Logo

Viết bài văn thuật lại một giờ học đáng nhớ đối với em lớp 4 hay nhất

Tổng hợp 5 bài văn thuật lại một giờ học đáng nhớ đối với em lớp 4 chọn lọc hay nhất, giúp các em trau dồi vốn từ, có thêm ý tưởng hoàn thiện bài viết của mình.
2.2
11 lượt đánh giá

Nội dung tài liệu gồm 5 mẫu bài viết cùng dàn ý chi tiết dành cho các em học sinh và thầy cô giáo tham khảo, mời bạn theo dõi dưới đây.

Dàn ý viết bài văn thuật lại một giờ học đáng nhớ đối với em

a) Mở bài: Giới thiệu về giờ học đáng nhớ mà em muốn kể lại.

Gợi ý:

  • Tiết học đầu tiên trong năm học
  • Tiết học cuối cùng với thầy (cô) trước khi nghỉ hưu
  • Tiết học cuối trước khi nghỉ hè/nghỉ tết…
  • Tiết học trải nghiệm thực tế, học ở phòng thí nghiệm, học ở sân trường…
  • Tiết học kết hợp với các trò chơi tập thể…
  • Tiết học kết hợp với sự kiện đặc biệt (chúc mừng sinh nhật, mừng lễ giáng sinh…)

b) Thân bài: Kể lại diễn biến tiết học đó, kết hợp các chi tiết miêu tả, biểu cảm:

- Trước khi tiết học bắt đầu:

  • Em biết trước nội dung của tiết học này không? Em và các bạn có cảm xúc gì khi biết về nội dung tiết học?
  • Tiết học đó có nội dung gì đặc biệt? Em và các bạn có yêu thích nội dung đó không?
  • Tiết học đó diễn ra ở đâu? Có những ai tham gia?
  • Khi thầy (cô) bước vào, không khí trong lớp học như thế nào?

- Trong khi tiết học diễn ra:

  • Tiết học có những hoạt động gì? (chơi trò chơi, kể chuyện, tâm sự…)
  • Quá trình diễn ra tiết học có thuận lợi không? Có điều gì bất ngờ xảy ra không?
  • Thầy (cô) đã làm những gì trong tiết học? Hành động nào của thầy (cô) khiến em nhớ nhất?
  • Em đã có những hoạt động gì trong tiết học đó? Cảm xúc của em khi làm điều đó là gì?
  • Không khí của cả lớp trong tiết học đó như thế nào? Mọi người có vui vẻ và hưởng ứng các yêu cầu của thầy (cô) không?

- Kết thúc tiết học:

  • Khi tiết học kết thúc, thái độ của mọi người như thế nào?
  • Có ai rời khỏi lớp ngay sau tiếng trống không?
  • Thầy (cô) dặn dò điều gì khi tiết học kết thúc?

c) Kết bài:

  • Suy nghĩ của em về tiết học vừa kể
  • Tình cảm, cảm xúc của em dành cho tiết học và thầy (cô) giáo giảng dạy tiết học đó

Viết bài văn thuật lại một giờ học đáng nhớ đối với em lớp 4

Bài văn mẫu 1:

Thời gian như một bản nhạc không lời lặng lẽ. Nó đến rồi đi để lại trong ta những kí ức, những kỉ niệm mãi không nguôi. Nó cũng để lại trong tôi một khoảng trống, một nỗi niềm mà chẳng ai có thể lấp đầy. Tôi vẫn còn nhớ như in kỉ niệm đó - kỉ niệm về một tiết học văn. Tôi như đang trong một giấc mơ trở về năm ấy - về tiết học đáng nhớ ấy.

Cô giáo chầm chậm bước vào lớp với khuôn mặt tươi cười như hàng ngày, nhưng trong mắt cô thoáng một nỗi buồn “Cô sao vậy nhỉ?”. Tôi tự hỏi, trong lòng thoáng chút lo lắng. Nụ cười của cô hôm nay thật khác lạ, vẫn là nụ cười đấy nhưng chất chứa hàng ngàn nỗi niềm khó tả. Cô nhìn quanh lớp rồi cất giọng “Các em, cô có một chuyện rất muốn nói”. Tất cả lớp đều im lặng nhìn cô: “Đây sẽ là buổi học cuối cùng cô dạy các em. Cô sắp chuyển vào Miền Nam công tác. Cô mong giờ học này các em học thật tốt nhé!”

