Trang thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội
Để tra cứu trên Trang thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội, bạn truy cập https://baohiemxahoi.gov.vn/, chọn mục “Tra cứu trực tuyến” => “Tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT”.
Tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội điện tử
Bước 2: Điền thông tin tra cứu
Các thông tin bắt buộc cần phải điền bao gồm:
Họ và tên.
Mã số BHXH/thẻ BHYT.
Ngày/tháng/năm sinh.
Điền thông tin tra cứu.
Sau khi nhập thông tin, bạn kích chọn “Tôi không phải là người máy” và ấn “Tra cứu”.
Bước 3: Đọc kết quả tra cứu
Hệ thống sẽ trả về kết quả tra cứu gồm:
Mã thẻ, họ tên, ngày sinh, địa chỉ.
Mã nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
Thời hạn của thẻ BHYT.
Thời điểm đủ 05 năm liên tục.
Quyền lợi BHXH mà người tham gia được hưởng.
Kết quả tra cứu thẻ BHYT
Cách 2. Tra cứu giá trị sử dụng thẻ bảo hiểm y tế bằng tin nhắn
Chỉ sử dụng một cú pháp đơn giản và với cước phí 1.000 đồng/tin nhắn, bạn có thể biết được giá trị sử dụng thẻ BHYT.
Cú pháp:
BH<Dấu cách>THE<Dấu cách>Mã thẻ BHYT gửi 8079
Sau khi gửi lên tổng đài 8079, tổng đài sẽ trả về kết quả gồm:
Mã thẻ BHYT.
Nơi đăng ký KCB ban đầu.
Giá trị sử dụng thẻ BHYT.
Thời điểm sử dụng thẻ BHYT 5 năm liên tục.
Tra cứu giá trị thẻ BHYT qua tổng đài 8079.
Cách 3. Tra cứu trên ứng dụng VssID
VssID là ứng dụng tiện ích của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để sử dụng ứng dụng này, bạn cần đăng ký VssID với cơ quan BHXH. Các bước tiếp theo như sau:
Bước 1: Đăng nhập ứng dụng VssID
Bước 2: Truy cập giao diện “QUẢN LÝ CÁ NHÂN”, chọn “Thẻ BHYT” để thực hiện tra cứu các thông tin về thẻ BHYT.
Bước 3: Đọc các thông tin về thẻ BHYT.
3 bước tra cứu giá trị thẻ BHYT trên VssID.
Hệ thống sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin về thẻ BHYT. Ngoài việc xem giá trị thời hạn sử dụng của thẻ, bạn còn có thể xem các thông tin quan trọng khác về nơi khám, chữa bệnh, thời điểm đủ 05 năm liên tục cùng nhiều quyền lợi BHYT khác khi đi khám, chữa bệnh.