Nội dung bài viết
Để chuẩn bị cho kì thi vào vào lớp 10 sắp tới, chúng tôi sưu tầm và giới thiệu các em tài liệu Đề thi thử môn Văn vào lớp 10 trường trung học phổ thông Lâm Bình năm 2020 có lời giải đi kèm, từ hệ thống kho đề thi tuyển sinh vào lớp 10 trên cả nước. Nhằm giúp các em ôn tập, rèn luyện giải các dạng đề thi khác nhau để chuẩn bị tốt cho kì thi chuyển cấp quan trọng của các em học sinh lớp 9.
Phần I: Đọc - Hiểu (4,0 điểm)
Đọc khổ thơ sau và trả lời các câu hỏi
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”
(Trích sách Ngữ văn 9, tập hai, trang 58)
Câu 1. (1,0 điểm). Khổ thơ trên trích trong bài thơ nào? Nêu tên tác giả của bài thơ ấy? Nội dung chính của đoạn thơ trên là gì?
Câu 2. (1,0 điểm). Chỉ ra và phân tích ý nghĩa hình ảnh ẩn dụ trong hai câu thơ đầu.
Câu 3. (2,0 điểm). Em hãy viết đoạn văn (khoảng 200 từ) phát biểu cảm nhận của em về khổ thơ trên.
Phần II. Làm văn (6,0 điểm)
Phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà’’ của Nguyễn Quang Sáng.
Đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn 2020 THPT Lâm Bình
Phần 1: Đọc - Hiểu
Câu 1:
- Khổ thơ trên trích trong bài thơ "Viếng lăng Bác" của Viễn Phương.
- Nội dung chính của đoạn thơ: Nói lên sự tôn kính của tác giả, của nhân dân đối với Bác khi đứng trước lăng Người
Hình ảnh ẩn dụ “mặt trời trong lăng” thể hiện sự tôn kính biết ơn của nhân dân đối với Bác
Hình ảnh dòng người thành một tràng hoa trước lăng. sự tôn kính, biết ơn tự hào của tác giả cũng như của dân tộc
Việt Nam đối với Bác
Câu 2:
- Hình ảnh ẩn dụ trong khổ thơ trên là: mặt trời trong lăng
- Phân tích ý nghĩa của hình ảnh ẩn dụ: Tác giả đã ca ngợi sự vĩ đại của Bác, công lao của Bác đối với non sông đất nước. Đồng thời thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn của nhân dân đối với Bác, niềm tin Bác sống mãi với non sông, đất nước ta.
Câu 3:
1. Mở bài:
- Giới thiệu vài nét về tác giả Viễn Phương.
+ Viễn Phương (1928 - 2005) là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam với các tác phẩm khám phá, ca ngợi vẻ đẹp của nhân dân, đất nước trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm.
- Giới thiệu khái quát bài thơ Viếng lăng Bác:
+ Bài thơ "Viếng lăng Bác" (1976) được ông viết với tất cả tấm lòng thành kính, biết ơn và tự hào, pha lẫn nỗi đau xót của một người con từ miền Nam ra viếng Bác lần đầu.
2. Thân bài
2.1 Khái quát về bài thơ
- Hoàn cảnh sáng tác:
+ Tháng 4 năm 1976, một năm sau khi đất nước được giải phóng, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa khánh thành, Viễn Phương cùng đoàn đại biểu miền Nam ra thăm Hà Nội, vào lăng viếng Bác.
- Mạch cảm xúc chính: niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và tự hào pha lẫn nỗi xót đau khi nhà thơ ra viếng Bác.
2.2 Cảm nhận về nội dung
- Cảm nhận của nhà thơ trước khung cảnh bên ngoài lăng (khổ 1)
"Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác"
+ Ngay khi vừa đến bên ngoài lăng, nhà thơ đã bồi hồi, xúc động:
Cặp đại từ xưng hô “con - Bác" là cách xưng hô gần gũi, thân thiết của người miền Nam, vừa thể hiện sự tôn kính với Bác vừa bộc lộ tình cảm yêu thương dành cho một người ruột thịt, một người bề trên trong gia đình.
