Logo

Đề Văn tuyển sinh lớp 10 năm 2021 Nam Định có đáp án chính thức

Đề Văn tuyển sinh lớp 10 năm 2021 Nam Định chính thức có đáp án và hướng dẫn giải chi tiết, chính xác từ sở giáo dục đào tạo Nam Định dành cho các em học sinh lớp 9 tham khảo nhanh nhất, hỗ trợ file tải pdf, word miễn phí
5.0
5 lượt đánh giá

Trọn bộ đề thi Ngữ Văn vào 10 năm học 2020-2021 của các trường THPT Nam Định cùng đáp án, lời giải chuẩn xác nhất có file tải miễn phí định dạng Word và PDF được chúng tôi cập nhật kịp thời nhằm giúp các em học sinh lớp 9, thầy cô và quý phụ huynh tham khảo, so kết quả nhanh nhất.

Tham khảo thêm:

Đề tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ Văn 2021 Nam Định chính thức

Xem ngay nội dung đề Văn thi vào 10 năm 2021 của Nam Định đầy đủ các mã đề được cung cấp chi tiết dưới đây.

Toàn bộ thông tin đề thi chuyển cấp lớp 10 môn Văn 2021 Nam Định được cung cấp miễn phí để các bạn tham khảo và chia sẻ rộng rãi đến bạn bè và người thân kịp thời.

Đề thi vào 10 môn Văn năm 2021 tỉnh Nam Định

Đề thi vào 10 môn văn tỉnh Nam Định 2021-1

Đề thi vào 10 môn văn tỉnh Nam Định 2021-2

Đề thi vào 10 môn Văn năm 2021 THPT Chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định 

Trích dẫn nội dung đề  tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ Văn 2021 sở giáo dục Nam Định:

Đề thi vào lớp 10 môn văn trường Chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định 2021

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn Chuyên Lê Hồng Phong 2021 (Đề văn chuyên)

Đề thi vào lớp 10 môn văn trường Chuyên Lê Hồng Phong 2021-1

Đề thi vào lớp 10 môn văn trường Chuyên Lê Hồng Phong 2021-2

Đáp án đề thi Văn vào 10 năm 2021 tỉnh Nam Định chính xác nhất

So đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Nam Định 2021 cập nhật từ đội ngũ chuyên gia giải đề của chúng tôi (đáp án mang tính chất tham khảo).

Đáp án tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2021 tỉnh Nam Định

I. TIẾNG VIỆT

Câu 1: B

Cách giải: Mong muốn là từ ghép vì hai thành tố tách ra đều có nghĩa

Câu 2: D

Cách giải: Câu văn “Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà” là câu đơn:

Chủ ngữ: Mặt anh

Vị ngữ: hớn hở như một đứa trẻ được quà

Câu 3: C

Cách giải:

Xét về hình thức các câu trên được liên kết với nhau bằng phép thế. (Hắn ta thế cho Thần chết)

Câu 4: A

Cách giải: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây là câu tục ngữ

Câu 5: A

Cách giải: Hai biện pháp tu từ được sử dụng là so sánh (Mặt trời với hòn lửa) và nhân hóa (Sóng cài then)

Câu 6: C

Cách gải:

Phần in đậm trong câu trên là thành phần phụ chú nhằm giải thích thêm về Vũ Thị Thiết

Câu 7: D

Cách giải:

Quan hệ ý nghĩ giữa các vế câu ghép là quan hệ tương phản

Câu 8: B

Câu nói: Nói có sách mách có chứng nghĩa là: Nói đúng sự thật, có chứng cứ rõ ràng và có thể kiểm chứng được. Tôn trọng phương châm về chất.

II. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: nghị luận

Câu 2:

Cách giải:

– Việc trích dẫn ý kiến của Kim Woo Chung: “Lịch sử thuộc về những người biết ước mơ. Ước mơ là động lực thay đổi thế giới. Tôi cam đoan rằng tất cả những người đang làm nên lịch sử thế giới ngày hôm nay đều có những ước mơ lớn khi còn trẻ” – có tác dụng:

+ Làm văn bản trở nên sinh động, hấp dẫn, giàu sức thuyết phục.