Rất nhanh sau đó cô vào bài giảng. Cả lớp tôi sững sờ, mọi người bất ngờ tới nỗi chẳng nói thành lời. - Tại sao cô lại chuyển đi? Chắc tại lớp tôi hư làm cô buồn? Bao câu hỏi quay cuồng trong tâm trí tôi. Lòng tự nhủ lòng “ Mình phải thật ngoan trong ngày hôm nay, vì biết đâu sẽ chẳng còn ngày nào được nghe lại giọng giảng, nét chữ thân quen này nữa”. Điều đó thật đáng sợ! Trên bảng, từng nét chữ thân quen của cô hiện lên: “Buổi học cuối cùng” của An- phông xơ Đô- đê. Lớp tôi, ai nấy đều im lặng. Giọng cô trầm trầm cất lên giữa khoảng không lặng thinh, đưa tất cả chúng tôi về với miền An – dát bình yên, tươi đẹp, về cậu bé Phrăng với những chiều đi chơi, thả diều, về người thầy đáng kính Ha – men với buổi học cuối cùng.

Chúng tôi cứ thế lắng nghe, tự hỏi câu chuyện đó sao giống câu chuyện của chúng tôi đến vậy. Khi phân tích tâm trạng của cậu bé Phrăng, giọng cô trầm bổng như từng cung bậc cảm xúc của cậu bé vùng An – Dát này khiến tôi và tất cả lớp như muốn trào nước mắt. Rồi khi giảng đến lời nói của thầy Ha- men về tiếng nói dân tộc, giọng cô lại xúc động đến nghẹn ngào khiến chúng tôi càng thêm thấm thía về giá trị của tiếng mẹ đẻ. Những dòng chữ thân thuộc cô viết lên bảng kết hợp với lời giảng, lời bình thật hay và thấm thía. Được cô động viên khích lệ, cả lớp càng thêm hào hứng, hăng hái phát biểu, thảo luận xây dựng bài cứ ngỡ như cô sẽ chẳng bao giờ rời đi, sẽ vẫn ngày ngày được gặp cô và nghe lời cô giảng... Tiếng trống vang lên hết tiết. Cả lớp như bừng tỉnh. Mọi người nhốn nháo và ai nấy bật lên tiếng khóc.

Cô gượng cười bảo: “Cô rất vui khi đã được dạy lớp mình, hãy nhớ về cô với những hồi ức đẹp nhé”. Chỉ nghe đến thế thôi, cả lớp tôi đã oà khóc. Cô cứ thế mà đi sao, hệt như trong văn bản ấy sao?. Chúng tôi nhìn theo dáng cô khuất dần, lòng tự hỏi: Cô ơi! Biết bao giờ chúng em lại được gặp cô, được nghe cô giảng bài. Chúng em biết tuy đi xa cô vẫn luôn nhớ đến chúng em, đến tiết học này - một kỉ niệm giữa thầy và chúng em. Đối với chúng em đó sẽ là một tiết học đáng nhớ suốt cuộc đời.

Bài văn mẫu 2:

Tiết học đáng nhớ nhất với em, có lẽ là tiết học cuối cùng với cô giáo Ngân Hà - giáo viên dạy môn Tiếng Anh của lớp em, trước khi cô về nghỉ hưu.

Cô Ngân Hà đã dạy lớp em, từ khi chúng em học lớp 1 đến nay, vì vậy cả cô và trò đều rất gắn bó, yêu thương nhau. Khi biết tin cô sẽ không dạy lớp chúng em nữa, bạn nào cũng buồn lắm. Nhưng rồi chúng em đã xốc lại tinh thần, để chuẩn bị cho một tiết học cuối cùng thật ý nghĩa cùng với cô.

Ngày hôm đó, lớp em học rất ngoan và nghiêm túc. Từ trước đến nay, chưa tiết học nào mà lớp em yên ắng lắng nghe cô giảng bài đến vậy. Mấy bạn nam nghịch ngợm thường bày trò nói chuyện riêng, nay cũng ngoan ngoãn ngồi yên ở cuối lớp nghe cô giảng. Giọng giảng bài của cô vẫn dịu dàng và dễ hiểu như trước đây, chỉ là hôm nay nghe sao có chút buồn. Bây giờ, em mới nhận ra rằng, tóc của cô Hà đã lấm tấm bạc như bà của em. Đôi bàn tay cô cũng đã nhăn nheo sau biết bao chuyến đò đưa người học trò đến bến. Khóe mắt cô khi cười cũng đã hằn vết chân chim. Vậy là cô Hà yêu quý của chúng em đã đến lúc phải nghỉ hưu thật rồi đấy.

