Kì thi học kì 2 sắp tới, chúng tôi xin giới thiệu đến các em 2 bộ đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9 - Phần 1 năm 2022 có lời giải chi tiết. Nội dung bám sát theo chương trình học trong nhà trường. Giúp các bạn học sinh ôn tập và luyện tập làm quen với nhiều dạng đề, đồng thời cũng chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới của mình. Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.
I. Đọc hiểu văn bản (3,0 điểm):
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Đời là một chuyến đi không biết điểm đến. Rất ít ai đến được điểm mình dự định. Thông thường ta bắt đầu cuộc hành trình với một ý niệm đích đến trong đầu chỉ để nhận ra rất sớm là cuộc đời có nhiều chỗ rẽ bất ngờ, và sau một lúc thì ta chẳng chắc chắn là đời rồi sẽ về đâu. Nhưng như vậy thì đời mới vui. Đọc truyện mà biết được đoạn cuối ngay từ khởi đầu thì cụt hứng rồi. Điều đó có nghĩa là đường đời không phải là đường thẳng mà đường quanh co ngoằn ngèo, cứ như đường rừng. Đôi khi đi cả chục cây số rồi mới khám phá ra là mình lại quay về điểm khởi hành.
Khái niệm đường vòng này rất ích lợi trong kế hoạch sống của chúng ta. Nếu ta biết đời không phải là đường thẳng và ta có thể vòng lại điểm mình đã qua, thì tốt hơn là trên mỗi bước đi, ta nên ném ra vài hạt trái cây, ngũ cốc bên đường, hy vọng là dọc đường sẽ mọc nhiều cây trái, để lúc nào đó nếu ta vòng lại thì có thể đã có sẵn trái ngon chờ đợi. Đi đến đâu gieo hạt giống đến đó, tức là sống hôm nay mà trồng cho ngày mai.
Cho nên nếu sống khôn ngoan thì ta gieo hạt trên mỗi bước đi.
(Trích từ "Tư duy tích cực thay đổi cuộc sống", tác giả Trần Đình Hoành, NXB Phụ Nữ, 2012.)
Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trích đã dẫn.
Câu 2 (0,5 điểm): Hình ảnh "gieo hạt giống" trong văn bản trích đã dẫn được sử dụng theo phương thức tu từ nào?
Câu 3 (1,0 điểm): Tóm tắt nội dung chính của văn bản trích nêu trên.
Câu 4 (1,0 điểm): Giải thích ngắn gọn ý nghĩa được gửi gắm trong cụm từ "sống khôn ngoan" ở câu cuối của văn bản.
II. Làm văn (7,0 điểm):
Câu 1 (2,0 điểm): Nghị luận xã hội về lòng tốt trong cuộc sống hôm nay.
Câu 2 (5,0 điểm): Phân tích hai khổ thơ đầu bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.
I. Đọc hiểu văn bản
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản: Nghị luận.
Câu 2:
Hình ảnh "gieo hạt giống" trong văn bản trích đã dẫn được sử dụng theo phương thức tu từ ẩn dụ.
Câu 3:
Nội dung chính của văn bản: Đời là một con đường vòng, lắm khi ta sẽ trở lại đoạn đường mình đã đi qua, nên sống khôn ngoan là biết gieo hạt trên mỗi bước đi.
Câu 4:
Giải thích ý nghĩa được gửi gắm trong cụm từ "sống khôn ngoan": Sống hôm nay nhưng phải biết lo nghĩ cho ngày mai.
II. Làm văn:
Câu 1:
1. Mở bài:
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Lòng tốt trong cuộc sống hôm nay. (Học sinh lựa chọn cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình).
2. Thân bài:
a. Giải thích
“lòng tốt”: sự lương thiện, phẩm chất tốt đẹp của con người, luôn hướng đến mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, sẵn sàng sẻ chia với người khác.
b. Phân tích
Trong xã hội có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn.
Khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn.
Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng về nhân vật, sự việc yêu thương, chia sẻ làm minh chứng cho bài làm văn của mình.
Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, nổi bật, xác thực được nhiều người biết đến.
d. Phản đề
Trong xã hội vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lại có những người vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại,… → những người này cần bị phê phán, chỉ trích.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: Lòng tốt trong cuộc sống hôm nay.
Rút ra bài học và liên hệ đến bản thân.
Câu 2:
1. Mở bài:
Giới thiệu tác giả Thanh Hải, bài thơ Mùa xuân nho nhỏ và dẫn dắt vào hai khổ thơ đầu tiên.
2. Thân bài:
a. Khổ thơ thứ nhất
Hai câu thơ đầu: một bông hoa tím biếc đang mọc lên giữa dòng sông nước xanh như ngọc thật nhẹ, thật hài hòa mà cũng rất dễ thương. Gam màu ấy đã được tô vẽ vào bức tranh thật khéo léo, tài tình, làm cho người đọc hình dung ra ngay trước mắt cả một bông hoa tím biếc, thật nhỏ, thật xinh, cũng có đủ khả năng để nhuộm tím cả bầu trời, cả không gian mùa xuân đang căng tràn sức sống.