+ Nhấn mạnh, hãy sống có ước mơ và hoài bão. Vì khi có ước mơ, con người sẽ có động lực để làm thay đổi bản thân và thế giới.

Câu 3:

Cách giải:

“Đôi khi ta phải đứng lên chống lại định kiến xã hội để đi theo con đường của mình” vì con đường theo đuổi ước mơ không bao giờ là dễ dàng, nó cũng không an toàn và nhẹ nhàng mà đầy chông gai thử thách, định kiến xã hội không phải lúc nào cũng đúng, cũng phù hợp với đạo đức, lẽ phải. Chúng ta cần có niềm tin vào lý tưởng, ước mơ của mình, đó là điều kiện tiên quyết để theo đuổi ước mơ và cũng là động lực để ta cố gắng mỗi lần gặp phải khó khăn trên hành trình.

III. LÀM VĂN

Câu 1:

Cách giải:

1. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: vai trò của ước mơ.

2. Thân bài

a. Giải thích

- Ước mơ: là những dự định, khát khao mà mỗi chúng ta mong muốn đạt được trong thời gian ngắn hoặc dài. Ước mơ chính là động lực để mỗi chúng ta vạch ra phương hướng đường đi để dẫn tới thành công. b. Phân tích

- Là kim chỉ nam cho mọi dự định, kế hoạch

- Thôi thúc con người hành động, củng cố thêm niềm tin và sự kiên định.

- Giúp con người huy động tối đa những năng lực, sở trường cũng như sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ để đạt được mục tiêu đặt ra.

- Làm cho cuộc sống của con người trở nên có ý nghĩa hơn. Khi biết ước mơ nghĩa là con người biết được mình muốn gì, cần phải làm gì và làm như nào.

c. Chứng minh

- Đưa ra những tấm gương về những con người có ước mơ, hoài bão: Chủ tịch Hồ Chí Minh, NicVujic,…

- Ước mơ, hoài bão của học sinh --> thành công

d. Phản biện

- Trong xã hội ngày nay bên cạnh những người có ước mơ, hoài bão cũng có những con người không có ước mơ, sống mơ hồ, không có mục đích sống.

- Để cuộc sống trở nên ý nghĩa, để khẳng định giá trị của bản thân trong cuộc sống, mỗi người cần có ước mơ, dám ước mơ và dám biến ước mơ ấy thành hiện thực 

3. Kết bài

- Khái quát lại ý nghĩa và tầm quan trọng của ước mơ trong cuộc sống; đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Câu 2:

Cách giải:

1. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả Phạm Tiến Duật và tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính"

Tác giả:

+ Là nhà thơ khoác áo lính và là một gương mặt tiêu biểu cho thế hệ thơ trẻ kháng chiến chống Mĩ.

+ Hình tượng trung tâm trong thơ ông là người lính và cô thanh niên xung phong.

+ Nghệ thuật: giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch mà sâu sắc.

Tác phẩm: Viết năm 1969, được in trong “Vầng trăng quầng lửa”.

- Giới thiệu về đoạn trích: ba khổ thơ cuối bài đã thể hiện tình đồng đội keo sơn, gắn bó và ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của những người lính.

2. Thân bài

a. Tinh thần bất khuất và tình cảm keo sơn của những người lính

- Từ trong mưa bom, bão đạn những chiếc xe nối đuôi nhau ra chiến trường, vượt qua núi cao vực sâu của Trường Sơn để về đây “họp thành tiểu đội”, những con người tự bốn phương chẳng quen biết nay đã trở thành bạn bè qua những cái bắt tay vội vã:

+ Hình ảnh cái nắm tay của người lính hiện lên chân thực, cảm động qua “cửa kính vỡ rồi”. Dường như ô cửa kính vỡ chẳng làm người lính bận lòng, trái lại nó lại càng làm cho họ có cơ hội gần gũi nhau hơn, xóa đi mọi khoảng cách. Cửa kính bỗng trở thành nhân chứng về sự gắn bó, đoàn kết của những người lính dọc tuyến đường Trường Sơn. Qua cái bắt tay nồng ấm họ trao cho nhau tình cảm thương mến, niềm tin, hi vọng vào một tương lai chiến thắng.

