Trọn bộ đề thi Ngữ Văn vào 10 năm học 2020-2021 của các trường THPT Lào Cai cùng đáp án, lời giải chuẩn xác nhất có file tải miễn phí định dạng Word và PDF được chúng tôi cập nhật kịp thời nhằm giúp các em học sinh lớp 9, thầy cô và quý phụ huynh tham khảo, so kết quả nhanh nhất.
Xem ngay nội dung đề Văn thi vào 10 năm 2021 của Lào Cai đầy đủ các mã đề được cung cấp chi tiết dưới đây.
Toàn bộ thông tin đề thi chuyển cấp lớp 10 môn Văn 2021 Lào Cai được cung cấp miễn phí để các bạn tham khảo và chia sẻ rộng rãi đến bạn bè và người thân kịp thời.
I. Phần đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
...Cuộc sống vẫn bình yên trong mỗi căn nhà
Con vẫn học qua online trực tuyến
Bố, mẹ giao ban cơ quan qua máy tính
Cả nước đồng lòng đẩy lùi cuộc chiến
Hiện hình trên màn ảnh ti-vi...
Phía ngoài bệnh viện trầm tư
Nhưng bên trong là nhịp chân hối hả
Vì mạng sống của hàng trăm người bệnh
Thầy thuốc đâu quản gian nguy
Vẫn biết lưỡi hái tử thần không ngoại trừ ai hết!
...
Ơi mỗi con người đất Việt
Đã từng chiến thắng ngoại xâm
Nay thấm thía trong tâm
Tự nguyện cách ly
Vì trường tồn cuộc sống
Lặng lẽ để hồi sinh
Cho những ngày thắng dịch!
(Trích Lặng lẽ để hồi sinh - Nguyễn Hồng Vinh, Hà Nội, 4/4/2020_
Câu 1 (0,5 điểm) Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2 (0,5 điểm) Chỉ ra những việc làm thể hiện sự đồng lòng của cả nước để đẩy lùi dịch bệnh trong đoạn trích?
Câu 3 (1,0 điểm) Em hiểu như thế nào về dòng thơ "Lặng lẽ để hồi sinh"?
Câu 4 (1,0 điểm) Thông điệp ý nghĩa nhất em rút ra được qua đoạn trích trên là gì? Vì sao em chọn thông điệp đó?
II. Phần làm văn (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò của tình đoàn kết trong cuộc sống.
Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long. Từ đó, nhận xét về tình cảm của tác giả dành cho những người đang cống hiến, quên mình cho nhân dân, tổ quốc.
Câu 1 (4,0 điểm)
Xukhomlinxki khắng định: Con người sinh ra không phải tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác.
Em lựa chọn sẽ tan biến như hạt cát vô danh hay lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác? Hãy viết một bài văn nghị luận để trả lời câu hỏi trên.
Câu 2 (6,0 điểm)
Nhận xét về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh có ý kiến cho rằng: Chất hiện thực trong thơ Hữu Thỉnh kết hợp làm một với chất trữ tình. Đằng sau cách kể tả của ông là cảm xúc của con tim lúc trầm tư, khi rộn rã. Và nhất là những ý tưởng triết luận bất ngờ với "hàng cây đứng tuổi" trước cuộc sống non tơ.
(Vũ Dương Quỹ - Lê Bảo, Bình giảng Văn 9, trang 146, NXB Giáo dục 2020)
Qua cảm nhận của em về bài thơ, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
So đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Lào Cai 2021 cập nhật từ đội ngũ chuyên gia giải đề của chúng tôi (mang tính chất đáp án tham khảo).
I. Phần đọc hiểu
Câu 1:
Cách giải:
Đoạn trích trên được viết theo thể thơ tự do.
Câu 2:
Cách giải:
Những hành động thể hiện cả ngước đồng lòng chống dịch: Tự nguyện cách ly, làm việc học tập online để tránh tụ tập đông người, hành động hi sinh thầm lặng của các vị bác sĩ.
Câu 3:
Cách giải:
Học sinh có thể trình bày theo ý hiểu của mình, có lý giải.
Gợi ý:
“Lặng lẽ để hồi sinh”. Những việc làm âm thầm, lặng lẽ, tự nguyện dù nhỏ bé nhưng lại góp phần làm nên chiến thắng đại dịch.
Câu 4:
Cách giải:
Học sinh có thể chọn bất kì thông điệp nào, lý giải.
Gợi ý:
Thông điệp: Chúng ta cần phát huy tinh thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng chiến đấu chống đại dịch.
Giải thích: Đoàn kết tạo nên sức mạnh dân tộc, đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Ngay lúc này, tinh thần đoàn kết vô cùng cần thiết để chiến thắng đại dịch.
