Logo

Tập làm văn Tuần 16: Bài kiểm tra viết - Tả người lớp 5 chi tiết nhất

Hướng dẫn soạn bài tập làm văn lớp 5 Tuần 16: Bài kiểm tra viết - Tả người trang 159 sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 tập 1 chi tiết, dễ hiểu nhất giúp các em học sinh tiếp thu bài giảng hiệu quả.
4.5
2 lượt đánh giá

Soạn bài tập làm văn Bài kiểm tra viết - Tả người lớp 5 ngắn gọn, dễ hiểu với tóm tắt nội dung chính của bài Bài kiểm tra viết - Tả người, cùng với phần gợi ý trả lời câu hỏi luyện tập cuối bài, giúp các em học sinh tham khảo chuẩn bị cho bài viết Tập làm văn lớp 5, củng cố vốn từ cho bài văn tả người. Mời các em tham khảo bài viết dưới đây.

Chọn một trong các đề sau:

1. Tả một em bé đang tuổi tập nói, tập đi.

2. Tả một người thân (ông, bà, cha, mẹ, anh, em,…) của em.

3. Tả một bạn học của em.

4. Tả một người lao động (công nhân, nông dân, thợ thủ công, bác sĩ, y tá, cô giáo, thầy giáo,…) đang làm việc.

Trả lời:

Đề 1. Tả một em bé đang tuổi tập nói, tập đi

Tả em bé Mẫu 1

Bé Na là con của dì Năm em, bé vừa tròn mười hai tháng. Khi em đến chơi, bé đang đứng trên chiếc nôi gỗ, giậm chân, nũng nịu giơ tay ra đòi bế. Em dang tay đón bé vào lòng.

Hôm nay bé được mặc một chiếc váy đầm ngắn màu xanh da trời, trước ngực có kết ren trắng và thêu hoa rất xinh. Da bé trắng hồng, mịn màng. Đôi má bầu bĩnh trông rất dễ thương. Em thích hôn thật nhẹ vào chiếc má phúng phình ấy để bé cười lên như nắc nẻ. Cặp mắt bé lúc nào cũng mở to, tròn đen lay láy như hai hạt nhãn. Chiếc miệng với đôi môi hồng tươi tắn luôn nhoẻn cười đế lộ mấy chiếc răng sữa nhỏ xíu, trắng muốt trông dễ yêu làm sao! Nhìn xa, trông bé như con búp bê biết khóc biết cười trong tủ kính của hiệu bán đồ chơi ngoài phố.

Nhiều khi em lại thấy bé giống chú hề lật đật không lúc nào yên một chỗ nhất là lúc tập lật, tập ngồi. Đến khi bé được hơn mười tháng, bắt đầu bập bẹ tập nói, bé thường bắt chước các chị làm đủ các động tác, cứ chỉ, kể cả nói từng tiếng rất ngộ nghĩnh dễ yêu. Bé rất hay cười mà cũng lại hay khóc nhè! Chiều chiều em hay bồng bé đi chơi, tập cho bé đi từng bước chập chững. Chưa đi vững mà lại thích đi nhanh nên cứ té hoài. Bây giờ em đã tập cho bé đi được năm bước rồi. Ngày nào đi học về em cũng ghé chơi với bé một chút, khi em đi bé khóc sướt mướt đòi theo, thương làm sao!

Em rất yêu bé, cố gắng dạy bé nói, tập bé đi cho vững, chơi đùa với bé để bé không nhõng nhẽo với dì và mau chóng biết thêm nhiều điều khác nữa.

Tả em bé Mẫu 2

Trong gia đình em có một nàng công chúa nhỏ đáng yêu là bé Mỹ Linh. Em đã được 24 tháng tuổi.

