Logo

Đề thi thử môn Văn THPT Quốc gia 2022 trường THPT Trần Quốc Tuấn (Có đáp án)

Cập nhật mới nhất đề thi thử môn Văn THPT Quốc gia 2022 trường THPT Trần Quốc Tuấn có đáp án và hướng dẫn giải chi tiết. Hỗ trợ các em học sinh ôn luyện giải đề đạt hiệu quả nhất.
5.0
1 lượt đánh giá

Nhằm đáp ứng nhu cầu ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tốt nhất, chúng tôi xin giới thiệu đến các em học sinh và quý thầy cô bộ đề thi thử môn Văn 2022 THPT Quốc gia của trường cấp ba Trần Quốc Tuấn biên soạn chính thức.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia 2022 môn Ngữ văn của trường cấp 3 Trần Quốc Tuấn được trình bày chi tiết và hỗ trợ file tải về định dạng pdf đầy đủ dưới đây giúp các em làm quen và nắm vững kiến thức trọng tâm cũng như phương pháp giải các loại đề thi thử đại học môn Văn tốt nhất.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn 2022 trường THPT Trần Quốc Tuấn

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Có rất nhiều người đang sống mà quên đi ước mơ của mình. Họ đi trên con đường được định sẵn mà chẳng bao giờ buồn và chất vấn về điều ấy.

Bạn có chất vấn về nó. Tất cả chúng ta đều phải vẽ nên lộ trình riêng, lộ trình sẽ dẫn chúng ta đến nơi chúng ta muốn, chứ không phải nơi người khác bảo chúng ta nên đến. Bạn có thích công việc mình đang làm để mưu sinh không? Nếu câu trả lời là “không”, bạn đã đi sai đường. Bạn có hài lòng với lối sống hiện tại của mình không? Vị trí hiện tại của bạn có thể giúp ích được cho người khác không? Nếu “không” bạn đã đi sai đường. Nếu bạn bị sa thải ngay ngày hôm nay, liệu bạn có thể thành lập công ti riêng không? Nếu “không” bạn đã đi sai đường… “Nếu bạn không xây dựng giấc mơ của mình thì người khác sẽ thuê bạn xây dựng giấc mơ của họ”.

Câu nói này xuất phát từ tâm hồn tôi, và tôi đã khắc cốt ghi tâm nỗi đau từ chân lý của câu nói ấy. Tôi cảm thấy dù có làm việc cho người khác thì công việc đó cũng nên là công việc mà ta mơ ước. Nếu không, chúng ta nên xây dựng công việc mơ ước mà cuối cùng nó sẽ thay thế công việc thường nhật của chúng ta. Hãy để một chiếc máy tính hoặc lũ rô - bốt làm những công việc văn phòng vô nghĩa và nhàm chán. Một con người thì không nên làm một công việc vô nghĩa, nhàm chán trong thế giới này […]. Tôi đã từng làm nhiều công việc không cần động não và chúng chỉ làm tốn thời gian và năng lượng mà thôi. Ấy thế nhưng đó là con đường được định sẵn cho rất nhiều người trong chúng ta.

[…] Trong lúc còn đi học, bạn cũng nên dành thời gian để tự nghiệm mình. Hãy tìm hiểu bản thân. Hãy yêu lấy chính mình. Hãy vẽ nên những giấc mơ từ sâu tận đáy trái tim. Hãy chất vấn về con đường được định sẵn. Đừng sợ đi đường vòng. Đừng ngại phải vẽ nên con đường chạm tới một đích đến mới.

(Tony A.Gaskins, Phạm Trần Thoại Như dịch – “The Dream Chaser”, NXB Dân Trí, tr.11)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2: Theo tác giả trong lúc còn đi học bạn cần làm gì?

Câu 3: Anh/ chị hiểu nghĩa câu sau như thế nào?

“Đừng sợ đi đường vòng. Đừng ngại phải vẽ nên con đường chạm tới một đích đến mới.”