15 phút cuối cùng của tiết học, lớp trưởng mạnh dạn đứng dậy, đại diện cả lớp có đôi lời phát biểu để chia tay cô. Rõ là đã tập rất nhiều lần, thế mà bạn ấy cứ nghẹn ngào, nói mãi mới xong bài phát biểu. Cô Hà đứng trên bục giảng cũng đỏ hoe cả hai mắt. Sau đó, chúng em gửi tặng cô những tấm thiệp nhỏ viết những lời cảm ơn chân thành nhất tự đáy lòng mình. Tất cả được để vào một chiếc hộp giấy, để cô có thể mang về nhà sau tiết học. Những phút cuối cùng, chúng em đã ôm chầm lấy cô, như ôm người mẹ của mình. Giây phút chia xa thật bịn rịn và lưu luyến. Bởi sau hôm nay, cô Hà sẽ không còn đến trường giảng dạy nữa.

Tiết học kết thúc, chuông báo hiệu giờ ra chơi vang lên dồn dập. Nhưng lạ thay, chẳng bạn nào háo hức chạy ngay ra sân như mọi hôm. Bởi ai cũng đang rất buồn khi phải xa cô giáo. Chúng em chỉ mong tiết học ấy kéo dài thêm nữa, để được là học trò của cô thêm vài phút. Nhưng rồi tiết học cũng phải dừng lại trong sự tiếc nuối vô bờ. Em mong cô Hà sẽ bắt đầu một hành trình mới với nhiều niềm vui mới. Còn chúng em sẽ cố gắng học tập chăm ngoan, như lời cô đã dặn.

Bài văn mẫu 3:

Một buổi học của ngày đầu tuần lại đến. Buổi học này để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc.

Hôm ấy là một buổi sáng mùa xuân, tiết trời ấm áp. Nắng ban mai rải nhẹ những tia nắng vàng óng ả xuống cành cây, kẽ lá. Mọi vật như bừng tỉnh giấc. Em tung tăng cắp sách đến trường. Vẫn như thường ngày, chúng em nhanh chóng truy bài lẫn nhau. Đúng bảy giờ, tiếng trống trường quen thuộc lại vang lên. Chúng em xếp hàng ngay ngắn trước sân trường để làm lễ chào cờ. Bạn Liên đội trưởng điều khiển nghi lễ. Lá quốc kì được từ từ kéo lên, phần phật trong gió sớm. Tiếng trống chào cờ vang lên cùng bài hát Quốc ca, Đội ca hùng tráng. Cảnh tượng lúc chào cờ đã khơi dậy trong lòng em một sự tưởng nhớ và lòng biết ơn sâu sắc. Ba mươi phút trôi qua, kết thúc nghi lễ và những nội dung của tiết chào cờ. Chúng em tuần tự vào lớp học.

Tiết học đầu tiên là môn Tập đọc với bài Người công dân số Một. Qua bài học, hình ảnh yêu nước, thương dân của người nông dân đất Việt đã in sâu vào tâm trí em. Đó là hình ảnh Bác Hồ thời trai trẻ. Bác đang chuẩn bị cho chuyến đi xa để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Vì hoài bão cứu nước nên Bác không làm việc ở Sài Gòn mà phải bôn ba ra nước ngoài, dù phải chịu nhiều gian khổ. Em cảm thấy thương Bác vô cùng.

Tiết học tiếp theo là môn Toán với bài Diện tích hình tròn. Chúng em hào hứng thảo luận, xây dựng bài học. Từng cánh tay đưa lên như những búp măng non, ai cũng mong được cô giáo gọi đến tên mình. Chúng em tiếp nối nhau trả lời rồi lên bảng giải bài tập. Những tia nắng ấm áp nghiêng mình qua cửa sổ xem chúng em làm bài. Làn gió mát rượi thổi đến như tiếp sức, cổ vũ cho chúng em. Nhờ hiểu bài, em làm bài tập rất nhanh. Cô giáo nhìn chúng em làm bài với vẻ hài lòng phấn khởi. Có lẽ hôm ấy chúng em đạt điểm mười nhiều nhất.