Mỹ Linh thật bụ bẫm nên trông bé như một chú gấu bông xinh xắn, dễ thương. Tóc em là tóc tơ, lưa thưa như những ngọn cỏ non mới mọc bay trong gió. Khuôn mặt Mỹ Linh tròn trịa, bầu bĩnh trông thật đáng yêu. Em có làn da mịn màng, hồng hào như một thiên thần nhỏ dễ thương. Cặp mắt tròn xoe, đen láy dưới hàng lông mi cong và dài của Mỹ Linh ánh lên vẻ thông minh, nhanh nhẹn. Nó khắc sâu vào tâm trí em dễ dàng như sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ. Cái mũi của nàng công chúa Mỹ Linh hơi tẹt trông yêu ơi là yêu! Em có má bầu lúm đồng tiền hồng hồng phính ra hai bên như hai quả cà chua khiến ai đi qua cũng chỉ muốn bẹo mấy cái. Trên đôi môi đỏ thắm, chúm chím của Mỹ Linh hay rạng ngời nụ cười tươi tắn y như nụ hoa xinh vừa hé mở. Và mỗi khi nụ hoa ấy bung nở thì để lộ năm cái răng trắng nõn của bé. Em có đôi bàn tay mũm mĩm hình búp măng cứ nắm chặt vào nhau, ngọ nguậy như những con sâu đo. Trên đôi bàn tay trắng trẻo ấy được mẹ đeo cho chiếc lắc vòng bạc óng ánh rất đẹp. Ở nhà, miệng em bi bô suốt ngày không lúc nào nghỉ.

Nàng công chúa nhỏ đáng yêu của em không những dễ thương mà còn rất ngộ nghĩnh. Mỗi lần không vừa ý điều gì hay bị trêu là Mỹ Linh lại giả vờ khóc, úp mặt xuống gối rồi đợi mọi người đi lại ngẩng đầu lên, nom thật buồn cười! Mỗi khi tập đi, mẹ và bà phải đỡ bên cạnh nếu không bé sẽ ngã. Mỹ Linh đi lẫm chẫm, vài bước rồi lại đòi bò. Đặc biệt, mỗi lần ăn em lại tự xúc cháo bằng thìa nhưng đang ăn thì cô bé tinh nghịch này lại vứt thìa và bò đi chơi chỗ khác. Bé mỗi lần ăn lại nhai chóp chép trông thật ngộ! Những lúc như vậy Mỹ Linh lại dang rộng hai chân ra ôm chọn cái mâm. Em thường hay cho bé tập vẽ nhưng mỗi khi vẽ cô bé nghịch ngợm này lại vẽ ra những nét nguệch ngoạc trông rất buồn cười. Những lúc như vậy, Mỹ Linh ngỡ em chê xấu nên lại lăn ra ăn vạ đòi mẹ. Lúc ấy, mắt em húp lại thật đáng yêu! Bé rất thích xem phim hoạt hình. Mỗi lần được xem lại reo hò sung sướng.

Em rất yêu quý Mỹ Linh – cô công chúa nhỏ đáng yêu luôn mang lại niềm vui cho ngôi nhà của em.

Đề 2. Tả một người thân (ông, bà, cha, mẹ, anh, em,…) của em

Bài văn tả mẹ của em

Trong gia đình, vì em là con út nên ai cũng thương yêu em hết mực, nhưng mẹ là người gần gũi, chăm sóc em nhiều nhất.

Năm nay, mẹ em gần bốn mươi mốt tuổi. Với thân hình mảnh mai, thon thả đã tô đậm cho mẹ với vẻ đẹp của người mẹ hiền từ, mái tóc đen óng mượt mà dài ngang lưng được mẹ thắt lên gọn gàng khi ra đường. Đôi mắt mẹ đen láy luôn nhìn em với ánh mắt trìu mến gần gũi. Khuôn mặt mẹ hình trái xoan với làn da trắng. Đôi môi mỏng đỏ hồng nằm dưới chiếc mũi cao thanh tú làm cho càng nhìn càng thấy đẹp. Khi cười nhìn mẹ tươi như hoa, đóa hoa hồng vừa nở sớm mai. Đôi bàn tay mẹ tròn trịa, trắng trẻo đã nuôi nấng, dìu dắt em từ thưở em vừa lọt lòng. Giọng nói của mẹ đầy truyền cảm, lúc mượt mà như tiếng ru, lúc ngân nga như tiếng chim họa mi buổi sớm. Mẹ em may và thêu rất đẹp, đặc biệt là may áo dài, thường ngày mẹ hay mặc bộ đồ bộ gọn gàng, khi đi dạy học mẹ mặc những bộ áo dài cũng do mẹ tự may trông thật duyên dáng, sang trọng.