Cách nói giảm nói tránh "thăm" làm giảm bớt nỗi đau thương, mất mát, đồng thời khẳng định sự bất tử của Người trong lòng những người con nước Việt.
=> Câu thơ giản dị như một lời kể nhưng lại thấm đượm bao nỗi bồi hồi, xúc động của nhà thơ, sau bao mong nhớ, đợi chờ, nay mới được đến viếng lăng Bác.
+ Nhà thơ ấn tượng với "hàng tre" bên ngoài lăng Bác - một biểu tượng của dân tộc Việt Nam:
Đây là hình ảnh thực làm nên quang cảnh đẹp cho lăng Bác, mang lại cảm giác thân thuộc, gần gũi của làng quê, đất nước Việt Nam.
Hình ảnh thơ chứa nhiều sức gợi: "Hàng tre bát ngát" và "hàng tre xanh xanh" gợi vẻ đẹp tràn đầy sức sống của con người và đất nước ta.
Vẻ đẹp cứng cỏi, kiên cường, hiên ngang, bất khuất của nhân dân được tái hiện rõ nét qua câu thơ: "Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng". Hàng tre bao quanh lăng còn tượng trưng cho cả dân tộc đang quây quần bên Bác.
=> Niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ khi đứng trước lăng Người.
- Cảm xúc của nhà thơ khi nhìn đoàn người vào lăng (khổ 2)
+ Cặp hình ảnh "mặt trời" thực (Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng) và "mặt trời" ẩn dụ (Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ) chỉ Bác Hồ, tạo nên sự song chiếu.
-> Bác đã mang lại ánh sáng chân lí, giúp dân tộc thoát khỏi kiếp sống nô lệ lầm than cũng giống như mặt trời của tạo hóa mang lại sức sống cho muôn loài.
=> Viễn Phương ví Bác như mặt trời là để nói lên sự trường tồn vĩnh cửu của Bác, Bác thật giống như sự tồn tại vĩnh viễn của mặt trời tự nhiên.
+ Hình ảnh "dòng người" với điệp từ "ngày ngày" gợi dòng thời gian vô tận, vẽ lên khung cảnh những đoàn người lặng lẽ nối tiếp nhau, thành kính vào viếng Bác.
+ Cách nói “đi trong thương nhớ" thể hiện nỗi nhớ tiếc của bao người dân Việt Nam trong giây phút vào lăng viếng Bác.
+ “Tràng hoa dâng 79 mùa xuân" (hay chính là 79 năm cuộc đời Bác đã hiến dâng trọn vẹn cho sự nghiệp giải phóng đất nước) được kết từ hàng triệu trái tim con người Việt Nam cùng bạn bè quốc tế, bày tỏ niềm tiếc thương, kính yêu vị Cha già dân tộc.
-> Nhà thơ khẳng định Bác sống mãi trong lòng nhân dân, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn của người dân đối với Bác, vị cha già kính yêu của dân tộc.
- Niềm thương nhớ, nỗi xót xa của nhà thơ khi đứng trước di hài Người (khổ 3)
"Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền"
+ Nhà thơ Viễn Phương đã tái hiện chân thực khung cảnh yên tĩnh, trang nghiêm trong lăng và dáng vẻ thư thái của Bác Hồ. Ánh sáng dịu nhẹ như thể nơi đây có sự hiện diện của vầng trăng. Người nằm đó như đang trong giấc ngủ bình yên.
+ Dẫu đã nói giảm nói tránh "Bác nằm trong giấc ngủ bình yên” nhưng nhà thơ vẫn không tránh khỏi nỗi đau xót vô bờ:
"Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim"
Hình ảnh "trời xanh" là một ẩn dụ, một lần nữa khẳng định sự bất tử của Bác trong tâm hồn dân tộc.