Câu 4: Anh (chị) có đồng tình với quan điểm của tác giả “Hãy vẽ nên những giấc mơ từ sâu tận trái tim” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN: (7.0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ đoạn ngữ liệu ở phần Đọc- hiểu, anh/ chị viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) nói lên suy nghĩ bản thân về sự cần thiết của tính chủ động để có thể ‘‘vẽ nên lộ trình riêng cho mình” trong tương lai.

Câu 2: (5,0 điểm)

Phân tích cảm hứng về Đất Nước trong đoạn trích sau:

“...Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu

Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi.

(“Đất Nước” – Trích Trường ca mặt đường khát vọng; Nguyễn Khoa Điềm)

Từ đó, nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hoá dân gian của nhà thơ.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2022 trường THPT Trần Quốc Tuấn

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2: Theo tác giả trong lúc còn đi học bạn cần: dành thời gian để tự nghiệm mình. Hãy tìm hiểu bản thân. Hãy yêu lấy chính mình. Hãy vẽ nên những giấc mơ từ sâu tận đáy trái tim. Hãy chất vấn về con đường được định sẵn.

Đừng sợ đi đường vòng. Đừng ngại phải vẽ nên con đường chạm tới một đích đến mới.

Câu 3: Câu nói: “Đừng sợ đi đường vòng. Đừng ngại phải vẽ nên con đường chạm tới một đích đến mới.”

-> Lời khuyên : đừng sợ khó khăn, trở ngại; mỗi chúng ta cần mạnh dạn chủ động trong việc tìm ra những hướng đi mới, và riêng để đạt được thành công

Câu 4: Đây là câu hỏi mở thí sinh có thể trả lời đồng tình, hoặc không đồng tình.

Điều cơ bản là thí sinh phải lí giải sao cho hợp lí .

Có thể theo hướng sau: đồng tình. Vì :

Giấc mơ chính là những hoài bão, khát vọng, lí tưởng sống cao đẹp mà con người vạch ra để có động lực phấn đấu. Trong quá trình thực hiện giấc mơ có rất nhiều khó khăn và trở ngại, vì vậy mỗi người cần thực hiện giấc mơ với sự đam mê, nhiệt huyết thật sự của bản thân mới có thể thực hiện được giấc mơ đó của mình.

II. LÀM VĂN:

Câu 1. 

Học sinh có thể trình bày nhiều cách, nhưng cần có những nội dung cơ bản sau:

- Giải thích: Chủ động là tự mình hành động, không bị chi phối bởi người khác hoặc hoàn cảnh bên ngoài.

Sống ở thế chủ động là hành động độc lập với hoàn cảnh xung quanh, làm chủ được tình thế, dám nghĩ, dám hành động trên tất cả mọi lĩnh vực, chủ động tìm tòi, chủ động đề nghị, chủ động dấn thân…

- Bàn luận:

Học sinh cần tính chủ động để có thể ‘‘vẽ nên lộ trình riêng cho mình” trong tương lai

  • Trong thời điểm dịch Covid bùng phát, HS phải chủ động, tự giác trong học tập. Việc chủ động ấy, giúp hs người tự tin, bản lĩnh, linh hoạt thích ứng trong mọi tình huống để vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu, khát vọng, ước mơ;
  • Sống ở thế chủ động cần thiết trong môi trường xã hội hôm nay, là một thái độ tích cực của tuổi trẻ trong thời đại toàn cầu hóa, đặc biệt không thể thiếu đối với công dân toàn cầu.
  • Cần phê phán những bạn hs sống dựa dẫm, thụ động, hay đỗ lỗi cho hoàn cảnh

Câu 2:

1. Mở bài:

- Giới thiệu được vấn đề nghị luận.

2. Thân bài:

2.1. Giới thiệu khái quát chung:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm Trường ca “Mặt đường khát vọng” (hoàn cảnh ra đời, mục đích sáng tác,..), vị trí của đoạn trích,..

2.2. Phân tích đoạn thơ:

a. Cảm nhận về đất nước hướng đến tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” trên phương diện văn hóa

-“Đất Nước của ca dao thần thoại”. Nhắc đến ca dao thần thoại, ta lại càng nhớ đến nhân dân, vì hơn ai hết, nhân dân lại là người sáng tạo ra văn hóa dân gian. Đất nước của “ca dao thần thoại” nghĩa là Đất Nước đẹp như vầng trăng cổ tích, ngọt ngào như ca dao, như nguồn sữa mẹ nuôi ta lớn nên người. Và không phải ngẫu nhiên tác giả nhắc tới hai thể loại tiêu biểu nhất của văn học dân gian.