Ở nhà, mẹ là người đảm nhiệm công việc nội trợ. Mẹ giao cho em các công việc nhẹ nhàng như: quét nhà, gấp quần áo… Còn ba thì phụ mẹ giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thỉnh thoảng mẹ mua hoa về chưng ở phòng khách cho đẹp nhà. Mỗi khi khách đến mẹ luôn đón tiếp nồng hậu, mời khách đĩa trái cây và nước mát. Sáng mẹ là người thức dậy sớm để chuẩn bị thức ăn sáng cho cả nhà, để hai anh em cùng cắp sách đến trường kịp giờ học. Khi em ốm đau mẹ phải thức suốt đêm để chăm sóc. Buổi tối, mẹ thường dành khoảng ba mươi phút để giảng bài cho em, sau đó mẹ ngồi chấm bài, soạn giáo án chuẩn bị cho tiết lên lớp ngày mai ở trường… Mẹ rất nhân hậu, hiền từ, khi lên lớp mẹ xem học trò như các con của mình, cũng dìu dắt thương yêu hết mực nên mẹ được rất nhiều học sinh yêu mến. Khi em phạm lỗi, mẹ chỉ nhắc nhỡ chứ không mắng và cũng chưa đánh em bao giờ.

Mẹ em thật đáng quí, em luôn yêu thương mẹ và tự hào vì được làm con của mẹ. Mỗi khi được mẹ ôm ấp, nằm trong lòng mẹ em cảm thấy thật ấm áp. Trong trái tim em, mẹ là tất cả, mẹ là cô tiên tuỵêt vời nhất trong cuộc đời em… Em mong sao cho mình mau lớn để có thể giúp cho mẹ đỡ vất vả hơn. Em hứa sẽ chăm học và cố gắng học thật giỏi để trả ơn cho mẹ và thầy cô đã dạy dỗ, nuôi nấng em nên người. Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm!

Tấm lòng của mẹ là biển cả bao la đối với con, và con hiểu rằng không có ai thương con hơn mẹ. Ôi, mẹ kính yêu của con. Con yêu mẹ hơn tất cả mọi thứ trên cõi đời này và vì mẹ chính là mẹ của con. “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ….

Tả bà mà em yêu quý

Trong gia đình, người mà em yêu quý nhất đó là bà của em. Bà là người gần gũi với em, chăm lo cho em từ thuở em mới lọt lòng. Bà ru em bằng những lời ru êm dịu.

Bà em năm nay đã già rồi, mái tóc đã bạc phơ vì bươn chải với thời gian. Khuôn mặt đầy đặn, đẹp lão. Vầng trán cao đã có nhiều nếp nhăn. Em nghĩ rằng, mỗi nếp nhăn trên gương mặt bà là một chuỗi ngày dài vất vả. Đôi mắt bà không còn tinh anh nữa nhưng đôi mắt ấy thật dịu hiền khó tả. Đôi mắt đầy yêu thương, trìu mến.

Tuy lưng hơi còng nhưng bà đi lại rất nhanh nhẹn. Đáng chú ý nhất là đôi tay khéo léo của bà. Đôi bàn tay ấy đã chai sần, những ngón tay gầy gầy, xương xương nhưng bà làm biết bao nhiêu là việc. Bà rất thích lao động, ít nghỉ ngơi. Bà thích làm bánh, nấu ăn, dọn dẹp đồ dùng gọn gàng, ngăn nắp.

Những ngày thơ ấu, em được sống trong tình yêu bao la của bà. Bà bao giờ cũng yêu quý và chăm sóc em. Bằng những câu ca dao ru hò êm ái, những câu chuyện cổ tích li kì, bà đã đưa em vào giấc ngủ say nồng. Bà yêu thương tất cả mọi người, hay giúp đỡ người nghèo khó. Bà mong em học giỏi, thành tài. Bà dạy em những điều hay, lẽ phải. Bà nhắc nhở em phải biết đạo lí, kính trên nhường dưới, vâng lời thầy cô giáo, hòa nhã với bạn bè. Bà thường lấy những câu chuyện đời thường thể hiên điều nhân nghĩa để giáo dục em.

Tấm lòng nhân hậu của bà đã làm tâm hồn em thêm phong phú, đã truyền thêm sức mạnh cho em để vững bước đi lên. Gia đình em ai cũng thích bà, làm theo điều mong muốn của bà. Em vẫn thường tha thẩn theo bà, lúc quét nhà, khi nhặt rau, múc nước giúp bà. Em thầm mong sao cho bà em đừng già thêm nữa.

Đề 3: Tả một bạn học của em

Trong lớp tôi có nhiều bạn. Mỗi bạn một tính nết khác nhau: anh thì siêng năng, anh lại làm biếng, anh ưa nghiêm trang, anh lại thích đùa nghịch… Nhưng chỉ có Nhã Nam là học giỏi, được nhiều người quý mến nhất và cũng là người bạn thân của tôi.