“Nghe nhói" : gợi nỗi đau đột ngột, bất ngờ, tê tái của một đứa con về muộn, không được gặp Người mà chỉ được ở bên di hài của Người.
-> Đoạn thơ đã nói được nỗi lòng sâu kín của biết bao thế hệ con người Việt Nam dành cho Bác: lòng biết ơn, sùng kính, thương nhớ, xót xa,...
- Cảm xúc của nhà thơ khi từ biệt lăng trở về miền Nam (khổ cuối)
+ Nhà thơ lưu luyến, nhớ thương, không muốn rời xa khi nghĩ về phút giây từ biệt:
"Mai về miền Nam thương trào nước mắt"
-> Hai tiếng "miền Nam" gợi khoảng cách xa xôi, gợi tấm lòng, tình cảm của con người miền Nam. Cụm từ "thương trào nước mắt" đã cụ thể hóa nỗi nhớ Bác Hồ.
+ Ước nguyện hóa thân:
Điệp từ "muốn làm" tô đậm khát vọng thiết tha, cháy bỏng của nhà thơ.
Phép liệt kê "con chim", “đóa hoa", “cây tre" có nghĩa thực - muốn làm cảnh đẹp bên lăng Người, ẩn dụ cho lí tưởng cao đẹp - muốn canh giấc ngủ cho Người.
Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của nhà thơ với vị Cha già dân tộc.
2.3 Cảm nhận về nghệ thuật
- Ngôn ngữ giản dị, gần gũi, giàu sức gợi.
- Giọng điệu vừa chân thành, trang nghiêm, sâu lắng, vừa tha thiết, đau xót xen lẫn tự hào.
- Hình ảnh thơ có nhiều sáng tạo, nhất là có sự kết hợp giữa hình ảnh thực với hình ảnh ẩn dụ giàu tính biểu tượng, nhất là các ẩn dụ – biểu tượng.
- Bài thơ tả việc viếng lăng Bác theo trình tự thời gian và không gian từ ngoài vào trong lăng, từ khi viếng và xúc cảm sau khi viếng.
- Điệp từ "muốn làm" ở khổ cuối được sử dụng nhiều lần thể hiện nỗi xót xa, ân hận vô bờ và ước nguyện chân thành của tác giả.
3. Kết bài
- Cảm nghĩ của em về bài thơ
- Khẳng định lại vẻ đẹp của bài thơ và cảm xúc của Viễn Phương đối với vị lãnh tụ.
- Mở rộng ngợi ca truyền thống ân nghĩa, thủy chung của dân tộc ta.
Phần II. Làm văn
a. Mở bài
- Giới thiệu được tác giả, tác phẩm và nhân vật bé Thu với tài năng miêu tả tâm lý nhân vật.
- Cảm nhận chung về nhân vật bé Thu.
b. Thân bài:
- Phân tích diễn biến tâm lý của nhân vật bé Thu – nhân vật chính của đoạn trích “Chiếc lược ngà’’ một cô bé hồn nhiên ngây thơ, có cá tính bướng bỉnh nhưng yêu thương ba sâu sắc.
- Khái quát được cảnh ngộ của gia đình bé Thu, đất nước có chiến tranh, cha đi công tác khi Thu chưa đầy một tuổi, lớn lên em chưa một lần gặp ba được ba chăm sóc yêu thương, tình yêu Thu dành cho ba chỉ gửi trong tấm ảnh ba chụp chung cùng má.
- Diễn biến tâm lý của bé Thu trước khi nhận anh Sáu là cha:
Yêu thương ba nhưng khi gặp anh Sáu, trước những hành động vội vã thái độ xúc động, nôn nóng của cha…Thu ngạc nhiên lạ lùng, sợ hãi và bỏ chạy….những hành động chứa đựng sự lảng tránh đó lại hoàn toàn phù hợp với tâm lí trẻ thơ bởi trong suy nghĩ của Thu anh Sáu là người đàn ông lạ lại có vết thẹo trên mặt giần giật dễ sợ.