+ “Thần thoại” thể hiện cuộc sống qua trí tưởng tượng bay bổng của nhân dân.

+ Còn “ca dao” bộc lộ thế giới tâm hồn của nhân dân với tình yêu thương, với sự lãng mạn cùng với tinh thần lạc quan.

+ Đó là những tác phẩm do nhân dân sáng tạo, lưu truyền và có khả năng phản chiếu tâm hồn, bản sắc dân tộc một cách đậm nét nhất.

- Và khi nói đến “Đất nước của Nhân dân” một cách tự nhiên, tác giả trở về với cội nguồn phong phú đẹp đẽ của văn hóa, văn học dân gian mà tiêu biểu là trong ca dao. Ở đây, tác giả chỉ chọn lọc ba câu ca dao tiêu biểu để nói về ba phương diện quan trọng nhất của truyền thống nhân dân, dân tộc:“Dạy anh… dài lâu”

+ Ở phương diện thứ nhất, Nguyễn Khoa Điềm nhấn mạnh về tình cảm thủy chung trong tình yêu của con người Việt Nam.

+ Ở phương diện thứ hai, Nhân dân gìn giữ và truyền lại cho ta quan niệm sống đẹp đẽ, sâu sắc.

+ Ở phương diện thứ ba, nhân dân đã dạy ta phải biết quyết liệt trong căm thù và chiến đấu

- Đoạn trích khép lại tư tưởng đất nước nhân dân nhưng lại ngời lên trăm dáng, trăm màu của dòng sông văn hóa, đậm đà hương sắc dân gian, linh hồn Việt...

-> Từ đó có thể khẳng định: nhân dân đã làm ra văn hóa, làm ra đất nước bằng chính tinh cách, lẽ sống tâm hồn con người Việt Nam.

- Bình luận:

+ Có thể nói, tuổi trẻ thế hệ Nguyễn Khoa Điềm đã nhận thức được một cách sâu sắc: Nhân dân là người làm nên lịch sử, làm ra văn hóa đất nước bằng tất cả tình cảm trân trọng và yêu thương. Suy tư và nhận thức này của nhà thơ là tư tưởng nghệ thuật đã trở thành truyền thống trong văn học Việt Nam.Từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu …đã từng nói lên nhận thức về vai trò của nhân dân trong lịch sử. Đến các nhà thơ, nhà văn trong thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhận thức ấy đã được nâng lên thành một tư tưởng có tầm cao mới.

b. Nghệ thuật:

- Giọng thơ nhẹ nhàng tha thiết, trang trọng.

- Ý thơ giàu chất chính luận; ngôn ngữ thơ mộc mạc.

- Sử dụng sáng tạo chất liệu văn hóa dân gian.

c. Nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hoá dân gian của nhà thơ:

- Chất liệu dân gian được sử dụng rất đa dạng, phong phú, tất cả đều gần gũi, quen thuộc với mỗi con người Việt Nam;

- Cách vận dụng độc đáo, sáng tạo ca dao, tục ngữ,...

- Chất liệu văn hóa, văn học dân gian được sử dụng đậm đặc đã tạo nên một không gian nghệ thuật riêng của đoạn trích, vừa bình dị, gần gũi, hiện thực, lại vừa giàu tưởng tượng, bay bổng, mơ mộng. Hơn nữa, có thể nói chất dân gian đã thấm sâu vào tư tưởng và cảm xúc của tác giả, tạo nên một đặc điểm trong tư duy nghệ thuật của nhà thơ.

3. Kết bài: (...)

Tham khảo thêm:

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về đề thi thử Văn THPT Quốc gia năm 2022 trường THPT Trần Quốc Tuấn có lời giải chi tiết, đây đủ nhất file tải PDF hoàn toàn miễn phí!

Đánh giá bài viết
5.0
1 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status