Năm nay, Nhã Nam mười hai tuổi. Dáng người ốm, hơi cao, nước da không trắng lắm nhưng hồng hào khỏe mạnh. Vầng trán rộng và cao biểu lộ sự thông minh. Đặc biệt nhất là đôi mắt bạn sáng và đen lay láy. Chiếc mũi thẳng và cao làm tôn thêm khuôn mặt vuông xinh xắn. Có duyên nhất vẫn là cái miệng luôn luôn nở nụ cười của bạn khiến cho mọi người dễ mến. Mỗi khi bạn cười, môi lại nhếch lên để lộ hàm răng trắng đều.

Nhã Nam vui tính, hay hát, đôi khi tinh nghịch. Làm việc gì bạn cũng nhanh nhẹn, gọn gàng, thích đùa. Có bạn là có tiếng nói cười ríu rít. Ít khi thấy bạn đi học với bộ quần áo nhăn nheo, nhàu nát. Nhã Nam đi đứng khoan thai không hấp tấp cũng không chậm chạp, nói năng hòa nhã với mọi người.

Bạn bè ai nấy đều yêu mến vì tính xởi lởi, chan hòa của bạn. Không những chỉ vui tính mà Nhã Nam lại còn hay giúp đỡ bạn bè. Trong học tập, ai không hiểu điều chi nhờ đến, bạn đều chỉ bảo tận tình. Ai thiếu đồ dùng chi bạn cũng đều vui vẻ cho mượn cả.

Trong lớp, Nhã Nam luôn chăm chú nghe thầy giảng bài. Bài tập ở nhà, bạn đều làm đầy đủ và chu đáo. Nhờ đó, Nhã Nam học giỏi. Nhiều lần thầy khen gợi và đem bạn ra làm gương cho cả lớp. Được như vậy nhưng Nhã Nam vẫn một mực khiêm nhường, từ tốn, nhường nhịn mọi người. Chưa lần nào thấy bạn cãi cọ với ai. Tuy vậy, bạn lại tỏ ra rất can đảm mỗi khi bị người hiếp đáp mình hay hiếp đáp bạn mình.

Cũng như bạn bè trong lớp, em rất quý mến Nhã Nam. Chơi thân với bạn, em hiểu được mọi người quý mến là một hạnh phúc. Vì vậy, em thầm hứa sẽ noi gương bạn.

Đề 4. Tả một người lao động (công nhân, nông dân, thợ thủ công, bác sĩ, y tá, cô giáo, thầy giáo,…) đang làm việc

Tả người nông dân

Bác Tùng là một nông dân cần cù, chất phác. Bác là người họ hàng của gia đình em. Em được biết đến bác là nhờ một lần về thăm quê ngoại. Gặp bác khi bác đang cày ruộng.

Hôm ấy, trên đường về quê em phải qua một cánh đồng rộng. Xa xa là dãy núi tím ngắt. Con mương nhỏ dẫn nước chạy men theo con đường trải đá răm. Đang vui vẻ nói chuyện cùng bố. Bố em dừng lại chào to: “Chào bác Hải, trưa rồi mà vãn không nghỉ tay à?”

Bác Tài đang cày ruộng. Bác ngừng trâu. Dừng lại, nở nụ cười thật tươi chào lại bố con em. Năm nay bác chừng ngoài bốn mươi tuổi rồi. Dáng người bác cao lớn, vạm vỡ. Trên khuôn mặt chữ điền là đôi mắt to và sáng. Da bác sám nắng, tay chân chắc nịch. Bác say sưa cày ruộng trong chiếc áo đen đã bạc màu, ướt đẫm mồ hôi. Chiếc quần vải màu xanh dày dặn được xắn cao để lộ màu da chân đỏ au, vồng lên những bắp thịt cuồn cuộn, rắn chắc. Đôi tay cứng cáp điều khiển cái cày khéo léo. Một tay bác cầm chuôi cày, còn tay kia thì cầm cái roi dài để phết vào mông trâu khi nào trâu lười biếng. Theo lưỡi cày, đất được lật lên ngọt xớt, phơi mình trên thửa ruộng chạy dài, thẳng tắp. Thỉnh thoảng bác lại quất nhẹ vào lưng trâu, miệng quát to: "Ngọ! Ngọ!". Hai con trâu đi chậm rãi dần vì phải kéo cả lưỡi cày, lật bao nhiêu lớp bùn đất. Trong ruộng có nước, khi lưỡi cày đi qua, nó để lại trong nước những hình xoắn tròn to, rồi nhỏ dần nhỏ dần. Khi cày đã thấm mệt, bác dừng lại nghỉ ngơi. Bác ngồi dưới một gốc cây to rồi lấy trong túi ra một gói thuốc rê đã được vê thành từng điếu rồi châm lửa hút. Lúc này, các động tác của bác chậm rãi. Hai con trâu khoan thai, vẫy đuôi găm cỏ. Mặt trời giờ đã lên cao, ánh nắng rải chan hoà khắp thửa ruộng. Mặt bác nhễ nhãi mồ hôi, nhưng bác vẫn cùng con trâu tiếp tục cày xong thửa ruộng. Trâu sau một lát nghỉ ngơi, lại ngoan ngoãn bì bõm kéo cày theo sự điều khiển của bác. Em thấy quý và cảm phục bác làm sao. Nhìn những hàng đất cày thành luồng trông rất đẹp dưới nắng trưa, em lại nhớ đến câu tục ngữ: "Ăn một bát cơm, nhớ người cày ruộng".

