Nội dung bài viết
Chúng tôi sưu tầm và giới thiệu các em tài liệu đề thi thử lớp 10 môn Văn THCS Thường Thắng năm 2021 (Lần 1) có lời giải đi kèm, từ hệ thống kho đề thi tuyển sinh vào lớp 10 trên cả nước. Nhằm giúp các em ôn tập, rèn luyện giải các dạng đề thi khác nhau để chuẩn bị tốt cho kì thi chuyển cấp quan trọng của các em học sinh lớp 9.
Câu 1 (3,0 điểm). Đọc các sự việc sau và trả lời các câu hỏi:
- Ở ngã tư đường, một ông lão bị tai nạn xe. Nhiều người thấy ông lão đau đớn ngồi bên vệ đường nhưng họ chỉ mặc kệ lướt qua.
- Mẹ Nam đi làm về mệt. Mẹ có nhờ Nam nấu hộ bữa cơm. Nam thản nhiên đáp: “Không được, con bận đi đá bóng với các bạn rồi”
a. Xét theo mục đích nói, câu văn sau thuộc kiểu câu gì?
Nhiều người đi đường thấy ông lão đau đớn ngồi bên vệ đường nhưng họ chỉ mặc kệ lướt qua.
b. Xác định lời dẫn trực tiếp có trong các sự việc trên.
c. Em có đồng ý với việc bạn Nam trả lời mẹ trong sự việc nêu trên không? Vì sao?
d. Hai sự việc trên muốn nhắc tới hiện tượng nào trong giới trẻ hiện nay?
Câu 2 (2.0 điểm).
Hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về bệnh vô cảm.
Câu 3 (5.0 điểm). Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm"
(Trích Kiều ở lầu Ngưng Bích - Truyện Kiều - Nguyễn Du, Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục, 2014, tr.93).
Câu 1 (3,0 điểm). Đọc các sự việc sau và trả lời các câu hỏi:
a. Xét theo mục đích nói, câu văn: "Nhiều người đi đường thấy ông lão đau đớn ngồi bên vệ đường nhưng họ chỉ mặc kệ lướt qua." thuộc kiểu câu trần thuật.
b. Lời dẫn trực tiếp: Nam thản nhiên đáp: “Không được, con bận đi đá bóng với các bạn rồi”
c. Bày tỏ quan điểm của cá nhân em: đồng ý hay không đồng ý, có giải thích vì sao em lại lựa chọn như vậy.
d. Hai sự việc trên muốn nhắc tới hiện tượng bệnh vô cảm trong giới trẻ hiện nay.
Câu 2.
Để viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về bệnh vô cảm. thì đầu tiên các em cần:
- Giải thích được bệnh vô cảm là gì?
- Trong tình huống đưa ra trong đề thi đã thể hiện bệnh vô cảm như thế nào?
- Em có suy nghĩ gì về vấn đề này?
- Bài học em rút ra được?
Câu 3.
Hướng dẫn:
Nội dung chính: Nỗi thương nhớ Kim Trọng và cha mẹ của Kiều.
- Chính trong hoàn cảnh cô đơn nơi đất khách quê người, tâm trạng của Kiều chuyển từ buồn sang nhớ. Kiều nhớ người yêu, nhớ cha mẹ. Nỗi nhớ ấy được Nguyễn Du miêu tả xúc động bằng những lời độc thoại nội tâm của chính nhân vật.
+ Trước hết, Kiều nhớ đến Kim Trọng bởi trong cơn gia biến, Kiều đã phải hi sinh mối tình đầu đẹp đẽ để cứu gia đình, Kiều đã phần nào "đền ơn sinh thành" cho cha mẹ. Vì thế trong lòng Kiều, Kim Trọng là người mất mát nhiều nhất, nỗi đau ấy cứ vò xé tâm can Kiều khiến Kiều luôn nghĩ đến Kim Trọng.
+ Nàng nhớ đến cảnh mình cùng Kim Trọng uống rượu thề nguyền dưới ánh trăng. Chữ "tưởng" ở đây có thể xem là một nhãn tự. Nguyễn Du không dùng chữ "nhớ" mà dùng chữ "tưởng". "Tưởng" vừa là nhớ, vừa là hình dung, tưởng tượng ra người mình yêu.
+Thúy Kiều như tưởng tượng thấy, ở nơi xa kia, người yêu cũng đang hướng về mình, đang ngày đêm đau đáu chờ tin nàng: "Tin sương luống những rày trông mai chờ".
- Rồi bất chợt, nàng liên tưởng đến thân phận "bên trời góc biển bơ vơ" của mình. Kiều băn khoăn tự hỏi: "Tấm son gột rửa bao giờ cho phai":
+ Câu thơ muốn nói tới tấm lòng son của Kiều, tấm lòng nhớ thương Kim Trọng sẽ không bao giờ phai mờ, nguôi quên dù cho có gặp nhiều trắc trở trong đường đời.
+ Câu thơ còn gợi ra một cách hiểu nữa: Tấm lòng son trong trắng của Kiều bị những kẻ như Tú Bà, Mã Giám Sinh làm cho dập vùi, hoen ố, biết bao giờ mới gột rửa được?
-> Trong bi kịch tình yêu, Thúy Kiều có nỗi đau về nhân phẩm.
- Nhớ người yêu, Kiều cũng xót xa nghĩ đến cha mẹ: Chữ "xót" diễn tả tấm lòng Kiều dành cho đấng sinh thành:
+ Nàng lo lắng xót xa nghĩ đến hình bóng tội nghiệp của cha mẹ, khi sáng sớm, lúc chiều hôm tựa cửa ngóng tin con, hay mong chờ con đến đỡ đần
+ Nàng lo lắng không biết giờ đây ai là người chăm sóc cha mẹ khi thời tiết đổi thay.
+ Nàng xót xa khi cha mẹ ngày một thêm già yêu mà mình không được ở bên cạnh để phụng dưỡng.
-> Tác giả đã sử dụng các thành ngữ "rày trông mai chờ", "quạt nồng ấp lạnh", "cách mấy nắng mưa" và các điển tích, điển cố "sân Lai, gốc Tử" để nói lên tâm trạng nhớ thương, lo lắng và tấm lòng hiếu thảo của Kiều dành cho cha mẹ.
Tổng kết: Trong cảnh ngộ khi ở lầu Ngưng Bích, Kiều là người đáng thương nhất nhưng nàng vẫn quên mình để nghĩ đến người yêu, nghĩ đến cha mẹ. Qua đó chứng tỏ Kiều là con người thủy chung hiếu nghĩa, đáng trân trọng.
→ Link tải miễn phí Đề thi thử vào lớp 10 Ngữ văn THCS Thường Thắng năm 2021 (Lần 1):
Ngoài nội dung trên, các em xem và tham khảo thêm tài liệu Ngữ văn như: soạn bài, đề thi, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra 15 phút trên lớp, đề cương ôn tập, những bài văn mẫu,... được cập nhật mới nhất tại chuyên trang của chúng tôi.