Giải thích lý do tổ chức một kỳ thi riêng, ông Trung cho biết trong điều kiện kỳ thi tốt nghiệp THPT có mục đích chính là xét tốt nghiệp, nhà trường cần một kỳ thi có tính phân loại cao để đánh giá năng lực người học, đảm bảo chuẩn đầu vào nhưng vẫn bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành để tạo thuận lợi cho thí sinh.
Địa điểm và thời gian dự kiến tổ chức thi ĐGNL Đại học Ngân Hàng TP. HCM
Trường dự kiến tổ chức 6 đợt thi trong tháng 4 và tháng 5 ở TP HCM và một số tỉnh phía Nam. Lệ phí thi sẽ được công bố vào đầu tháng 3. Trung tâm Khảo thí Quốc gia trực thuộc Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) là đơn vị hỗ trợ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, cung cấp phần mềm tổ chức thi trên máy tính và truyền dữ liệu thi vào hệ thống máy chủ và máy tính dự thi của thí sinh.
Theo ông Trung, 90% câu hỏi thuộc chương trình lớp 12, 10% còn lại là kiến thức lớp 10, 11. Do đó, thí sinh chỉ cần sử dụng những kiến thức đã học ở trường để làm bài, không cần luyện thi.
Ngoài trường Đại học Ngân hàng TP HCM, tám đơn vị khác cũng thông báo tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển đầu vào, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP HCM, Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Sư phạm TP HCM, trường Đại học Việt Đức và Bộ Công an.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả phương thức.