Logo

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn TP. Vinh - Nghệ An 2020 (Có đáp án)

Đề thi thử vào 10 môn Văn thành phố Vinh năm 2020 có lời giải chi tiết, được chúng tôi cập nhật mới nhất từ hệ thống kho đề thi, đề kiểm tra tuyển sinh lớp 10. Hỗ trợ học sinh ôn luyện hiệu quả
3.1
8 lượt đánh giá

Để chuẩn bị cho kì thi vào vào lớp 10 sắp tới, chúng tôi sưu tầm và giới thiệu các em tài liệu Đề thi thử môn Văn vào lớp 10 thành phố Vinh - Nghệ An năm 2020 có lời giải đi kèm, từ hệ thống kho đề thi tuyển sinh vào lớp 10 trên cả nước. Nhằm giúp các em ôn tập, rèn luyện giải các dạng đề thi khác nhau để chuẩn bị tốt cho kì thi chuyển cấp quan trọng của các em học sinh lớp 9.

Tham khảo thêm một số đề thi thử vào lớp 10 môn học khác:

Đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn văn TP. Vinh 2020

Phần I. Đọc hiểu (3.0 điểm)

Đọc văn sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Bấy lâu nay, hình ảnh bộ đội giúp dân mỗi khi có thiên tai hoạn nạn đã thành điều quen thuộc tưởng như một lẽ đương nhiên. Nhưng lần này, khi nạn dịch đổ tai họa lên tất cả mọi người, thì hình ảnh những chiến sĩ bộ đội căng mình vươn ra tuyến đầu, nhận về mình những đêm ngủ ngoài trời, những bữa cơm nuốt vội nơi biên cương hay trong những khu cách ly để làm lá chắn an toàn cho người dân khiến người người đều cảm động, yêu mến hơn.

(2) Bất cứ nơi nào đất nước gọi về để khóa chặt vòng tuyến an toàn cho dân như những chốt chặn kiểm soát đường mòn, lối mở; các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly tập trung; những nơi cần phòng độc, khử trùng…thì những áo xanh bộ đội đều có mặt. Những hò hẹn hạnh phúc lứa đôi, những sum vậy ríu rít cha con đều phải tạm khép vì nhiệm vụ với dân, với nước nhưng ai ai cũng vui vẻ, cái vui của đoàn quân ra trận phơi phới niềm tin chiến thắng. Còn nhân dân thì dõi theo các anh từng ngày, với lòng biết ơn vô hạn sự bình yên mà mọi người đang có được từ những hi sinh của các anh.

(Trích Những đêm ngủ ngoài trời những bữa cơm nuốt vội, nguồn: https://tuoitre.vn/hoda-truyen-cam-hung-de-cung-dong-bao-vuot-qua-dai-dich-20200429153836404.htm)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính? (0,75 điểm)

Câu 2. Tìm phép liên kết hình thức được sử dụng trong đoạn (1) của văn bản. (0,75 điểm)

Câu 3. Nêu tác dụng của phép liên kết đó. (0,75 điểm)

Câu 4. Nội dung chính của văn bản? (0.75 điểm).

Phần II. Làm văn (7.0 điểm) 

Câu 1. (2.0 điểm)

Từ nội dung trong văn bản ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn ngắn bàn về lòng dũng cảm trong cuộc sống.

Câu 2. (5.0 điểm) Phân tích hai khổ thơ sau:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

 

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

(Trích Viếng lăng Bác, Viễn Phương, Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.58)

Đề thi thử vào lớp 10 môn văn thành phố Vinh 2020-1

Đề thi thử vào lớp 10 môn văn thành phố Vinh 2020-2

Đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn năm 2020 Thành phố Vinh

Đáp án đề thi thử vào 10 môn Ngữ văn thành phố Vinh

Phần I. Đọc hiểu (3.0 điểm)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2. Phép liên kết hình thức được sử dụng trong đoạn (1) của văn bản:

- Phép nối: "nhưng"

- Phép lặp từ ngữ: hình ảnh, bộ đội

Câu 3. Tác dụng của phép liên kết: giúp văn bản có sự liên kết giữa các câu trong đoạn văn, liền mạch, tạo ấn tượng và cảm xúc trong lòng người đọc.

Câu 4. Nội dung chính của văn bản:

- Sự hi sinh thầm lặng, quên mình của những chiến sĩ bộ đội cụ Hồ trên tuyến đầu chống dịch.

- Thái độ yêu mến, quý trọng và biết ơn của nhân dân tới những gì các anh đã làm.

Phần II. Làm văn (7.0 điểm) 

Câu 1:

Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Lòng dũng cảm là một trong những đức tính vô cùng cần thiết và đáng quí ở mỗi con người. Dù ở nơi đâu khi làm bất cứ việc gì con người cũng đều cần đến lòng dũng cảm.

Thân bài:

a) Định nghĩa về lòng dũng cảm

- Là dám làm một việc gì đó mà không sợ nguy hiểm, khó khăn.