II. Phần làm văn
Câu 1:
Cách giải:
I. Mở đoạn
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Vai trò tinh thần đoàn kết trong cuộc sống.
II. Thân đoạn
1. Giải thích
- Đoàn kết là tập hợp của nhiều lực lượng khác nhau tạo thành một khối vững chãi, từ đó thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ riêng để đi đến thành công. Sự đoàn kết chính là tập thể vững mạnh, khối thống nhất sẽ tạo nên sức mạnh to lớn.
- Tinh thần đoàn kết là sự gắn kết, sự liên kết bền chặt giữa các cá nhân trong một tập thể để trải qua hoặc hoàn thành những giai đoạn khác nhau của cuộc sống.
2. Biểu hiện tình đoàn kết
- Chung tay xây dựng đất nước, kinh tế xã hội, văn hóa phát triển và hội nhập với quốc tế sâu rộng.
- Khi có thiên tai, dịch bệnh, lũ lụt người dân trong cả nước ủng hộ, quyên góp sức người sức của khôi phục cuộc sống người dân trong cả nước. Dẫn chứng.
- Đảng và nhân dân cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết, ngăn chặn các thế lực thù địch chống phá, bảo vệ độc lập chủ quyền biển đảo quê hương. Dẫn chứng.
3. Ý nghĩa, sức mạnh, vai trò của tinh thần đoàn kết trong cuộc sống
- Đoàn kết không chỉ là tập hợp lực lượng thành một khối thống nhất mà phải thống nhất về tư tưởng, hành động, mục tiêu cụ thể.
- Đoàn kết là các thành viên phải tương trợ, giúp sức lẫn nhau cùng nhau giải quyết các khó khăn, thử thách để đi đến thành công.
- Đoàn kết là sức mạnh to lớn, chất keo gắn kết con người tạo nên sức mạnh vượt trội.
- Tinh thần đoàn kết giúp cho con người cảm thấy bản thân mình không bị lạc lõng, luôn có động lực để phấn đấu tới những điều tốt đẹp hơn.
- Tinh thần đoàn kết giống như một tấm lá chắn lớn giúp con người vững bước vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống.
4. Bài học nhận thức và hành động
- Làm sao có được sự đoàn kết?
+ Mỗi cá nhân nên đặt lợi ích chung hàng đầu, phấn đấu cống hiến hết mình vì tổ chức.
+ Hiểu rõ sức mạnh đoàn kết và cố gắng phát huy tinh thần đó trong tổ chức, tập thể.
- Lên án người không có sự đoàn kết:
+ Phê phán các cá nhân sống ích kỉ, hẹp hòi, chỉ nghĩ cho bản thân mình, tự tách mình khỏi xã hội.
+ Phê phán những kẻ âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc với mục đích xấu, trục lợi cho cá nhân.
III. Kết đoạn
Khẳng định lại vấn đề nghị luận.
Câu 2:
Cách giải
1. Mở bài
- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Thành Long và tác phẩm " Lặng lẽ Sa Pa"
- Giới thiệu về nhân vật anh thanh niên - một người thanh niên trẻ hội tụ đầy đủ những phẩm chất đáng quý.
2. Thân bài
a. Hoàn cảnh sống và làm việc của anh thanh niên
- Anh thanh niên là một người thanh niên trẻ mang trong mình nhiệt huyết và khao khát muốn cống hiến.
- Anh làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 m
- Công việc của anh: đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dựa vào công việc dự báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất và chiến đấu
- Công việc đòi hỏi tỉ mỉ, chính xác cũng như tinh thần trách nhiệm cao
- Tất cả mọi gian khổ anh đều cố gắng vượt qua ngoại trừ nỗi cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng chỉ sống trên đỉnh núi một mình là anh chưa thể nào thích nghi được.
b. Anh thanh niên là một người yêu nghề, yêu lao động, luôn có trách nhiệm và hết lòng vì công việc
- Làm việc một mình, không có ai dám sát nhưng anh đã hoàn thành công việc một cách xuất sắc
- Hơn nữa anh không quản ngại gian khổ , 1 giờ đêm ra đo đạc kết quả và gửi báo về cơ quan.