Môn Toán vừa kết thúc cũng là tiếng trống trường gióng giả vang lên báo hiệu giờ giải lao. Chúng em ùa ra sân, tung tăng chạy nhảy. Ai nấy đều vươn cao lồng ngực để hít thở không khí trong lành. Mười lăm phút giải lao lại hết, chúng em vào lớp, tiếp tục môn Địa lí. Bài học về châu Á đã giúp em hiểu được đặc điểm tự nhiên, dân cư và hoạt động kinh tế của các nước thuộc châu lục này. Chúng em đã hiểu được rằng, các nước châu Á đều thuộc chủng tộc da vàng, chúng ta phải cùng nhau đoàn kết, hợp tác và phát triển,

Tiết học cuối cùng là môn Đạo đức. Bài học Em yêu Tổ quốc Việt Nam đã giúp em thấy được Việt Nam là một đất nước có nền văn hiến lâu đời, ngày nay đang gìn giữ và phát triển. Em lại càng nhận rõ phần trách nhiệm của mình đang chờ ở phía trước. Em cảm thấy yêu quê hương, đất nước vô cùng.

Thế là buổi học đã hết. Chúng em ra về với niềm hân hoan, phấn chấn. Ai cũng rạng rỡ nụ cười tươi thắm trên môi. Em mong sao các buổi học sau đều như thế.

Bài văn mẫu 4:

Chắc hẳn ai cũng có những buổi học vui nhộn với thầy cô và bạn bè. Đó cũng là quãng thời gian đáng nhớ nhất của một thời cắp sách tới trường. Riêng tôi, tôi nhớ nhất giờ dạy Văn của cô Hằng – cô giáo chủ nhiệm của tôi.

Hôm đó là một buổi sáng mùa đông lạnh lẽo. Vừa hết giờ truy bài, cô Hằng bước vào lớp trong bộ đồng phục của nhà trường. Cô mặc một bộ vest tím trông rất lịch sử và trang nhã. Lúc nào cũng vậy, trong mắt tôi, cô Hằng luôn thật xinh đẹp trong bộ quần áo ấy. Hôm nay, chẳng hiểu sao, lớp tôi tự dưng im phăng phắc. Mọi ngày, mỗi khi cô bước vào lớp lại có tiếng nói, cười của bọn con gái hay tiếng lộc cộc nghịch ngợm của cánh con trai. Nhưng sao hôm nay lớp im lặng kì lạ. Tôi thấy dường như mất đi cái gì đó vui nhộn, sôi động của toàn thể “thần dân” 6E chúng tôi.

Nhận ra điều đó, cô Hằng liềm ngâm ngay một bài thơ trước lớp. Cả lớp tôi hưởng ứng nhiệt liệt. Cô từ từ ngâm thơ cho chúng tôi nghe:

Sáng mùa đông lạnh lẽo

Cô giáo đứng bên ngoài

Không còn nghe tiếng nói

Như mọi khi nữa rồi.

Rồi cô dừng lại, lấy một hơi và tiếp tục:

Cô bước chân vào lớp

Chỉ nghe tiếng cầm cập

Tiếng nói, tiếng cười đâu?

Chạy đi chơi cả rồi.

Cả lớp tôi cười phá lên. Không khí lớp sôi nổi trở lại. Cô bắt đầu tiết học bằng kiểm tra bài cũ. Thấy các bạn đạt nhiều điểm 9, 10, cô rất vui. Cô cười thật tươi nhìn chúng tôi. Nụ cười rạng ngời tỏa sáng gương mặt cô.

Hôm nay, lớp tôi học truyền thuyết Thánh Gióng. Cô hương dẫn chúng tôi đọc bài. Cô đọc trước một lượt cho chúng tôi nghe. Chao ôi, giọng đọc của cô mới truyền cảm làm sao. Tôi nghe mà cảm tưởng như mình được sống lại cái khoảnh khắc giống anh dũng một mình chiến đấu với giặc.

Cô chuyển sang phần tiếp theo – tìm hiểu bài. Cô lần lượt hỏi những câu hỏi trong sách giáo khoa. Câu hỏi nào khó, cô gợi ý cho chúng tôi trả lời. Rồi bỗng nhiên, cô gọi Cường – thường được chúng tôi gọi là “bé” Cường vì thân hình nhỏ bé. Cô dịu dàng hỏi Cường:

– Em hãy cho cô biết, em có nhận xét gì về chi tiết Gióng vươn vai biến thành tráng sĩ mình cao hơn trượng?