- Trong những giây phút dừng chân ngắn ngủi, họ cùng nhau: “Bếp hoàng cầm…gia đình đấy”

+ Tình đồng đội keo sơn gắn bó được thể hiện qua bữa cơm giữa rừng. Trong giây phút ấy họ chia sẻ bát cơm, chiếc đũa,… với nhau. Chính điều đó giúp họ xích lại gần nhau hơn, gắn bó với nhau như những người ruột thịt trong gia đình. - Tình cảm keo sơn đã tiếp sức cho các anh, nâng bước giúp các anh tiếp tục lên đường: “Võng mắc…trời xanh thêm”

+ Từ láy “chông chênh” gợi sự không chắc chắn, không vững vàng. Phải chăng đó chính là hình ảnh của con đường Trường Sơn gồ ghề bị tàn phá bởi bom đạn cùng với những chiếc võng lắc lư theo nhịp xe. Câu thơ đã cho thấy những trở ngại, khó khăn, hiểm nguy mà người lính phải đối mặt. Nhưng khí phách, ý chí chiến đấu của họ vẫn kiên định, vượt lên tất cả để họ “lại đi lại đi trời xanh thêm”.

+ Điệp từ “lại đi” lặp lại hai lần cho thấy sự chảy trôi, tiếp nối, gợi ra nhịp hành quân khẩn trương. Từ đó khẳng định tinh thần chiến đấu kiên cường, vững vàng của người lính.

+ Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh thêm” lại cho ta thấy tinh thần lạc quan, yêu đời, niềm vui phơi phới cũng là niềm hi vọng vào tương lai của ngày mai chiến thắng.

b. Ý chí chiến đấu vì miền Nam

- Ngay trong câu thơ đầu tác giả đã tái hiện hình ảnh những chiếc xe không kính, trải qua mưa bom bão đạn chiếc xe đã hư hại và bị biến dạng. Điệp ngữ “không có” được nhắc lại 3 lần không chỉ nhấn mạnh sự thiếu thốn trần trụi của những chiếc xe mà còn tô đậm hiện thực khốc liệt của chiến trường.

- Nhưng bom đạn chỉ có thể làm biến dạng được chiếc xe chứ không thể làm thay đổi được ý chí chiến đấu của những người chiến sĩ, xe “vẫn chạy vì miền Nam phía trước”:

+ Từ “vẫn” vang lên như một sự khẳng định đầy thách thức, hiên ngang của người lính, không gì có thể cản được sự chuyển động kì diệu của những chiếc xe.

+ Tác giả sử dụng biện pháp đối lập lấy cái “không có” để khẳng định cái “có” đó là trái tim, một trái tim đầy sức mạnh. Hình ảnh hoán dụ “trái tim” là một biểu tượng đẹp đẽ về vẻ đẹp tâm hồn và ý chí của người lính lái xe. Đó là trái tim cháy bỏng tình yêu nước, sôi trào ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam. Một trái tim đầy tinh thần trách nhiệm. Chỉ cần trái tim ấy người lính sẽ có đủ can đảm, dũng cảm để vượt qua mọi khó khăn.

+ Trái tim đó đã trở thành nhãn tự của bài, cô đúc ý toàn bài, hội tụ vẻ đẹp của người lính, khẳng định chân lý của thời đại: điều làm nên chiến thắng không chỉ là những phương tiện hiện đại mà quan trọng hơn là ý chí, nghị lực, niềm tin vào chính nghĩa.

=> Trái tim người lính tỏa sáng rực rỡ đến muôn thế hệ sau, khiến ta không thể quên những thanh niên trong thời kì chống Mỹ oanh liệt của dân tộc.

c. Đặc sắc nghệ thuật

- Sử dụng biện pháp nghệ thuật đặc sắc, giàu giá trị biểu cảm: so sánh, hoán dụ, điệp từ,…

- Tình đồng đội keo sơn gắn bó như gia đình trong những năm tháng đấu tranh gian khổ.

- Tinh thần, ý chí quyết tâm đánh giặc.

3. Kết bài

- Khẳng định lại tinh thần và ý chí chiến đấu, tình cảm gắn bó của những người lính và tài năng nghệ thuật của Phạm Tiến Duật.

- Liên hệ với bản thân và rút ra bài học về sự cống hiến cho đất nước.