- Anh quan niệm : " khi ta làm việc , ta với công việc là đôi sao gọi là một mình được. Huống chi , công việc của cháu gian khổ là vậy chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất."
c. Anh thanh niên là một người có lí tưởng sống cao đẹp
- Anh luôn suy nghĩ : " Mình sinh ra làm gì ? Mình đẻ ở đâu ? Mình vì ai làm việc"
d. Anh thanh niên là một người hiếu khách và mến mộ con người
- Anh tặng hoa và trứng cho cô kĩ sư
- Anh tặng củ tam thất cho vợ của bác lái xe bị đau chân
- Khi khách đến nhà , anh mời nước và trà chu đáo
e. Tình cảm của tác giả
- Qua nhân vật anh thanh niên, tác giả muốn gửi gắm tình cảm yêu mến, trân trọng và ngợi ca tới những người lao động chân chính, đang ngày ngày thầm lặng cống hiến cho đất nước
- Tác giả cũng thể hiện niềm tẹ hào và tình yêu nước qua việc đặt cái tên chung chung "anh thanh niên" ngầm khẳng định rằng trên khắp đất nước này có rất nhiều người lao động đáng trân quý như thế.
3. Kết bài
- Khẳng định những phẩm chất cao đẹp của nhân vật anh thanh niên.
- Liên hệ với bản thân và rút ra bài học về sự cống hiến cho đất nước.
Câu 1:
Cách giải:
1. Mở bài:
- Khát quát dẫn dắt vào đề
- Nêu nhận định: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hát cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”
- Khẳng định sự lựa chọn của bản thân:
(Học sinh có thể lựa chọn bất kì quan điểm nào, lý giải)
Gợi ý: Chọ cách để lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác.
2. Thân bài:
a. Giải thích:
- Tan biến như hạt cát: Là cách sống bình thường đến mức mờ nhạt, không đặc biệt.
- Để lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác: Giá trị con người được khẳng định, mang dấu ấn riêng của bản thân, không bị hòa lẫn, đánh mất mình.
=> Lựa chọn để lại dấu ấn nghĩa là lựa chọn sống là chính mình, biết điểm mạnh, điểm yếu, biết khẳng định bản thân mình tạo nên giá trị không bị hòa lẫn.
b. Chứng minh:
- Mỗi người sinh ra đều có một giá trị riêng đối với bản thân họ, gia đình và xã hội.
- Thế giới rộng lớn còn con người thì nhỏ bé, nhưng không vô danh tầm thường.
- Bản thân mỗi người phải ý thức được giá trị của mình nằm ở đâu và phát triển nó: tìm ra điểm yếu và khắc phục, tìm ra điểm mạnh để phát triển.
=> Chỉ khi làm được điều đó, mỗi người chúng ta mới có thể để lại những dấu ấn tốt đẹp cho cuộc đời, khiến cho những người biết đến chúng ta phải nhớ đến với lòng yêu thương kính trọng.
(Học sinh chú ý lấy dẫn chứng rõ ràng, thuyết phục, cụ thể và gần gũi).
c. Bàn luận:
- Cần phân biệt rõ ràng giữa việc để lại dấu ấn và những việc làm lập dị, chơi chội, tiêu cực.
- Dám nghĩ, dám làm. Khao khát khẳng định luôn phải đi kèm với hành động để chứng tỏ sự khẳng định bản thân ấy.
Câu 2:
Cách giải:
1. Mở bài
- Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu nhận định cần chứng minh: Chất hiện thực trong thơ Hữu Thỉnh kết hợp làm một với chất trữ tình. Đằng sau cách kể tả của ông là cảm xúc của con tim lúc trầm tư, khi rộn rã. Và nhất là những ý tưởng triết luận bất ngờ với “hàng cây đứng tuổi” trước cuộc sống non tơ.
2. Thân bài
a. Giải thích ý kiến
- Chất hiện thực trong thơ Hữu Thỉnh kết hợp làm một với chất trữ tình:
+ Chất hiện thực: hiện thực đời sống được phản ánh trong tác phẩm văn học.
=> Bức tranh mùa thu đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam được nhà thơ miêu tả trong tác phẩm.
+ Chất trữ tình: vẻ đẹp của tư tưởng, tình cảm, cảm xúc được người nghệ sĩ thể hiện trong tác phẩm.
=> Bài thơ “Sang thu”có sự hòa quyện của chất hiện thực và chất trữ tình, góp phần thể hiện những cảm xúc tinh tế, nhạy cảm của Hữu Thỉnh trước khoảnh khắc giao mùa từ cuối hạ sang thu.
- Những ý tưởng triết luận bất ngờ với “hàng cây đứng tuổi” trước cuộc sống non tơ:
+ Triết: triết lí; luận: luận bàn.
+ Triết luận: những triết lí, chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về con người, cuộc đời.