- Là một phẩm chất quan trọng mà mỗi người cần có để chung sống với cộng đồng.

- Người có lòng dũng cảm là người không run sợ, không hèn nhát, dám đứng lên đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, các thế lực tàn bạo để bảo vệ công lí, chính nghĩa

b) Những biểu hiện đẹp của lòng dũng cảm

- Trong công cuộc chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, biết bao anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tuổi xuân và tính mạng của mình cho độc lập tự do của dân tộc. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta chứng kiến rất nhiều những hành động dũng cảm: cứu người hoạn nạn, truy bắt tội phạm, tố cáo tiêu cực...

- Những con người dũng cảm luôn vượt lên trên hiểm nguy để hành động theo lẽ phải, họ được cả xã hội ca ngợi, tôn vinh.

- Trong xã hội ngày nay, lòng dũng cảm không ngừng đứng trước những thử thách hiểm nguy, những sự mặc cảm cả của các thế lực đen tối, con người phải cân nhắc nhiều hơn khi hành động, tuy vậy vẫn có vô số tấm gương về lòng dũng cảm đáng ngợi ca.

c) Những tiêu chí để trở thành người dũng cảm

- Phải có bản lĩnh, niềm tin mãnh liệt vào chính nghĩa, chân lí, vào những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

- Phải biết nhận thức, đánh giá đúng về cái tốt, cái xấu, cái đúng, cái sai...

- Trên cơ sở của nhận thức đúng, phải vững tin vào hành động để bảo vệ chân lí, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

- Như vậy người dũng cảm không đơn thuần là người có hành động xả thân, mà còn phải là người biết xả thân vi lẽ phải, vì chính nghĩa để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

d) Giá trị của lòng dũng cảm

- Lòng dũng cảm trở thành một chuẩn mực đạo đức của xã hội, là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá nhân cách con người. Hồ Chí Minh đã căn dặn các thế hệ học sinh phải có lòng dũng cảm để sống tốt, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Trong cuộc sống hàng ngày: cứu người bị hại, gặp nạn,...

e) Bàn luận mở rộng

+ Liên hệ tình hình biển Đông hiện nay, lòng dũng cảm của các chiến sĩ cảnh sát biển đang ngày đêm bám biển bảo vệ chủ quyền của dân tộc.

+ Phê phán: những người nhầm tưởng lòng dũng cảm với hành động liều lĩnh, mù quáng, bất chấp công lí.

+ Phê phán những người hèn nhát, bạc nhược không dám đấu tranh, không dám đương đầu với khó khăn thử thách để vươn lên trong cuộc sống.

g) Bài học nhận thức và hành động

- Liên hệ bản thân đã dũng cảm trong những việc gì…

- Rèn luyện tinh thần dũng cảm từ việc làm nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày nơi gia đình, nhà trường như dám nhận lỗi khi mắc lỗi, dũng cảm chỉ khuyết điểm của bạn

- Trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc rèn luyện lòng dũng cảm, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc.

Kết bài:

- Khẳng định lại vấn đề nghị luận: Dũng cảm là một đức tính vô cùng cần thiết trong cuộc sống, vì vậy chúng ta cần rèn luyện lòng dũng cảm để trở thành một người công dân có ích cho đất nước, đồng thời xây dựng một cuộc sống, xã hội ngày càng tươi đẹp.

Câu 2:

Mở bài

- Giới thiệu về tác giả và tác phẩm:

+ Viễn Phương là nhà thơ gắn bó với cuộc sống chiến đấu của bà con quê hương trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ xâm lược.

+ Bài thơ Viếng lăng Bác thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động của nhà thơ đối với Người khi vào lăng viếng Bác với giọng trang trọng, tha thiết thể hiện niềm yêu thương, biết ơn Bác.

Thân bài

* Cảm xúc khi đứng trước lăng

- Tình cảm chân thành giản dị, chân thành của tác giả Viễn Phương cũng chính là tấm lòng đau đáu thương nhớ Bác của người con miền Nam nói chung

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”

+ Câu thơ gợi ra tâm trạng xúc động của một người từ chiến trường miền Nam bao nhiêu năm mong mỏi bây giờ được ra lăng viếng Bác

+ Đại từ xưng hô “con” rất gần gũi, thân thiết, ấm áp tình thân mật, diễn tả tâm trạng của người con ra thăm cha sau nhiều năm mong mỏi

+ Cách nói giảm nói tránh, cùng việc sử dụng từ “thăm” để giảm nhẹ nỗi đau mất mát, cũng là cách nói thân tình của diễn tả tâm trạng mong mỏi của tác giả

- Hình ảnh hàng tre là hình ảnh ẩn dụ đa nghĩa

+ Với tính chất tượng trưng, hình ảnh hàng tre gợi lên những liên tưởng thân thuộc của hình ảnh làng quê, đất nước đã thành biểu tượng của dân tộc