Trong hai ngày sau đó Thu hoàn toàn lạnh lùng trước những cử chỉ đầy yêu thương của cha, nó cự tuyệt tiếng ba một cách quyết liệt trong những cảnh huống mời ba vào ăn cơm, xử lí nồi cơm sôi, và thái độ hất tung cái trứng cá trong bữa cơm…Từ cự tuyệt nó đã phản ứng mạnh mẽ….nó căm ghét cao độ người đàn ông măt thẹo kia, nó tức giận, và khi bị đánh nó đã bỏ đi một cách bất cần…. đó là phản ứng tâm lí hoàn toàn tự nhiên của một đứa trẻ có cá tính mạnh mẽ… Hành động tưởng như vô lễ đáng trách của Thu lại hoàn toàn không đáng trách mà còn đáng thương, bởi em còn quá nhỏ chưa hiểu được những tình thế khắc nghiệt éo le của đời sống. Đằng sau những hành động ấy ẩn chứa cả tình yêu thương ba,sự kiêu hãnh của trẻ thơ về một tình yêu nguyên vẹn trong sáng mà Thu dành cho ba.
- Diễn biến tâm lý của Thu khi nhận ba:
Sự thay đổi thái độ đến khó hiểu của Thu, không ương bướng mà buồn rầu nghĩ ngợi sâu xa, ánh mắt cử chỉ hành động của bé Thu như thể hiện sự ân hận, sự nuối tiếc, muốn nhận ba nhưng e ngại vì đã làm ba giận.
Tình yêu thương ba được bộc lộ hối hả ào ạt mãnh liệt khi anh Sáu nói “Thôi ba đi nghe con”. Tình yêu ấy kết đọng trong âm vang tiếng Ba trong những hành động vội vã: Chạy nhanh như con sóc, nhảy thót lên, hôn ba nó cùng khắp, trong lời ước nguyện mua cây lược, tiếng khóc nức nở…Đó là cuộc hội ngộ chia tay đầy xúc động, thiêng liêng đã tác động sâu sắc đến bác Ba, mọi người …
Sự lý giải nguyên nhân việc hiểu lầm của bé Thu đựợc tác giả thể hiện thật khéo léo đó là do vết thẹo trên mặt người ba khi hiểu ra sự thực Thu “nằm im lăn lộn thở dài như người lớn”. Vết thẹo không chỉ gây ra nỗi đau về thể xác mà còn hằn nên nỗi đau về tinh thần gây ra sự xa cách hiểu lầm giữa cha con bé Thu. Nhưng chiến tranh dù có tàn khốc bao nhiêu thì tình cảm cha con anh Sáu càng trở lên thiêng liêng sâu lặng.
- Khẳng định lại vấn đề: Ngòi bút miêu tả tâm lý khắc hoạ tính cách nhân vật tinh tế thể hiện được ở bé Thu một cô bé hồn nhiên ngây thơ, mạnh mẽ cứng cỏi yêu ghét rạch ròi. Trong sự đối lập của hành động thái độ trước và sau khi nhân ba lại là sự nhất quán về tính cách về tình yêu thương ba sâu sắc.
- Những năm tháng sống gắn bó với mảnh đất Nam Bộ, trái tim nhạy cảm, nhân hậu, am hiểu tâm lý của trẻ thơ đã giúp tác giả xây dựng thành công nhân vật bé Thu.
- Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh, trân trọng tình cảm gia đình trong cuộc sống hôm nay.
c. Kết bài:
Khẳng định thành công, đồng thời bộc lộ ấn tượng sâu đậm nhất về nhân vật cũng như toàn bộ tác phẩm.
Tham khảo đề thi thử vào lớp 10 khác:
Ngoài ra các em học sinh và thầy cô có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu hữu ích hỗ trợ ôn luyện thi môn ngữ văn khác được cập nhật liên tục tại chuyên trang của chúng tôi.
►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về đề thi thử môn văn vào 10 năm 2020 trường THPT Lâm Bình, hỗ trợ tải file word, pdf hoàn toàn miễn phí.