=> Hình ảnh “hàng cây đứng tuổi” là chiếc chìa khóa quan trọng, giúp người đọc khám phá và hiểu sâu hơn về tính tư tưởng, chủ đề của bài thơ.
b. Chứng minh
* Chất hiện thực trong thơ Hữu Thỉnh kết hợp làm một với chất trữ tình. Đằng sau cách kể tả của ông là cảm xúc của con tim lúc trầm tư, khi rộn rã:
- Bài thơ được viết vào năm 1977, khi tác giả tham gia trại viết văn quân đội ở một làng ngoại ô Hà Nội. Trong cái mơ hồ phảng phất của gió thu, lá thu, nhà thơ chợt nhận ra mùi thơm nồng nàn, sánh quyện của hương ổi; những chuyển mình của vạn vật trong khoảnh khắc giao mùa từ cuối hạ sang thu. Bởi vậy, xuyên suốt bài thơ chỉ có một dấu chấm khiến bài thơ như một câu chuyện nhỏ, một lời tự bạch của người chiến sĩ cụ Hồ về con người, cuộc đời.
- Cảnh sắc thiên nhiên mùa thu:
+ Hương ổi: nồng nàn, sánh quyện trong không gian.
+ Làn gió se mang hương ổi chín phả vào không gian cho ta cảm nhận một nét thu đẹp, dân dã và dịu ngọt ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.
+ Làn sương được nhân hóa qua từ láy “chùng chình” cũng như có tâm trạng: lưu luyến, vương vấn mùa hạ.
+ Nghệ thuật nhân hóa kết hợp với từ láy “dềnh dàng” đã gợi hình ảnh những con sông mùa thu nước chảy lững lờ, khoan thai, êm ả ngỡ như đang muốn nghỉ ngơi sau mùa mưa lũ. Trái ngược với sông là bầy chim, chim bắt đầu vội vã – nhân hóa – vì khi thu sang trời mau tối nên những đàn chim sẽ phải vội vã mau mau bay về tổ ấm, cũng có thể hiểu khí thu se lạnh, đàn chim phải vội vã bay về phương Nam tránh rét.
+ Nghệ thuật nhân hóa cùng với sự liên tưởng độc đáo gợi hình dung về đám mây mỏng như dải lụa vắt ngang trời, ranh giới nửa như nghiêng về mùa hạ, nửa như nghiêng về mùa thu.
+ Thu sang nắng vẫn còn nhiều song đã bớt đi cái oi nồng, gay gắt của mùa hạ. Những cơn mưa cũng ít dần đi cũng không còn những cơn mưa rào ào ạt của mùa hạ.
- Cảm xúc của nhà thơ đi từ ngỡ ngàng, bất giác khi nhận ra những tín hiệu giao mùa (khổ 1) cho đến sự đắm say, ngây ngất trước vẻ đẹp mùa thu (khổ 2) và lắng đọng trong những suy tư sâu sắc (khổ 3).
* Những ý tưởng triết luận bất ngờ với “hàng cây đứng tuổi” trước cuộc sống non tơ:
- Hình ảnh “hàng cây đứng tuổi” cuối bài gửi gắm những triết lí, chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về con người, cuộc đời:
+ Hàng cây đã lớn, đã trải qua bao mùa thay lá sẽ vững vàng hơn trước những tiếng sấm bất ngờ.
+ Như những người từng trải, họ sẽ vững vàng hơn trước những tác động, những sóng gió của cuộc đời.
=> Thiên nhiên sang thu, đời người cũng sang thu. Đây là lúc con người nhìn lại những gì đã qua, có những cái làm được, những cái còn dở dang, những ước mơ đã trở thành hiện thực, có những ước mơ mãi mãi chỉ là ước mơ…
- Hình ảnh thơ còn gửi gắm niềm tin của nhà thơ vào tương lai của đất nước: Đất nước khi đã trải qua những cuộc chiến thì nay đã sẵn sàng để bước vào công cuộc đổi mới, xây dựng cuộc sống mới sau chiến tranh.
3. Kết bài:
- Khẳng định ý kiến đưa ra là một ý kiến đúng đắn, khơi mở con đường tiếp cận tác phẩm.
- Khẳng định tài năng của nhà thơ Hữu Thỉnh qua bài thơ.
Mời các bạn xem và tải về các bộ đề thi vào lớp 10 của tỉnh Lào Cai các môn khác:
Ngoài tuyển tập đề thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn năm 2021 của Lào Cai, các bạn còn có thể tham khảo thêm hướng dẫn giải các đề thi vào 10 môn tiếng Anh, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa… cùng các môn học khác đã được cập nhật tại chuyên trang của chúng tôi.
►►CLICK NGAY vào nút TẢI VỀ dưới đây để tải về Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn tỉnh Lào Cai năm 2021, hỗ trợ tải file Word, pdf hoàn toàn miễn phí!