Cường hồn nhiên trả lời:

– Dạ, em thưa cô, em thấy Thánh Gióng là một người có ý thức cứu nước ạ. Đặc biệt là ở chỗ, sau khi ăn xong, vươn vai Gióng bỗng biến thành tráng sĩ là ý nói Gióng phải là tráng sĩ mới tiêu diệt được kẻ thù. Và còn một ý nữa là … là …

Thấy Cường ngập ngừng, cô hỏi:

– Là gì? Em cứ nói tiếp đi!

– Thưa cô, em còn muốn được to lớn như Gióng để ra tay bảo vệ các bạn nữ khi bị bắt nạt ạ!

Cả lớp tôi cười phá lên. Thì ra bé Cường nhà mình cũng ga lăng đấy chứ nhỉ. Tôi cười đau cả bụng. Còn Cường thì đỏ mặt, không biết nói gì, im lặng ngồi xuống chỗ.

Cô lại nhẹ nhàng hỏi tiếp:

– Vậy các em cho cô hỏi, chi tiết Gióng đánh giặc xong, rồi cùng ngựa bay về trời có ý nghĩa như thế nào?

Cô nhìn quanh lớp và gọi Nguyên – một học sinh nổi tiếng quậy bậc nhất lớp tôi. Tôi chắc mẩm anh chàng này chết đến nơi rồi, vì anh ta còn đang mải gấp giấy trêu mấy đứa con gái thì bị cô gọi lên trả lời. Nguyên lúng túng đứng lên, gãi đầu gãi tai, trả lời:

– Thưa cô, chi tiết Gióng cùng ngựa bay về trời nói lên là Gióng chưa chăm lo phụng dưỡng cha mẹ nên đã bị Trời gọi về trách phạt ạ!

Nghe xong, cả lớp tôi lại phá lên cười. Vậy là hôm nay cả lớp đã được hai trận cười từ hai cậu học sinh trong lớp.

Nhìn đồng hồ, chỉ còn năm phút nữa là hết giờ, cô liền nhận xét buổi học của chúng tôi ngày hôm nay:

– Hôm nay đầu giờ lớp ta còn hơi im ắng. Tuy nhiên, lớp đã rất sôi nổi ở gần cuối giờ. Cô đề nghị lớp thưởng một tràng pháo tay thật to.

Cả lớp vỗ tay rào rào. Tiếng trống lại vang lên. Mấy đứa bạn lớp tôi vẫn còn nuối tiếc vì chưa được phát biểu. Sao giờ học trôi qua nhanh quá, như thể mới có 15 phút thôi.

Đó là một buổi học rất thú vị. Chúng tôi thật là may mắn khi có một cô giáo như cô Hằng. Tôi sẽ nhớ mãi những giờ học của cô. Đây là những hành trang quý giá sẽ theo tôi đi suốt cuộc đời.

Bài văn mẫu 5:

Em không yêu thích môn văn như nhiều bạn trong lớp, và em thường say mê với các môn tự nhiên hơn. Các tiết học về môn văn không làm em thích thú, thậm chí còn làm em thấy chán nản. Khi chúng em được học văn bản "Lòng yêu nước" của I.Ê-ren - bia và tình yêu đối với môn văn trong em bắt đầu từ hôm đó.

Tiếng trống vào lớp đã vang lên, các bạn đã vào hết lớp học của mình và ổn định chỗ ngồi. Nhiều bạn đã nhanh chóng mở sách chuẩn bị cho bài học mới, cô giáo bước vào lớp với nụ nước tươi tắn trên môi. Sau khi ổn định tổ chức lớp, cô hỏi: "Các em đã chuẩn bị bài chưa?". Cả lớp đồng thanh đáp: "Thưa cô rồi ạ!". Cô kiểm tra bài cũ, bạn nào cũng trả lời trôi chảy và đạt điểm cao. Cô rất hài lòng, khen cả lớp có tinh thần học tập.