Đáp án đề thi Văn vào lớp 10 trường Chuyên Lê Hồng Phong tỉnh Nam Định 2021

Phần I: Tiếng Việt

Câu 1:

Cách giải:

Các phép liên kết trong bài lần lượt là:

a. Phép thế (Thị thế cho người đàn bà)

b. Phép đối. (yếu đuối với mạnh, hiền với ác)

Câu 2:

Cách giải:

a. Từ “tay” là nghĩa chuyển. Chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ b. Từ “tay” là nghĩa gốc.

c. Từ “tay” là nghĩa chuyển. Chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ d. Từ “tay” là nghĩa chuyển. Chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ

Phần II: Đọc hiểu văn bản

Câu 1:

Cách giải:

Lời của người cha nói với con khi cậu bé nhận lỗi với cha:

-    “Con phải chịu trách nhiệm về việc này”

-    “Số tiền này cha cho con mượn, nhưng con phải trả vào năm sau”

Câu 2:

Cách giải:

Lời nói của người cha có tác dụng:

-    Người cha muốn người con phải biết rõ rằng lỗi lầm mình mắc phải thì nhất định phải chính mình giải quyết nó, không được ỷ lại vào bố.

-    Đây như một bài học của người cha dành cho con trai: "có vay, có trả"

-    Tạo áp lực để người con phấn đấu, trong vòng 1 năm cần trả lại số tiền đã vay cho cha.

Câu 3:

Cách giải:

Em đồng tình với cách ứng xử của người cha:

-    Yêu cầu của cha đặt ra có ý nghĩa là tạo động lực cho cậu bé. Để cậu không ỷ lại và dựa dẫm vào cha.

-    Cha có thể hỗ trợ cậu bé lúc đó nhưng cậu bé phải biết tự lập và tự quyết mọi vấn đề của mình.

Phần III. Làm văn

(Nội dung đang được cập nhật...)

Đáp án đề thi tuyển sinh môn Ngữ văn vào lớp 10 Chuyên Lê Hồng Phong 2021 (Đề văn chuyên)

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Cách giải:

Tác giả của Ác hoa là Baudelaire.

Tác giả của Truyện Kiều là Nguyễn Du.

Câu 2:

Cách giải:

Khi gắn bó với Đảng, cách mạng và nhân dân, nhân vật xưng tôi đã trở thành một người có ích; cùng với các thi sĩ là một người cầm bút có ích; không chỉ vậy, nhân vật tôi hiểu sâu sắc hơn về thơ Baudelaire và Nguyễn Du, hiểu ra sứ mệnh của thi ca.

Câu 3:

Cách giải:

Các cụm từ “bên của sổ bệnh viện, thơ là khao khát và hi vọng lành bệnh”, “thơ phủ nhận bất công” thể hiện sứ mệnh của thơ ca là phản ánh và đồng thời nuôi dưỡng niềm tin và hi vọng cho con người, những điều tốt lành đẹp đẽ trong thơ ca không chỉ giúp người ta nhìn nhận cuộc sống mà còn tu sửa chính mình, hướng tới tương lai tươi đẹp và sống có ý nghĩa hơn, tích cực hơn.

Câu 4:

Cách giải:

“Trong ngục tối, thơ trở thành quật khởi”. HS có thể đưa ra lựa chọn và kiến giải cá nhân, đảm bảo kiến giải logic và hợp lý. Dưới đây là một số gợi ý:

-  Chọn liên hệ mở rộng cho “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn vào câu thơ mà đứng dậy” (Phùng Quán) vì cả hai câu đều có nét tương đồng khi nói tới sứ mệnh của thơ ca:

+  “quật khởi” nghĩa là vùng dậy đấu tranh với khí thế mạnh mẽ, khi nói “Trong ngục tối, thơ trở thành quật khởi” nghĩa là thơ truyền cho người ta niềm tin và sức mạnh để vùng lên.

+  Ở đây “ngục tối” chính là hình ảnh ẩn dụ cho “những phút ngã lòng” và việc “vịn vào câu thơ mà đứng dậy” cũng giống với việc thơ truyền cho người ta hi vọng cùng sức mạnh chiến đấu (thơ trở thành quật khởi), vùng lên đấu tranh giành lại ánh sáng tự do.

