Logo

Đề thi thử môn Văn THPT Quốc gia 2022 trường THPT Vĩnh Linh - Lần 1 (Có đáp án)

Cập nhật mới nhất đề thi thử môn Văn THPT Quốc gia 2022 trường THPT Vĩnh Linh - Lần 1 tỉnh Quảng Trị có đáp án và hướng dẫn giải chi tiết. Hỗ trợ các em học sinh ôn luyện giải đề đạt hiệu quả nhất.
5.0
1 lượt đánh giá

Nhằm đáp ứng nhu cầu ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tốt nhất, chúng tôi xin giới thiệu đến các em học sinh và quý thầy cô bộ đề thi thử môn Văn 2022 THPT Quốc gia của trường cấp ba Vĩnh Linh, Quảng Trị - lần 1 biên soạn chính thức.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia 2022 môn Ngữ văn của trường cấp 3 Vĩnh Linh, Quảng Trị - lần 1 được trình bày chi tiết và hỗ trợ file tải về định dạng pdf đầy đủ dưới đây giúp các em làm quen và nắm vững kiến thức trọng tâm cũng như phương pháp giải các loại đề thi thử đại học môn Văn tốt nhất.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn 2022 trường THPT Vĩnh Linh - Lần 1

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản:

HOA VÀ ĐẤT

(1) Khi con ra đời

Cha gọi con là nụ hoa

Cha gọi con là ngọn gió

Cha gọi con là mặt trời

Cha gọi con bằng tất cả

Những từ ngữ đẹp nhất trên đời.

(2) Khi ấy

phía sau vầng trán của con là bóng mẹ

rất âm thầm

Mẹ không làm thơ không viết văn

nên chỉ gọi con bằng con của mẹ.

Đôi mắt mẹ thâm quầng thiếu ngủ

bao nhiêu đêm con khó nhọc trong người

mẹ gầy đi, mẹ nhỏ nhoi

đi đứng, ra vào như chiếc bóng

để dành cho cha niềm hạnh phúc

cho cha chạy nhảy trong nhà

cho cha đích thực được làm cha

mẹ tiêu hao quá nhiều sinh lực

cha chỉ thức vài hôm

Mẹ có mấy khi được ngủ

nằm xuống, ngồi lên đêm hóa thành ngày

dòng sữa dành cho con

Mẹ nổi gân tay

Đã có bài thơ nào cho mẹ của con đây

Cha không nhớ ra một điều đơn giản nhất

nụ hoa nào có thể ra đời

thiếu sự cưu mang của đất.

(Hoa và đất, Đỗ Trung Quân, dẫn theo thivien.net)

Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản.

Câu 2. Hãy chỉ ra những dòng thơ nào trong đoạn (2) nhắc đến mối quan hệ không thể thiếu giữa “hoa” và “đất”?

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của phép điệp ngữ, điệp cấu trúc trong đoạn (1)?

Câu 4. Thông điệp nào của văn bản có ý nghĩa nhất với anh/chị?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa đức hi sinh của người mẹ.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong phút chốc, ngồi trước mặt chúng tôi lại vẫn là một người đàn bà lúng túng đầy sợ sệt, nhưng có vẻ thông cảm với chúng tôi hơn. Mụ bắt đầu kể:

- Từ nhỏ tuổi tôi đã là một đứa con gái xấu, lại rỗ mặt, sau một bận lên đậu mùa. Hồi bấy giờ nhà tôi còn khá giả, nhà tôi trước ở trong cái phố này. Cũng vì xấu, trong phố không ai lấy, tôi có mang với một anh con trai một nhà hàng chài giữa phá hay đến nhà tôi mua bả về đan lưới. Lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi.

Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình:

- Giá tôi đẻ ít đi hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn, từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trước kia vào các vụ bắc, ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối... cũng nghèo khổ, túng quẫn đi vì trốn lính - bỗng mụ đỏ mặt - nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật.

- Vậy sao không lên bờ mà ở - Đẩu hỏi.

- Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được!

- Ở trên thuyền có bao giờ lão ta đánh chị không? - Tôi hỏi.

- Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu... Giá mà lão uống rượu... thì tôi còn đỡ khổ... Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão... đưa tôi lên bờ mà đánh...

- Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được! - Đẩu và tôi cùng một lúc thốt lên.

- Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông...

- Phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu, - bất ngờ Đẩu trút một tiếng thở dài đầy chua chát, - trên thuyền phải có một người đàn ông... dù hắn man rợ, tàn bạo?

- Phải - Người đàn bà đáp - Cũng có khi biển động sóng gió chứ chú?

Lát lâu sau mụ lại mới nói tiếp:

- Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con, nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó! - Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười - vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.

- Cả đời chị có một lúc nào thật vui không? Đột nhiên tôi hỏi.

- Có chứ, chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no...

(Trích Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2008, tr. 75 - 76)

Anh/Chị hãy phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích trên; từ đó, rút ra nhận xét về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Nguyễn Minh Châu được thể hiện trong đoạn trích.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2022 trường THPT Vĩnh Linh (Lần 1)

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Văn bản trên thuộc PCNN nghệ thuật

Câu 2. Những dòng thơ:

nụ hoa nào có thể ra đời

thiếu sự cưu mang của đất.

Câu 3. - Chỉ ra biện pháp tu từ:

+ Điệp ngữ: lặp lại cụm từ “Cha gọi con là”

+ Điệp cấu trúc: lặp cấu trúc câu “Cha gọi con là…”

- Tác dụng:

+ Tạo nhịp điệu cho lời thơ, giúp cho lời thơ giàu hình ảnh, giàu sức gợi.

+ Nhấn mạnh: với cha, con như là mọi điều đẹp đẽ và quý giá nhất. Qua đó, đoạn thơ diễn tả tình yêu tha thiết, niềm hạnh phúc vô bờ của người cha khi nói về con.

Câu 4. Học sinh rút ra một thông điệp có ý nghĩa nhất đối với bản thân.

Có thể theo gợi ý sau: Tình yêu gia đình; cách yêu thương của cha, mẹ; đức hi sinh của mẹ; chữ hiếu…

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ đức hi sinh của người mẹ. Có thể theo hướng sau:

- “Đức hi sinh” là sự quên mình vì người khác. Đây là một trong những phẩm chất quý giá của người mẹ.

- Biểu hiện của đức hi sinh ở mẹ: yêu thương con vô điều kiện, từ việc sinh thành, dưỡng dục…. mẹ đều chấp nhận khổ cực, vất vả, sự hạn chế về thời gian, sự xấu xí về vóc dáng, nhan sắc…

-> Đức hi sinh của người mẹ bao la, không bao giờ ngừng nghỉ, không bao giờ mong được đáp trả.

- Ý nghĩa của đức hi sinh của người mẹ:

+ Để giúp con cái có một cuộc sống đầy đủ nhất, những gì tốt đẹp nhất…

+ Giúp cho mối quan hệ gia đình trở nên gắn bó, khăng khít hơn.

-> Đức hi sinh của người mẹ thật cao đẹp, cần được ngợi ca, tôn trọng.

- Nguồn gốc của đức hi sinh: Tình yêu con tha thiết, bao la

- Bàn bạc, mở rộng: Sự hi sinh vô điều kiện đó có thể làm cho con cái ỉ lại, hư hỏng, sống ích kỉ, vô ơn…

- Bài học liên hệ: Con cái cần có thái độ biết ơn, tôn trọng mẹ, nỗ lực phấn đấu thành công trong cuộc sống để mẹ an tâm, tự hào…

Câu 2:

* Giới thiệu khái quát về tác giả, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa và vấn đề NL + dẫn đoạn trích.

* Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích “Trong phút chốc… ăn no.” Từ đó, rút ra nhận xét về tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Minh Châu được thể hiện trong đoạn trích.