Tiếp đến, cô nhắc chúng em mở sách học bài mới, lời giới thiệu vào bài mới của cô được bắt đầu thật ấn tượng: "Các em ạ, trong mỗi chúng ta ai cũng có một quê hương. Nơi ấy chính là nơi sinh ra và nuôi lớn tâm hồn mỗi con người Để tìm được tình yêu thương đất nước được bắt nguồn từ đâu, từ những gì chúng ta sẽ được tìm hiểu trong bài: Lòng yêu nước". Em thấy vô cùng xúc động trước lời giới thiệu của cô. Cả lớp ai cũng chăm chú nghe và ghi lại lời cô giảng. Trên bảng đen, từng dòng phấn trắng dần dần hiện lên. Sau phần giới thiệu tác giả, tác phẩm, cô hướng dẫn chúng em cách đọc và đọc mẫu. Giọng cô đọc nhẹ nhàng, đầm ấm và truyền cảm. Cô hỏi có ai xung phong đọc mẫu cho cả lớp không? Rất nhiều cánh tay giơ lên, em rất muốn đọc bài nhưng em biết giọng mình không hay. Hơn nữa trước đến giờ em là người không hào hứng với môn văn, nhưng hôm nay em thấy háo hức vô cùng. Cánh tay của em run rẩy dơ lên. Cô nhìn thấy điều đó, nhưng vẫn gọi em lên đọc. Những từ đầu tiên vang lên trôi chảy và em đọc sôi nổi, liền mạch như quên hết mọi thứ xung quanh... Những dòng văn làm em xúc động vô cùng: "Người vùng Bắc nghĩ đến cánh rừng bên dòng sông Vi-na hay miền Xu-cô-nô, những đêm tháng sáu sáng hồng... người xứ U-crai-na nhớ bóng thùy dương tư lự bên đường, cái bằng lặng của trưa hè vàng ánh... Người xứ Gru-di-a ca tụng khí trời của núi cao, nỗi vui bất chợt, những lời thân ái giảm dị, những tiếng cuối cùng của câu tạm biệt... người ở thành Lê-nin-grát nhớ dòng sông Nê-va rộng và đường bệ như nước Nga đường bệ, những tượng bằng đồng tạc những con chiến mã lồng lên, phố phường mà mỗi căn nhà là một trang lịch sử". Bài đọc đã hết, con tim em như nhảy nhót trong lồng ngực vừa vì xúc động, vừa hồi hộp không biết mình đọc bài ra sao. Cô giáo cùng cả lớp vỗ tay! Cô bảo rằng chưa khi nào em đọc bài mà nay lại đọc diễn cảm đến vậy, cô rất khen ngợi em. Em xúc động lắm và coi đó là động lực để em yêu thích học môn văn hơn.

Sau phần đọc của em là phần phân tích tác phẩm. Không biết có phải nhờ lời khen ngợi của cô mà em có cách nhìn khác, hay lớp học hôm nay khác mà em thấy lớp học rất sôi nổi. Khi cô đặt câu hỏi, những cánh tay nhỏ xinh xắn giơ lên đều tăm tắp. Bạn nào cũng muốn được cô giáo gọi trả lời. Tất cả dường như ai cũng bị cuốn hút vào giờ học. Không ai còn lơ đãng và quên đi cái không gian, âm thanh ngoài cửa lớp, tưởng như chim ngừng hót, cây lá ngừng rung. Mọi vật đều đứng nghe cô giảng bài: "Lòng yêu nước được bắt nguồn từ những vật tầm thường nhất, quen thuộc nhất: yêu nhà, yêu quê hương tức là yêu đất nước của mình, yêu người thân". Em còn được cô gọi lên phát biểu một vài lần nữa, cô khen em có tiến bộ. Em sung sướng vô cùng và đã tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng nhiều hơn. Qua lời cô giảng, trên khuôn mặt các bạn ai cũng chứa đựng một niềm vui tự hào và lòng yêu đất nước. Dường như tất cả đều muốn vươn lên trong học tập. Giờ học diễn ra say sưa và sôi nổi. Khi tiếng trống cất lên cũng là lúc bài giảng đã hết.

Giờ học đã kết thúc nhưng từng lời giảng của cô vẫn còn nguyên trong tâm trí em. Em nhận thấy môn văn thật thú vị, nó có sự thú vị khác với những môn học khác chứ không nhàm chán như trước đây tôi vẫn nghĩ. Sau buổi học đó tôi chăm chỉ học môn văn hơn và giờ đây tôi đã trở thành một học sinh giỏi văn của trường. Tôi sẽ nhớ tiết học ý nghĩa ấy trong suốt cuộc đời mình.

Trên đây là những bài văn thuật lại một giờ học đáng nhớ đối với em lớp 4 chọn lọc hay nhất, hy vọng sẽ giúp các em học sinh có thêm tư liệu để hoàn thiện bài viết của mình.

Đánh giá bài viết
2.2
11 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status