Em và bố tiếp tục lên xe vào nhà nội, mỗi lúc một xa, bóng bác Hải khuất dần. Để làm ra hạt gạo, người nông dân phải đổ biết bao mồ hôi, công sức. Em thầm cảm ơn các bác nông dân, những người đã cho ta bát cơm trắng, dẻo thơm trong sự nhọc nhằn vất vả của mình.

Tả bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân

Bệnh viện là nơi em ghét tới nhất! Thế nhưng sau khi nhìn thấy cảnh bác sĩ chăm sóc bệnh nhân em đã thay đổi suy nghĩ đó và có một cái nhìn khách quan hơn về bệnh viện.

Vì chủ quan mà em đã bị cảm lạnh. Em được bố mẹ đưa tới bệnh viện gấp vì bệnh tình của em khá nghiêm trọng. Phòng em nằm có tới tám bệnh nhân, phần lớn đều các bạn trạc tuổi em. Nhưng ba mẹ em rất yên tâm khi biết em sẽ được bác sĩ Mạnh Hùng điều trị.

Bác sĩ Mạnh Hùng nổi tiếng là chữa bệnh rất giỏi. Năm nay, bác sĩ đã ngoài năm mươi tuổi, dáng người to lớn nhưng tác phong làm việc rất nhanh nhẹn. Mái tóc của bác đã điểm bạc, đôi mắt bác lấp lánh sau tròng kính trắng. Bộ áo khoác dài màu trắng tuy đã cũ nhưng rất sạch sẽ. Bàn tay của bác tuy to nhưng lại rất mềm và mát. Mỗi lần nghe giọng bác nói chuyện với bệnh nhân, em cảm tưởng như giọng nói của một người cha vừa dịu dàng, vừa ấm áp .

Bác luôn đến từng giường khám và theo dõi sức khỏe cho từng bệnh nhân. Bác đặt tay lên trán em, để một lúc rồi ân cần nói: “Hôm nay, cháu đỡ sốt nhiều rồi đấy. Chịu khó uống thuốc cho mau khỏi. Vài hôm nữa cháu có thể xuất viện, trở lại đi học nhanh thôi. Đừng lo lắng gì cháu nhé!”. Rồi bác quay sang giường kế bên hỏi bạn Long bị sốt xuất huyết: “Tối qua cháu ngủ có ngon không? Có còn đắng miệng nữa không?”. Bác lật áo Long lên, áp ống nghe vào tai, vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ. Rồi bác ấn nhẹ tay lên vùng bụng, bắt mạch cho Long… Một hồi sau, thấy gương mặt bác vui vẻ hẳn lên. Bác bảo Long: “Cháu uống nhiều nước cam vào, chỉ độ vài ngày nữa là khỏi thôi .

Cứ thế, bác sĩ Mạnh Hùng ân cần, tận tụy với tất cả mọi người, bệnh nhân hết thảy đều tin tưởng vào bác sĩ. Ai cũng nói bác sĩ xứng đáng với danh hiệu thầy thuốc như mẹ hiền.

Em cảm thấy bác sĩ Hùng thật là tốt bụng! Nhờ có bác tận tình chăm sóc mà em mới mau chóng hồi phục . Em thấy quý mến bác ấy rất nhiều!

CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải bài soạn Tiếng Việt sách giáo khoa tập 1 trang 159: Bài kiểm tra viết - Tả người file word và pdf hoàn toàn miễn phí từ chúng tôi.

Đánh giá bài viết
4.5
2 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status