+ Cây tre tượng trưng cho khí chất, tâm hồn, sự thẳng thắn, kiên trung của con người Việt Nam

+ Từ “Ôi” cảm thán, biểu thị niềm xúc động tự hào về phẩm chất ngay thẳng, mạnh mẽ của dân tộc ta

* Cảm xúc trước dòng người vào lăng

- Ở khổ thơ thứ hai tác giả tạo ra được cặp hình ảnh thực và ẩn dụ song đôi: mặt trời thiên nhiên rực rỡ và hình ảnh Người

+ Tác giả ẩn dụ hình ảnh mặt trời nói về Bác, người mang lại nguồn sống, ánh sáng hạnh phúc, ấm no cho dân tộc

- Hình ảnh dòng người đi trong thương nhớ, đây là hình ảnh thực diễn tả nỗi xúc động bồi hồi trong lòng tiếc thương kính cẩn của người dân khi vào lăng

- Hình ảnh thể hiện sự kết tinh đẹp đẽ “kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”

+ Đoàn người vào viếng Bác là hình ảnh thực, đây còn là hình ảnh ẩn dụ đẹp đẽ, sáng tạo của nhà thơ: cuộc đời của dân tộc ta nở hoa dưới ánh sáng cách mạng của Bác

+ Bảy mươi chín mùa xuân: là hình ảnh hoán dụ chỉ số tuổi của Bác, cuộc đời Bác tận hiến cho sự phát triển của đất nước dân tộc.

* Cảm xúc khi vào trong lăng

- Niềm biết ơn thành kính dần chuyển sang sự xúc động nghẹn ngào khi tác giả nhìn thấy Bác:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

+ Ánh sáng dịu nhẹ trong lăng gợi lên sự liên tưởng thú vị: “vầng trăng sáng dịu hiền”

+ Những vần thơ của Bác luôn gắn chặt với ánh trăng, hình ảnh “vầng trăng” gợi lên niềm xúc động, và khiến ta nghĩ tới tâm hồn thanh cao của Bác

+ Ở Người là sự hòa quyện giữa sự vĩ đại thanh cao với sự giản dị gần gũi

- Nhà thơ xúc động, đau xót trước sự ra đi mãi mãi của Người:

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim

+ Dù Người ra đi, nhưng sự ra đi đó hóa thân vào thiên nhiên, vào dáng hình xứ sở, giống như Tố Hữu có viết “Bác sống như trời đất của ta”

+ Nỗi lòng “nghe nhói ở trong tim” của tác giả chính là sự quặn thắt tê tái trong đáy sâu tâm hồn khi đứng trước di hài của Người, đó chính là sự rung cảm chân thành của nhà thơ.

* Cảm xúc khi chuẩn bị từ biệt

- Cuộc chia ly lưu luyến bịn rịn, thấm đẫm nước mắt của tác giả

+ Mai về miền Nam thương trào nước mắt: như một lời giã từ đặc biệt, lời nói diễn tả tình cảm sâu lắng, giản dị

+ Cảm xúc “dâng trào” nỗi luyến tiếc, bịn rịn, không muốn xa rời

+ Ước nguyện chân thành muốn được hóa thân thành “chim”, cây tre”, “đóa hoa” để được ở gần bên Bác

+ Điệp từ “muốn làm” diễn tả trực tiếp và gián tiếp tâm trạng lưu luyến của nhà thơ

- Hình ảnh cây tre kết thúc bài thơ như một cách kết thúc khéo léo, hình ảnh cây tre trung hiếu được nhân hóa mang phẩm chất trung hiếu như con người

+ “Cây tre trung hiếu” mang bản chất của con người Việt Nam trung hiếu, thẳng thắn, bất khuất đó cũng là sự tự hứa sống có trách nhiệm với sự nghiệp của Người.

Kết bài

- Viếng lăng Bác là bài thơ đẹp và hay gây xúc động trong lòng người đọc. Nhân dân Việt Nam trung thành, xúc động với con đường cách mạng mà Người vạch ra.

- Thể hiện qua giọng điệu trang trọng và tha thiết, hình ảnh ẩn dụ đẹp và gợi cảm, ngôn ngữ bình dị, hàm súc.

Tham khảo đề thi thử vào lớp 10 khác:

Ngoài ra các em học sinh và thầy cô có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu hữu ích hỗ trợ ôn luyện thi môn ngữ văn khác được cập nhật liên tục tại chuyên trang của chúng tôi.

►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về đề thi thử môn văn vào 10 năm 2020 thành phố Vinh - tỉnh Nghệ An, hỗ trợ tải file word, pdf hoàn toàn miễn phí.

Đánh giá bài viết
3.1
8 lượt đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HDC VIỆT NAM
Tầng 3, toà nhà S3, Vinhomes Skylake, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Liên hệ quảng cáo: tailieucom123@gmail.com
Copyright © 2020 Tailieu.com
DMCA.com Protection Status