-  Chọn liên hệ mở rộng cho “Sắc đẹp câu thơ cũng phải đấu tranh cho chân lí” (Chế Lan Viên) vì cả hai câu đều có nét tương đồng khi nói tới sứ mệnh của thơ ca:

+  “Sắc đẹp câu thơ” đại diện cho những đặc sắc nghệ thuật và vẻ đẹp trong tâm hồn con người, cái đẹp ấy luôn phải gắn liền với thực tại bên lề cuộc sống, phải “đấu tranh cho chân lí”. Bởi nghệ thuật không chỉ đơn thuần vị nghệ thuật mà phải vị nhân sinh, nên thơ ca phải đấu tranh cho cuộc sống phũ phàng được hé lộ thông qua một lối thoát đầy tính nhân đạo của mỗi người cầm viết.

+ Nói thơ phải gắn liền với hiện thực, phải đấu tranh cho chân lí cũng giống như việc “thơ trở thành quật khởi”, những tác giả đóng vai trò là “người thư ký trung thành của thời đại” không chỉ phản ánh đúng hiện thực trong tác phẩm thơ ca của mình mà phải đặt vào đó niềm tin, hi vọng, phải truyền cho nó ngồn ngộn lửa sống để nó có thể “đấu tranh cho chân lí”, để “trở thành quật khởi” hay chính là tiếp thêm cho con người sức mạnh và can đảm để bước tiếp đến ngày mai tươi sáng, chiến đấu hết mình dẹp bỏ bóng tối ngục tù, giành lại tự do, khẳng định chân lí.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Cách làm:

1. Mở đoạn

-  Trên mặt đất này, con người chính là loài thông minh nhất, thống trị muôn loài.

-  Con người có vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ sắc sảo. Họ còn có phương tiện giao tiếp quý giá là lời ăn tiếng nói.

-  Vậy cần nói lời riêng hay mượn lời kẻ khác?

2. Thân đoạn

a. Giải thích:

-  Nói lời riêng: Nói lời cá nhân (từ mình). Nói lời độc đáo (đặc sắc của riêng mình)

-  Mượn lời kẻ khác: không phải lời nói của mình.

=> Khẳng định: Cân phải nói lời riêng của mình (tâm tư riêng, cách nói riêng độc đáo…)

=> Thơ xuất phát từ tiếng nói riêng (tâm tư riêng, cách nói riêng độc đáo…) của người nghệ sĩ nhưng có thể nói được tiếng lòng chung của con người, có sức gợi sâu xa tới triệu tâm hồn (đi từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả)

b. Bình luận

Cần phải nói lời riêng:

-  Tình điệu riêng: Tình cảm cảm xúc luôn xuất phát từ cá nhân, lọc qua lăng kính tâm hồn cá nhân của mỗi người

Dẫn chứng: Trước khi trở thành tiếng nói chung nó phải là tiếng nói tâm hồn của cá nhân người nghệ sĩ (xuất phát từ cảnh ngộ, tâm tư, nỗi lòng riêng sâu kín, luôn ở ngôi thứ nhất của tâm hồn), kể cả sáng tác dân gian. Vì thế, tình cảm cảm xúc trong thơ luôn có tính cá nhân, cá thể hóa cao độ.

- Cách nói riêng: Mỗi người có một góc nhìn, quan điểm riêng, ý kiến riêng và không ai giống ai.

*  Dẫn chứng: Xuất phát từ tiếp nhận thơ : Thường hướng tới sự đồng cảm, đồng điệu (lấy hồn ta hiểu hồn người) và nhu cầu khám phá nét riêng độc đáo (một cách nhìn, một cách cảm…)

c. Giá trị, ý nghĩa của lời nói riêng:

- Giúp con người hiểu nhau.

-  Đem lại hiệu quả cao trong làm việc, học tập, sáng tạo.

-  Lời nói riêng có sức mạnh lớn lao trong mọi hoàn cảnh.

d. Bài học cho mỗi người:

-  Phải học tập và am hiểu về cách sử dụng ngôn ngữ đặc biệt không mượn lời riêng của người khác như thế sẽ làm mất đi giá trị của bản thân.

-  Rèn luyện nhân cách, phẩm chất tốt đề có cách ứng xử khéo léo, đặc biệt là khi dùng lời nói cá nhân để giao tiếp.