→ Cảnh vật mùa xuân bình dị, giản đơn, và thâm trầm, tĩnh lặng.
Hai câu thơ tiếp: âm thanh của con chim chiền chiện hót vang trời làm xao xuyến cả đất trời, cả tâm hồn của người thi sĩ bằng những từ ngữ cảm thán như “ơi, hót chi”. Cả bầu không gian tĩnh lặng giờ đây trở nên sôi động, tưng bừng sức sống. Âm thanh tiếng chim hót tưởng chừng như nhỏ bé nhưng trong cái tĩnh lặng, nó như bao quát cả đất trời.
Hai câu thơ cuối: tiếng chim không chỉ ngân vang trên không trung và đất trời mà giờ đây nó đã cô đọng thành giọt, có hình thù, kích thước nhất định, cách chuyển đổi cảm giác này tưởng chừng vô lí nhưng lại rất hợp lí, làm nổi bật khung cảnh mù xuân với dòng sông, bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện cùng người thi sĩ khiến cho bức tranh trở nên bình dị mà vẫn tươi đẹp.
b. Khổ thơ thứ hai
“Lộc” ở đây có thể hiểu là sức mạnh dân tộc, “lộc trải dài nương mạ” là sự hối hả xôn xao cho một mùa màng mới, cho đồng ruộng vẫn mãi mãi bạt ngàn một màu xanh.
“Người cầm súng và “người ra đồng” là hai lực lượng chính dựng xây Tổ quốc. Đây là mùa xuân trách nhiệm gắn với ý thức bảo vệ dân tộc. Người ra trận phải đổ máu, người ra đồng phải đổ mồ hôi nước mắt. Máu, mồ hôi, nước mắt của nhân dân ta đã góp phần giữ lấy mùa xuân mãi mãi của dân tộc.
Từ “cứ” đặt đầu câu thơ như một sự khẳng định, thể hiện một chân lí đơn giản mà thiêng liêng. Có thể nói bao nỗi nhọc nhằn, đắng cay của dân tộc được đáp lại bằng những mùa xuân tiếp nối vô tần.
3. Kết bài:
Khái quát lại nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ đồng thời nêu cảm nghĩ về giá trị của tác phẩm.
I. Đọc hiểu văn bản (3,0 điểm):
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Học trò con trai ma quỷ
học trò con gái thần tiên
thầy xếp thần tiên ngồi kèm ma quỷ
Bén hơi ma quỷ ghẹo thần tiên
lập lòe đom đóm vĩnh cửu
ô mai đổi kẹo bạc hà
Lấm láp trang đời mỗi dày mỗi kịch
tuổi học trò đồng nghĩa với trang thơ
thời gian không mất trắng bao giờ
Câu chuyện học trò không đầu không cuối
tình ý học trò quả me chua loét
lưu bút mùa hoa phượng cháy không nguôi
Lá thư học trò vu vơ dấm dúi
nỗi nhớ học trò chấp chới suốt đời nhau
đẹp như là không đâu vào đâu.
(Kính gửi tuổi học trò - Nguyễn Duy, 36 bài thơ, NXB Lao động, 2007, tr. 71-72)
Câu 1 (0,5 điểm): Thể thơ gì được Nguyễn Duy sử dụng ở bài thơ trên?
Câu 2 (0,75 điểm): Em hiểu như thế nào về hai câu thơ: Học trò con trai ma quỷ/học trò con gái thần tiên?
Câu 3 (0,75 điểm): Nêu các từ láy có mặt trong bài thơ và nêu tác dụng.
Câu 4 (1,0 điểm): Từ gợi ý của bài thơ trên, hãy nêu cảm nghĩ về chủ đề: Tuổi học trò đồng nghĩa với trang thơ.
II. Làm văn (7,0 điểm):
Câu 1 (2,0 điểm): Nêu suy nghĩ của em về ý kiến: “Cần cù bù thông minh”.
Câu 2 (5,0 điểm): Cảm nhận khổ thơ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.
I. Đọc hiểu văn bản
Câu 1:
Ở bài thơ trên đây, tác giả sử dụng thể thơ tự do. Dấu hiệu để nhận biết: các câu thơ có số tiếng không đều nhau.
Câu 2:
Câu thơ Học trò con trai ma quỷ nói về sự nghịch ngợm của các cậu học trò; câu học trò con gái thần tiên khẳng định nét đẹp đẽ, duyên dáng của nữ học sinh.
Câu thơ Học trò con trai ma quỷ gợi nhớ về thành ngữ/ tục ngữ Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò
Câu 3:
Trong bài thơ, tác giả đã sử dụng các từ láy: lập lòe, đom đóm, lấm láp, vu vơ, dấm dúi, chấp chới.
Tác dụng: miêu tả chân thực, rõ nét hơn về những kỉ niệm của tuổi học trò.