**Giới thiệu ngắn gọn về nhân vật người đàn bà hàng chài:

- Không có tên cụ thể

- Tuổi trạc 40.

- Dáng vóc thô kệch, mặt rỗ, sắc thái mỏi mệt. Ngoại hình của người đàn bà đã vẽ nên diện mạo lam lũ, nhọc nhằn...

- Thái độ cam chịu những trận đòn của người chồng.

**Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong câu chuyện tại tòa án huyện:

Qua thái độ, cách xưng hô, lời kể (cũng là lời giải thích lí do xin không bỏ chồng) của người đàn bà, ta thấy:

- Cuộc đời lấm láp nỗi khổ: từ nạn bạo hành, từ nghề mưu sinh vất vả, từ hoàn cảnh gia đình đông con...

- Vẻ đẹp tỏa sáng từ tính cách, tâm hồn:

+ Lòng bao dung, nhân ái, vị tha: chị nhận tất cả lỗi về mình, nhận hết trách nhiệm về mình.

+ Sự thấu hiểu lẽ đời: Chị hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành động vũ phu của chồng. Chị không coi chồng là thủ phạm gây ra nỗi khổ đời mình...

+ Đức hi sinh, lòng thương con vô bờ bến: Chị quan niệm lấy chồng thì phải  theo chồng rồi phải nuôi con khôn lớn. Chị chấp nhận tất cả vì con. Chị không muốn con bị tổn thương về tâm hồn. Tình thương con của chị không chỉ gắn liền với cảm xúc, tình cảm mà còn là lí trí, trách nhiệm của một người mẹ.

+ Niềm khát khao hạnh phúc bình dị đời thường.

- Nghệ thuật đặc sắc: Đặt nhân vật trong tình huống cụ thể, thông qua sự phát hiện và nhận thức của Phùng và Đẩu, sử dụng chi tiết nghệ thuật đặc sắc (chi tiết miêu tả thái độ, giọng điệu, lời nói..), ngôn từ giản dị mà sâu sắc...

**Nhận xét về tư tưởng nhân đạo của tác giả thể hiện trong đoạn trích:

- Thể hiện tấm lòng thương cảm, thấu hiểu sâu sắc của tác giả cho số phận và cuộc đời của người đàn bà hàng chài - những người dân vùng biển luôn có cuộc sống bấp bênh, lam lũ, vất vả.

- Khẳng định, trân trọng và ngợi ca vẻ đẹp tính cách, tâm hồn của người phụ nữ lao động và đặt niềm tin tốt đẹp ở họ.

- Thương cho một kiếp người như gã chồng bị thay đổi tính cách do môi trường, hoàn cảnh sống.

- Tố cáo những hậu quả mà chiến tranh để lại trên đất nước ta: đói nghèo, lạc hậu, sự thiếu hụt về tri thức, sự kém hiểu biết về kế hoạch hóa gia đình...

**Đánh giá chung

- Đoạn trích góp phần khắc họa hoàn chỉnh, thành công, ấn tượng về nhân vật người đàn bà hàng chài; từ đó góp phần thể hiện quan niệm của Nguyễn Minh Châu về cách nhìn nhận, đánh giá con người và cuộc sống.

- Người đàn bà hàng chài được khắc họa trong đoạn trích là hình ảnh đẹp, tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, cho dù bao sóng gió dập vùi nhưng vẫn không làm mất đi vẻ đẹp phẩm chất ở họ.

- Tinh thần nhân đạo của Nguyễn Minh Châu chính là tấm lòng yêu thương, thông cảm, trăn trở của nhà văn trong việc khám phá, phát hiện đời sống và con người trên bình diện đạo đức thế sự.

Tham khảo thêm:

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về đề thi thử Văn THPT Quốc gia năm 2022 trường THPT Vĩnh Linh - Lần 1 có lời giải chi tiết, đây đủ nhất file tải PDF hoàn toàn miễn phí!

Đánh giá bài viết
5.0
1 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status