3. Kết đoạn

- Khẳng định giá trị và ý nghĩa lời nói riêng.

-  Phát huy giá trị của tiếng Việt!

Câu 2:

Cách giải:

1. Mở bài

-  Giới thiệu về ý kiến: Thơ không phải chỉ nhìn nhận mà còn tu sửa.

-  Giới thiệu về tác giả Huy Cận và tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá”

2. Thân bài

a. Giải thích

- Thơ: thể loại văn học trữ tình đề cao cảm xúc

- Nhìn nhận hiện thực: phản ánh hiện thực đang có

-  Tu sửa hiện thực: cách nói ẩn dụ, văn chương nói chung và thơ ca nói riêng không sao chép, chụp lại, mô phỏng hiện thực mà còn sáng tạo hiện thực theo “cái nhìn” của riêng người nghệ sĩ bao gồm hiện thực bề sâu và hiện thực tâm trạng -> hiện thực cần có.

=> Câu nói khẳng định đặc trưng phản ánh của thơ ca -> đề cao tính chủ thể sáng tạo, cái nhìn riêng độc đáo của người nghệ sĩ.

b. Bàn luận

*  Vì sao thơ không chỉ nhìn nhận mà còn tu sửa: - Dựa vào đặc trưng phản ánh hiện thực của văn học

- Dựa vào đặc trưng của thể loại thơ là đề cao tính cảm xúc, tính chủ quan

* Thơ tu sửa như thế nào?

-  Năng lực của ngôn ngữ thơ:

+  Khiến cho hiện thực trở nên lãng mạn, bay bổng hơn

+  Hiện thực đa chiều, quen mà lạ với góc nhìn thú vị: chiều sâu của hiện thực cuộc sống - Cái nhìn của nhà thơ: có tính dự báo, chứa niềm tin tích cực,…

c. Phân tích, chứng minh:

* Về Huy Cận và tác phẩm:

-  Huy Cận là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới. Sau CM thơ Huy Cận tràn đầy niềm vui, niềm tin yêu cuộc sống mới.

-  Thiên nhiên vũ trụ là nguồn cảm hứng dồi dào trong thơ Huy Cận và nó mang những nét đẹp riêng.

-  Đoàn thuyền đánh cá: kết quả của chuyến đi thực tế, ca ngợi con người lao động mới trên hai đặc điểm: tinh thần làm chủ và tràn đầy niềm vui ( đây là luồng gió mới trong phong cách sáng tác thời kì miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa).

* Phân tích:

-  Hiện thực: Công việc đánh cá vào ban đêm nhọc nhằn, vất vả, nhiều rủi ro -> Trước cách mạng: sự cô đơn tội nghiệp của con người trước thiên nhiên.

-  Tu sửa hiện thực:

+ Hành trình đoàn thuyền đánh cá đi vào trong đêm tối đem lại bình minh cho vùng biển

+  Con người lao động hăng say, hòa mình vào với thiên nhiên, thiên nhiên như người bạn tri kỷ -> hình ảnh đẹp, say mê, lãng mạn

+  Khúc ca: ca ngợi thiên nhiên giàu đẹp + ca ngợi con người -> nhịp điệu thơ

+  Niềm vui, niềm tự hào phơi phới về cuộc đời: đặc biệt thể hiện qua niềm tin ở con người

-  Đặt trong sự so sánh với quá trình thơ trước năm 1945 của Huy Cận

-  Lí giải: thời đại mới mang đến cái nhìn mới, cảm hứng mới

3. Kết bài

-  Khẳng định lại ý kiến, khái quát về vẻ đẹp của bài thơ và tài năng của Huy Cận.

-  Nêu suy nghĩ của bản thân

Mời các bạn xem và tải về các bộ đề thi vào lớp 10 của tỉnh Nam Định các môn khác:

Ngoài tuyển tập đề thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn năm 2021 của Nam Định, các bạn còn có thể tham khảo thêm hướng dẫn giải các đề thi vào 10 môn tiếng Anh, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa… cùng các môn học khác đã được cập nhật tại chuyên trang của chúng tôi.

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn tỉnh Nam Định năm 2021, hỗ trợ tải file Word, pdf hoàn toàn miễn phí!

Đánh giá bài viết
5.0
5 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status