Câu 4:
Nêu cảm nghĩ:
- Tuổi học trò rất đẹp, nhiều mộng mơ, ngây thơ với những rung động đầu đời, những kỉ niệm đẹp đẽ không bao giờ quên.
- Tuổi học trò cũng nhiều những tinh nghịch, những bướng bỉnh,… nhưng tất cả sẽ lưu giữ mãi mãi trong kí ức mỗi người về một thời đẹp nhất.
II. Làm văn:
Câu 1:
1. Mở bài:
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Cần cù bù thông minh.
2. Thân bài:
a. Giải thích
Cần cù: nỗ lực học tập, lao động không ngừng nghỉ; luôn sẵn sàng tìm tòi, mày mò những điều mới mẻ, cố gắng hơn người khác trong cuộc sống → là một đức tính tốt đẹp mà con người ai cũng cần rèn luyện.
Ý câu nói nhắn nhủ chúng ta rằng trong cuộc sống không phải ai cũng được ông trời phú cho trí thông minh. Con người muốn tài giỏi phải trải qua quá trình rèn luyện, trau dồi mới nên người, chính vì thế, hơn hết, chúng ta cần sống với lòng cần cù, chăm chỉ, nỗ lực vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống.
b. Phân tích
Cần cù chăm chỉ giúp chúng ta tạo ra nhiều hơn của cải vật chất phục vụ đời sống cá nhân và góp phần làm phát triển xã hội.
Trong cuộc sống không phải ai cũng vốn thông minh, nhanh nhẹn, biết cố gắng, chăm chỉ sẽ không khiến chúng ta tụt lùi về phía sau so với những người khác.
Người không rèn luyện cho mình đức tính cần cù chăm chỉ sẽ nảy sinh nhiều tính xấu khác như: ỷ lại, dựa dẫm vào người khác,…
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy những dẫn chứng để minh họa cho bài làm văn của mình.
Gợi ý: chủ tịch Hồ Chí Minh cần cù chăm chỉ nên người đã sống được ở nước ngoài và tiếp thu thành công nền tinh hoa của họ; thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí cần cù chăm chỉ nên đã dùng chân và viết được những nét chữ rất đẹp,…
d. Phản đề
Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người chỉ ưa dựa dẫm vào người khác, không cố gắng vươn lên, chăm chỉ lao động mà chỉ tập trung vào thú vui, đam mê của bản thân,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn phê phán.
3. Kết bài:
Khái quát lại vấn đề nghị luận: Cần cù bù thông minh; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.
Câu 2:
1. Mở bài:
Giới thiệu tác giả Thanh Hải, bài thơ Mùa xuân nho nhỏ và khổ thơ 4 và 5.
2. Thân bài:
a. Khổ thơ thứ 4
Ước muốn của tác giả: trở thành con chim, làm cành hoa: những thứ giản dị mà đẹp đẽ tô điểm cho cuộc đời một cách thầm lặng mà ý nghĩa.
Điệp cấu trúc câu: “Ta làm…” nhấn mạnh khát vọng sống hòa nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp, dù nhỏ bé, của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước
Muốn mang đến cho cuộc đời những giai điệu đẹp đẽ, ý nghĩa. Trong bản nhạc rộn rã của cuộc đời, tác giả chỉ muốn làm một nốt trầm nhưng cũng đủ làm xao xuyến lòng người. → Thể hiện sự khiêm tốn.
→ Một ước mơ nho nhỏ, chân tình, không cao siêu vĩ đại mà gần gũi quá, khiêm tốn và đáng yêu. Hình ảnh nhuần nhị, tự nhiên, chân thành, giọng thơ nhè nhẹ, êm ái, ngọt ngào.
b. Khổ thơ thứ 5
Khao khát cống hiến của tác giả: muốn được dâng hiến tuổi trẻ của mình cho đất nước xuyên suốt cuộc đời của mình dù là khi đang trong độ tuổi hai mươi thanh xuân tươi đẹp hay khi mái tóc đã bạc trắng.
“Lặng lẽ”: sự cống hiến trong âm thầm, yên lặng nhưng nồng nhiệt, hết mình, không phô trương.
Điệp từ “dù là” như là một lời hứa, cũng là một lời tự nhủ với lương tâm sẽ mãi mãi là mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân rộng lớn của quê hương, đất nước.
→ Bốn câu thơ thể hiện tình yêu thương, một lời hứa, một lời tự nhủ với bản thân sẽ sống hết mình và cống hiến nhiệt tình cho tổ quốc mến yêu bằng cả cuộc đời mình - Một mùa xuân nho nhỏ.
3. Kết bài:
Khái quát lại giá trị nội dung, nghệ thuật của khổ thơ 4 và 5 và tác phẩm
►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về 2 bộ đề thi cuối học kì 2 môn Văn lớp 9 - Phần 1 năm 2022 có lời giải chi tiết, đây đủ nhất file tải PDF hoàn toàn miễn phí!